Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào vấn đề xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật ở thời cách mạng 4.0

Thứ Năm, 01/09/2022 06:43

. PGS.TS NGUYN THANH TÚ

 

Đảng ta là đảng cầm quyền, tất cả mọi việc Đảng nghĩ, Đảng làm đều nhằm mục đích mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc. Bác Hồ dạy Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Muốn vậy, phải có văn hóa. Đại hội XIII đã xác định sứ mệnh ấy là “Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo quản lý”, tức xây dựng văn hóa trong chính trị của một Đảng lãnh đạo.

1. Văn hóa trong lãnh đạo, quản lý.

Hiện nay, theo cách hiểu phổ biến của thế giới thì “quản lý” là sự kết hợp tri thức với lao động (từ góc độ chính trị - xã hội); là sự chỉ huy, điều hành (từ góc độ hành động). “Lãnh đạo” là một quá trình tác động đến con người để họ tự nguyện và hành động một cách nhiệt tình nhất nhằm đạt các mục tiêu mà tổ chức đã đặt ra. Người lãnh đạo là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước pháp lý, trước lợi ích chung về kết quả hoạt động của tổ chức mình. Ngay nội dung các khái niệm đã cho thấy vai trò vô cùng quan trọng của lãnh đạo, quản lý (LĐ, QL). Bốn cái cột chống của ngôi nhà LĐ, QL thời 4.0 là chức năng hoạch định (đặc biệt là hoạch định chiến lược, tức tầm nhìn phát triển); chức năng tổ chức; chức năng chỉ huy và phối hợp thực hiện; chức năng kiểm tra đánh giá. Trong ngôi nhà điều hành này thì việc ra quyết định đúng đắn, phù hợp, có sự đồng thuận cao là thước đo tài năng người lãnh đạo. Điều này tục ngữ Việt sâu sắc khái quát vào mấy chữ: “Một người lo bằng cả kho người làm” nói cô đọng nhất về vai trò, nhiệm vụ người LĐ, QL “lo” không chỉ bằng cái đầu mà còn phải bằng cả trái tim, không chỉ là quản lý nhân sự cơ học đơn thuần mà còn quản lý cả tư tưởng, suy nghĩ của “người làm”, không chỉ lãnh đạo, điều hành công việc hiện tại mà còn nghĩ tới tương lai của tổ chức...

Tuy khái niệm khác nhau nhưng văn hoá lãnh đạovăn hóa quản lý có điểm chung là tạo ra một hệ thống những ý nghĩa, giá trị, niềm tin mang tính chuẩn mực của phong cách người đứng đầu có ảnh hưởng lớn trong xã hội.

Ngày nay thế giới rất quan tâm tới phương pháp lãnh đạo vì nó thể hiện rõ nhất văn hóa chính trị. Tháng 10/1947 với một tầm trí tuệ kiệt xuất, một sự hiểu biết đời sống sâu sát, tinh tế, cụ thể Bác Hồ viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, đặc biệt là Chương V Cách lãnh đạo, mà hôm nay soi những lý thuyết mới, hiện đại nhất vào đó ta thấy Bác như là người tiên phong đặt vấn đề.

Bác Hồ gọi LĐ, QL là việc “lãnh đạo và kiểm soát” tức “phải lãnh đạo quần chúng và học hỏi quần chúng”. Muốn vậy thì “không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu”. Vì “ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình... Nghĩa là phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân” (1).

Gần đây (2005), nhà quản trị học nổi tiếng thế giới người Nhật Bản dựa trên thuyết “giới hạn của nhận thức” (bounded rationality) đưa ra khái niệm “kiến tạo tri thức” (knowledege creation). Đại ý nhà lãnh đạo phải biết tập hợp tri thức kinh nghiệm từ đồng sự, từ “đám đông” với tri thức nổi (explicit knowledge) và tri thức ẩn (tacit knowledge), lấy đó làm nền tảng để ra các quyết định phù hợp. Những điểm này, Bác Hồ đã nói cụ thể trong Cách lãnh đạo. Người còn nhắc nhở cán bộ: “Dù ai tài giỏi mấy, cũng không thể biết hết cả, làm hết cả” (2) và ai mà “tự cho là mình biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất” (3). Tư tưởng Hồ Chí Minh đi trước thời đại là biểu hiện cụ thể ở những điều ấy!

Thời toàn cầu hóa hôm nay hay nói “thấu hiểu” để “thấu cảm” mà “đồng cảm” chia sẻ để hợp tác, hữu nghị thì Bác Hồ đã dạy cán bộ lãnh đạo dân phải “hiểu thấu” để học hỏi dân, vì họ “rất khôn khéo” biết “giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ...” (4). Không đặt mục đích đề cao Bác Hồ nhưng dẫn ra để thấy một yêu cầu hàng đầu của văn hóa LĐ, QL là biết gần dân, thân dân, học hỏi dân để phục vụ dân tốt hơn! Đây cũng là một tiêu chuẩn/phẩm chất số một của người cán bộ.

Nhiệm vụ của xây dựng văn hóa trong chính trị là làm cho văn hóa thấm sâu vào chính trị. Xã hội ta là xã hội dân chủ, dân là chủ và dân làm chủ, xét đến cùng mục đích tối thượng của văn hóa chính trị là làm sao phát huy một cách cao nhất quyền làm chủ của nhân dân. Dân chủ trở thành một giá trị văn hóa sẽ vừa là động lực, vừa là mục tiêu, đồng thời cũng là nguồn lực nội sinh vô cùng to lớn của cách mạng. Thế nên về bản chất, văn hóa LĐ, QL phải mang tính khoa học, cách mạngnhân văn.Với một đảng cầm quyền thì điều này thể hiện ở mục đích vì dân, ở khả năng tập hợp lực lượng, ở tầm trí tuệ, bản lĩnh, phẩm chất để đưa ra cương lĩnh, đường lối đúng đắn, những chủ trương phù hợp và tổ chức thực hiện thắng lợi. Biểu hiện cụ thể ở một cán bộ là việc dùng quyền lực một cách có văn hoá để làm tốt nhiệm vụ vì lợi ích của dân, của Đảng.

Cần phải làm gì để nâng cao văn hóa trong LĐ, QL góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, ngang tầm, đủ sức gánh vác việc dân việc nước và góp phần làm trong sạch bộ máy chính trị?

Cái ý nghĩa phổ quát nhất của văn hóa LĐ, QL là kiến tạo niềm tingiữ vững niềm tin. Niềm tin là điểm tựa của mỗi chính thể, là cầu nối lãnh đạo trung ương và quần chúng cơ sở. Như mạch máu của cơ thể xã hội, niềm tin mạnh mẽ, khỏe mạnh thì xã hội khỏe mạnh. Cha ông ta ngày xưa thắng giặc là nhờ tạo được niềm tin của dân “tướng sĩ một lòng phụ tử”, được dân ủng hộ. Chúng ta vừa làm nên kỳ tích thắng “giặc covid 19” được thế giới nể phục là nhờ Đảng lo cho dân hết lòng nên được dân ủng hộ hết sức. Thời 4.0 là thời của vi điện tử, của số hóa,... sự phụ thuộc lẫn nhau của các nền/đơn vị kinh tế ngày càng lớn thì việc ra một quyết định chiến lược có ý nghĩa sống còn với nhiều người, với hiện tại, với cả tương lai nên “chỉ số niềm tin” của người lãnh đạo càng phải lớn. Văn hóa LĐ, QL thể hiện bản lĩnh, phong cách, kỹ năng LĐ, QL của người cán bộ. Trong mọi hoàn cảnh người LĐ, QL phải giữ được niềm tin, phải tạo ra uy tín lớn với quần chúng. Như người thuyền trưởng có tầm nhìn, có tri thức kinh nghiệm đoán được giông bão, luồng lạch, được sự tham mưu đúng đắn của cộng sự, có sự tín nhiệm của thủy thủ mà vững vàng điều khiển, chỉ huy tàu cập bến an toàn. Khoa học quản lý hiện đại coi vấn đề uy tínra quyết định mang tính chi phối tới các yếu tố của cấu trúc nhân cách người LĐ, QL.

Thời 4.0 xuất hiện sự khủng hoảng thừa của vật chất và sự đổ vỡ các giá trị truyền thống nên con người có xu hướng tìm về các giá trị nhân tính bền vững. Người LĐ, QL trước hết phải có “cái tâm” yêu người, thương người, vì người. Đây là yếu tố nền móng để họ có những ứng xử văn hóa phù hợp. Cán bộ là gốc của mọi công việc thì cái gốc của người cán bộ là phẩm chất yêu nước, yêu dân, hy sinh vì dân. Thế giới khâm phục Bác Hồ trong thời điểm ngặt nghèo nhất (vừa sau tháng 9/1945) đã có quyết định kịp thời, sáng suốt, mang giá trị văn hóa vì con người cao nhất là ra Chỉ thị “diệt” ba thứ giặc: giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm!

Chọn, bồi dưỡng cán bộ phải lấy công việc vì dân, vì tập thể làm thước đo, làm mục đích. Những bài học đau xót vừa qua về một vài cán bộ cấp cao có tài nhưng tư lợi cá nhân nên gây ra hậu quả lớn cho thấy yếu tố “cái tâm” càng ở thời toàn cầu hóa càng quan trọng.

Người LĐ, QL phải có tri thức sâu rộng. Sống ở thời “liên văn hóa” nên người LĐ, QL phải có tri thức “liên văn hóa”, theo chiều dọc là “liên” tri thức truyền thống xưa – hiện đại nay, theo chiều ngang là dân tộc – nhân loại, bản địa – quốc tế...Không có tri thức sâu về chuyên ngành, không đủ tri thức rộng về giao tiếp văn hóa, người LĐ, QL sẽ không làm việc được với thế giới, không thể “hiểu thấu” đối tác để liên kết.

Cần thiết phải tạo cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút, nhất và việc sử dụng nhân tài. Chính sách đưa người đi du học của Nhà nước là đúng đắn. Ra nước ngoài học tập như là rèn những cái chìa khóa để mở ra các cánh cửa liên thông với thế giới. Nhưng lại đang có hiện tượng “chảy máu”, lãng phí chất xám. Một số người du học không về nước làm việc (do không có “môi trường”!?). Lại có trường hợp đi học về nhưng không được làm đúng nghề, đúng việc!?

Bác Hồ là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, điển hình cho nhân cách người LĐ, QL. Phải coi việc Học tập và làm theo tấm gương đạo, đức, tác phong Hồ Chí Minh một cách thiết thực, cụ thể nhất. “Một tấm gương sống còn hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Mỗi cán bộ LĐ, QL là một “tấm gương sống” thì những cái tốt đẹp sẽ “nảy nở như hoa mùa xuân” và những cái xấu sẽ tự “dần mà mất đi”!

Phải khắc phục cho được tâm lý tiểu nông trong LĐ, QL. Biểu hiện ở một vài địa phương mới đây là chuyện “cất nhắc vượt cấp” con cái người đứng đầu!? Tinh vi hơn là nạn “tham nhũng chính sách” cũng có gốc gác từ sự “ưu ái”, “nể nang”,...Nó không nhằm vào quyền lợi vật chất mà nằm trong tư duy, trong “tình cảm” những người có chức năng soạn thảo các cơ chế, chính sách. Họ sẽ “mềm mại hóa” văn bản để sao cho đối tượng (ngành/quê mình,...) được hưởng lợi!!!

2. Quản lý Nhà nước về văn hóa, văn học nghệ thuật hôm nay – Những đặc thù và bất cập.

Quản lý Nhà nước về văn hóa, văn học nghệ thuật (QLNNVVHVHNT), nghĩa là thay mặt Nhà nước để quản lý. Từ góc nhìn khoa học tổ chức thì đó là quá trình tác động liên tục, có tổ chức, có chủ đích của Nhà nước thông qua hệ thống pháp luật và bộ máy nhằm mục đích phát triển văn hóa. Theo quan điểm đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Cho nên song song với việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống là sự kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Ngay cách hiểu sơ bộ này cũng cho thấy tính đặc thù của QLNNVVHVHNT có chủ thể quản lý là Nhà nước tổ chức thống nhất từ Trung ương đến các địa phương, khách thể quản lý là văn hóa và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa hoặc có liên quan. Nó có thể là các hoạt động văn hóa (các dịch vụ, hoạt động sáng tạo...); các giá trị văn hóa (các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể); mục đích quản lý là giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống…; cơ sở pháp lý của quản lý là Hiến pháp, luật, pháp luật…

Như vậy QLNNVVHVHNT là quản lý bằng pháp luật. Nhà quản lý thay mặt Nhà nước quản lý bằng luật, ứng xử bằng phép công chứ không thể bằng tình riêng, cảm tính chủ quan...

Nhưng văn hóa lại là lĩnh vực rất uyển chuyển, tinh tế, nhạy cảm nhất là ứng xử với các di sản nên nhà quản lý vừa phải có giải pháp đúng với luật pháp vừa phù hợp tính đặc thù. Nếu không sẽ sa vào cứng nhắc thậm chí có những hành vi phản khoa học. Đã từng có hiện tượng một ngôi chùa cổ có nguy cơ sập mái. Người ta “giữ nguyên hiện trường” để làm Tờ trình “báo cáo” cấp trên. Đến khi có “quyết định” thì những “di sản” quý như vàng đã...biến dạng do một trận bão bất ngờ. Lại có hiện tượng “làm mới” di sản...Pho tượng quý ngàn năm được sơn cho “mới”! Đã từng có chuyện người ta xây nhà cấp 4 cho đồng bào người dân tộc thiểu số “tái định cư”. Tất nhiên không có ai ở, vì không phải nhà sàn, xa rừng, lại tập trung... Như vậy nhà quản lý vừa không hiểu tính đặc thù của văn hóa, vừa sợ sai, không dám linh hoạt, không dám chịu trách nhiệm...

Ở một vài địa phương ngành văn hóa chưa phát huy được, chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt của các giá trị văn hóa tinh thần (như Bác Hồ nói “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”) nên có phần rụt rè, thiếu tự tin, cả nể. Xin kinh phí để tu bổ di sản, để làm nhà sàn (như trên đã dẫn) thì sợ ngành tài chính, xây dựng kêu “tốn kém”... nên “tán thành” cho xong. Lại có nơi sợ “giải ngân” vì không biết tiêu tiền thế nào cho phải. Không làm đúng kế hoạch sẽ bị phê bình, ngành nọ chê ngành kia kích bác...

Một thời ở khu vực du lịch tâm linh nọ mọc lên một loạt chùa xây mới với ý đồ xấu. Cán bộ QLNNVVHVHNT từng đi kiểm tra, từng lập biên bản nhưng thấy sự phản ứng quá khích, (hoặc có khi bị mua chuộc), chính quyền sở tại lại làm ngơ...đành bỏ qua. Về sau báo chí phanh phui vấn đề mới rõ ràng. Như vậy lỗi có phần lớn ở ngành văn hóa, mà chủ yếu là cán bộ “dĩ hòa vi quý”!

Có cán bộ lại “cảnh giác” với chính anh em đồng nghiệp, đồng chí. Nhiều người “sống lâu lên lão làng”, bằng cấp thiếu, năng lực có hạn trong khi đó anh em trẻ học hành cơ bản, có năng lực. Thế là “Sếp” đành ứng xử theo kiều “xuê xoa”, “dung hòa”, “mười rằm cũng ừ mười tư cũng gật” cho qua chuyện...Đó là sự cả nể để “giữ ghế”, một cách lấy lòng để có phiếu bầu...

3. Những giải pháp tháo gỡ.

Cần thấy sự tác động vào chủ thể người quản lý là rất đa dạng, do vậy cần xem xét mọi yếu tố, cả chủ quan và khách quan.

Một là, phải bám sát vào sự lãnh đạo của Đảng, thấm nhuần quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, là động lực của sự phát triển. Nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội về vị trí, vai trò, chức năng của văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.Không chỉ một ngành văn hóa chịu trách nhiệm QLNNVVHVHNT mà phải là tất cả hệ thống chính trị. Vụ việc “sao kê” từ thiện năm 2020 có trách nhiệm của nhiều cơ quan. Nếu ngành văn hóa tham mưu chính quyền, các tổ chức chính trị can thiệp với nhà từ thiện minh bạch ngay từ đầu thì sẽ không xảy ra chuyện. Cũng một phần do cả nể “người có tiền có tâm” mà địa phương để một vài người“tự tung tự tác”, có khi có hành vi không đúng với “từ thiện” là việc làm thiện nguyện từ tấm lòng thành...

Hai là, xây dựng các văn bản chủ trương phải vừa phù hợp với đặc trưng văn hóa vừa bám sát thực tiễn nền kinh tế thị trường và yêu cầu phát triển bền vững.Vì quản lý nhà nước bao giờ cũng có khoảng trống trên dưới, do vậy tạo ra cơ chế tự quản lý là rất quan trọng. Văn hóa là sự nghiệp của quần chúng nên phải phát huy vai trò và tính tích cực của hệ thống thiết chế văn hóa cổ truyền vốn có sẵn từ trước, bền bỉ, dẻo dai và rất linh hoạt.Xây dựng và phát huy ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của cộng đồng tự quản ở mỗi địa phương là rất cần thiết.

Ba là,nâng cao năng lực QLNNVVHVHNT, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ thông qua quá trình tiêu chuẩn hóa, tuyển chọn và bồi dưỡng. Văn hóa là lĩnh vực rộng và luôn phát sinh vấn đề mới, người cán bộ phải tự học hỏi bồi dưỡng mình ngang tầm với nhiệm vụ. Học kiến thức chuyên ngành, học thêm kinh nghiệm nước ngoài. Cây vững nhờ cái gốc. Có học vấn sâu, có bản lĩnh, có ứng xử linh hoạt sẽ tự hết “cả nể”.

Bốn là, tăng cường tổ chức nghiên cứu, tổng kết về quản lý các lĩnh vực, nâng cao chất lượng công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra. Bản thân văn hóa là đa ngành, đa lĩnh vực do vậy rất cần sự tổng kết, đúc rút bài học, kinh nghiệm với từng lĩnh vực, từng thời điểm. Bất kể ngành nghề nào quản lý đều gắn liền với kiểm tra, giám sát. Trong bối cảnh cơ chế thị trường, quản lý văn hóa càng phức tạp, đa dạng nên càng cần đến giám sát, kiểm tra, thanh tra. Đây không chỉ là việc của Nhà nước mà còn rất cần đến sự giám sát của người dân, vì đó là tiếng nói quan trọng của chủ thể văn hóa vừa là người am tường nhất vừa là người hưởng thụ văn hóa.

Năm là sớm hoàn thiện các khái niệm cơ bản và thông dụng của mọi lĩnh vực để thống nhất quản lý và triển khai thực hiện. Ví như cùng một hoạt động văn hóa có nơi vẫn gọi là “Lên đồng” nghiêng về mê tín, dị đoan có nơi gọi “Hầu đồng”, “Hầu bóng”, “Đồng bóng” còn mơ hồ nhưng nếu gọi là “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu” thì là truyền thống, là khoa học!

N.T.T

-------

(1), (4). Hồ Chí Minh toàn tập, 15 tập, 2011. Nxb CTQG, tập 5, tr 325, tr 335.

(2), (3). Sđd, tập 5, tr 631; tập 6, tr 356.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)