. TRƯƠNG NGUYÊN VIỆT
Tôi là người được anh Lưu Quang Vũ coi như đứa em, và được chứng kiến cả bốn mối tình si mê trong đời của anh. Cả bốn người phụ nữ anh yêu đều là những văn nghệ sĩ chói sáng, đều là mơ ước của rất nhiều đàn ông, và đều yêu anh đến cùng cực. Nhưng hi sinh hơn cả, nồng nàn hơn cả, mạnh mẽ hơn cả... chính là người phụ nữ từ khi nắm tay anh buổi đầu đã không rời tay anh cho đến phút cuối trên con đường đời...
Ngày nhỏ ở với mẹ tôi ở Đoàn ca múa nhân dân Trung ương, tôi biết có hai diễn viên múa mẹ tôi rất yêu quý và thân thiết, đó là hai chị cùng tên Quỳnh: chị Thúy Quỳnh và chị Xuân Quỳnh. Nhiều người nói về đội múa xinh đẹp của Ca múa Trung ương ngày ấy, mà trước hết nói về hai chị Quỳnh này, thường gọi là “hai đóa hoa quỳnh”. Rồi chị Thúy Quỳnh suốt đời gắn với nghệ thuật múa, từng là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, còn chị Xuân Quỳnh thì rẽ sang con đường thi ca, trở thành một nữ thi sĩ tên tuổi trên văn đàn. Khi còn rực rỡ dưới ánh đèn sân khấu trong những vũ điệu dân gian mê hồn, hay khi đã ngân lên những vần thơ như “chồi biếc”, như “hoa dọc chiến hào”, chị luôn chinh phục được bao người, không chỉ bởi một vẻ đẹp nền nã, mà còn bởi một tâm hồn thơ mơ mộng, tinh tế, và cũng rất nồng nàn. Ngay từ những vần thơ đầu, chị đã làm bao tâm hồn say mê, ngây ngất. Cùng với vẻ đẹp quyến rũ của thi ca, Xuân Quỳnh còn có một vẻ đẹp hình thể cũng rất quyến rũ của một nghệ sĩ múa.
Trong những người say mê Xuân Quỳnh buổi đầu này, chưa có anh Lưu Quang Vũ. (Tôi cũng thú thực là hồi ấu thơ, bản thân hay được anh Lưu Tuấn, ngày ấy gọi là chú, một nghệ sĩ kéo violon trong đoàn rất đẹp trai, hay sai đi đưa những lá thư có nhẽ là “lời tỏ tình mùa xuân” của chú cho cô Xuân Quỳnh. Chú cũng chính là mối tình đầu, và là người chồng đầu tiên của Xuân Quỳnh)” Kém chị Xuân Quỳnh 6, 7 tuổi, lúc này Lưu Quang Vũ còn đang là cậu học sinh, dù rằng anh cũng đã làm thơ, từ cái gen di truyền của người cha là nhà thơ, soạn giả sân khấu Lưu Quang Thuận”. Phải rất nhiều năm sau, họ mới gặp nhau và si mê nhau, dù là để đến được với nhau, họ đã phải vượt qua rất nhiểu trở ngại.
Lí do đầu tiên để gặp gỡ nhau là họ ở chung khu nhà 96 Phố Huế, Hà Nội - một khu tập thể dành cho các văn nghệ sĩ (Bùi Xuân Phái, Nguyễn Văn Tý, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Nguyễn, Bùi Huy Phồn, Lưu Quang Thuận”) Anh Lưu Quang Vũ đã cùng cha mẹ ở đây nhiều năm, còn chị Xuân Quỳnh sau khi giã từ nghệ thuật múa, chuyển sang con đường văn học mới cùng chồng, nghệ sĩ violon Lưu Tuấn, chuyển về.
Mặc dù có những khoảng cách về tuổi tác, về hoàn cảnh nhưng Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ sẵn lòng cảm thông với những bất hạnh của nhau: chị Xuân Quỳnh có những xung đột về tính cách với người chồng dẫn đến đổ vỡ, còn anh Lưu Quang Vũ phải sống với tình yêu như một trái đắng, cùng với rất nhiều vất vả của trường đời... Trước đó ít năm, khi đang còn là một nhà thơ trẻ tên tuổi, như một duyên nợ của đất trời đã khiến anh tìm đến với một ngôi sao điện ảnh lúc bấy giờ: “Em như cầu vồng bảy sắc hiện sau mưa”. Phàm người tài hoa lại thường đa cảm, yếu mềm, anh đã yêu bằng tất cả sự si mê, sự rối rít của tâm hồn: “Rối rít trong lòng một nỗi em em...” Yêu và bất chấp tất cả - kể cả một thứ kỉ luật gắt gao nhất bấy giờ là kỉ luật quân đội! Thế nhưng, chính tình yêu này đã làm anh thất vọng, khổ đau: Người ta yêu em đến sờn mòn/ Người ta chiều em đến nhàu nát. Tôi nhớ năm xưa cùng anh lang thang trên những nẻo đường Hà Nội bời bời gió lạnh, anh hay lẩm bẩm câu thơ ấy của Esenin cho vợi nỗi lòng mình...
Tôi nhớ một lần từ mặt trận ra đến thăm Lưu Quang Vũ, người cha thân yêu của anh - nhà thơ Lưu Quang Thuận, cũng là thầy dạy tôi viết kịch - kéo tôi ra một góc vắng tâm sự: “Thằng Vũ nó khổ quá con ạ...” Ông chỉ thốt lên thế rồi ghìm lại. Trên má ông lăn dài giọt nước mắt làm tim tôi nhói lên, thương anh Vũ và thương ông quá!
Giải ngũ, không công ăn việc làm, tài thì nhiều người trọng nhưng tình chẳng mấy ai thương, cánh tay Lưu Quang Vũ đưa lên gõ cánh cửa nào cũng bị chối từ. Họ ngoảnh mặt cả với thơ của anh, dù là chính nơi ấy hôm qua còn đưa thơ anh lên tận “mây xanh”. Anh phải đi vác tre vác nứa nơi bãi sông Hồng, và nghiền thơ quá thì chỉ biết mang thơ đọc cho những người bạn bốc vác ấy nghe bên li rượu suông những đêm trăng tàn nơi bến sông... Chính trong nỗi đơn độc về tình yêu, về thế thái nhân tình này, chị Xuân Quỳnh đã đến với anh, thắp lên cho anh một ngọn lửa ấm lòng, một vì sao rực rỡ để rồi từ tình yêu này, Lưu Quang Vũ lấy lại sức mà bay lên. Quả là chỉ tình yêu mới đền bù được cho tình yêu, chỉ tình yêu mới băng bó được cho vết thương tình yêu. Chỉ có thuyền mới hiểu/ biển mênh mông nhường nào, họ gặp gỡ nhau, đến với nhau từ việc ở cùng một chung cư, từ chung với nhau một nỗi bất hạnh gia đình, nhưng trước hết là chung với nhau một hồn thơ và một tài năng thơ, gần gũi nhau về khát vọng, đồng điệu về tâm hồn. Đặc biệt, dù đã là một cây bút thơ nổi tiếng, được nhiều người yêu mến và tôn trọng, nhưng trước tài năng của Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh chấp nhận làm một dòng sông nhỏ, dồn tất cả mồ hôi nước mắt để nuôi lớn cho “biển khơi” Lưu Quang Vũ. Chị nhận ra vẻ đẹp tâm hồn và tài năng của anh, không phải lúc tên tuổi anh chói sáng, mà ngay từ trong tăm tối nhất, ngay từ lúc bao nhiêu đổ vỡ bất hạnh ập xuống đời anh. Chỉ có sự thông minh, sắc sảo và một tâm hồn bao dung, rộng lớn của một tài năng “ngang cơ” mới có thể phân biệt được nhau như thế, mới nhận biết được nhau như thế, mới có thể chấp nhận hi sinh cho nhau như thế. Anh Lưu Quang Vũ đã từng viết về chị Xuân Quỳnh, viết về tình yêu này: Khi tàu đông anh lỡ chuyến đi dài/ Chỉ một người ở lại với anh thôi/ Lúc anh vắng người ấy thường thức đợi/ Khi anh khổ chỉ riêng người ấy tới/ Anh yên lòng bên lửa ấm yêu thương/ Người ấy chỉ vui khi anh hết lo buồn/ Anh lạc bước, em đưa anh trở lại/ Khi cằn cỗi thấy tháng ngày mệt mỏi/ Em là sớm mai là tuổi trẻ của anh (Và anh tồn tại). Còn Xuân Quỳnh, trước tình yêu này, chị đã viết gì? Chẳng dại gì em ước nó bằng vàng/ Trái tim em anh đã từng biết đấy/ Anh là người coi thường của cải/ Nên nếu cần anh bán nó đi ngay/ Em cũng không mong nó giống mặt trời/ Vì sẽ tắt khi bóng chiều đổ xuống/ Lại mình anh với đêm dài câm lặng/ Mà lòng anh xa cách với lòng em/.../ Em trở về đúng nghĩa trái tim/ Biết làm sống những hồng cầu đã chết/ Biết lấy lại những gì đã mất/ Biết rút gần khoảng cách của yêu tin/.../ Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em/ Là máu thịt đời thường ai chẳng có/ Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa/ Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi (Tự hát). Nhưng đấy là thơ, là sự bộc lộ của tâm tưởng. Nó sẽ còn phải đụng chạm với đời, cuộc đời thực, với miếng cơm manh áo mà càng với những nghệ sĩ, nó lại càng dễ biến thành những bi kịch, và nhiều cuộc tình tưởng rằng chói sáng, rất thi vị nhưng khi vấp phải phần đời này bỗng nổ tung như bong bóng xà phòng...
Hai vợ chồng và “con anh, con tôi, con chúng ta” nhiều năm tháng chỉ sống với một đồng lương cán bộ văn nghệ ít ỏi của Xuân Quỳnh. Để sống trọn vẹn với tình yêu, để chắp cánh cho sự nghiệp của chồng, chị Xuân Quỳnh đã chi chút, dành dụm từng đồng tiền, chấp nhận hi sinh tất cả mọi nhu cầu thiết yếu nhất của mình. Một người bạn văn thân thiết của chị kể, một trưa hè kia đôi bạn gặp nhau, chị mời Xuân Quỳnh uống một cốc chè đỗ đen giải khát. Nhưng rồi thấy chị Xuân Quỳnh lặng đi. Một hồi lâu mới thầm nói: “Thôi, chả ăn chè nữa chị ạ. Chị dành cho em mấy hào ấy để trưa nay em mua rau cho cả nhà cùng ăn.” Nhắc lại chuyện này, thực sự vẫn còn nhói lên trong lòng chúng ta bao niềm xót xa của một thời, nhưng cũng đọng lại trong lòng chúng ta niềm khâm phục sự lo toan, hi sinh của chị Xuân Quỳnh, mà những chi tiết thế này là không ít trong những năm tháng của anh chị Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Chính sự hi sinh, sự thôi thúc và chắp cánh này của Xuân Quỳnh mà Lưu Quang Vũ có được một sự nghiệp sáng tác đồ sộ. Không thể nói trong gia tài văn chương và nghệ thuât chẳng mấy ai có của tài năng lớn Lưu Quang Vũ, không có một phần là tâm hồn và sự hi sinh của chị Xuân Quỳnh lặn vào để làm nên. Và nếu Lưu Quang Vũ là “biển mênh mông nhường nào” thì Xuân Quỳnh không chỉ là “thuyền” để thấu hiểu, mà là một dòng sông hùng vĩ, khôn cùng, để nuôi lớn biển mênh mông này.
“Biết yêu anh cả khi chết đi rồi”, sau này, con tim càng đau nặng, Xuân Quỳnh càng tâm niệm, càng khắc khoải với câu thơ trên, với mong ước trên, dù là trong lí do để con tim này thêm nhức nhối có cả một phần chính anh Lưu Quang Vũ gây nên: Thương trái tim nhiều vất vả lo buồn/ Trái tim lỡ yêu người trai phiêu bạt/ Luôn mắc nợ những chuyến đi, những giấc mơ điên rồ, những ngọn lửa không có thật/ Vẫn là gã trai nông nổi của em (Thư viết cho Quỳnh trên máy bay - Lưu Quang Vũ).
Thương cảm biết bao trái tim chị Xuân Quỳnh những ngày đau trên giường bệnh. Trái tim máu thịt có thể ngừng đập, nhưng lại đau đáu mong ước “biết yêu anh cả khi chết đi rồi”. Thể xác có thể cô đơn ra đi vĩnh viễn, nhưng tình yêu thì vẫn mãi mãi ở lại, mãi mãi còn với Lưu Quang Vũ hơn cả một sự thân yêu... Và kì lạ thay, trái tim đầy nhân ái của Xuân Quỳnh đã không phải cô đơn ra đi. Buổi vĩnh biệt bất ngờ, đau đớn ấy, có cả trái tim anh và đứa con thân yêu. Sau 15 năm gắn bó đã tưởng phải dừng, thì họ lại tiếp tục bên nhau, ra đi cùng nhau để vĩnh viễn bên nhau trong một tình yêu bất tử...
T.N.V
VNQD