. NGUYỄN HÀ THANH
Lý luận văn học trong thời toàn cầu hóa quan niệm tác phẩm văn chương cũng là một đối thoại văn hóa. Thực ra, xét về bản chất, viết là một hành vi đối thoại, ít nhất là với bản thân mình. Trường hợp này có thể gọi là độc thoại thể hiện rõ trong thể nhật ký. Rộng hơn, tác phẩm đối thoại với bạn đọc về vấn đề đặt ra. Tầm đối thoại là thước đo tầm cỡ tác giả và giá trị tác phẩm. Trong đối thoại luôn có các thành tố: mục đích đối thoại, phương pháp đối thoại, hành vi/ngôn ngữ đối thoại, nội dung đối thoại. Trước đây người ta chú ý nhiều đến tình huống, cốt truyện, kết cấu, nhân vật, nhưng đúng với bản chất đối thoại, trọng tâm chú thời 4.0 này chuyển sang ngôn ngữ. Hầu như công trình nghiên cứu nào ít nhiều cũng hướng vấn đề đến ngôn ngữ. Điều này lại thể hiện rõ trong văn chương Hồ Chí Minh với mục đích rõ ràng là vì hòa bình.
Bản chất của các cuộc xâm lược mà kẻ thù gây ra ở đất nước ta là ăn cướp, là cướp nước, đã là một mâu thuẫn ngược đời. Thứ nhất, hành vi xâm lược là một hành vi phản văn minh, phản tiến bộ, nó can thiệp bằng vũ lực để bắt một dân tộc khác phải tuân theo ý đồ của kẻ xâm lược, như vậy là vi phạm trắng trợn quyền sống, quyền tự quyết của con người cũng như của cả một dân tộc. Thứ hai, cả thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam nhưng lại nguỵ dưới chiêu bài “khai hoá”, “văn minh”, “bảo hộ”, “chống chế độ cộng sản”…, thực ra là bóc lột, vơ vét tài nguyên, và họ đã phạm tội chống lại loài người khi thẳng tay đàn áp, bắn giết dân thường vô tội. Rõ ràng đó là những hành động đáng lên án, tố cáo trước nhân dân thế giới. Với tấm lòng yêu nước thương dân vô hạn, sự căm thù cháy bỏng những kẻ chà đạp lên đất nước mình, nhà yêu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, với sứ mệnh lịch sử đã thay mặt đồng bào mình lên tiếng phanh phui, lột trần, đả kích dã tâm độc ác của kẻ thù. Tiếng nói của Người là tiếng nói của chân lý lịch sử đồng thời cũng là tiếng nói của nghệ thuật, một nghệ thuật đối thoại vì hòa bình.
Kẻ cướp, kẻ đi xâm lược thường đeo cái mặt nạ đạo đức giả là “khai hóa”, “giúp đỡ”...để che giấu bản chất ăn cướp và giết người. Xin trích dẫn một câu hỏi của nhà báo W. Bơcsét và câu trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Hỏi: Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Đin Raxcơ đã nhiều lần tuyên bố là cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam là do một “sự xâm lược” hoặc “can thiệp” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đin Raxcơ cũng nói rằng “mọi việc sẽ ổn thoả” nếu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tôn trọng Hiệp định Giơnevơ năm 1954. Ý kiến của Chủ tịch về vấn đề này như thế nào?
Trả lời: Tất cả những lời tuyên bố của giới cầm quyền Mỹ về cái gọi là “sự xâm lược” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vào miền Nam Việt Nam đều hoàn toàn là bịa đặt. Trái lại, toàn thế giới đều thấy rõ chính đế quốc Mỹ là kẻ xâm lược. Đế quốc Mỹ đã đưa vào miền Nam Việt Nam hàng vạn binh sĩ Mỹ, hàng chục vạn tấn vũ khí tối tân, hàng nghìn máy bay, xe tăng, hàng trăm tấn bom napan và thuốc độc để giết hại đồng bào miền Nam chúng tôi. Chính đế quốc Mỹ và tay sai đã nhiều lần phái bọn biệt kích gián điệp ra hòng phá hoại miền Bắc chúng tôi.
Còn về chuyện “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không tôn trọng Hiệp định Giơnevơ” thì thật là đổi trắng thay đen nếu không muốn nói là ông Đin Raxcơ đã bịa đặt. Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơnevơ từ ngày ký kết cho đến nay. Trái lại, Mỹ đã không tôn trọng Hiệp định Giơnevơ và ngay từ lúc chữ ký chưa ráo mực đã tích cực hành động phá hoại Hiệp định ấy. Nguyên nhân chủ yếu của cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam ngày nay là do Mỹ đã vi phạm Hiệp định Giơnevơ một cách có hệ thống, đã ngăn cản việc tiến hành cuộc tổng tuyển cử trong cả nước vào tháng 7 năm 1956, phá hoại công cuộc hoà bình thống nhất đất nước chúng tôi. Mỹ đã đem một lực lượng quân sự hùng mạnh và dùng bọn bù nhìn tiến công vào nhân dân miền Nam Việt Nam không có vũ trang. Đó là những sự việc rõ rệt mà ông Đin Raxcơ không thể chối cãi. Đó là những nguyên nhân thực sự của tình hình gay go hiện nay ở miền Nam Việt Nam. Nếu Chính phủ Mỹ đã tôn trọng điều cam kết của mình là sẽ không “dùng sức mạnh hay đe doạ dùng sức mạnh” thì đã không có chiến tranh ở miền Nam Việt Nam”. Câu hỏi nhắc lại ý của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ vu cáo miền Bắc “xâm lược” miền Nam và câu trả lời hoàn toàn bác bỏ luận điệu vu cáo tráo trở, bịa đặt của đế quốc Mỹ qua nghệ thuật tương phản: “chính đế quốc Mỹ là kẻ xâm lược” mà lại dám trắng trợn nói ngược lại. Tác giả đưa ra hàng loạt các tương phản làm bằng chứng, sự tương phản giữa kẻ đi xâm lược với “hàng vạn binh sĩ Mỹ, hàng chục vạn tấn vũ khí tối tân, hàng nghìn máy bay, xe tăng, hàng trăm tấn bom napan và thuốc độc”. “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơnevơ”, trái lại “Mỹ đã vi phạm Hiệp định Giơnevơ một cách có hệ thống” …Đúng là chỉ có đế quốc Mỹ mới dám “đổi trắng thay đen” bịa đặt như vậy.
“Về chính trị, cần phải vạch rõ mưu mô xỏ lá của đại bợm Giôn. Càng thua, Giôn càng giãy giụa, càng đẩy mạnh chiến tranh miền Nam, càng rêu rao cái món hoà bình giả dối. Từ tháng 4 năm 1965, y đưa ra cái gọi là “đàm phán không điều kiện” hòng bịp thiên hạ. Đồng thời y lặng lẽ từng đợt, từng đợt phái thêm nhiều lính Mỹ sang miền Nam.
Đến 28-7, Giôn định phái thêm 5 vạn lính Mỹ nữa. Việc này càng bộc lộ Mỹ đang thất bại. Lần này, y càng làm ra vẻ giương cao hơn nữa ngọn cờ hoà bình. Ví dụ:
Hiệp định Giơnevơ năm 1954 đã ghi rõ: cấm nước ngoài đưa quân đội vào Việt Nam và lập căn cứ quân sự trên đất Việt Nam... Hiệp định đã quy định 20 tháng 7 năm 1956, Việt Nam sẽ có tổng tuyển cử tự do để thống nhất. Chính đế quốc Mỹ là kẻ thủ phạm đã phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Thế mà bợm Giôn dám ba hoa rằng y là kẻ bảo vệ Hiệp định Giơnevơ và tán thành Việt Nam có tổng tuyển cử.
Để thêm dấm ớt vào món lừa bịp đó, y còn yêu cầu Liên hợp quốc hoạt động để “đưa đến một nền hoà bình trong danh dự”. Một loạt tương phản, tương phản về tư cách giữa vị thế Tổng thống một cường quốc và tư cách hèn mạt của một “đại bợm Giôn”; giữa “mưu mô xỏ lá” trong ý đồ xâm lược cùng các hành động “phá hoại Hiệp định Giơnevơ” như “lặng lẽ từng đợt, từng đợt phái thêm nhiều lính Mỹ sang miền Nam” và hành động giả dối bên ngoài: “càng làm ra vẻ giương cao hơn nữa ngọn cờ hoà bình” và “ba hoa rằng y là kẻ bảo vệ Hiệp định Giơnevơ”, không những thế “còn yêu cầu Liên hợp quốc hoạt động để “đưa đến một nền hoà bình trong danh dự”. Tương phản trên thực tế: “Càng thua, Giôn càng giãy giụa, càng đẩy mạnh chiến tranh miền Nam, càng rêu rao cái món hoà bình giả dối”. Những tương phản ấy đã làm bật ra ý đồ và hành động xâm lược. Đế quốc Mỹ ăn cướp nhưng lại núp dưới chiêu bài hoà bình, mà ví dụ dưới đây cũng là một minh hoạ: “Tổng Giôn yêu chuộng “hoà bình”. Tối nào y cũng đọc kinh cầu nguyện cho hoà bình. Nhưng đọc kinh xong, y liền trắng trợn tuyên bố: “Mỹ quyết không rời khỏi Nam Việt Nam” (tháng 4-1965); “Mỹ quyết theo đuổi những cố gắng chiến tranh ở Nam Việt Nam. Cần thêm bao nhiêu lính Mỹ, sẽ có bấy nhiêu” (8-12-1965).
Những tên tai to mặt lớn trong Chính phủ Mỹ đều nói theo kiểu đó”. Những tương phản giữa hành động và lời nói không chỉ của tổng Giôn mà còn của cả bè lũ đế quốc Mỹ đã tự vạch trần bản chất của kẻ xâm lược lừa bịp, giả dối, trắng trợn!
Chiến tranh là sự tương phản giữa một bên là kẻ xâm lược và một bên là dân tộc bị xâm lược anh dũng đứng lên chống trả kẻ thù thì càng là sự tương phản triệt để, gay gắt: “Các bạn đều biết, không hề có người Việt Nam nào đến khuấy rối ở nước Mỹ. Vậy mà có nửa triệu quân Mỹ đến miền Nam Việt Nam, cùng với hơn 70 vạn quân nguỵ và quân chư hầu, hằng ngày bắn giết người Việt Nam, đốt phá thành phố và xóm làng Việt Nam”. Đây là một đoạn trong Điện gửi các bạn người Mỹ nhân dịp năm mới 1968, tác giả ký tên Hồ Chí Minh. Tác giả chỉ nói lên một sự thật hiển nhiên, rất giản dị nhưng lại gợi vô cùng về một chân lý: Tại sao đế quốc Mỹ lại đi xâm lược, giết người, đốt phá… Đấy chính là bản chất của chủ nghĩa đế quốc!
Đây là bài học cho đối thoại hôm nay trong quan hệ quốc tế, nhất là với những kẻ bên ngoài thì giả nhân giả nghĩa nhưng bên trong lại là “đựng bồ dao găm”:
Một là, phải thật hiểu dã tâm kẻ thù, hiểu động cơ, âm mưu, ý đồ thâm hiểm của họ.
Hai là, luôn tựa vào một điểm chắc chắn là chân lý về sự thật và công lý về chính nghĩa.
Ba là, không thể nhân nhượng, lùi bước trước bất cứ một sự “đối thoại” “đe dọa” hay “vuốt ve” nào!
N.H.T
VNQD