. LÊ HỒ NAM
1. “Đời người chẳng đáng giá bằng một câu thơ của Baudelaire.” Câu văn ấy được rút ra từ tự truyện Cuộc đời một kẻ ngốc của văn hào Nhật Bản Akutagawa Ryunosuke. Nó vừa là một tuyên ngôn, vừa là tiếng kêu thương của một kẻ khước từ cuộc đời và bị cuộc đời khước từ, chỉ có thể tìm đến cái đẹp nơi nghệ thuật.
Những năm sau, dường như Mishima Yukio, hậu bối của Akutagawa, đã đối thoại với vị tiền bối về châm ngôn trên. Nếu Akutagawa tìm đến cái đẹp như một sự cứu cánh khỏi nỗi tuyệt vọng về nhân sinh, thì Mishima đã đặt nghi vấn về thứ mang sứ mệnh cứu rỗi ấy: Liệu cái đẹp chỉ đơn thuần thực thi trọng trách có phần thiêng liêng đó, hay có khi nó lại trở thành một thứ gì khác tựa nỗi ám ảnh, tựa nhà lao giam hãm chúng ta và thậm chí, mang mầm mống của sự huỷ diệt? Nói cách khác, phải chăng cái đẹp cũng có khả năng nghiền nát con người?
2. Vào tháng 7 năm 1950, cả nước Nhật bỗng rúng động vì vụ án phóng hoả chùa Kim Các ở Kyoto, gây ra bởi một chú tiểu trong chùa. Sáu năm sau, dựa trên vụ việc ấy, Mishima Yukio đã cho ra đời Kim Các tự (Nguyễn Văn Thực dịch, Nxb Dân Trí và Công ti Nhã Nam, 2022), viết về Mizoguchi, một chú tiểu xấu xí, mắc tật cà lăm mang nỗi ám ảnh phức tạp với vẻ đẹp của Chùa Vàng. Tác phẩm về sau gắn liền với tên tuổi của Mishima. Nó cũng như một minh chứng cho sự đối thoại ngầm giữa ông với Akutagawa, và trên tất cả, nó là một “công án về cái đẹp”(1), một đoá hoa nở trong biển lửa tối tăm song vẫn một mực giữ vẻ đẹp lộng lẫy.
Kim Các tự, trước hết, phát lộ một chức năng mà văn chương nghệ thuật có và cần hướng đến, đó là sự tái thiết lập hiện thực và đề ra một hiện thực khác. Hiện thực bên ngoài là vụ việc chùa Kim Các bị thiêu rụi bởi một chú tiểu trong chùa. Sự kiện ấy đã kết thúc một phần khi phạm nhân bị bắt, và dường như đã đóng lại hoàn toàn vào thời điểm ngôi chùa được tái xây dựng. Thế nhưng văn học không nên thỏa hiệp với dấu chấm hết đó. Văn học cần đặt nên hai nghi vấn để tiếp cận hiện thực theo cách của mình. Thứ nhất, liệu còn gì đằng sau một sự kiện mà chúng ta vẫn chưa nắm bắt được hay không? Và thứ hai, con người ở đâu trong sự kiện đó? Từ sự phản tư ấy, dường như Mishima đã xem vụ án đốt chùa như một điều kiện, một cái cớ để nhà văn tự hoạ và dẫn dụ độc giả vào thế giới của riêng ông: thế giới của bóng tối, của bạo lực, của những giằng co liên tục trong cõi hỗn mang tinh thần, và đó là thế giới mà cái đẹp gắn với quyền lực, huỷ diệt, sự tái sinh. Thế giới của Mishima thể hiện kiến giải của riêng ông trước hiện thực, đồng thời biểu đạt một khả thể, rằng những con người như chú tiểu đốt chùa - vốn bị nhìn nhận như kẻ có vấn đề về thần kinh và không được thấu hiểu - được hiểu một cách nhân bản nhất.
3. Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, một trong những cách lí giải mấu chốt của Mishima về hành vi đốt chùa của chú tiểu là nỗi ám ảnh về quyền lực. Mizoguchi là một kẻ mắc tật cà lăm. Tật cà lăm ấy khiến tiếng đầu tiên mà cậu thốt ra luôn nhọc nhằn, và điều đó biểu lộ rằng cậu đã mất quyền lực với ngôn ngữ, với tiếng nói - thứ được xem là phương tiện, là chìa khoá để giao tiếp và tương tác với xã hội, với những người khác. Tật cà lăm cùng với vẻ ngoài xấu xí, lại thu mình, đã khiến Mizoguchi trở thành một kẻ “lệch chuẩn”, thành đối tượng thường xuyên bị trêu chọc, nhạo báng. Những điều đó đã đẩy cậu về phe yếu thế, một kẻ chịu sự áp chế của tha nhân. Mặc cảm và nỗi ám ảnh về quyền lực đã khiến Mizoguchi phải nhọc sức để kiếm tìm một thứ mà bản thân mình có thể thực thi quyền lực với nó, là Kim Các tự. Điều mà cậu tự hào duy nhất trong đời là tình yêu dành cho ngôi chùa lộng lẫy, đẹp đẽ ấy - một đối cực hoàn toàn với Mizoguchi. Tình yêu đó không chỉ là một thứ cảm xúc, mà còn là một cách để cậu tìm lại quyền lực đã đánh mất nơi ngoại giới. Cậu yêu ngôi chùa hơn bất kì ai, và niềm ngưỡng vọng trước “báu vật tuyệt thế” đó đã tiệm tiến đến một thứ bóng tối tinh thần: nỗi ám ảnh.
Nỗi ám ảnh với cái đẹp của chùa Kim Các nơi Mizoguchi đã vô tình tạo nên một sự áp bức khác. Hình ảnh ngôi chùa ngày một trỗi dậy mạnh mẽ hơn trong tâm trí của chú tiểu, giày vò và bóp nghẹt sự sống của cậu. Mizoguchi không còn nắm giữ quyền lực với Kim Các tự, mà giờ đây, quyền lực ấy đã bị nắm giữ bởi ngôi chùa, hay nói đúng hơn, bởi cái đẹp. Điều đó có thể thấy rõ thông qua hai phân đoạn, khi Mizoguchi cố chạm vào thân thể của hai người phụ nữ khác nhau thì hình ảnh Kim Các tự lại hiện ra, khiến cậu buông xuôi, trốn chạy. Có thể xem xác thịt phụ nữ trước mắt cậu là ngoại giới, là thế giới bên ngoài mà Mizoguchi luôn muốn hoà nhập, và ngôi chùa là một bức tường lớn đứng giữa, ngăn không cho cậu thực hiện khát vọng đó. Cậu, từ một kẻ vốn đã bị đẩy ra vùng ngoại biên của cuộc đời, từng lúc bị đẩy ra xa hơn nữa. Cậu không thể có được khoái lạc phàm tục mà người đời có, khi sự áp chế của cái đẹp trong cậu quá lớn. Như thế, khác với Kashiwagi - một nhân vật tật nguyền khác trong Kim Các tự - tàn phá cái đẹp để củng cố quyền lực cho mình, Mizoguchi thiêu rụi ngôi chùa Kim Các để thoát khỏi nỗi ám ảnh về quyền lực. Hành động ấy đã tạo cho cậu một lối thoát để vượt khỏi sự thống trị, từ đó có thể tái hoà nhập với cuộc sống bên ngoài. Vì thế, đốt chùa là một hành động đầy can đảm.
4. Mishima nổi tiếng với quan niệm: “Muốn lưu giữ cái đẹp vĩnh cửu chỉ có cách huỷ hoại cái đẹp ấy đang ở lúc huy hoàng nhất.” Điều này đã được nhiều người nhắc đến như một nghi thức không thể thiếu khi nói về Mishima. Người ta lí giải cho quan niệm ấy, rằng huỷ hoại cái đẹp đương độ rực rỡ là cách để cái đẹp sống mãi trong tâm trí con người, và “thần sắc của cái đẹp” (hay phần hồn của cái đẹp) được gợi ra mới là thứ thật sự có giá trị vĩnh cửu. Nhưng tư tưởng của Mishima dường như còn bao hàm cả sự “giải cấu trúc” cái đẹp. Ta có thể thấy, trong Kim Các tự, những hoá thân khác nhau của cái đẹp như Uiko, Tsurukawa hay bầu vú người phụ nữ tiễn chồng ra trận… đều được Mishima dần dần xoá bỏ lớp áo của sự hoàn mĩ được ngưỡng mộ, tôn thờ - thứ vốn được xác lập ngay từ ban đầu. Nàng Uiko với nét đẹp tính nữ đầy diễm ảo, hoá ra cũng là một kẻ khinh bỉ chú tiểu Mizoguchi như bao người, và cuối cùng đã “bị thế gian chối bỏ” khi bị quân nhân đào ngũ mình bao che bắn chết. Tsurukawa với cái đẹp trong sáng, thuần khiết, “không thuộc về thế giới này” trong suy nghĩ của Mizoguchi, cuối cùng có thể đã tự sát vì chuyện tình yêu phàm tục. Bầu vú trắng ngần của người phụ nữ từng là một hình ảnh gây ấn tượng mạnh mẽ trong tâm trí của chú tiểu khi nhìn từ xa, ba năm sau, khi đặt điểm nhìn vào cận cảnh, cậu chỉ xem nó là “một khối vật chất” vô vị. Người ta có thể nói rằng Mishima đã “tầm thường hoá” cái đẹp, nhưng có lẽ, sự “tầm thường hoá” lại khiến cái đẹp gần với cuộc đời của chúng ta hơn. Cái đẹp rũ bỏ tính mộng ảo, tính biểu tượng để chuyển dịch đến gần với ngoại giới, với cuộc đời, và sẽ được nhìn với một góc độ khác.
Việc Mizoguchi đốt Kim Các tự cũng là cách để cậu hoá giải tính chất thiêng liêng nơi cái đẹp vốn được xem là bền vững đó. Đây không chỉ là một hành động kháng cự nỗi ám ảnh về quyền lực như đã nói, mà còn là một sự cởi trói cho chính cái đẹp. Cái đẹp, một mặt, cầm tù con người ta, mặt khác, tự cầm tù chính nó. Nó vừa khiến con người sùng bái đến mức bị nó hút cạn sinh lực, không thể nhìn ra điều gì khác thẳm sâu trong nội tại, vừa tự đóng mình trong cái khung vô hình, khước từ mọi khả thể, mọi phát hiện mới mà người ta góp vào cho nó. Vậy nên, ở đoạn kết tác phẩm, không chỉ mỗi Mizoguchi được tự do, được “sống” như người ta thường nói, mà chùa Kim Các cũng được tự do. Cái đẹp được khai phóng để tiếp tục một đời sống mới, một màu áo mới. Đốt chùa, vì thế, mang ý niệm phục sinh.
5. Kim Các tự có thể được xem là lời tự thú của phạm nhân, là một văn bản triết học hay là một hồ sơ bệnh án… Song, sau trước nó là một cuốn tiểu thuyết với ngôn từ giàu mĩ cảm, bút pháp dựng cảnh, đặc tả âm thanh điêu luyện và hơn hết là sự chú trọng vào thế giới bên trong con người. Tinh thần của Kim Các tự có thể được so sánh với Yêu dấu của Toni Morrison trong nỗ lực thấu hiểu và lí giải những xung động bị khuất lấp của những con người thuộc phe yếu thế, bị xem là những kẻ tội đồ. Tinh thần ấy không cho phép người viết hời hợt, dễ dãi, mà phải diễn tả tỉ mỉ, tận cùng sự phức tạp nơi bản thể người. Để rồi, sau tất cả những sự lung lay, bất an đó, đích đến cuối cùng vẫn là một thế giới nhân bản, một thế giới mà ở đó có sự hoà giải giữa con người với con người, và giữa con người với cái đẹp.
Năm 1970, người ta bàng hoàng trước sự kiện nhà văn Mishima Yukio đã thực hiện nghi thức seppuku để tự sát. Ông ra đi ở tuổi 45, vào giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp. Điều đó dường như cũng ứng với văn chương của ông. Một thứ văn chương vừa bạo tàn vừa đẹp đẽ, một thứ văn chương tựa như từng búng máu bắn tóe ra từ những đoá hoa lộng lẫy, một thứ văn chương mà đến lúc cũng sẽ tự diệt chính nó, nhưng đó là một sự huỷ hoại huy hoàng. Song, từ sự huỷ diệt ấy, cái đẹp vẫn vẹn nguyên, vẫn nảy nở và sẽ được làm mới. Tầm vóc của những tác phẩm văn chương có giá trị không phải một sự cố định mà luôn đón đợi những cách đọc, cách diễn giải và những sự đối thoại mới. Đó cũng là sự sống đúng nghĩa của văn chương, và của cái đẹp. Cái đẹp, sau rốt, là một sự tái sinh không ngừng
L.H.N
--------
1. Xem thêm: Đào Thị Thu Hằng, “Kim Các tự” - một công án về cái đẹp của Mishima, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, 2007, http://www.inas.gov.vn/202-kim-cac-tu-mot-cong-an-ve-cai-dep-cua-yukio-mishima.html.
VNQD