Từ “căn phòng riêng” đến chủ thể nữ: Viết như là con đường trở thành chính mình

Thứ Tư, 31/08/2022 00:49

. ĐINH MINH HẰNG
 

Căn phòng riêng và tiếng nói của phụ nữ trong xã hội

Căn phòng riêng là cuốn sách đầu tiên của Virginia Woolf về nữ quyền được dịch và xuất bản tại Việt Nam vào năm 2009. Trước đó, trong việc giới thiệu thơ nữ Việt Nam ra thế giới, mới chỉ có một tập thơ mang tên Những bài thơ của các nhà thơ nữ Việt Nam từ xưa đến nay được dịch và xuất bản vào năm 2008. Những tri thức về “nữ quyền” hay “chủ nghĩa nữ quyền” trong văn chương Việt Nam, cho đến thời điểm này vẫn còn là địa hạt đòi hỏi nhiều sự quan tâm hơn từ phía người sáng tác cũng như công chúng đọc thơ. Căn phòng riêng của Virginia Woolf, ngoài vai trò quan trọng trong sự nghiệp văn chương và lập thuyết của văn sĩ, còn đóng góp tiếng nói về nữ quyền, trong đó có quyền sáng tác của phụ nữ. Trong nghiên cứu này, người viết xem xét quan điểm nữ quyền của Woolf từ góc độ tiếp nhận của nghiên cứu văn học Việt Nam và Á Đông thông qua từ khóa cùng tên với tiểu luận viết năm 1928: “Căn phòng riêng”. Phụ nữ cần Căn phòng riêng để viết. Điều này cũng gợi nhớ đến nghiên cứu của Elaine Showalter về “không gian dành cho phụ nữ” - “phải là địa chỉ của một nền phê bình, lí thuyết và nghệ thuật thực sự lấy phụ nữ làm trung tâm, chia sẻ những dự án chung, trở thành biểu tượng có trọng lượng của ý thức nữ quyền; làm cho cái vô hình có thể nhìn thấy được, làm cho cái im lặng lên tiếng”(1). “Cần thiết phải có 500 năm và một căn phòng có khóa nếu bạn muốn viết tiểu thuyết hay là thơ”(2). Tiền có sức mạnh kì diệu trong việc khiến phụ nữ tự tin và làm chủ cuộc sống của họ. Cùng với vấn đề sức mạnh, Woolf cũng bác bỏ các quan niệm trước đây về giá trị; và yêu cầu bình đẳng trong sự nghiệp cho phụ nữ với tư cách là con người. Phụ nữ cũng có quyền hoán đổi vị trí của họ và trải nghiệm vai trò của nam giới.

Từ quan điểm mới đó, Virginia Woolf đã nghiên cứu lịch sử nói chung và lịch sử văn học nói riêng về phụ nữ và thấy rằng phụ nữ hầu như bị bỏ sót. Lịch sử đã không ghi nhận hay thừa nhận họ là những con người bình thường. Điều này mang lại những trăn trở của Woolf về cuộc sống của phụ nữ thế kỉ XVIII. Woolf cũng bám sát hành trình văn học của phụ nữ, kết nối các tác phẩm của các nhà văn nữ ở các thời kì khác nhau để tìm kiếm một dòng văn học nữ quyền mạch lạc. Woolf bắt đầu với Lady Winchilsea, người đã kìm nén sự sợ hãi trong những tác phẩm thơ của mình. Những người phụ nữ có tài viết lách trong thời đại của Lady Winchilsea bị đưa vào trạng thái tự cô lập và tự hủy hoại năng lực như cỏ dại. Họ buộc phải lựa chọn tình trạng đơn độc của riêng mình như một phản ứng trước thực tế. Tiếp theo là những trường hợp nữ văn sĩ tên tuổi như: Dorothy Osborne, Aphra Behn, chị em nhà Bronte, Jane Austen và George Eliot. Sự khác biệt mà Woolf nhận ra giữa những nhà văn nữ xuất sắc này là cách cư xử trong mối quan hệ giữa họ, và mối liên hệ giữa sự tồn tại của họ với các thể chế của cuộc sống. Những điều này, theo Woolf, chi phối sâu sắc đến sự thành công của tác phẩm. Tác phẩm của Jane Austen được coi là không có chút cay đắng; không thù hận nào và thành công vượt trên cả năng lực của người viết. Ngược lại, sự kìm kẹp của ý thức nữ quyền và khát vọng bình đẳng đồng nghĩa với việc Charlotte Bronte, dù tài năng xuất chúng, đã không thể hiện hết vẻ đẹp tiềm ẩn trong văn chương của mình.

Từ suy nghĩ về mối quan hệ giữa phụ nữ và nam giới và các tác phẩm của phụ nữ trong bối cảnh của văn học trong quá khứ, Virginia Woolf đặt ra câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu phụ nữ không còn được nhìn nhận, đánh giá, miêu tả và cảm nhận không phải qua con mắt của đàn ông mà bởi chính phụ nữ? Và liệu sau đó, người phụ nữ sẽ là chính mình nếu “cô ấy viết với tư cách là một người phụ nữ, nhưng là một người phụ nữ đã quên rằng mình là một người phụ nữ, để các trang viết của cô ấy chứa đầy sự tò mò về giới tính chỉ đến khi giới tính là tri thức của chính nó”(3)? Tuy nhiên, khi Woolf thừa nhận rằng phụ nữ không thích phụ nữ, điều đó đã giúp giải thích sự bối rối của các nhà thơ nữ nói chung và các nhà thơ nữ Việt Nam nói riêng, khi họ không thể thoát khỏi góc nhìn từ phía nam giới. Theo đó, nữ nhà văn đã không coi nam giới là đối thủ. Theo Virginia Woolf, bình đẳng giới trong văn học cần những thay đổi về nhận thức hơn là về thẩm mĩ. Cảm giác tội lỗi về giới nên được bỏ mặc trong vô thức. Để đạt được điều này, Woolf chỉ ra rằng cần có hai giới tính trong một cơ thể. Phần nam trong tâm trí phụ nữ phải được dung hòa với phần nữ. Đó là vấn đề mà Coleridge gọi là “tâm trí lưỡng tính” (bisexual minds). Chỉ khi các nhà văn cân bằng được hai giới tính trong tâm trí, họ mới có thể có được sự đồng điệu trong sáng tạo. Sai lầm của họ là đã nghĩ về giới tính của mình khi đang viết. Vì vậy, nữ quyền không chỉ đòi hỏi quyền bình đẳng cho phụ nữ mà còn kêu gọi nữ văn sĩ viết “với tư cách là phụ nữ”. Do đó, có thể nói, Woolf thực chất không kêu gọi đấu tranh cho quyền bình đẳng, không khu biệt về giới; nhà văn coi trọng những giá trị mang tính vật chất và tìm kiếm cảm giác hòa hợp trong tình người. Theo đó, nhà văn nữ cần được là chính mình trước khi đòi quyền bình đẳng.

Những ý tưởng về việc viết lách được gợi lên qua những ánh đèn nhấp nháy trong tâm trí Woolf một cách rất bình thường, tự nhiên như khi đang tản bộ. Một trong số những ý tưởng đó là việc cần thiết phải đổi mới ngôn ngữ, hoặc làm mới từ ngữ: “Lamb viết về việc ông ấy đã sửng sốt khi nghĩ về những khả thể của từ vựng ẩn bên trong LYCIDAS, khiến nó mang ý nghĩa hoàn toàn khác với những gì bản thân nó thể hiện”; “Nghĩ về việc Milton thay đổi từ ngữ trong bài thơ đó, đối với ông ấy, dường như là một sự hi sinh”. Từ việc suy nghĩ nhiều hơn về ngôn ngữ, cùng với sự nhạy cảm phái tính cũng khiến Woolf đi tới phát hiện rằng: “Nhưng thiếu cái gì, khác cái gì, tôi tự hỏi mình, lắng nghe cuộc trao đổi? Và để có câu trả lời đó, tôi phải nghĩ tới việc mình ra khỏi phòng, trả về quá khứ, trước cả khi chiến tranh nổ ra, và hình dung trước mắt tôi hình mẫu của một bữa tiệc trưa khác được tổ chức trong những căn phòng không mấy xa từ đây, nhưng hoàn toàn khác biệt nhau”(4). Cách mà Woofl nói về sự khác biệt của những bữa tiệc trưa có lẽ cũng hàm ý về những điều được ẩn giấu sau lớp vỏ ngôn ngữ, về những giá trị không được nói thành lời. Với Woolf, ngôn ngữ đã thể hiện những thách thức và phản ứng đối với môi trường mà nó tồn tại.

Từ việc phản ánh những câu chuyện về cuộc sống và hành vi của con người liên quan đến sự viết, Woolf đã bàn đến một vấn đề lớn hơn trong văn học, đó là tiểu thuyết và tiểu thuyết của phụ nữ. Có thể nhận định đây là cách mới để các nhà văn Việt Nam nhìn nhận nghệ thuật mang khuynh hướng nữ quyền một cách chuyên nghiệp. Woolf gợi ý: “Nếu ai đó nhắm mắt lại và nghĩ về toàn bộ cuốn tiểu thuyết, có khả năng, đó là một tác phẩm thoạt nhìn như tấm gương soi cuộc sống, cho dù tất yếu đã có vô số điều được đơn giản hóa và bị bóp méo”(5). Woolf cũng giống như tất cả các nhà phê bình nữ quyền đều nhận ra rằng phụ nữ sáng tác trong bối cảnh khó khăn hơn nam giới, hơn thế nữa, giá trị của cuốn sách họ viết ra phụ thuộc vào cách mà xã hội đánh giá là danh giá và cao quý hay dung tục, tầm thường. Tuy nhiên, theo quan điểm của Woolf, trong văn học, phụ nữ và nam giới đều bình đẳng. Đây là điểm rất quan trọng đối với văn chương ở Việt Nam: thiết lập các điều kiện bình đẳng trong sáng tác và bình đẳng trong phê bình. Hơn nữa, từ câu chuyện của Mary Carmichael, dường như đã có thay đổi trong suy nghĩ của phụ nữ. Phụ nữ không còn sáng tác tiểu thuyết nhằm mục đích thoát khỏi nỗi đau và những kìm kẹp của chế độ gia trưởng. Họ viết để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật. Đó chính là bản chất sự kế thừa và phát triển truyền thống trong văn học nữ.

Chủ thể nữ - nhà văn nữ trong quan điểm của Viginia Woolf

Trong Căn phòng riêng của Virginia Woolf, một trong những vấn đề được đặt ra là, đàn ông và phụ nữ đều có những phẩm chất như nhau, nhưng trong điều kiện văn hóa và lịch sử của xã hội truyền thống, phụ nữ không được phép trở nên giống Shakespeare. Họ không thể phát triển để trở thành thiên tài. Vì vậy, họ sẽ mãi bị chôn vùi trong hai hố sâu: một do xã hội áp đặt, một do phụ nữ tự tạo ra như là nơi để tránh tác động của những định kiến vốn đã phát triển qua hàng nghìn năm. Các nhà văn nữ, trong tiểu luận của Woolf, chỉ có một con đường duy nhất để được là chính mình, thoát khỏi khung ý thức xã hội, diễn ngôn của thời đại mình, đó là: thông qua trạng thái điên loạn hoặc cái chết, nếu không, họ sẽ biến thành phù thủy hoặc pháp sư và sống cuộc sống của một người ngoại vi. Để giải quyết vấn đề này, chỉ có hai cách khiến họ trở nên bất bình thường: trở nên thấp kém hơn, hoặc đứng cao hơn xã hội. Nữ nhà văn đã đi theo cách thứ hai và cô đơn với vai trò vừa là người mở đường vừa có thể là người cuối cùng trong hành trình độc đạo. Vì vậy, một mặt, Woolf mạnh dạn bước qua cánh cửa thư viện đóng kín, nơi chỉ có nam giới mới được phép đặt chân đến, mặt khác, bà lại e sợ cảnh buồn chán khi bị mắc kẹt bên trong.

Cảm giác bị cầm tù của phụ nữ là trở ngại lớn nhất; đó là một thử thách đối với họ khi đến với văn học như một cách giải thoát và tìm lại cuộc đời của chính mình. Hành trình vượt thoát này cũng đặt ra câu hỏi rằng nó sẽ mang lại những lợi ích gì cho xã hội. Virginia Woolf chỉ ra sự đổi mới về vai trò của phụ nữ chính là cam kết quan trọng cho đổi mới của văn học. Để đạt được những đổi mới như vậy, Woolf đã trích dẫn các khái niệm cơ bản về phụ nữ do Samuel Butler và La Bruyere thể hiện, và cho rằng việc nhìn phụ nữ qua con mắt của đàn ông chỉ dẫn đến những kết luận nhầm lẫn và hỗn loạn. Điều này có thể được lí giải do người phụ nữ trong các tác phẩm của tác giả là nam giới tồn tại hai mặt: cá tính và vô cá tính. Để làm rõ điều này, Woolf chỉ ra rằng phụ nữ trong thơ ca tồn tại như những cái bóng, những khách thể đáng yêu (chữ Woolf dùng trong tiểu luận là “objects” - những khách thể và cũng là những đồ vật), và là nguồn cảm hứng chính cho các tác phẩm văn học. Tuy nhiên, trong cuộc sống thực, phụ nữ là nô lệ trong chính ngôi nhà của họ. Hậu quả là Woolf đã vẽ chân dung giáo sư von X - một bức tranh xấu xí và không cân đối, và tạm thời tưởng tượng ra một lí do có thể khiến ông ấy có cái nhìn xấu về phụ nữ. Nguyên do có thể đến từ sự tức giận khi vợ ông ta ngoại tình - điều này làm sụt giảm sự tự tin đàn ông trong ông ta. Woolf cũng phát hiện ra rằng sự tức giận khiến quan điểm của cả hai giới trở nên thiên lệch. Với Woolf, phụ nữ là nạn nhân của sự tức giận.

Đây có thể là lí do Woolf, trong các lập luận sau này, không cố gắng chống lại quan điểm của nam giới. Tác giả cũng nhận ra rằng các nhà văn nữ viết dựa trên phản ứng của giới tính của họ, do đó, rất khó để họ thể hiện hết năng lực văn chương của mình. Họ càng phản ứng với xã hội càng bị ảnh hưởng bởi nó. Vì vậy, định kiến luôn thường trực trong đầu họ và buộc họ phải suy nghĩ về nó trước khi làm nghệ thuật. Đây là cách thức điều chỉnh vô hình đối với các nhà văn nữ. Họ đang nhốt mình vào một khuôn khổ xã hội ước định, tự vấn bản thân về những quan điểm đã tấn công và khiến phụ nữ tổn thương, mặc dù đã có nỗ lực trong việc mở rộng tâm hồn để tự do trong thế giới văn chương.

Vì vậy, Woolf đã bác bỏ lập luận rằng thiên tài chỉ cần tập trung vào tư duy và năng lực cá nhân. Dường như không ai nằm ngoài định kiến và định chế xã hội. Đó là lí do phụ nữ thường viết văn với tư cách chủ thể là đàn ông để tránh nhận diện những điều bất thường. Họ cũng coi việc viết lách như một cách để giải tỏa xu hướng tự hủy hoại đối với bản thân. Tuy nhiên, điều này không thể tránh khỏi trong một xã hội như nơi Virginia Woolf đang sống, nơi phụ nữ bị những người có học vấn chê bai và nam giới được pháp luật bảo vệ trong việc thiết lập và kiến tạo luật pháp, giáo dục, kinh tế và văn hóa. Đó là một xã hội mà phụ nữ chỉ có thể xuất hiện trong những mẩu tin vô thưởng vô phạt, và được coi như những hình ảnh nhỏ lẻ mang tính giải trí. Tất cả những điều đó đều tồn tại trong diễn ngôn thống trị của nam giới. Woolf đã chỉ ra sâu sắc rằng việc đánh giá thấp phụ nữ thể hiện sự thiếu tự tin của đàn ông, và lí do để nam giới phô diễn sức mạnh của mình là thực chất họ rất yếu đuối. Trong diễn ngôn của thời đại, họ (nam giới) cần phụ nữ để tạo ra đối thủ. Nếu không có phụ nữ, cán cân cuộc sống sẽ bị thay đổi và không có gì gọi là cao thượng và thấp kém, chiến thắng và thất bại. Sự khiêm tốn của phụ nữ tỉ lệ thuận với niềm tự hào và sức mạnh mà đàn ông đạt được. Woolf quan niệm rằng đàn ông sống bằng ảo tưởng đó.

Viết - khi ngôn ngữ tự kiến tạo bản sắc chủ thể

Có thể thấy, cách mà Virginia Woolf chạm đến những diễn ngôn của thời đại bà đang sống, chạm đến những quan niệm có tính chất cấm kị về nữ giới sáng tạo nghệ thuật... rất gần với những gì diễn ra trong văn chương hiện đại. Coi thơ ca như trò chơi ngôn từ, Lyotard trong Hoàn cảnh hậu hiện đại đã xem ngôn ngữ như là cuộc chơi có cạnh tranh hơn thua. Nó nhắm đến việc thắng, chứ không nhắm đến sự đồng thuận và chân lí, vì khi thắng, tự nó làm nên chân lí. Tương tự, Foucault quan niệm mọi sự thật đều do diễn ngôn tạo ra. Các trò chơi ngôn ngữ không có quy tắc trong bản thân chúng, mà quy tắc được sinh ra từ sự thoả thuận giữa những người tham gia cuộc chơi. Như vậy, có thể nói, không có luật chơi sẽ không có trò chơi, và một nước đi hay một phát ngôn không hợp quy tắc sẽ bị loại trừ. Điều gặp gỡ giữa Foucault và Percheux là, bản thân diễn ngôn không có quy tắc tự thân mà chính người sử dụng đã tạo nên quy tắc như tạo những cuộc chơi về ngôn ngữ. Trong mối quan hệ phức tạp nhưng không hề mâu thuẫn này, nhà văn, thậm chí là nhà văn nữ, sẽ có quyền đặt ra luật chơi với con chữ, nhưng con chữ vốn mang một quyền lực riêng nào đấy sẽ buộc nhà văn hoặc phải tiết lộ những gì mà họ cố tình giấu đi hoặc phải từ bỏ cuộc chơi. Con chữ, với quyền lực của nó, sẽ dựng một chân dung nhà văn khác với chính điều mà nhà văn dự định nói. Thí dụ, nhà văn dụng công dùng diễn ngôn để kiến tạo hình ảnh hướng về ánh sáng, thì diễn ngôn lại một mực phô bày những góc khuất của hình ảnh để phơi ra trước công chúng bóng tối, nỗi đau và nước mắt. Trong nghệ thuật nói chung, diễn ngôn thơ, không ít lần, phải tự giấu mình đi - bởi nó đã không tuân thủ một trong những luật chơi của thơ. Vì thế, diễn ngôn thơ tồn tại trong những hình tượng phức hợp, đòi hỏi người đọc phải cố công giải mã. Nếu không, Trần Dần sẽ không viết: “thằng truồng”, “thằng thịt”...; Vi Thùy Linh sẽ không hóa thân thành người “dệt tầm gai” khẩn cầu Cài then em/ Bằng Anh, sẽ không viết về “tìm”, “khát”, “lưỡi”, “nếm”, về “chân dung” người thiếu phụ tuổi hai mươi Khoả thân trong chăn/ Thèm chồng. Thèm có chồng ở bên. Chỉ cần Anh gối lên đùi/ Mình ôm lấy Anh ôm mình/ Biết sự bình yên của mặt đất, về “những người sinh tháng tư” đón sinh nhật một cách vô vọng - “tôi che tôi trong gương bằng tấm chăn”. Nhà thơ, mà đặc biệt là nữ nhà thơ, thực chất, không viết về tình dục, sự ham muốn theo cái nghĩa dung tục bị cấm đoán. Chúng sẽ là những hình tượng phô bày sự sống ở dạng tự nhiên nhất, bản năng nhất, sự sống của thân phận ngoài lề, hạ đẳng. Và như thế, ở một khía cạnh khác, chúng cũng tự mình kiến tạo một quyền lực với những quyền lực đối trọng cứ muốn nó phải xấu xa, bỉ ổi và thiếu lương thiện. Foucault cho rằng cần khám phá diễn ngôn dựa trên những nét tương đồng dọc theo biên giới chung giữa chúng. Đọc thơ của các nhà thơ nữ hiện đại Việt Nam, người đọc sẽ nhận ra những ý nghĩa mới mẻ ở chính đường biên giới ấy. Hành trình sáng tạo thơ của các nhà thơ nữ không dừng ở lời thơ, mặc dù đó cũng là một cuộc chơi đầy sáng tạo và đam mê mà họ dấn thân, mà còn được mở rộng ở nhiều biên độ và dạng thức: thơ tự truyện, thơ hình họa, thơ - điện ảnh... Và đúng như Foucault đã viết: Diễn ngôn, bởi vậy, rất hữu ích, nó cho phép chúng ta phân tích những nét tương đồng dọc theo một tập hợp cụ thể của các mối quan hệ quyền lực/ tri thức(6).

Việc nghiên cứu các lí thuyết phương Tây về văn hóa, văn học, và soi chiếu tìm ra những biểu hiện của các đặc điểm lí thuyết này trong thơ Việt Nam hiện đại, do đó, là một cách để góp phần “giải mã” những hiện tượng thơ hiện đại và định hướng nghiên cứu cũng như tiếp nhận thơ. Thơ nữ Việt Nam hiện đại nằm trong dòng mạch của thơ Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, với quan niệm Á Đông truyền thống về việc sáng tạo thơ chỉ dành để đấng nam nhi “nói chí”, “tỏ lòng”, nhiều hiện tượng thơ nữ Việt Nam từ thời kì trung đại cho đến nay ít được nghiên cứu một cách thoả đáng. Từ hiện tượng thơ Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm thời kì trung đại cho đến Anh Thơ, Hằng Phương, Mai Đình của giai đoạn Thơ mới, từ Xuân Quỳnh, Ý Nhi của giai đoạn thơ kháng chiến cho đến Dư Thị Hoàn, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Thị Thúy Hạnh của thơ sau 1986 đến nay... đã có những đổi thay đáng kể về tư duy thơ, tư duy thể loại và phong cách sáng tác. Sự biến chuyển ấy không đơn thuần là từ nhà thơ trung đại sang nhà thơ hiện đại, mà còn là những đổi thay về nhận thức xã hội, ý thức phái tính, cá tính sáng tạo nghệ sĩ và đặc biệt là những nhận diện manh nha về chủ nghĩa nữ quyền trong văn học. Do đó, nghiên cứu lí thuyết hiện đại, lí thuyết nữ quyền, đặc biệt là từ những tác giả lập thuyết văn học và xã hội học như Virginia Woolf, sẽ giúp soi chiếu quá trình tiếp nhận và sáng tác của thơ nữ Việt Nam trên bình diện lí thuyết và tư duy thơ.

Đ.M.H

--------

1. Elaine Showalter (1981), Feminist Criticism in the Wilderness, Critical Inquiry, Vol.8, No.2, Writing and Sexual Difference, Winter, 1981, pp.179-205, p.201.

2. Virginia Woolf (1977), A Room of One’s Own, St Albans: Triad, p.103.

3. Virginia Woolf (1977), A Room of One’s Own, sđd, tr.103.

4. Virginia Woolf (1977), A Room of One’s Own, sđd, tr.103.

5. Virginia Woolf (1977), A Room of One’s Own, sđd, tr.103.

6. Alec McHoul and Wendy Grace (2002), A Foucault Primer: Discourse, power and the subject, published by Routledge, London and New York, p.4.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)