. ĐỖ THU THỦY
Nhà văn Giả Bình Ao quê ở Thiểm Tây, sinh năm 1953, được báo chí gọi là “Văn đàn quái tài”. Ông là một trong số những nhà văn viết nhiều và ăn khách hàng đầu ở Trung Quốc. Tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng và được đánh giá là những cuốn sách bán chạy nhất trên thị trường như: Hoài niệm sói, Phế đô, Cuộc tình... Yếu tố kì ảo là nhân tố quan trọng góp phần tạo nên thành công trong tiểu thuyết của Giả Bình Ao.
1. Cốt truyện “liêu trai”
Kế thừa kiểu kết cấu cốt truyện như Liêu trai chí dị, văn học Trung Quốc đã hình thành nên dòng văn học có kiểu cốt truyện theo truyền thống “liêu trai”, tiểu thuyết của Giả Bình Ao cũng có những tác phẩm được xây dựng cốt truyện theo lối đó. Nhiều tác phẩm của ông mang đậm tính kì ảo, sử dụng motif “nhân vật nòng cốt”. Hoài niệm sói là một trong những tác phẩm điển hình với cách xây dựng cốt truyện kì ảo với nhiều chi tiết hoang đường như sử dụng phép thuật bùa chú hay người chết thì linh hồn hóa kiếp….
Trong tiểu thuyết của Giả Bình Ao, chúng ta còn gặp cách xây dựng cốt truyện mê lộ đặc trưng cho văn học hiện thực huyền ảo, loại cốt truyện đả phá mọi cốt truyện tuyến tính truyền thống, tạo nên sự hỗn độn của các chi tiết sự kiện. Điều này được tác giả thể hiện khá rõ trong Hoài niệm sói. Từ chuyện nhà báo Tử Minh cùng Phó Sơn đi chụp hình 15 con sói còn lại của Thương Châu, tác giả đã lồng vào rất nhiều câu chuyện khác. Đó là câu chuyện về việc sói tàn phá cả một vùng huyện Trấn An, là câu chuyện về gia đình họ Phó, chuyện về những thành viên trong đội săn bắt sói… Kiểu kết cấu lồng ghép ấy đã tạo được một thế giới nhiều màu sắc, lãng đãng khói sương, kì ảo trong tác phẩm.
Một đặc trưng nữa trong cốt truyện kì ảo mà Giả Bình Ao hay sử dụng là việc sắp xếp nhiều yếu tố thực tại một cách phi logic, phi lí. Chẳng hạn, việc tác giả xây dựng hình ảnh những người đến từ Trấn An trong Hoài niệm sói giống như hình dáng của loài sói. Nếu suy luận theo logic thì quả thực là phi lí, nhưng đặt trong tương quan của sự kiện thì lại hoàn toàn có lí. Do họ đã bao quát đời sống chung của loài sói nên điều đó hiện lên khuôn mặt và hình dáng của họ.
Để tạo nên cốt truyện kì ảo đó, tiểu thuyết Giả Bình Ao sử dụng nhiều motif quan trọng như: motif giấc mơ, motif biến dạng - hóa thân, motif cái chết… Người đọc bắt gặp trong Phế đô, Hoài niệm sói… những giấc mơ là biểu hiện rõ nhất của ẩn ức, vô thức của con người. Chúng không đơn thuần là giấc mơ mà đa phần như những lời tiên tri, những ám ảnh, kỉ niệm, day dứt. Mặt khác, giấc mơ cũng thể hiện thế giới nội tâm của nhân vật. Giấc mơ còn tạo nên một không gian mới của thế giới kì ảo - không gian mộng ảo, mở rộng thêm trường hoạt động của nhân vật, đem lại cái kì ảo trong cốt truyện khiến cho tình tiết của câu chuyện được triển khai một cách kì thú và hấp dẫn hơn.
Hình ảnh thú đội lốt người xuất hiện khá nhiều trong tiểu thuyết của Giả Bình Ao. Đó là sự hóa kiếp thành con bướm đỏ của bà Phó Sơn, hay việc xuất hiện “đám mây đen” khi sắp có chuyện chẳng lành xảy ra... Trong Hoài niệm sói, motif biến dạng nổi bật nhất là người hóa sói và sói hóa người. Xây dựng hai chiều sự biến dạng ấy, tác giả cho thấy sự bình đẳng trong sinh tồn của tạo vật và cảnh báo nguy cơ thoái hóa giống nòi của con người. Khác với thần thoại, nó cho thấy sự tự chịu trách nhiệm của con người trước những lỗi lầm mà mình gây ra. Sự biến dạng người - sói là biểu tượng cho nguy cơ đánh mất chính mình, nguy cơ tha hóa. Quan trọng hơn cả là nguy cơ chết đi bản chất con người thời hiện đại. Điều này chúng ta có thể liên hệ đến những con người tha hóa của Franz Kafka ở chi tiết người hóa côn trùng trong motif hóa thân. Với tinh thần ấy, có thể thấy tính nhân loại phổ quát trong tiểu thuyết của Giả Bình Ao ở cấp độ tư duy và cấp độ hình tượng.
2. Nhân vật kì ảo
Nhân vật kì ảo trong tiểu thuyết của Giả Bình Ao xuất hiện đa dạng, tồn tại dưới nhiều hình thức như hình tượng sói (Hoài niệm sói), chó biết nói (Cuộc tình), ông già bà già với những lời tiên tri (Phế đô)... hay cả nhân vật chính như Hồ Phương (Cuộc tình) cũng là một nhân vật nửa thực nửa hư. Như vậy, nhân vật hư ảo trong tiểu thuyết của Giả Bình Ao không đơn thuần là những kẻ kì quái, đáng sợ mà có khi còn là chính con người thực sự bình thường trong cuộc sống nhưng được miêu tả qua lăng kính kì ảo.
Trong Hoài niệm sói, nhân vật sói đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Kể chuyện về những con sói, Giả Bình Ao kể xen lẫn những câu chuyện vừa thực vừa hư khiến nhân vật sói hiện lên đầy màu sắc huyền thoại. Giả Bình Ao đã thành công khi nhân hóa hình tượng sói, mà trên hết là tình cảm gia đình đồng loại - thứ tình cảm mà những con người như Vưu Văn, Quách Tài không bao giờ có được. Một ẩn dụ nghệ thuật giàu ý nghĩa.
Trong Cuộc tình, người đọc bắt gặp những con vật biết ăn nói và có cảm xúc như con người. Các nhân vật chó Hồ Tử, lừa Thúy Anh... đều xuất hiện bằng những hình dáng độc đáo, không dễ lẫn lộn vào nhau, không thể gây nhầm lẫn. Bằng kĩ thuật miêu tả ngoại hình, tính cách và với việc khoác cho chúng những chiếc áo kì ảo, tác giả đã vẽ ra trước mắt người đọc một thế giới loài vật để chuyển tải thông điệp: Con người cần có tình yêu, hạnh phúc thì con vật cũng vậy, chúng có đủ mọi cung bậc cảm xúc như con người, cũng khát khao yêu và được yêu.
Với bút pháp vừa uyên bác vừa giàu tính phóng tác, tưởng tượng, hư cấu, Giả Bình Ao đã tạo nên một thế giới người - vật kì ảo để gửi gắm nhiều tư tưởng, quan niệm sâu sắc. Suy cho cùng, động cơ sáng tác truyện là thoát li ra khỏi cuộc sống thực tế để chìm vào chốn mộng ảo. Truyện cổ tích kì ảo ở đây đã trở thành sản phẩm sáng tạo với tiêu chí “trong ảo có lí, trong kì có tình”. Không chỉ hình tượng sói mà còn rất nhiều nhân vật khác trong tác phẩm như nhân vật Phó Sơn, vị đạo sĩ ở đền Đá Đỏ, người phụ nữ họ Kim, con khỉ lông vàng hay Hồ Phương (Cuộc tình), ông bà già tiên tri… đều là những nhân vật được huyền thoại hóa thông qua các yếu tố kì ảo.
3. Không gian, thời gian kì ảo
Tiểu thuyết của Giả Bình Ao luôn được sử dụng yếu tố huyền thoại để tạo ra một sự hấp dẫn, đồng thời tạo hiệu quả nghệ thuật cao nhất cho tác phẩm, bởi vì thông qua không gian - thời gian huyền thoại, kì ảo, con người thể hiện được những khát khao, mong ước của bản thân. Đây chính là tiềm thức trong mỗi người.
Giấc mơ là biểu hiện của những rung động và những dục vọng vô thức. Trong hiện thực cuộc sống, khi ham muốn của những con người không được đáp ứng, nó tạo sự ức chế thần kinh. Cái kì ảo trong tiểu thuyết của Giả Bình Ao không chừng mực như một thủ pháp mà trở thành một nhãn quan nhuần nhị bao trùm. Nhân vật của ông tự do đi - về, hành động trong những không gian giấc mơ mà lí trí cùng những logic vật chất không thể can thiệp, lí giải. Bước chân vào ranh giới của tiềm thức, vô thức sâu kín (với phương Đông là khái niệm tâm linh) cũng đồng nghĩa với trở về ngọn nguồn, điểm xuất phát của cái đã có và sẽ được phóng chiếu thành toàn bộ “thế giới quan” bao quanh con người. Sự hủy diệt, cái chết, cái phi lí của tồn tại…, những vấn đề thực tiễn làm đau đầu các nhà tư tưởng qua các thời kì, thật giản dị lại xuất phát từ bản thể tâm linh sâu thẳm từ chính con người. Giả Bình Ao đã miêu tả trong tác phẩm không gian tâm linh - thế giới của những giấc mơ và tưởng tượng không biên giới; không gian thực - ảo đan xen, không gian rộng - hẹp tương phối. Chúng kết hợp với nhau tạo thành mê cung trong tiểu thuyết. Các nhân vật luôn di chuyển từ không gian thực sang không gian ảo, từ lúc tỉnh sang lúc mơ.
Đôi khi những nhân vật trong tiểu thuyết của Giả Bình Ao bị giằng co trong cảm giác lấp lửng không biết mình đang ở đâu trong thế giới thực - ảo lẫn lộn này. Không gian trong tiểu thuyết Giả Bình Ao là nơi con người bỏ quên bản thể giữa một không gian vô định, thời gian vô hướng, nơi các huyền thoại giá trị bị lật đổ và niềm tin không còn khả năng cứu rỗi linh hồn. Những yếu tố huyền ảo được nhà văn sử dụng như một dạng thức nghệ thuật để chuyển tải thông tin và lí giải những ẩn ức của đời thường. Trong giấc mơ của nhân vật, những không gian huyền ảo hiện ra dưới nhiều màu sắc khác nhau. Đó thường là những nơi xa lạ, khó xác định, huyễn hoặc, đầy tính ngẫu hứng, là đảo vắng, sa mạc hoang vu, là những nơi mà nhân vật không biết đó là thiên đường hay địa ngục.
Song song với không gian, thời gian huyền thoại là khoảng thời gian mà nó không hiện lên một cách chính xác và không thể xác định được danh tính của nó. Văn chương của Giả Bình Ao là lối văn chương đầy ẩn dụ, vì vậy thời gian huyền thoại trong tiểu thuyết cũng đồng nghĩa với sự ẩn dụ ấy. Đó là khoảng thời gian của ảo mộng, hư vô; đó cũng chính là ranh giới giữa thực và ảo. Để định hình về nó là một điều không hề dễ vì có khi nhân vật đang hiện hữu ở hiện tại nhưng thoáng chốc đã vào quá khứ xa xăm. Giả Bình Ao rất tinh tế khi xây dựng thời gian huyền thoại rất phong phú, ảo và thực luôn đan cài làm nên nét đặc sắc riêng cho dòng thời gian trong nhiều tác phẩm của ông. Đó không chỉ là dòng thời gian kì ảo về cuộc đời của nhân vật mà còn là dòng thời gian của xã hội đương đại Trung Quốc. Thời gian trong tác phẩm luôn thay đổi để phù hợp với không gian và tâm trạng của nhân vật. Trong Phế đô, thời gian huyền ảo không chỉ dừng lại ở đó mà còn là sự xuất hiện của con chim bồ câu đưa thư. Hành trình của chim bồ câu như con ong cần mẫn hút mật và đó là chuỗi bí ẩn ở phía trước. Nó mở ra một thế giới khác lạ với thế giới thực tại: thế giới hư vô huyền ảo. Thời gian con chim bồ câu đi đưa thư là những kiểu thời gian quyết định và chờ đợi. Nó trở thành biểu tượng cho sự thức tỉnh những cảm xúc mãnh liệt và sự trưởng thành trong bản ngã của con người ở đời sống hiện tại. Giả Bình Ao đã đưa người đọc đến với thế giới cực kì phức tạp và lạ lùng giữa thực và ảo, quá khứ - hiện tại đan quấn vào nhau, nơi mà những giá trị tưởng như hiển nhiên của cuộc sống đương đại được vọng đến tựa tiếng ồn từ mặt đất đến đáy giếng cạn, hay khúc xạ như ánh mặt trời buổi trưa chiếu qua khe hẹp ở miệng giếng trên sa mạc. Chính thời gian huyền ảo góp phần tô sắc cho tác phẩm Phế đô. Đó là một thời gian mơ hồ, như có một lực lượng siêu nhiên nào đó nắm giữ mà họ sẽ cho nó tan vào không gian cuộc sống của nhân vật khi cần thiết.
Trong các tác phẩm mang đặc trưng của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, thời gian huyền thoại hoàn toàn làm nhòe mờ đường viền lịch sử của nhân vật. Thời gian nghệ thuật của Hoài niệm sói cũng mang những đặc trưng ấy. Có thể thấy tốc độ kể chuyện trong Hoài niệm sói là tương đối chậm, tạo ra nhịp kể phù hợp cho miền quá khứ, hồi tưởng đằng đẵng, với những hồi cố, trăn trở, nghĩ suy. Hoài niệm sói mang tính chất phi thời gian. Đó chính là cách thức Giả Bình Ao làm cho câu chuyện hiện thực bị tách rời bối cảnh lịch sử, bối cảnh xã hội của nó; màu sắc bàng bạc trải lên thời gian của hiện thực qua sự tái hiện thời gian, có những đoạn ngưng đọng của hồi ức, trữ tình ngoại đề... khiến người đọc khó nắm bắt do thời gian đã được mờ hóa. Đó là sự không bền vững về tốc độ trần thuật, được tác giả xây dựng qua mối quan hệ giữa thời gian sự kiện với độ dài văn bản của sự kiện trong tác phẩm. Mở đầu tác phẩm là câu chuyện về họa sói và loạn thổ phỉ Bạch Lãng cũng như hậu quả của nó chỉ được tác giả kể lại trong hơn 20 trang. Đó là sự dồn nén, cô kết thời gian làm cho câu chuyện thêm phần hư ảo, nhuốm màu sắc huyền thoại. Mặt khác, hành trình đi chụp hình cho 15 con sói chỉ diễn ra trong hơn 20 ngày lại được kể qua hơn 300 trang sách với những kết cấu thời gian đan cài lẫn nhau. Đây là sự kéo giãn thời gian làm cho câu chuyện thêm phần sinh động, vừa thực vừa hư.
Khảo sát tiểu thuyết của Giả Bình Ao, thấy tác giả đã sáng tạo ra một thế giới nghệ thuật riêng, một quan niệm thẩm mĩ mang đậm dấu ấn cá nhân và tinh thần nhân văn cao cả về con người, cuộc sống. Thông qua thế giới nhân vật kì ảo trong tiểu thuyết của Giả Bình Ao, người đọc thấy rõ những vấn đề mà tác giả đặt ra cho con người hiện đại là mang tính thời sự cấp thiết. Đó là sự tha hóa, nỗi cô đơn và nỗi sợ hãi, hoang mang. Đó cũng chính là cảm quan của Giả Bình Ao về hiện thực, của con người hiện đại về thế giới và số phận của mình.
Đ.T.T
VNQD