. THÀNH NGUYÊN
Nhà văn nổi tiếng người Séc Milan Kundera từng cho rằng, tiểu thuyết là một thế giới riêng biệt, nó thậm chí không phải là một nhánh của văn học và ông nhấn mạnh rằng có những đặc trưng mà chỉ tiểu thuyết mới làm nổi.
Milan Kundera
Đúng là tiểu thuyết là thể loại mà người ta vẫn có thể làm mọi thứ như quan điểm của Bakhtin rằng nó chưa hề bị đông cứng lại. Lao động tiểu thuyết là lao động nặng nhọc, mất nhiều công sức, ít nhất là về phương diện vật lí và cấu trúc.
Số chữ của tiểu thuyết thường vượt xa các thể loại khác của văn học. Chỉ cần tính khối lượng viết, năm mươi nghìn chữ, một trăm nghìn chữ hoặc mười vạn chữ sẽ đòi hỏi thời gian và nỗ lực rất lớn. Đa số các nhà tiểu thuyết đều thừa nhận rằng khi viết xong một cuốn tiểu thuyết, anh ta cảm thấy trống rỗng một thời gian, có khi đến kiệt sức. Vì cường độ lao động tư duy và lao động vật lí rất nhiều đã khiến việc viết tiểu thuyết không dành cho những người thiếu kiên nhẫn hoặc đủ một trường lực để duy trì cho đến kết thúc.
Vậy nên ta thấy rất nhiều cuốn tiểu thuyết bị dang dở, điều hiếm thấy ở thể loại thơ hoặc truyện ngắn. Kể cả những nhà văn lớn nhất cũng có những cuốn tiểu thuyết bị bỏ lửng. Pushkin vẫn chưa hoàn thành cuốn Người da đen của Piốt Đại đế; ở Kafka là Lâu đài, Vụ án cũng chưa thực sự kết thúc; Gogol vẫn chưa hoàn thành được cuốn tiểu thuyết lớn nhất của mình là Những linh hồn chết và Bulgakov vẫn miệt mài sửa Nghệ nhân và Margarita trên giường bệnh vào những ngày cuối cùng của cuộc đời vì ông cảm thấy nó chưa thực sự hoàn thiện...
Vì sao tiểu thuyết thường bị dang dở? Vì nó đặt ra khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi một khả năng lao động bền bỉ và đến thời điểm nào đấy người viết không còn đủ năng lượng, nhiệt huyết hay cảm xúc để kết thúc như ý định ban đầu. Nó giống như những công trình xây dựng dở dang vì thiếu vốn, thiếu nhân lực và điều kiện thi công thì quá khó, không thể hoàn thành được.
Viết tiểu thuyết không chỉ là lao động cơ học, là sự trình bày trên mặt giấy đủ một lượng chữ nhất định. Nó cũng không phải là việc kể triền miên một câu chuyện cho đến hết thì thôi. Để tiểu thuyết không giống với truyện kể, văn bản cần có cấu trúc đặc thù và tư duy về hình khối, ở đây những ý tưởng xuyên suốt đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thiếu những cấu trúc đặc thù thì một tác phẩm nhiều chữ chỉ có thể gọi là truyện dài hoặc truyện kể. Tiểu thuyết nghĩa là nhấn mạnh vào tư duy cấu trúc và những ý tưởng được sắp xếp có chủ ý.
Vậy nên tiểu thuyết là sân chơi rất rộng mà người viết tha hồ thể hiện ý tưởng và khả năng sáng tạo của mình. Về mặt dung lượng, người viết có một không gian rất lớn để bày biện đủ các món, đủ thể loại, hình dạng trong kích cỡ tác phẩm. Tiểu thuyết không bao giờ có cảm giác “chật chội” hoặc hạn chế bằng bất cứ định lượng nào và vì thế, hình dáng và kiểu cách của chúng gần như vô hạn. Nhà văn nổi tiếng người Trung Quốc Diêm Liên Khoa từng nói rằng cuốn tiểu thuyết lớn nhất là cuốn sách không giống với tiểu thuyết. Có thể dùng các phép liên tưởng, song song, đối nghịch, cắt dán, lồng ghép hoặc bất cứ hình thức nào khả dĩ trong nó. Ta có thể dễ dàng tìm được những ví dụ về những cuốn tiểu thuyết không giống với tiểu thuyết và chúng đều rất lớn. Đó là Nghệ nhân và Margarita của Bulgakov, Linh sơn của Cao Hành Kiện, Từ điển Khazar của Milorad Pavic... Tôi nghĩ cả Bulgakov và Cao Hành Kiện không quá đặt nặng vấn đề hình thức nhưng với những ý tưởng độc đáo, cả hai ông đã tạo ra những cuốn sách rất đặc biệt, những tiểu thuyết không hề giống những cuốn trước đó.
Tôi đã từng đọc khá nhiều tiểu thuyết lịch sử của các tác giả Việt và thấy hiện tượng người viết đặt ra quá nhiều tham vọng hay mục đích trong một tác phẩm. Có những cuốn tiểu thuyết không giấu mục đích là phản ánh một giai đoạn rất dài, đồng thời nó phản chiếu tinh thần dân tộc, lí giải những thành công hoặc thất bại của một triều đại hoặc một nhân vật lịch sử và còn bàn luận những sự kiện trong quá khứ và bài học rút ra cho hiện tại. Nó quá ôm đồm và cố sức thể hiện thật nhiều nhưng cách viết thì lộ liễu hoặc đơn thuần là cái loa phát ngôn thay cho tác giả khiến nó rất cứng nhắc và mệt mỏi. Tiểu thuyết là nơi có thể thi triển nhiều ý tưởng nhưng nếu giao cho nó quá nhiều mục đích, quá ôm đồm trong một đơn vị hữu hạn thì nó giống như một công trường ngổn ngang với mỗi thứ vật liệu nằm một chỗ và cố sức phô diễn công năng của mình. Cuốn tiểu thuyết ấy có vẻ lớn về ý tưởng nhưng kì thực hiệu quả không như ý muốn, thiếu hấp dẫn cũng như sự thuyết phục. Một cỗ xe lớn cần có các bộ phận ăn khớp, linh hoạt và mĩ thuật chứ không đơn thuần là một khối ngồn ngộn với tiếng động cơ ầm ầm và bao nhiêu thùng, bệ, lốp, cánh cửa, khung gầm bề bộn, ấy không phải là nghệ thuật.
Gần đây tôi có đọc một bài viết và tác giả có quan điểm thế này: “…tiểu thuyết không có cách nào khác để thực hiện định mệnh của nó ngoài việc mô tả, giải thích, phân tích, bình luận, bác bỏ hoặc khẳng định. Đó là các thao tác tư duy đã được điều kiện hóa. Tiểu thuyết không có khả năng đứng hẳn trong thực tại mà không qua trung gian của ý tưởng. Lẽ tất yếu, kể cả những điều huyền bí nhất trong tiểu thuyết vẫn thua xa mức độ huyền bí của thơ. Trong một câu thơ thôi, chẳng hạn Tôi thèm sống như thèm chết (Thanh Tâm Tuyền), đã có thể nhận ra dung lượng không giới hạn của sự huyền bí. (Mà huyền bí lại là một kiểu hiển thị của đời sống trong khả năng nhận thức chân lí của con người.) Chân lí, một khi được diễn đạt thành lời lập tức bị giới hạn, bị tha hóa. Bởi thế, tiểu thuyết, dù ngồn ngộn ngôn từ, vẫn rất xa sự thật. Thơ gần với chân lí hơn. Thế thì, những tiểu thuyết nào có tính thơ sẽ là tiểu thuyết vĩ đại.” (Thơ như tôi nghĩ - Đinh Thanh Huyền - Văn nghệ quân đội số 985, tháng 3/2022)
Tôi không nhất trí với một số điểm trong ý kiến này, ví dụ: “Lẽ tất yếu, kể cả những điều huyền bí nhất trong tiểu thuyết vẫn thua xa mức độ huyền bí của thơ.” Bởi lẽ tiểu thuyết không hề thua kém về mức độ huyền bí với bất kì thể loại nào. Chẳng hạn trong tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita có vô số những biểu tượng, ngụ ý và các tầng lớp nghĩa chìm. Ngay một cuốn rất mỏng là Người xa lạ của A.Camus thì mỗi lần đọc, độc giả lại tìm ra những phát hiện mới về ý nghĩa. Hoặc cuốn Linh sơn cũng có vô khối những tàng ẩn trong đó. Ấy chẳng phải là những “kho tàng huyền bí” của tiểu thuyết hay sao? Thứ nữa, tác giả viết: “Chân lí, một khi được diễn đạt thành lời lập tức bị giới hạn, bị tha hóa. Bởi thế, tiểu thuyết, dù ngồn ngộn ngôn từ, vẫn rất xa sự thật. Thơ gần với chân lí hơn.” Vậy không phải cả tiểu thuyết và thơ đều đang diễn đạt bằng lời đó sao và riêng thơ thì gần với sự thật hơn ư? Và tác giả kết luận: “Thế thì, những tiểu thuyết nào có tính thơ sẽ là tiểu thuyết vĩ đại.” Như vậy, những tiểu thuyết không có tính thơ thì chúng không vĩ đại hay sao?
Ở đây, tôi không có ý định tranh luận trong việc so sánh giữa thơ và tiểu thuyết và các loại hình văn học xem thể loại nào ưu thế và có mức độ “bao phủ” hơn mà chỉ muốn nói rằng, mỗi thể loại có những con đường riêng của mình và tiểu thuyết cũng vậy. Tiểu thuyết chưa hề cũ đi về mặt thể loại hay bị các giới hạn kiềm chế kể từ ngày được khai sinh. Bản thân tôi là người viết tiểu thuyết, ở mỗi lần khởi thảo một cuốn mới tôi đều nhìn thấy những chân trời bất tận và màu mỡ dành cho mình, vấn đề là người viết có đủ tài năng và năng lượng để khai thác và phát triển nó hay không. Người ta từng dự báo rất nhiều về tiểu thuyết, thậm chí kể cả “cái chết” của nó, nhưng dường như những lời “tiên tri” ấy đều có phần thiếu chính xác hoặc không thực tế. Tiểu thuyết vẫn có vị trí vững chãi trong văn học và có thể, nó hoàn toàn riêng biệt như ý kiến của Milan Kundera chăng?
T.N
VNQD