. TÂM ANH
Ngôi mộ là một trong những biểu tượng quen thuộc của thơ ca Việt Nam, gợi nên những xa xót, thương cảm cho người nằm xuống. Trải qua mấy thập kỉ chiến tranh, hàng vạn người lính đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì bình yên của cuộc sống hôm nay. Sự hi sinh của các anh là nỗi đau thương, mất mát lớn lao không gì bù đắp nổi của dân tộc, của quân đội, của gia đình và người thân. Và như một lẽ tất yếu, hình ảnh ngôi mộ cũng xuất hiện với tần xuất khá dày trong thơ ca Việt Nam hiện đại nói chung, thơ lục bát nói riêng, trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp bất tử của người lính, cho tinh thần đoàn kết đấu tranh giải phóng đất nước của toàn dân tộc.
Có lẽ không một quốc gia nào trên trái đất này mà mộ, nghĩa trang người lính lại nhiều như mảnh đất hình chữ S. Những ngôi mộ, nghĩa trang của người lính trải dài từ Bắc đến Nam, từ rừng xuống biển, từ biên giới đến hải đảo, thậm chí còn nằm nơi đất khách quê người. Nguyễn Công Bình nghẹn ngào khi chứng kiến nấm mộ đồng đội ở cánh đồng Chum nước Lào mối đùn lên làm tổ: Cánh đồng Chum phía ngàn lau/ Mối đùn mộ bạn xây màu cỏ cây (Dấu gậy Trường Sơn). Ở miền biên viễn phía Bắc, Trần Lâm Bình đã viết về cảm xúc của người con khi đứng trước ngôi mộ của người cha - một chiến sĩ biên phòng - giữa chiều đông giá buốt: Cha yên nghỉ giữa đồi cây/ Chạc gầu còn ấm bàn tay cha cầm/ Đông ken giá rét căm căm/ Tuần tra giữa chốt cha nằm gối sương (Thương cha). Ở đầu kia của đất nước, Đàm Chu Văn cũng đến biên giới Tây Nam, viếng những người đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi này: Bao người lính trẻ quê đâu/ Máu xương gửi lại địa đầu Tây Ninh (Viếng bạn ở nghĩa trang biên giới Tây Nam).
Nơi đảo xa, những ngôi “mộ gió” giữa biển khơi mênh mông là nơi yên nghỉ của các chiến sĩ hải quân đã hi sinh anh dũng khi đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo: Ngã vào biển những chiến binh/ Sóng vun thành mộ lặng thinh bao đời/ Trường Sa ơi, Hoàng Sa ơi/ Trong từng thước biển vọng lời cha ông (Lính biển - Nguyễn Hữu Quý).
Đi dọc chiều dài đất nước, theo từng bước quân hành, từng trận đánh, chúng ta lần lượt bắt gặp hình ảnh các nghĩa trang người lính. Nghĩa trang Điện Biên Phủ, nơi chôn cất những người lính đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, nằm âm thầm giữa núi rừng Điện Biên rợp trời hoa ban trắng: Bao nhiêu ngôi mộ không tên/ Âm thầm nằm giữa Điện Biên bây giờ (Đồng đội - Lê Hường). Dải đất miền Trung đầy nắng gió cũng là nơi tập trung nhiều ngôi mộ, nghĩa trang liệt sĩ. Đến Truông Bồn - Nghệ An, Nguyễn Xuân Hải tới thắp hương cho 13 ngôi mộ nữ thanh niên xung phong nằm ngay ngắn bên nhau: Bông sim nhuộm tím hoàng hôn/ Đem treo sớm phía Truông Bồn chòm sao/ Ngỡ từ tít tắp mây cao/ Mười ba đôi mắt thuở nào tìm nhau (Ngôi sao trinh nữ). Cũng vẫn là con số 13 ám ảnh, tại Lèn Hà - Quảng Bình, 13 nữ liệt sĩ A69 thông tin đã hòa vào đất trời, với màu tím mộng mơ của hoa cỏ khi đang thực hiện nhiệm vụ: Mà nay xót xa nỗi lòng/ Bia danh liệt sĩ ròng ròng màu hoa (Hoa tím đồi Hà - Mai Nam Thắng). Từ Quảng Bình vào Quảng Trị, trước những hàng bia mộ trắng ở nghĩa trang Khe Sanh, nơi diễn ra những trận đánh lớn giữa ta và địch, Nguyễn Thị Ngọc Hà thấy trời đất cũng như cõi lòng đều tê tái, cảm thương: Các anh khuất tận bên kia/ Để bia mộ trắng đến tê tái rừng (Những bia mộ trắng). Tới Đà Nẵng, bên dòng sông Trường Định chảy hiền hòa, Ngân Vịnh lược họa hình ảnh người vợ ngồi bên nấm mộ chồng và những người đồng đội hi sinh trong trận đánh năm nào: Chị ngồi bên nấm mộ chồng/ Anh nằm lặng lẽ bên đồng đội xưa/ Một ngày thấp thoáng cơn mưa/ Sông Trường Định chảy qua trưa nắng vàng (Một ngày sông Trường Định). Và trong số nghĩa trang liệt sĩ nằm rải rác trên khắp đất nước, nghĩa trang Đồng Lộc xuất hiện với mật độ khá dày trong những thi phẩm lục bát. Mỗi nhà thơ khi đến với ngã ba Đồng Lộc - nơi chôn cất 10 cô gái thanh niên xung phong - đều có những vần thơ viếng mộ: Tôi qua Đồng Lộc chiều nay/ Mười ngôi mộ vẫn thẳng ngay từng hàng/ Mưa nguồn chớp bể đưa sang/ Áo người bạc những đa mang má hồng (Đồng Lộc - Trần Vũ Long); Ra về lòng vẫn ngổn ngang/ Nhìn trời Đồng Lộc nắng sang cuối ngày (Một chiều Đồng Lộc - Nguyễn Ngọc Trìu). Nghĩa trang Trường Sơn cũng là nơi nhiều nhà thơ lui tới thăm viếng, nghiêng mình trước anh linh các liệt sĩ. Nghĩa trang Trường Sơn trong thơ Thai Sắc là nghĩa trang xanh - xanh rừng núi, xanh màu áo lính: Chắp tay cầu với hư vinh/ Trường Sơn thành nghĩa trang xanh bạn nằm (Về thăm bạn ở Trường Sơn). Màu xanh - màu của tuổi trẻ, hi vọng - ấy cũng không xua nổi cái ảm đạm, tang tóc. Trong tâm tưởng của Nguyễn Văn Hiếu, nghĩa trang Trường Sơn như một vành khăn tang quấn quanh khúc ruột miền Trung: Trường Sơn hun hút bao năm/ Suối còn thắt một vành khăn buôn làng/ Sương đầm bia mộ đăm đăm/ Khói nhang khoắc khoải tháng năm tìm về (Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn).
Trải dài từ Bắc vào Nam, nằm trên đất mẹ yêu dấu hay nước bạn xa xôi, ở biên giới hay hải đảo, những nấm mộ liệt sĩ luôn gợi lên tình cảm xót thương nơi người đến viếng. Người lính năm xưa, Lê Hương, bật khóc trước ngôi mộ của người bạn thân thiết: Rưng rưng nước mắt ứa ra/ Thương mình, nhớ bạn biết là gọi ai (Đồng đội). Nhà thơ trẻ Hoàng Chiến Thắng nghẹn ngào trước những nấm mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Quảng Trị, cất tiếng thỉnh cầu mời các anh về đoàn tụ với gia đình, quê hương: Về đi anh bước vân vi/ Trầm thơ vẽ bóng người đi với người/ Về đi anh trận mưa rơi/ Òa lên mầm cỏ cả thời tóc xanh (Nguyện cầu). Cầu khấn trước nấm mộ liệt sĩ vô danh bên suối bị nắng mưa vùi lấp, Hoàng Gia Minh thấy lòng quặn thắt lại. Âm dương giờ cách biệt, nỗi đau khó nói lên bằng lời: Khấn anh, lòng dạ héo hon/ Nắng, mưa trôi lấp đâu còn mộ anh/ Nhập nhòa hương thắp cỏ gianh/ Ngày đi chiến đấu anh thành xa quê (Nén hương với người bên suối). Hồ Phong Tư thấy màu trắng trên những vòng hoa viếng mộ các liệt sĩ như những dải khăn tang nhắc nhớ đến nỗi đau tưởng chừng đã lùi xa nhưng vẫn còn hiển hiện quanh đây: Nơi em ngủ giấc yên lành/ Có con suối nhỏ chạy quanh bạn bầu/ Và hoa cứ kết trên đầu/ Trắng như thấu trọn nỗi đau một thời (Hoa bướm trắng).
Bên cạnh nỗi xót xa, đau đớn, các nhà thơ cũng viết nên những vần lục bát ngợi ca, thể hiện sự biết ơn của mình đối với những người lính đã hi sinh vì đất nước, dân tộc. Sự ngợi ca biểu hiện trước nhất ở những miêu tả vẻ đẹp của người chiến sĩ. Ở khía cạnh này, các nhà thơ thường tập trung miêu tả vẻ đẹp của những nữ chiến sĩ. Trong Miền vô danh, qua những vần lục bát của Mai Anh Tuấn, những nữ chiến sĩ hiện lên với vẻ đẹp “chim sa cá lặn”: Ngực chị trắng mướt cánh cò/ Môi em chín mọng một bờ sông trôi (Miền vô danh). Bình Nguyên trong Những vầng trăng Đồng Lộc đã ví 10 cô gái Đồng Lộc với 10 tháng trong năm, mang những vẻ đẹp riêng: Cô giêng hai tóc xanh mềm/ Sớm ra đứng ngẩn bên thềm tiếng chim/…/ Cô tháng ba hay trông trời/ Hễ mưa là nhắc áo tơi mẹ già/…/ Cô tháng chạp miệng hay cười/ Hồn nhiên chả sợ gió trời buốt đêm.
Song song với vẻ đẹp ngoại hình, tính cách, vẻ đẹp trong chiến đấu, hi sinh của người chiến sĩ cũng được các nhà thơ tập trung khắc họa. Võ Thị Phương Thúy mượn sự tích cây tre trăm đốt trong văn học dân gian để ngợi ca tấm lòng son gạt tình riêng vì Tổ quốc của 10 cô gái Đồng Lộc: Quê hương đăm đắm gian truân/ Tình riêng khắc xuất, tình thân khắc chờ/…/ Đốt tre Gióng sẵn trong người/ Chắp chung chiêng, nối khóc cười: Thành thiêng (Đồng Lộc mười đốt thành trăm). Trong thơ Đàm Chu Văn, hình ảnh người chiến sĩ hiện lên thật đẹp. Họ nguyện hi sinh tuổi xanh của mình để đổi lấy ngày xuân khải hoàn của dân tộc: Hi sinh chẳng chút ngại ngần/ Tuổi xanh đổi lấy ngày xuân khải hoàn (Giấc rừng). Trong mắt Vũ Quang Tần, những liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc, dân tộc chính là những người anh hùng thật sự: Anh hùng phận gái hóa thân/ Cỏ mềm xanh đất mạch ngầm sông La (Ở ngã ba Đồng Lộc). Trong cảm hứng ca ngợi, biết ơn, các nhà thơ khai thác thuộc tính tươi sáng, vĩnh hằng của thiên nhiên nhằm làm nổi bật lên tính bất tử, sự trường tồn, vĩnh cửu với Tổ quốc, với nhân dân, với lịch sử của những chiến công, những hi sinh của các chiến sĩ. Để làm được điều đó, các nhà thơ sử dụng một “công thức” chung: kết hợp giữa bốn lớp từ vựng. Thứ nhất là các từ, cụm từ chỉ thời gian ở thời tương lai như mai sau, ngàn năm, tháng ngày... Thứ hai là những từ, cụm từ chỉ thiên nhiên như mây, trời, sông, suối, hoa, lá... Thứ ba, những từ, cụm từ mang tính đối lập tương phản hay tương hỗ có tác dụng tạo thành một vòng tròn tuần hoàn khép kín như vuông tròn, hư thực… Thứ tư, những từ, cụm từ chỉ sự biến chuyển, thay đổi trạng thái như hóa, thành, biến… Công thức chung là vậy, tuy nhiên mỗi nhà thơ lại có một phương thức khai thác khác nhau. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến sử dụng những từ “tươi”, “thắm”, hình ảnh “trời xanh” và cụm từ “không ngày nào quên” để khẳng định sự hi sinh của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa sẽ không bao giờ đi vào quên lãng. Thiên nhiên, đất trời Tây Bắc mãi lưu giữ chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày trước: Ngoài kia chiều xuống Điện Biên/ Các anh yên nghỉ ở trên đồi này/ Tươi vào cỏ, thắm vào cây/ Trời xanh Tây Bắc không ngày nào quên (Tây Bắc hành). Ninh Đức Hậu dùng hình ảnh “hồn núi sông”, từ “mầm non” để khắc ghi sự bất tử của những liệt sĩ đã hi sinh cho đất nước, dân tộc. Sự ra đi của các chiến sĩ đã ươm mầm hạnh phúc cho đất nước trong tương lai: Thành con của núi của rừng/ Thịt da ngấm đất nuôi từng mầm non/ Vô danh! Đâu phải không còn/ Tuổi tên quê quán… hóa hồn núi sông (Xóm mộ liệt sĩ vô danh). Nguyễn Thiên Sơn lấy hình ảnh của dãy Trường Sơn, cụm từ “vuông tròn” và từ chỉ thời gian “mai sau” nhằm ghi nhớ công ơn cao như núi của những anh hùng, liệt sĩ: Vững bền hơn dãy Trường Sơn/ Những người lính hóa vuông tròn mai sau (Trưa ở nghĩa trang Trường Sơn). Trần Vũ Long lại lựa chọn hình ảnh dòng sông La, cụm từ “ngàn năm” để khẳng định về sức sống của 10 cô gái Đồng Lộc: Mộ bia ướt đẫm làn sương/ Ngỡ mồ hôi đổ làm đường xe qua/ Trắng ngần da thịt dòng La/ Ngàn năm vẫn hát câu ca ru người (Đồng Lộc). Trong thơ Vũ Quang Tần, hình ảnh mây trắng nhẹ bay trên bầu trời là một ẩn dụ về sự tồn tại vĩnh viễn trong lòng dân tộc của những liệt sĩ: Khát bàn tay khẽ nhẹ êm/ Bồng bềnh mây khỏa trắng thêm màu trời (Ở ngã ba Đồng Lộc). Cũng sử dụng hình ảnh mây trời để khắc họa sự trường tồn của người lính với dân tộc, nhân dân nhưng Trần Huy Tản có lối so sánh khá độc đáo khi ví mây với những vòng hoa, vòm cây ôm ấp mộ người lính: Mộ em trẻ mãi không già/ Mây thành tán lá và hoa tháng ngày.
Và tượng đài vĩnh cửu nhất ghi nhớ công lao của các chiến sĩ chính là ở trong lòng nhân dân. Những người lính mãi sống trong tim của người dân Việt Nam yêu nước. Với Nguyễn Thanh Tuyền, sự hi sinh của những người lính trong 81 ngày đêm giữ thành Quảng Trị mãi còn trong tâm trí mình: Ngàn năm đâu dễ một mai/ 81 tờ lịch - không phai khó mòn (Với cổ thành). Với Bình Nguyên, những cống hiến, những hi sinh của những liệt sĩ trên dòng sông Thạch Hãn nói riêng, trong cuộc kháng chiến của dân tộc nói chung đã dựng thành bia trong lòng: Bia không dựng giữa dòng trôi/ Thì bia dựng ở trong tôi tháng ngày (Khúc ru trên sông Thạch Hãn). Không chỉ tưởng nhớ trong lòng, nhân dân còn có những hành động thiết thực, giàu ý nghĩa để tôn vinh những người con ưu tú đã ngã xuống vì Tổ quốc. Ông già trong thơ Lê Đình Cánh lập đền thờ các liệt sĩ: Thắp hương ông khấn thần rừng/ Soi từng mô đá. Dõi từng gốc cây/ Mời hồn lính trẻ về đây/ Mái nhà thanh đạm sum vầy khói hương (Đền thờ người lính). Sự hi sinh của các liệt sĩ dường như còn cảm động cả đất trời, thần Phật. Đỗ Vinh có tứ thơ rất hay về cây bồ đề trong nghĩa trang Trường Sơn. Cây bồ đề mọc giữa vùng đất khô cằn nhưng vẫn tươi tốt, sum suê. Dường như Phật đã trồng cây ở nghĩa trang này để an ủi, tưởng nhớ vong linh những người lính: Vun nồm nam vén heo may/ Phật sai xuống đứng một cây bồ đề/ Lòng cây lòng Phật sum suê/ Những người lính trận cùng về khói hương (Viết dưới gốc bồ đề ở nghĩa trang Trường Sơn).
Có thể nói, những vần lục bát về mộ chí là nén nhang, là tấm lòng của các nhà thơ nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung gửi đến hương hồn các liệt sĩ đã hi sinh máu xương mình cho Tổ quốc độc lập, thống nhất, trường tồn.
T.A
VNQD