Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người – từ góc nhìn an ninh

Thứ Hai, 26/09/2022 08:22

. PGS.TS NGUYỄN THỊ TUYẾT THU
 

I.Hồ Chí Minh và khái niệm “an ninh con người”.

Để hiện thực hóa lý tưởng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, trong khoảng thời gian từ 1917 đến 1940, Nguyễn Ái Quốc đồng thời tiến hành ba cuộc đối thoại với chủ nghĩa thực dân và chế độ phong kiến; với đồng bào An nam và nhân dân các nước thuộc địa; với các đồng chí của mình. Mục đích, nội dung các cuộc đối thoại cũng rất rõ ràng, chính nghĩa, công lý, nhân tính,... nói chung là vì con người. Lên án, tố cáo, vạch trần tội ác để góp phần làm dừng lại, trước hết là giảm thiểu tính chất của tội ác. Thức tỉnh nô lệ để kêu gọi con người ý thức được nhân tính để đòi trả lại nhân tính. Muốn vậy trước hết phải đòi chủ nghĩa thực dân đế quốc trả lại môi trường có nhân tính. Chia sẻ, động viên, kêu gọi (đồng chí), xét đến cùng là nhận chân kẻ thù chung và cùng nhau giải phóng con người.

Khái niệm “An ninh con người” (Human security) lần đầu tiên được nêu trong Báo cáo Phát triển Con người của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) năm 1994. Theo đó, khái niệm “an ninh”cần được mở rộng về phía người dân thường hơn là cách hiểu có phần hạn hẹp trước đó chỉ an ninh quốc gia, với các khái niệm an ninh chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ...Nhưng trước đó hơn nửa thế kỷ, một người Việt Nam là Nguyễn Ái Quốc, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả trong tư tưởng và hành động đã đặt nền móng và cụ thể hóa khái niệm “An ninh con người” một cách cụ thể, thuyết phục. Học tập, kế thừa tư tưởng này, Đảng ta luôn coi “nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Nghị quyết Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nhiều lần nhấn mạnh: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người...”; “Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người[1]...

Soi vào trước tác và những hoạt động nổi bật của nhà cách mạng vĩ đại Hồ Chí Minh sẽ thấy Người quan tâm trước hết đến con người, cụ thể là vấn đề “an ninh con người”.

Ngày 03/9/1945, tức chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, dù phải đối phó với muôn vàn khó khăn nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong phiên họp đầu tiên vẫn đề nghị Chính phủ lâm thời “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân, trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống”[2]. Điều này thể hiện rõ nhất thành quả đấu tranh cũng là hạnh phúc của nhân dân khi lần đầu tiên được hưởng quyền làm chủ. Đồng thời nó biểu hiện cho quyền con người, cũng vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ công dân!

Trên báo Le Paria số 4, ngày 1-7-1922, trong nguyên bản tiếng Pháp bài báo Thù ghét chủng tộc Nguyễn Ái Quốc dùng hai chữ “con gái” bằng tiếng Việt. Trên báo L’Humanité ngày 17-8-1922, trong bài Dưới sự bảo hộ của… các chữ “nhà quê”, “Quan lớn”, “lính lệ” viết bằng tiếng Việt. Trong truyện Vi hành chữ “dân” viết bằng tiếng Việt. Đặc biệt hai chữ “nhà quê” được tác giả đều viết bằng tiếng Việt trong các văn bản tiếng Pháp. Không phải là trong tiếng Pháp không có từ tương ứng mà tác giả có dụng ý hẳn hoi. Có thể là từ ấy quen với người Pháp ở An Nam, ví dụ hai chữ “con gái” thường xuất hiện trong các bài báo tiếng Pháp là do người Pháp nuôi những thiếu nữ người Việt vừa để hầu hạ vừa làm trò chơi, họ gọi những người này bằng âm tiếng Việt. Hai chữ “nhà quê” thì mang sắc thái biểu cảm rõ ràng, trong văn cảnh cụ thể, đó là sắc thái mỉa mai những tên thực dân khinh thường dân An Nam thuộc địa hoặc là tâm trạng xót xa của người viết trước cảnh đồng bào mình bị bóc lột tàn tệ…

Sau này là Chủ tịch Nước, Người cũng là người dân bình dị gần dân, thân dân, luôn dạy cán bộ phải làm “đầy tớ” cho dân!

II. An ninh con người – Những vấn đề cụ thể.

1. “An ninh lương thực” hay “Có thực mới vực được đạo”!

Xuất phát từ quan niệm biện chứng, thực tế và khoa học “bất kỳ người nào, đoàn thể nào, cũng không ngoài năm việc là: ăn, mặc, ở, đi, làm” nên Hồ Chí Minh quan tâm một cách cụ thể, thiết thực cả 5 vấn đề nhưng ưu tiên trước hết là vấn đề “ăn”. Trong Hồ Chí Minh toàn tập (2011), 49 lần Bác Hồ nhắc đến hai chữ “ăn no” trong ngữ cảnh Đảng và Chính phủ cố gắng làm sao để cho dân được “ăn no”! 21 lần nhắc lại thành ngữ “Có thực mới vực được đạo”, mà Người giải nghĩa là “không có ăn thì chẳng làm được việc gì cả”! Nhiều lần Người dùng cụm thành ngữ Hán Việt “dĩ thực vi tiên” (nghĩa là trước cần phải ăn) và “Dân dĩ thực vi thiên” (nghĩa là dân lấy ăn làm trời)!

Người nhắc nhở cán bộ lãnh đạo dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi. Dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi!

2. An ninh môi trường - “Mỗi một người dân khỏe mạnh, tức là cả nước mạnh khỏe”!

Với quan niệm thực sự khoa học: sạch sẽ thì khỏe mạnh, mà mỗi người dân khỏe mạnh tức là cả nước khỏe mạnh,Người phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước”, viết sách tuyên truyền “Đời sống mới” (1947).Những vấn đề này đến nay vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Tháng 1 năm 1959 Người viết bài báo lịch sử Tết trồng cây kêu gọi người người trồng cây, nhà nhà trồng cây “việc này ít tốn kém mà lợi ích lại nhiều”. Không chỉ lợi ích về mặt kinh tế,“cây cối còn ảnh hưởng tốt đến khí hậu và sức khỏe của nhân dân”[3]. Chính Bác gương mẫu trồng cây, chăm sóc cây, làm bạn bè với cây cối. Thực ra triết học môi trường cũng sang đầu thế kỷ XXI mới kêu gọi con người phải làm bạn với cây xanh!

3. An ninh y tế - “Muốn phát triển sức khỏe của nhân dân thì phải cần thầy thuốc”!

Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế(2/1955)Người đã xác định “một nhiệm vụ rất vẻ vang” cho ngành: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào”[4]. Hai câu văn ngắnmà hai lần dùng từ “phó thác”. Biết bao ý nghĩa nằm trong hai chữ này, vì nó vừa có nét nghĩa “giao cho cái quan trọng”, vừa là sự “tin tưởng vào người nhận”. Lý tưởng rèn luyện bản lĩnh ý chí, nghề nghiệp của người thầy thuốc là câu của Bác: “y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi”[5].

Hôm nay, sự hy sinh quên mình của đội ngũ y bác sĩ trên tuyến đầu chống “giặc covid” đang hiện thực hóa lời Bác Hồ kính yêu!

 

Về cách sống “ở đời và làm người”.

Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Nghĩ cho cùng, mọi vấn đề... là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại bị đau khổ áp bức”[6]. Đây chính là một vấn đề căn cốt của đối thoại văn hóa hiện đại. Đẩy vấn đề về phía triết học chúng tôi xin đi sâu tìm hiểu và cố gắng cắt nghĩa sự hình thành tình thương “thương nước, thương dân, thương nhân loại bị đau khổ áp bức” rất mực cao cả và hết sức đặc biệt ở Hồ Chí Minh.

  1. Về chữ Hiếu.

Theo Nho giáo thì Trung, Hiếu là tiêu chuẩn để đánh giá phẩm chất đạo đức con người. Trung là hết lòng thờ vua, Hiếu là hết lòng thờ kính bố mẹ. Tội lớn nhất là tội bất hiếu. Thờ vua thì chết theo vua, vua bắt chết phải chết (quân sử thần tử thần bất tử bất trung). Thờ cha mẹ thì nghe lời cha mẹ, cha mẹ bắt chết phải chết (phụ sử tử tử, tử bất tử bất hiếu). Hai chữ “trung hiếu” ngày xưa thật thiêng liêng nhưng cũng thật quá nặng nề. Người ta thường kể cho nhau nghe những ngụ ngôn để răn dạy điều này, ví như có ông già hơn bảy mươi tuổi vì không muốn bố mẹ bị lạnh nên mùa đông thường vào giường nằm trước cho ấm chỗ rồi mời bố mẹ nằm sau. Lại có ông muốn bố mẹ vui mà mặc quần áo sặc sỡ rồi múa may như trẻ con…Thế là có “trung hiếu” thật sự và cũng có “ngu trung”, “ngu hiếu”. Theo lối chiết tự thì chữ Hiếu có hai bộ, gồm bộ “lão” chỉ người già ở phần trên và bộ “tử”, chỉ con cái, ở phía dưới. Hàm ý tượng hình của chữ “hiếu” là chỉ hình ảnh một người con cõng cha (mẹ) già. Về quan hệ giữa hai chữ này Nho giáo cũng quan niệm giữa Trung và Hiếu gắn liền nhau.

Sử dụng những thuật ngữ cũ của Nho giáo nhưng thay vào cách hiểu mới, Hồ Chí Minh là người đầu tiên ở Việt Nam xác lập khái niệm chữ Hiếu với nội hàm rộng rãi hơn là không chỉ hiếu với bố mẹ mà là “trung với nước, hiếu với dân”. Trong bài thơ Người tặng cụ Võ Liêm Sơn (1948) có câu: “Sự dân, nguyện tận hiếu/ Sự quốc, nguyện tận trung” (Thờ dân trọn đạo hiếu/ Thờ nước trọn đạo trung). Đánh giá ưu điểm của học thuyết Khổng Tử là tu dưỡng đạo đức nhưng lại như người “đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời”[7] nên Người đưa nội dung đạo đức thời đại mới để giáo dục cán bộ. Đó là quan điểm kế thừa, biện chứng “Tuy trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không đúng song những điều hay trong đó thì chúng ta nên học” và “chỉ có người cách mạng chân chính mới thu hái được những điều hiểu biết quý báu của các đời trước để lại”[8].

Quan niệm này của Hồ Chí Minh là nhất quán trong suốt cuộc đời của Người. Năm 1978 Ban Thường vụ tỉnh ủy Thuận Hải (cũ) tổ chức buổi tọa đàm giữa các nhà nghiên cứu và các trò đã học thầy Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh (Phan Thiết), còn ba cụ tuổi gần tám mươi là Nguyễn Quý Phầu, Từ Trường Phùng, Nguyễn Đăng Lâu. Cụ Nguyễn Quý Phầu kể một hôm Thầy hỏi các trò: “Trong sách có câu “Trai thì trung hiếu làm đầu” các em có hiểu không? Thầy để nhiều em trả lời, rồi giảng giải:

Đất nước ta tính từ ngày có vua Hùng dựng nước, đã được gần bốn ngàn năm. Bốn nghìn năm đó là bốn mươi thế kỷ, thế kỷ nào ông bà cũng đứng lên chống ngoại xâm nhằm giành độc lập tự do cho đồng bào, cho đất nước. Vậy thì phận làm trai trước tiên phải kể đến chữ Trung, là Trung với dân, với nước. Có em nói là trung với vua, nếu là ông vua yêu nước như vua Duy Tân, vua Quang Trung, vua Trần Nhân Tông…thì được, chớ trung với những ông vua không thương dân mà ôm chân ngoại bang thì các em bảo có nên trung hay không?

Rồi thầy giảng chữ Hiếu. Đại ý thầy nói: hiếu là hiếu thảo. Ai cũng có cha mẹ, có anh em, người có công dưỡng dục sinh thành. Ca dao ta có câu: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Cha mẹ là ruột thịt, là người thân nhất của mình, nếu không hiếu thảo thương yêu cha mẹ liệu có thể yêu nước thương dân được không? Chữ trung với chữ hiếu phải đi liền với nhau. Trung hiếu với cha mẹ thì phải trung hiếu với dân với nước. Coi việc dân việc nước như việc nhà của mình. Sau cùng thầy nói, thời ấy Cụ Đồ Chiểu nói “Trai thì trung hiếu làm đầu” là phải đạo. Nhưng hôm nay thầy nghĩ trai gái đều nên lấy chữ Trung Hiếu làm đầu”. “Các cụ cũng kể lại, có lần vào xóm nghèo ở bến Cồn Chà về thấy một cụ già rụng hết răng đang ngồi lấy sống rựa giần miếng trầu, thầy Thành liền đỡ lấy và nhai hộ bà cụ. Bà cụ vô cùng xúc động. Trên đường về thầy nói: Hồi nhỏ thỉnh thoảng thầy cũng nhai trầu cho bà ngoại”[9].

Sau này Người giải thích rõ hơn, ngày xưa “Trung là trung với vua. Hiếu là hiếu với cha mẹ”, còn ngày nay “Trung là trung với Tổ quốc, Hiếu là hiếu với nhân dân”. Vì sao vậy? Vì: “Ta thương cha mẹ ta, mà còn phải thương cha mẹ người, phải cho mọi người đều biết yêu thương cha mẹ”[10]. Giải thích tại sao người cách mạng cũng là người có hiếu nhất, vì hiếu với dân cũng tức là hiếu với cha mẹ: “Người kiên quyết cách mạng nhất lại là người đa tình, chí hiếu nhất. Vì sao? Nếu không làm cách mạng thì chẳng những bố mẹ mình mà hàng chục triệu bố mẹ người khác cũng bị đế quốc phong kiến dày vò…Phải hiểu chữ hiếu của cách mạng rộng rãi như vậy”[11]. Cho nên ta hiểu cả cuộc đời Người đấu tranh để giành lại hạnh phúc cho dân, “nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng; gộp những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”. Nhận được thư, quà của nhân dân, dù bận Người vẫn tự tay viết thư trả lời, cảm ơn chu đáo, ân tình. Đó là cách ứng xử hiếu thảo của người cách mạng đối với nhân dân.

Cần thiết một sự lý giải vì sao Hồ Chí Minh có một quan niệm về chữ Hiếu mới mẻ như vậy. Thời thơ ấu Nguyễn Sinh Cung theo học cử nhân Vương Thúc Quý là người hoạt động bí mật trong phong trào chống Pháp. Cha của thầy là nhà nho Vương Thúc Mẫn đã nhảy xuống ao tự vẫn để khỏi bị giặc Pháp bắt. Thầy Quý dạy trò những chữ khai tâm: học là để vì nước vì dân. Như là hệ quả của một tình yêu thương lớn mà cậu Cung sớm có một tâm hồn nhạy cảm với nỗi đau của con người. Câu chuyện chia chữ cho thấy cậu bé Côn (Cung), ngay từ nhỏ đã sớm có ý thức chia sẻ nỗi đau với anh em bè bạn: “Năm 1895 ông Nguyễn Sinh Sắc đưa vợ và hai con vào Huế. Ông Sắc vừa học vừa mở trường dạy học. Năm lên bảy tuổi Côn đã học sách Luận ngữ…Gần nhà cậu có bé Xển bị tàn tật. Côn đến tận nhà Xển để “chia chữ”[12]. Sau này có dịp kể về thời ấu thơ không hạnh phúc, Người ngậm ngùi tâm sự: “Bác đã từng thèm một cái đồ chơi, ước ao một bộ quần áo mới để mặc Tết. Bác cũng đã mồ côi mẹ từ năm lên chín, lên mười. Bác đã phải bế em trèo trẹo bên hông đi xin sữa cho em sau ngày mẹ qua đời...”[13]. Ấn tượng tuổi thơ góp phần quyết định cho sự hình thành tính cách, nhân cách con người sau này. Từ trường hợp Hồ Chí Minh cũng cho thấy rõ thêm về điều này. Cậu bé Công lên mười tuổi thì mẹ mất, lại mất trong trường hợp đặc biệt, cha thì đưa con trai cả (cậu Khiêm) về Thanh Hóa làm thi. Đúng là bi kịch chồng lên bi kịch: mẹ chết trong lúc vắng cha, em thì còn đang thời ẵm ngửa lại ốm yếu. Mẹ chết mà không được khóc vì nhà cậu thuê đang ở trong Thành Nội (Huế), mà theo quy định của triều đình thì không được phát tang ở đó. Bà con xóm phố thật tốt đã đưa mẹ cậu đi chôn, rồi cưu mang hai anh em, lớn thì 10 tuổi còn đứa út, mới mấy tháng đang kỳ khát sữa. Chắc người mẹ ấy chết cũng không yên lòng, còn cậu bé Cung thì gặp một chấn thương tinh thần cực lớn sẽ đi suốt cuộc đời. Cho nên sau này Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có ấn tượng đặc biệt sâu sắc với những người dân nghèo tốt bụng, nhất là với người phụ nữ và trẻ em. Điều này lí giải trong trước tác của Hồ Chí Minh, nhất là trong thơ văn, vốn là tiếng nói của tình cảm, thì hai hình tượng này hiện lên thật cảm động và sinh động.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng vừa là bạn, vừa là đồng chí được sống, làm việc với Bác Hồ một thời gian dài nói về điểm đặc biệt nhất ở Hồ Chí Minh là tình thương yêu con người. Ở Hồ Chí Minh có một niềm tin yêu, kính trọng con người vô hạn. Một thái độ cực kỳ chân thành, hết sức tinh tế trong ứng xử. Cái điều đã thúc giục chàng trai Nguyễn Tất Thành đi tìm đường cứu nước chính là tình yêu con người. Tình yêu ấy đi suốt cuộc đời Người, thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi. Ngay từ năm 1914, khi làm phụ bếp anh Thành thường dọn những đồ ăn thừa vào một chỗ. Thấy vậy ông đầu bếp Ét-cốp-phi-e hỏi: “Tại sao anh không đem những thức ăn này đổ vào thùng như những người khác?”. Anh Thành điềm tĩnh trả lời: “Không nên đem vứt những thứ này đi. Ông có thể cho người nghèo những thứ ấy”[14].

Bác dành tình thương yêu đặc biệt cho phụ nữ. Một tình yêu thương rất mực chân thành, chu đáo. Ai cũng xúc động trước tình cảm này của Người. Năm Bác Tôn gái 78 tuổi thì bị ốm nặng. Tự tay Bác Hồ cầm đến một niêu cá trê kho tiêu: “- Chị! Chị ăn đi, ngon lắm. Chính tay tôi kho cho chị đấy!”. Bác Tôn gái thích ăn cá trê. Đau ốm chỉ ăn cá trê”[15]. Đồng chí Nguyễn Thị Định, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam kể: “Năm 1968 tôi vô cùng cảm động nhận được món quà quý của Bác: chiếc lược làm bằng mảnh xác máy bay Mỹ. Bác gửi lược cho cả hai cháu Châu và Quyên nữa. Chiếc lược đơn sơ mà sáng đẹp làm sao”[16].

Ngay trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh nêu một nguyên lý nổi tiếng: “Nước lấy dân làm gốc” để nhắc nhở cán bộ phải luôn biết dựa vào dân và phục vụ vì dân. Đấy là Đại Hiếu. Kế thừa và phát triển tư tưởng lấy dân làm gốc của Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh giải thích chữ nhân: “Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”[17]. Và: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người. Trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những ác quỷ mà ta phải kiên quyết đánh đổ, đối với tất cả những người khác thì ta phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ”[18]. Đấy cũng chính là Đại Nhân, Đại Hiếu.

Trong một lần làm việc về cách giáo dục cho thế hệ trẻ, Bác hỏi một đồng chí:

“Chú có biết người xưa đã có những cách giáo dục sâu sắc như thế nào không? Chú còn nhớ những chuyện Nhị thập tứ hiếu không? Bác gần tám mươi tuổi mà vẫn còn nhớ chuyện ông Lão Lai, vợ chồng Quách Cự, chú bé Hán Lục Tích... hiếu thảo với cha mẹ như thế nào. Những chuyện như thế ngày xưa cả những người không biết chữ cũng thuộc. Các chú phải biết rút kinh nghiệm. Học tập cách giáo dục của ông cha ta”[19].

Đây là bài học cho chúng ta hôm nay về việc “Học tập cách giáo dục của ông cha ta” nhưng phải gắn với hoàn cảnh của thời đại mới. Bác Hồ đã phát triển chữ “hiếu” ở ngày xưa là “chỉ có hiếu với bố mẹ”, còn ngày nay chữ “hiếu”, ngoài nghĩa gốc phải mở rộng thành “trung với nước, hiếu với dân”. Về cách giáo dục chữ Hiếu, trong một lần nói chuyện về hội hoạBác Hồ nói thật thấm thía:“Vẽ rất quan trọng, Bác gần tám mươi tuổi rồi mà Bác còn nhớ hình ảnh ông Tử Lộ đội gạo nuôi mẹ trong sách giáo khoa ngày xưa. Nhân dân ta rất thích tranh vẽ, nhưng có những bức vẽ không ai hiểu gì cả. Hình như mấy chú vẽ cho mình xem chứ không phải vẽ cho quần chúng…”[20].Ít nhất có mấy ý nghĩa sau toát ra từ ví dụ này: Một là, “Nhân dân ta rất thích tranh vẽ”, do vậy “Vẽ rất quan trọng” trong việc tuyên truyền giáo dục. Hai là nhắc nhở mọi người về “đạo hiếu” và một trong những cách giáo dục là bằng “tranh vẽ”. Ba là những bức vẽ (về đạo hiếu) phải chân thực, giản dị, dễ hiểu, phù hợp với trình độ thưởng thức của người xem.

Người Việt xưng hô theo nguyên tắc trọng tình, coi người giao tiếp với mình như người trong gia đình, người tuổi anh chị gọi anh chị xưng em, người tuổi bậc cha mẹ mình thì gọi cô, chú, bác xưng con, cháu, người đáng tuổi ông bà mình thì gọi ông, bà, cụ xưng cháu... Bác Hồ là một điển hình cho lối xưng hô giao tiếp gia đình coi nhau như anh em trong một nhà vậy. Với các cụ già, theo đúng truyền thống “xưng khiêm hô tôn”, Người gọi cụ, các cụ xưng “tôi”. Ngay tên những bài thơ cũng nói lên tình cảm này Tặng Bùi Công (Tặng Cụ Bùi), Tặng Võ Công (Tặng Cụ Võ). Có trường hợp Người xưng “cháu” với một cụ tuổi cao:

“Thưa cụ.

Những vị Thượng thọ như cụ là của quý vô giá của dân tộc và nước nhà...

Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn cụ và trân trọng chúc cụ sống lâu và luôn luôn mạnh khoẻ để kêu gọi các con cháu ra sức tham gia công việc kháng chiến và cứu quốc”[21]. Đây là lời thư của vị Chủ tịch nước Hồ Chí Minh gửi cụ Phùng Lục ở huyện Ứng Hoà, Hà Đông (cũ). Nhưng qua sự xưng hô ta lại thấy đó còn là lời của một người cháu yêu viết cho người ông đáng kính. Đối với nhân dân nói chung Người gọi bằng hai chữ “đồng bào” thân thiết, trong giao tiếp bao giờ Người cũng nhất quán với nguyên tắc là người trong một nhà. Một cụ già mặc áo nâu, lưng còng, tóc bạc phơ, tay chống gậy tre lập cập từ ngõ trong ra. Thấy Bác, cụ xúc động làm rơi chiếc gậy xuống đường. Bác Hồ cúi xuống cầm chiếc gậy ân cần đưa tận tay cụ[22].

Từ những ứng xử văn hóa đời thường cũng cho thấy quan niệm của Hồ Chí Minh đi theo đúng với phong tục dân tộc: tất cả như anh em trong một nhà, và gia đình là nền tảng của xã hội. Chúng ta chú ý quan niệm ở Người trước sau như một. Trong thời kỳ hoạt động tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc có viết một bài báo Lòng hiếu thảo của người Trung Hoa, có đoạn: “Gia đình là nền tảng của xã hội và lòng hiếu thảo là nền tảng của gia đình. Chính trên nền tảng này đã hình thành nên những luật lệ, phong tục, thể chế, triết học, nghệ thuật và tư tưởng Trung Hoa”[23]. Với quan niệm như vậy ta dễ hiểu thời gian còn ở Pháp Nguyễn Tất Thành ba lần gửi thư cho Khâm sứ Trung kỳ và Toàn quyền Đông dương nhờ cho biết tình hình và địa chỉ của cha là Nguyễn Sinh Huy. Anh cho biết đã nhờ gửi ba ngân phiếu nhưng mới chỉ nhận được một lần hồi âm[24]. Chúng tôi đã từng được đọc tài liệu tiếng Pháp nói về thời kỳ ở Pháp Nguyễn Tất Thành đã từng làm cỗ cúng giỗ cha, với một con gà luộc mỏ ngậm bông hoa gấp rất khéo bằng giấy đỏ giống với hoa râm bụt quê nhà!?

Nguyễn Tất Thành coi trọng chữ Hiếu, không phải chữ Hiếu của Nho giáo mà là Đại Hiếu “tìm đường cứu nước, rửa nhục cho cha” như Nguyễn Phi Khanh nói với Nguyễn Trãi. Ở các vĩ nhân có nhiều tình tiết tương đồng bởi tương đồng về tư tưởng, trong buổi hai cha con Nguyễn Sinh Huy và Nguyễn Tất Thành tiễn biệt nhau cũng có lời của tấm lòng đại hiếu: “Đừng! Con đừng gọi cha lúc này! Con phải gọi Tổ quốc! Đồng bào! Đi…đi con” (Sơn Tùng - Búp sen xanh). Không có người cha yêu nước Nguyễn Sinh Huy sẽ không có người con yêu nước Nguyễn Tất Thành!

“Bác sống như trời đất của ta” nhưng “Nâng niu tất cả chỉ quên mình”, cả bản Di chúc dài, Bác chỉ dành mấy lời nói về cá nhân mình, nhưng xét kỹ, việc riêng ấy cũng là việc chung, cũng là dĩ công vi thượng: “Về việc riêng - Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.

Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.

Đối với người cách mạng chân chính thì sống là cho, chết cũng là cho. Bác Hồ của chúng ta là thế, sống đã vì dân, khi từ biệt thế giới này cũng vì dân. Đó là văn hoá vì nhân dân.

2. Về đạo lí uống nước nhớ nguồn.

Đạo lí này có một cơ sở triết học vững chắc bắt nguồn từ tính cách dân tộc và truyền thống, hoàn cảnh gia đình.

Nghề trồng lúa nước quy định người nông dân Việt gắn chặt với một mảnh đất canh tác quen thuộc “khoai đất lạ, mạ đất quen”. Cũng do đặc thù nghề nghiệp mà người Việt xưa gắn cuộc đời mình với ngôi nhà và cái làng của mình, để rồi chúng trở thành những biểu tượng thiêng liêng nhất trong tâm hồn Việt. Dù có đang sống nơi giàu sang nhưng vẫn hướng về nguồn cội (Lá rụng về cội), không đâu bằng quê nhà, có thể là quê nghèo Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Sinh sống ở mảnh đất có nhiều kẻ thù nên người Việt rất sùng bái những anh hùng đuổi giặc giữ yên bờ cõi. Trong số 600 vị Thành hoàng ở đồng bằng Bắc bộ thì có 469 là nhân thần, trong đó đa số là các nhân vật lịch sử hay nhân vật huyền thoại nhưng đã được lịch sử hoá. Ở Hà Tây (cũ) trong số 185 vị Thành hoàng là nhân thần thì có khoảng 2/3 là nhân vật lịch sử. Chỉ riêng trong tỉnh Nam Hà (cũ) Trần Hưng Đạo được thờ ở 400 làng xã[25]. Trong các vị “tứ bất tử” thì có hai vị là anh hùng, Phù Đổng Thiên Vương và Tản Viên Sơn Thánh. Đấy là cách người Việt ghi công các anh hùng, như Thánh Gióng đuổi giặc hai chân là kẻ thù xâm lược, như Sơn Tinh đuổi giặc bốn chân là thú dữ và không chân là thiên tai. Thậm chí sự ngưỡng vọng của người Việt còn nâng đến mức tuyệt đối là cho thần tượng bay lên trời sống cùng các vị Tiên, và dĩ nhiên là phong thánh bất tử cho họ. Cho nên cũng dễ hiểu Đền thờ Đức Thánh Trần có ở rất nhiều nơi trên đất nước ta. Có thể nói tính cách biết ơn có ở trong máu của mỗi người Việt. Không ngẫu nhiên có rất nhiều những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao, truyện cổ giáo dục răn dạy con người phải biết ơn. Bài ca dao Cày đồng đang buổi ban trưa vốn có ngữ liệu từ bài thơ chữ Hán có tên “Mẫn nông” của tác giả Lý Thân (đời Đường - Trung Quốc) nhưng được Việt hóa và rất được yêu thích. Đương nhiên là người Việt rất ghét thói “ăn cháo đá bát”, “khỏi vòng cong đuôi”, “vong ân bội nghĩa”…

Tư tưởng Phật giáo cùng tinh thần “hòa giải” Ấn Độ được truyền vào nước ta trước Công nguyên cũng hướng con người luôn nhớ về cội nguồn. Tư tưởng nhân nghĩa của đạo Nho ăn sâu bén rễ vào tâm thức Việt khuyên dạy con người hướng về điều hay lẽ phải, trong đó có niềm biết ơn. Sự kết hợp của văn hóa bản địa giàu tinh thần nhân văn với những ảnh hưởng tốt đẹp từ bên ngoài đã tạo nên trong văn hóa Việt có một chủ đề đặc sắc: giáo dục con người yêu thương, kính trọng, biết ơn. Bài hát “Thập ân” (chèo cổ) có lẽ biểu hiện tập trung nhất cho ý nghĩa này.

Đối với Hồ Chí Minh thì truyền thống văn hóa quê hương xứ Nghệ cùng với truyền thống gia đình là những mạch nguồn trực tiếp nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm của Người ngay từ thủa ấu thơ. Dấu ấn sâu đậm hơn cả là hoàn cảnh mang tính bi kịch. Lên 5 tuổi cậu bé Cung phải theo cha mẹ vào Huế, xa quê hương chôn nhau cắt rốn. Lên 10 tuổi mẹ chết trong lúc cha và anh trai về Thanh Hóa, chị gái ở quê. Hàng đêm cậu bé Cung phải bế đứa em mới mấy tháng tuổi bệnh tật, đói khát mồ côi mẹ (bé Xin) đi từng nhà xin sữa. Rồi sau đó đứa em cũng chết. May mà có sự đùm bọc cực kỳ tình nghĩa của bà con xứ Huế mà tang ma mẹ được chu toàn, cùng sự tồn tại của cá nhân mình được bảo đảm. Sau này cha cậu cũng chết nơi đất khách (Đồng Tháp) cũng được tình bà con chăm lo. Ấn tượng mang tính bi kịch tuổi thơ và tình nghĩa đồng bào vô cùng sâu nặng sau này đã hun đúc ở Người tình biết ơn con người sâu sắc. Khi đi tìm đường cứu nước phải chứng kiến bao nỗi khổ đau của con người ở khắp nơi trên thế giới càng tạo nên ở Người ý chí giải phóng nhân loại khỏi áp bức, bất công.

Trong tác phẩm của mình Hồ Chí Minh rất hay lấy mạch nguồn thần thoại Lạc Việt để kêu gọi người dân Việt tự hào về nòi giống, đoàn kết thương yêu nhau để đứng dậy đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Và cũng không hề ngẫu nhiên các thần thoại này được Người nhắc lại nhiều lần trong những năm đất nước ở những thời điểm khó khăn nhất (trước 1945 và thời kỳ đầu đánh Pháp) rất cần đến sức mạnh đoàn kết. Đó là thần thoại Lạc Long Quân, Sơn Tinh, Phù Đổng Thiên vương…Người thường nhắc đến hai chữ Rồng Tiên, Lạc Hồng và thành ngữ con Rồng cháu Tiên. Lời của Lịch sử nước ta vượt lên trên lời của một cá nhân để vươn tới tầm lời của lịch sử:

Mai sau sự nghiệp hoàn thành,

Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng.

Bài Mười chính sách của Việt Minh có nội dung tuyên truyền những công việc cách mạng, mở đầu là hình tượng Rồng Tiên: “Làm cho con cháu Rồng, Tiên/Dân ta giữ lấy lợi quyền của ta”. Khép lại cũng là hình tượng ấy: “Rồi ra sự nghiệp hoàn thành,/ Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng”. Cuối bài Ca sợi chỉ tác giả nhắc lại lịch sử đoàn kết:

“Hỡi ai con cháu Hồng Bàng,

Chúng ta phải biết kết đoàn mau mau”.

Trong Lời kêu gọi đầu năm mới (1947) Hồ Chí Minh kêu gọi mọi người dân Việt hãy xứng đáng là nòi giống Rồng Tiên thì quyết không chịu nỗi nhục nô lệ: “Từ năm nay trở đi, đồng bào ta, con cháu Hai Bà Trưng, con cháu Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Nùng Trí Cao, có chịu để nước non Hồng Lạc cho thực dân Pháp giày xéo, có chịu để nòi giống Rồng Tiên cho thực dân Pháp giày đạp nữa không? Không, quyết không!”.

Cũng xuất hiện rất nhiều lần các cụm từ chỉ dòng giống vinh quang của người Việt: Hồng Lạc, Lạc Hồng, Con Hồng cháu Lạc, Con Rồng cháu Tiên, Rồng Tiên… vừa gợi lên ở người dân niềm tự hào về nòi giống, lòng biết ơn tiên tổ vừa đánh thức ở họ một ý thức đoàn kết. Trong số các bậc anh hùng có trong lịch sử, Hồ Chí Minh hay nói đến các vị: Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Quang Trung. Đây là những tấm gương oanh liệt được sử sách ghi nhận là những con người quên mình vì nghĩa lớn, những ý chí cứu nước, những tài năng quân sự kiệt xuất…Trong kháng chiến chống Pháp, những trận đánh, những chiến dịch lớn, theo đề nghị của Người, Bộ Chỉ huy đã lấy tên các vị anh hùng từng thắng giặc vẻ vang: Trận Lý Thường Kiệt, Chiến dịch Trần HưngĐạo, Chiến dịch Quang Trung… Đặc biệt hình tượng Hai Bà Trưng được nói tới nhiều nhất. Có thể đây là tấm gương yêu nước sớm nhất, tiêu biểu nhất cho ý chí quật cường của cả dân tộc. Có thể đây là trang sử bi thương mà hào hùng mà ai, nếu là người Việt Nam đều biết.

Biểu trưng gốc rễ xuất hiện với tần số rất cao trong tác phẩm của Người, như: “Máu xương của các tiên liệt đã thấm nhuần gốc rễ của Đảng ta, làm cho cây nó càng vững, ngành nó càng to, và kết quả khai hoa ngày càng rực rỡ”. Truyền thống nhân nghĩa của người Việt đã quy định một nét tâm lý kính trọng tiền nhân, biết ơn nguồn cội: Có cội mới có cành; Lá rụng về cội; Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra...Bác Hồ kế thừa đạo lí này và tạo ra một màu sắc ý nghĩa mới cho phù hợp với thời đại mới trong việc giáo đục đạo đức cách mạng. Tháng 6-1968 làm việc với Ban Tuyên huấn Trung ương về việc làm và xuất bản loại sách “người tốt việc tốt”, Bác lấy hình tượng biển cả nhắc nhở cán bộ: “Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả. Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền rất vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế là chỉ thấy cái ngọn mà quên mất cái gốc!”[26]. Một chân lý về quan hệ giữa cá nhân và quần chúng, giữa bộ phận và toàn thể được diễn đạt rất dễ hiểu bằng những hình ảnh giản dị. Toát lên một chân lí giáo dục: dù có thể trở thành tài năng thì cũng phải nhớ tài năng ấy do “cái nền”, “cái gốc” là nhân dân, là văn hóa truyền thống. Biết bao ân tình, biết bao ơn nghĩa chất chứa trong những câu nói ấy! Nhắc nhở chúng ta về phép biện chứng: phải đi tìm cái gốc, bản chất của sự việc; nhắc nhở chúng ta về bài học uống nước nhớ nguồn.

Quan niệm vì con người của Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng từ đạo Khổng và tư tưởng của Lênin: “Còn những người An Nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình, về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử, và về mặt cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lênin”. Sau này Người dạy cán bộ của mình bài học kế thừa có chọn lọc tinh hoa quá khứ:“Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình. Lênin khuyên chúng ta: “Học, học nữa, học mãi”. Mỗi người đều phải ghi nhớ và thực hành điều đó, những người huấn luyện lại càng phải ghi nhớ hơn ai hết. Người huấn luyện nào tự cho là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất. Khẩu hiệu “Học không biết chán, dạy không biết mỏi” treo trong phòng họp chính là của Khổng Tử. Tuy Khổng Tử là phong kiến và tuy trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không đúng song những điều hay trong đó thì chúng ta nên học”[27].

Trong bài Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin viết cho Tạp chí Các vấn đề phương Đông (Liên Xô) nhân dịp kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh V.I. Lênin, Hồ Chí Minh so sánh Chủ nghĩa Lênin với cái “cẩm nang” trong truyện cổ phương Đông: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”[28]. Cách so sánh giản dị nhưng đã nêu bật được tính ưu việt của chủ nghĩa này trong việc tìm ra phương hướng, phương pháp giải quyết vấn đề ở những tình huống khó khăn nhất. Ở câu văn sau cấu trúc theo lối tăng cấp hình ảnh: cái “cẩm nang” - cái kim chỉ nam - mặt trời soi sáng, “cẩm nang” là chìa khóa giải quyết khó khăn, “kim chỉ nam” là hướng đi, “mặt trời” là ánh sáng, để càng nêu rõ hơn ý nghĩa chỉ đường dẫn lối, sức sống, niềm tin, sức lan toả của chủ nghĩa khoa học, biện chứng này.

Các hình ảnh cái “cẩm nang”, cái “kim chỉ nam”, “mặt trời”, “tiếng sấm”, “ngọn đuốc”, “ngọn đèn pha” là những ẩn dụ đắt giá, sinh động nhất, đích đáng nhất về ý nghĩa soi đường chỉ lối của Cách mạng tháng Mười đối với cách mạng Việt Nam. Có thể nói Hồ Chí Minh là sự kết tinh đẹp nhất truyền thống “ăn quả nhớ người trồng cây”, và “thương người như thể thương thân”. Theo đúng tinh thần “Lọ là thân thích ruột rà/ Công nông thế giới đều là anh em”, Bác coi những đồng chí đảng viên các đảng cách mạng anh em như là người trong nhà. Là người sáng lập, lãnh đạo và dìu dắt Đảng ta lãnh đạo thành công cuộc cách mạng vĩ đại giành độc lập, bảo vệ tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, hơn ai hết Bác Hồ là người nhìn thấy rõ sự vĩ đại của Đảng. Người diễn đạt sự vĩ đại ấy qua những so sánh, ẩn dụ, ngụ ngôn quen thuộc: “Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta”[29]. Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp Bác Hồ viết 6 điều không nên và 6 điều nên làm giáo dục cán bộ, mở đầu bài báo là chân lí: “Nước lấy dân làm gốc” có ý nhắc “không làm” hay “làm” bất cứ điều gì thì trước tiên cũng lấy mục đích vì dân. Cuối bài cũng là một ngụ ngôn được thể hiện bằng mấy câu thơ:“Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”[30]. Đây không chỉ là chân lý lịch sử, còn là nguyên lý hoạt động cho mọi cuộc cách mạng, cũng là đạo lý ứng xử văn hóa cho mọi thể chế chính trị!

Bài thơ Cảm ơn người tặng cam là một ngụ ngôn nói về chủ đề này: “Cảm ơn bà biếu gói cam/ Nhận thì không đúng, từ làm sao đây!/ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai?”. Xuất xứ là câu chuyện thật, có người (nhà thơ Hằng Phương) tặng Bác mấy quả cam, Người làm bài thơ này để nói lời cảm ơn. Thành ngữ ngụ ngôn có trong dân gian được tác giả mượn trọn vẹn: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” để làm điểm tựa tư tưởng cho cả bài. Bài thơ cũng là một cách “tập Kiều”. Trong màn đoàn viên, Kim Trọng nghe Thuý Kiều đánh đàn: Chàng rằng: - Phổ ấy tay nào/ Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?/ Tẻ vui bởi tại lòng này/ Hay là khổ tận đến ngày cam lai? (câu 3207… 3210). Tiếng đàn Kiều khác xưa vì cuộc đời Kiều khác trước, lời nhận xét của Kim Trọng về tiếng đàn được nâng lên thành một nhận định phổ quát về cuộc đời, đầy niềm tin, ấm áp, ân tình. Bác Hồ lại mượn ngay chính lời chàng Kim để tập trong một bài thơ chan chứa tình đời, trĩu nặng nghĩa ân. Bài thơ Bác làm khi Cách mạng tháng Tám vừa thành công, nước cộng hoà non trẻ của chúng ta vừa ra đời, hẳn nhiên còn phải vượt qua biết bao ghềnh thác. Thế mà bài thơ đã mang một không khí lạc quan, dĩ nhiên cả đất nước này còn “khổ tận” nhiều nhưng “đến ngày cam lai” là tất yếu. Tình người, niềm tin vào hạnh phúc của Bác còn toát ra từ lối tập Kiều ý vị, ai cũng biết câu Kiều ấy là ở màn đoàn viên sum họp, Bác chỉ thay hai chữ Hay là của Kim Trọng bằng hai chữ Phải chăng còn nhiều dự cảm. Đúng thế, vì khi ấy cả đất nước ta đang ngổn ngang trăm mối mải lo đối phó với thù trong giặc ngoài!

Câu chuyện của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký Bác Hồ kể càng làm chúng ta hiểu rõ tấm lòng biết ơn người lao động. Thời kỳ ở Việt Bắc một số anh chị em đi lấy gạo về kho, vì hầu hết là bác sỹ, kỹ sư, văn nghệ sỹ nên ai cũng muốn khoe với Bác mình đã bỏ bao công sức trong việc này. Bác hóm hỉnh hỏi: “Đố các chú biết trong nghề nông việc nào làm dễ nhất”.Nhiều người tranh nhau trả lời không ai giống ai, người nói gieo mạ, người kia nói gặt hái… Bác nói: “Theo Bác, việc làm dễ nhất là đi đến kho lấy gạo về nấu ăn”[31]. Câu chuyện đọng lại ở người nghe bài học: biết ơn người nông dân phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt” làm ra hạt gạo. Trong một lần làm việc về cách giáo dục cho thế hệ trẻ, Bác nhắc: “Các chú phải biết rút kinh nghiệm. Học tập cách giáo dục của ông cha ta”[32].Đây là bài học cho chúng ta hôm nay về việc “Học tập cách giáo dục của ông cha ta” nhưng phải gắn với hoàn cảnh của thời đại mới. Bác Hồ đã phát triển chữ “hiếu” ở ngày xưa là “chỉ có hiếu với bố mẹ”, còn ngày nay chữ “hiếu”, ngoài nghĩa gốc phải mở rộng thành “trung với nước, hiếu với dân”.

Chúng tôi xin khép lại vấn đề bằng những dẫn chứng Bác Hồ “lẩy” Kiều. Trong màn đoàn viên, Kim Trọng nghe Thuý Kiều đánh đàn: Chàng rằng: - Phổ ấy tay nào/ Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?/ Tẻ vui bởi tại lòng này/ Hay là khổ tận đến ngày cam lai? (câu 3207… 3210). Tiếng đàn Kiều khác xưa vì cuộc đời Kiều khác trước, lời nhận xét của Kim Trọng về tiếng đàn được nâng lên thành một nhận định phổ quát về cuộc đời, đầy niềm tin, ấm áp, ân tình. Bác Hồmượn ngay chính lời chàng Kim để tập trong một bài thơ chan chứa tình đời, trĩu nặng nghĩa ân:

Cảm ơn bà biếu gói cam,

Nhận thì không đúng, từ làm sao đây!

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,

Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai?[33].

Được làm vào tháng 1 năm 1946 khi Cách mạng tháng Tám vừa thành công, nước cộng hoà non trẻ vừa ra đời, hẳn nhiên còn phải vượt qua biết bao ghềnh thác, thế mà bài thơ đã mang một không khí lạc quan, cả đất nước này còn “khổ tận” nhiều nhưng “đến ngày cam lai” là tất yếu.

Là người giàu tình thương yêu nên không ngẫu nhiên Bác Hồ rất thích tập hoặc lẩy câu KiềuMười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình, trong câu 3069, 3070: Những là rày ước mai ao/ Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình ở màn “đoàn viên vội mở tiệc hoa vui vầy. Điều này phần nào chứng minh tấm lòng ấm áp tình yêu thương con người, niềm hy vọng về con người luôn được đoàn tụ sum vầy, hạnh phúc ở Bác Hồ:

Quân ta công trạng lớn lao,

Mười năm lịch sử biết bao nhiêu tình![34].

Phe địch xuống dốc, phe ta lên cao,

Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình[35].

Đảng như biển cả non cao,

Băm ba năm ấy biết bao nhiêu tình![36].

Công đức Đảng ta như biển rộng núi cao,

Băm tư năm ấy biết bao nhiêu tình![37].

Trong mười năm bấy nhiêu tình,

Nước mình mình cứu, dân mình mình yêu[38].

Đảng ta như biển rộng núi cao,

Băm nhăm năm ấy biết bao nhiêu tình![39]

Câu thứ hai mà Người thích lẩy là câu mở đầu của Truyện Kiều: Trăm năm trong cõi người ta:

Trăm năm trong cõi người ta,

Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan.

Mừng Xuân, Xuân cả thế gian,

Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân[40]

Trăm năm trong cõi người ta

Giàu lòng bác ái, ấy là người Việt Nam![41]

Trăm năm trong cõi người ta,

Bên chính ắt thắng, bên tà ắt thua[42].

Có thể lý giải thế này: là người Việt Nam thì có lẽ ai cũng thuộc cũng nhớ câu mở đầu của thiên truyện bất hủ, Bác Hồlẩy câu ấy để nhắc mọi người nhớ về Truyện Kiều, giàu tình thương yêu hiếu nghĩa như cô Kiều, yêu đời và thương đời như Nguyễn Du?!

Từ trường hợp nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh chúng ta sẽ có thêm nhận thức mới về mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại của văn hoá hôm nay: càng hiện đại bao nhiêu thì lại càng phải truyền thống bấy nhiêu. Có thể hình dung mỗi con người cá nhân như một cây xanh thì rễ của nó phải được cắm sâu vào mảnh đất truyền thống để hút các chất dinh dưỡng đạo lý của cha ông. Đồng thời cành lá phải luôn vươn cao để quang hợp ánh sáng tư tưởng cách mạng của bầu trời văn hoá đương đại. Ánh sáng ấy là tư tưởng của Chủ nghĩa Mác và tư tưởng Hồ Chí Minh.

N.T.T


[1]Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tập II. Nxb Chính trị Quốc gia, tr 330, 331.

[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4. Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr 7.

[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13. Sđd, tr472.

[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9. Sđd, tr343.

[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6. Sđd, tr34.

[6]Nhiều tác giả - Một số chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2003, tr.378.

[7]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr 220.

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6. Sđd, tr 357.

[9] Trình Quang Phú – Đường Bác Hồ đi cứu nước. Nxb Thanh Niên, tái bản lần thứ 9. 2011, tr 48, tr 49.

[10]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập6. Sđd, tr 126.

[11]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập8. Sđd, tr 99.

[12] Sơn Tùng - Bác ở nơi đây – Nxb Thanh Niên, 2008. tr 70.

[13] Sơn Tùng - Bác ở nơi đây – Nxb Thanh Niên, 2008, tr 176.

[14] Bác Hồ sự cảm hoá kỳ diệu – Nxb Thanh Niên, 2007. tr 8.

[15] GS Trần Văn Giàu - Hồ Chí Minh vĩ đại một con người. Nxb Chính trị Quốc gia, 2010. tr 463.

[16] Trần Đình Việt, Trần Đương...(Sưu tầm, biên soạn) - Bông hồng của Bác. Nxb Phụ nữ, 1985. tr 25.

[17]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập10. Sđd, tr 453.

[18]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập6. Sđd, tr 130.

[19]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập15. Sđd, tr 673.

[20]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập15. Sđd, tr 666.

[21]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập15. Sđd, tr 521.

[22] Nguyễn Sông Lam, Bình Minh - 120 câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sđd, tr 26.

[23] Song Thành sưu tầm và dịch. Tạp chí Lịch sử Đảng, số 5/1988, tr 17.

[24]Hồ Chí Minhbiên niên tiểu sử, tập 1. Sđd, tr 48, 49.

[25]. Nhiều tác giả - Văn hoá Việt Nam đặc trưng và cách tiếp cận- Nxb Giáo dục, 2007, tr 169.

[26]Hồ Chí Minh: Toàn tập. Sđd, tập15, tr 663.

[27]Hồ Chí Minh: Toàn tập. Sđd, tập6, tr 356.

[28]Hồ Chí Minh: Toàn tập. Sđd, tập12, tr 563.

[29]Hồ Chí Minh: Toàn tập. Sđd, tập12, tr 401.

[30]Hồ Chí Minh: Toàn tập. Sđd, tập5, tr 502.

[31] Theo Những chuyện kể về đức tính chuyên cần của Bác Hồ. NXB Lao Động, 2008, tr 9.

[32]Hồ Chí Minh: Toàn tập. Sđd, tập 15, tr 673.

[33]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4. Sđd, tr 195.

[34]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9. Sđd, tr 198.

[35]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12. Sđd, tr 626.

[36]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 14. Sđd, tr 26.

[37]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 14. Sđd, tr 242.

[38]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6. Sđd, tr 100.

[39]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 14. Sđd, tr 466.

[40]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12. Sđd, tr 441.

[41]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13. Sđd, tr 475.

[42]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12. Sđd, tr 238.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)