Nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh – Nhìn từ phương diện hậu cần

Thứ Hai, 19/09/2022 08:32

. TS TRN MNH TIN


Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Cha các lực lượng vũ trang, với ngành Hậu cần Quân đội, thật tự hào cũng được Người khai sinh và dạy bảo từ những ngày mới ra đời. Theo khảo sát của chúng tôi thì bài viết đầu tiên Bác Hồ đề cập đến vấn đề hậu cần là trong tác phẩm Kính cáo đồng bào viết ngày 6/6/1941 ký tên Nguyễn Ái Quốc: “Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng” [1] Qua đó toát ra quan niệm cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc ta là toàn diện mà “hậu cần” còn được nhấn mạnh đầu tiên. Từ đó đến khi về với “thế giới người hiền” có khoảng trên 20 bài Người viết trực tiếp về ngành ta. Chỉ với số liệu ấy cho thấy Bác Hồ rất quan tâm và mong mỏi “hậu cần” phát triển tương xứng với vai trò, tầm quan trọng của ngành mình. Với tham luận này chúng tôi xin khái quát tư tưởng Bác Hồ theo 4 ý sau:

1.Tầm quan trọng, vị trí, vai trò của ngành Hậu cần.

2.Phương hướng, giải pháp phát triển ngành hậu cần.

3.“Bổn phận” người cán bộ hậu cần.

4.Bác Hồ, người “chiến sỹ hậu cần” tiêu biểu, mẫu mực.

Nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh là sự tiếp nối truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam với những nguyên lý cơ bản: Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo (Nguyễn Trãi), Vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, cả nước chung sức, là khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc (Trần Quốc Tuấn), là lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, là “ngụ binh ư nông”... Nghệ thuật chiến tranh trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam luôn là nghệ thuật chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc. Bác Hồ giải thích: “Toàn dân kháng chiến nghĩa là toàn cả dân, ai cũng đánh giặc. Bất kỳ đàn ông đàn bà, người già con trẻ, ai cũng tham gia kháng chiến” [2]. Vì những lẽ ấy mà công việc Hậu cần là một phương diện rất cơ bản, quan trọng trong Tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự.

1.Tầm quan trọng, vị trí, vai trò của ngành Hậu cần.

Là nhà quân sự kiệt xuất nên Bác Hồ có một quan niệm cực kỳ nhân văn về chiến tranh (cùng với tư tưởng dùng binh của Tôn Tử): “đánh hơn trăm trận, không phải là giỏi nhất. Giỏi nhất là không phải đánh mà quân địch phải thua…Vây thành mà đánh là kém nhất”[3]. Vì Bác rất hiểu chiến tranh đồng nghĩa với đổ máu, hy sinh, mất mát, điều này đi ngược lại tình thương yêu con người sâu nặng của Bác. Khi buộc phải chuẩn bị kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã nhấn mạnh về công tác hậu cần quân sự: “Ai được lòng dân, được thiên thời địa lợi, có tướng giỏi, theo đúng phép dùng binh, quân đội mạnh hơn, binh lính luyện tập hơn, thưởng phạt công minh hơn - thì bên ấy thắng. Ngày nay cần có 3 điều nữa:

1.Vàng bạc ai đầy đủ hơn.

2. Sinh sản ai nhiều hơn.

3.Ngoại giao ai thuận lợi hơn, thì thắng”[4].

Binh pháp Tôn Tử nói: Thiên thời địa lợi nhân hoà, nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất là Thiên, đến Bác Hồ, vẫn coi trọng ba yếu tố quyết định ấy nhưng nhấn mạnh trước hết đến Nhân, “Ai được lòng dân...”. Một bước tiến vượt bậc coi con người là yếu tố quyết định trong chiến tranh. Ba điều cần có mà Người đưa ra, soi vào ngày hôm nay - những ngày đầu thế kỷ XXI này, quả là một tầm nhìn chiến lược vĩ đại đi trước thời gian, sáng suốt vô cùng. Yếu tố 1.Vàng bạc ai đầy đủ hơn, là vật chất, phải có tiền để trang bị vũ khí hiện đại... Yếu tố 2. Sinh sản ai nhiều hơn, là tốc độ phát triển, càng phát triển càng có cơ hội hiện đại hoá quân đội...Yếu tố 3.Ngoại giao ai thuận lợi hơn, là sự ủng hộ của dư luận, của các nước trên thế giơí, trong bối cảnh toàn cầu hoá thì yếu tố này càng trở nên cấp thiết.

Ý này được Người nhấn mạnh, vẫn trong bài báo Binh pháp Tôn Tử (báo Cứu quốc số 242 ngày 17/5/1946). Ở phần 5, nói về“Pháp” gồm có 3 mục, trong đó mục c: “Quân phí, quân nhu phải lo tính cho đầy đủ” [5]. Trong bài báo Vấn đề quân nhu và lương thực tiếp tục được Người nhấn mạnh: “Về quân sự, quân nhu và lương thực rất quan trọng. Có binh hùng tướng giỏi, nhưng thiếu quân nhu, lương thực, không thể thắng trận được” [6].

Trong bài viếtCông tác cầu đường, Người khẳng định: “Cầu đường là mạch máu của đất nước” và vạch rõ lợi íchở ba phương diện chủ yếu: Cầu đường tốt thì lợi cho kinh tế, lợi cho quân sự, lợi cho chính trị… “Vì vậy, làm cầu đường cũng như một chiến dịch. Người làm cầu đường cũng là chiến sĩ” [7].

Thư gửi lớp cán bộ cung cấptháng 9/1951 Người đánh giá đúng vị trí ngành Hậu cần:“Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận” [8]. Ngày 24/3/1966 trong Bài nói tại Đại hội thi đua bảo đảm giao thông vận tải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược:“Giao thông vận tải rất quan trọng, quan trọng đối với chiến đấu, đối với sản xuất, đối với đời sống của nhân dân [9].

Là một nhà nhân văn chủ nghĩa Bác Hồ rất quan tâm đến cuộc sống nhân dân mà cụ thể là “miếng ăn”. Người nhiều lần nhắc đến thành ngữ “Dân dĩ thực vi thiên” nghĩa là dân lấy ăn làm trời…Lại có câu “Có thực mới vực được đạo” nghĩa là không có ăn thì chẳng làm được việc gì cả” [10]. Người quan niệm cùng với ăn còn là mặc, ở, đi lại, chữa bệnh, học hành có đầy đủ thì cuộc sống mới phát triển. Mà những vấn đề ấy, chính là “hậu cần”. Nhìn rộng hơn, Bác không chỉ lo “hậu cần” cho riêng bộ đội mà cho cả nhân dân ta, đồng bào ta. Ham muốn tột bậc của Bác cũng chính là điều này, “nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do”, “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

2.Đường lối, phương hướng, giải pháp phát triển ngành hậu cần.

Đường lối, phương châm chiến lược, cơ bản của ngành hậu cần nằm trong lý tưởng chung của quân đội ta “trung với Đảng, hiếu với dân”, “một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”. Về cụ thể, Bác đã vạch ra từ những ngày ngành còn non trẻ. Trong Thư gửi các bạn phụ trách xe hơi Bắc Cạn, Người động viên“được cái vinh dự là có xe hơi chạy đầu tiên ở Việt Bắc” đồng thời cũng chỉ ra là “Có kết quả bước đầu ấy là do cán bộ chính quyền và đoàn thể hợp tác chặt chẽ,…và nhờ đồng bào Bắc Cạn hăng hái sửa đường”. Như vậy “cái vinh dự” ấy là nhờ “chính quyền”, “đoàn thể” và nhất là “đồng bào”. Người nhắc nhở phải “Săn sóc yêu quý cái xe như con mình” [11]. Đến Bài nói trong dịp đến thăm đoàn xe đầu tiên của Quân đội, tháng 3/1951, Bác Hồ căn dặn cụ thể hơn:

“Xe, xăng là mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân. Các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu” [12].

Hòa bình lập lại, trong bài Nói chuyện về nhiệm vụ sản xuất của quân đội 3/1958, Bác giao nhiệm vụ:“quân đội ta có hai nhiệm vụ chính. Một là xây dựng một quân đội hùng mạnh. Hai là tăng gia sản xuất…” [13]. Rõ ràng nhiệm vụ của ngành hậu cần ngày một nặng nề hơn, vẻ vang hơn, Bác cũng quan tâm nhiều hơn. Trong bài Nói chuyện tại Hội nghị sơ kết phong trào thi đua của các cơ sở thuộc Tổng cục Hậu cần 19/12/1958, Người đưa ra giải pháp hành động: “phải tổ chức việc thi đua cho tốt hơn nữa” [14]. Trong Thư gửi công nhân, chiến sĩ, nhân viên Xưởng May 10, Cục Quân nhu, Người nhấn mạnh đến công tác tư tưởng: “tư tưởng thông thì công việc tốt” [15]. Người chú ý từng bước đi của Ngành và động viên sự tiến bộ, ghi Cảm tưởng ghi tại cuộc Triễn lãm Hậu cần của Quân đội 4/1959, Người khẳng định thành tựu của Ngành ta nằm trong thành tích chung của Quân đội “chứng tỏ rằng quân đội ta đã cố gắng nhiều và đã có thành tích khá…” [16]. Cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, Bác càng quan tâm hơn đến “hậu cần” vì đây là yếu tố cơ bản đảm bảo thắng lợi. Nói chuyện tại Hội nghị mừng công của Trung đoàn 600ngày 21/12/1965 Bác dặn dò cụ thể, chi tiết như người cha dặn các con, ân tình, bao dung trong tình thương gia đình: “Bác qua đơn vị các chú, thấy nhà bếp còn bẩn và lộn xộn, ngoài thời gian học tập, công tác ra, các chú phải luôn góp ý kiến và giúp đỡ cho anh chị nuôi để anh chị nuôi đỡ vất vả” [17]. Ngày 24/3/1966 trong Bài nói tại Đại hội thi đua bảo đảm giao thông vận tải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược Người khẳng định:“Giao thông vận tải rất quan trọng, quan trọng đối với chiến đấu, đối với sản xuất, đối với đời sống của nhân dân [18], ngay tên bài nói là một phương hướng cơ bản: Thi đuaQuyết tâm.Trong Lời tặng ngành xe quân sự ngày 5/8/1968 Bác vừa như dặn dò vừa như trao trách nhiệm về hướng phấn đấu cho ngành: “Yêu xe như con/ Quý xăng như máu/ Vượt mọi khó khăn/ Hoàn thành nhiệm vụ” [19].

Với ngành Y tế, cho đến hôm nay, những năm đầu thế kỷ XXI có những phát triển vượt bậc sánh ngang với thành tựu y học thế giới, là nhờ đi theo, học tập tư tưởng Bác Hồ. Chúng ta nhớ lại Thư gửi Hội nghị cán bộ Y tếngày 27/2/1955 Bác nhắc “Lương y phải như từ mẫu” và “Xây dựng một nền y học của ta” dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc, đại chúng [20]. Ba nguyên tắc ấy như ba cột chống vững chãi nâng đỡ ngôi nhà y học Việt Nam truyền thống và hiện đại. Trong Thư khen cán bộ và nhân viên Quân yngày 31/7/1967 Bác nhắc lại phương châm “luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi, đồng thời phải là một người mẹ hiền” [21].

3.“Bổn phận” người cán bộ hậu cần.

Có thể khẳng định chính Bác Hồ là người Thầy đầu tiên đưa ra các tiêu chí nhân cách cơ bản của người cán bộ hậu cần. Tháng 9/1951 Người có Thư gửi lớp cán bộ cung cấp nhấn mạnh ý nghĩa của ngành:“Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận” để “đề phòng” cán bộ coi thường công việc hậu cần. Bác nhắc nhở vì cán bộ gắn liền với công việc đảm bảo tiền của nên “thường mang tiếng hủ hóa”, vì thế hơn mọi người khác cán bộ hậu cần phải: “làm kiểu mẫu cần, kiệm, liêm, chính”.

Lần đầu tiên trong lịch sử ngành có những lời cụ thể, khoa học và thiết tha tình cảm về cán bộ và công việc:

“Nhiệm vụ chính của cán bộ cung cấp là phụng dưỡng đại đa số bộ đội tức là người binh nhì…”

“Cán bộ cung cấp như là người mẹ, người chị của người binh nhì”. “Phải: có kế hoạch đầy đủ, sổ sách rành mạch; thấy trước, lo trước; có sáng kiến và phải tháo vát; thật sự cần, kiệm, liêm, chính”[22].

Đấy là Lời của Vị Tổng Tư lệnh Quân đội, Tư lệnh Ngành, là Lời của Người Cha, Người Bác, Người Anh “Quả tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ”.

Thư gửi Hội nghị cán bộ tài chínhngày 20/2/1952 Bác nhắc nhở cán bộ kinh tế tài chính phụ trách tiền nong nên phải “ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia” và“Trau dồi đạo đức cách mạng: chí công vô tư, cần kiệm liêm chính. Một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân” và khẳng định trách nhiệm, bổn phận, nhiệm vụ vẻ vang: “các chú là chiến sỹ kinh tế tài chính ở hậu phương” [23].

Bài nói tại Hội nghị Cung cấp toàn quân lần thứ nhất (24/6/1952) Bác xác định cụ thể hơn về bổn phận, trách nhiệm của cán bộ cung cấp: “Là phục vụ chiến sĩ đi đánh giặc và những người dân công đi giúp chiến dịch. Đối với chiến sĩ, phải săn sóc họ, làm sao cho họ đủ ăn, đủ,mặc, đủ súng, đủ thuốc. Đối với dân công cũng phải như vậy…Các chú phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải phải đi thẳng đến chiến sĩ”. Vì thế cán bộ phải “có tinh thần trách nhiệm, cố gắng vượt mọi khó khăn làm cho bộ đội no ấm, đủ súng đạn, đủ sức khỏe để đánh giặc” [24]. Bài học “đi thẳng đến chiến sĩ” không bao giờ cũ, thậm chí càng ngày càng thời sự, vì tính chất không gian, thời gian trong chiến tranh hiện đại đòi hỏi nhanh chóng hơn, kịp thời hơn...

4.Bác Hồ, người “chiến sỹ hậu cần” tiêu biểu, mẫu mực.

Bác Hồ thực sự là một “chiến sĩ hậu cần” chỉ qua một bài thơ Tư chiến sĩ (Nhớ chiến sĩ): “Canh thâm lộ cấp như thu vũ/Thần tảo sương nùng tự hải vân/ Khoái tống hàn sam cấp chiến sĩ/ Dương quang hòa noãn báo tân xuân” (Đêm khuya, móc rơi dồn dập như mưa thu/ Sáng sớm sương dày đặc như mây mặt biển/ Mau mau gửi áo rét cho chiến sĩ/ Ánh mặt trời ấm áp đã báo trước tin xuân mới sắp về). Nhưng còn hơn thế, có năm vào mùa đông, thương anh em chiến sĩ rét mướt ở rừng núi hay nơi bưng biền, Bác đem tấm áo lụa của mình được đồng bào tặng, bán đấu giá để lấy tiền mua áo ấm gửi cho các chiến sĩ.Bác nói: “Chiến sĩ còn đói khổ, tôi ăn ngon sao được!”. “Chiến sĩ còn rách rưới, mình mặc thế này cũng là đầy đủ lắm rồi!”.Sau này, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bác nói đồng chí Thư ký chuyển tiền lương của Bác gom góp lâu nay để mua nước cho bộ đội phòng không. Đồng chí Vũ Kỳ xem sổ và báo cáo:

“- Thưa Bác, còn lại tất cả hơn 25.000 đồng” (lúc đó là một món tiền rất lớn, tương đương với khoảng 60 lạng vàng).Bác bảo: “- Chú chuyển ngay số tiền đó cho Bộ Tổng tham mưu và nói: đó là quà của Bác tặng để mua nước ngọt cho anh em chiến sĩ trực phòng không uống, không phải chỉ cho những chiến sĩ ở Ba Đình, mà cho tất cả các chiến sĩ đang trực chiến trên mâm pháo ở khắp miền Bắc. Nếu số tiền đó không đủ thì yêu cầu địa phương nào có bộ đội phòng không trực chiến góp sức vào cùng lo!”.

Đúng là một tình thương cha con. Điều này được tiếp nối từ lịch sử: Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào (Bình Ngô đại cáo)... Nhân đây xin nói tới đạo làm tướng theo quan niệm của Bác thì cái gốc vẫn là tình thương yêu và sự gương mẫu: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng Tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên... Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt” [25]. Có thế thì mới tạo ra được Hùng sư bách vạn tất thính lệnh (Trăm vạn hùng binh đều nghe lệnh).

Xin khép lại bài viết bằng lời dạy của Bác với quân đội ta: “Phải nhớ rằng nhân dân là chủ. Dân như nước, mình như cá, lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết”; “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”. Đấy là nghệ thuật quân sự cốt lõi nhất, cơ bản nhất đã góp phần quyết định tạo nên sức mạnh vô địch của quân đội ta, quân đội của nhân dân: “Trung với Đảng. Hiếu với dân. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Khó khăn nào cũng vượt qua. Kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

T.M.T

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 3, tr 198

[2]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 4, tr.485

[3]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia,tập 3, tr 518

[4]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia,tập 3, tr 514

[5]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia,tập 4. 229

[6]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia,tập 4. Tr 261

[7]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia,tập 7, tr 86

[8]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia,tập 6, tr 296

[9]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia,tập 12, tr 58

[10]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia,tập 7, tr 572

[11]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia,tập 6, tr 41

[12]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia,tập 6, tr193

[13]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia,tập 9, tr 143

[14]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia,tập 9, tr 270

[15]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia,tập 9, tr 342

[16]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia,tập 9, tr 427

[17]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia,tập 11, tr 565

[18]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia,tập 12, tr 58

[19]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia,tập 12, tr 382

[20]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia,tập 7, tr 476

[21]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia,tập 12, tr 283

[22]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia,tập 6, tr 296

[23]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia,tập 6, tr 416

[24]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia,tập 6, tr 514

[25]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia,tập 6, tr 207.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)