Đã từng xuất bản hai tác phẩm trước là Đàn bà hư ảo và Phúc âm cho một người. Trong mỗi tác phẩm, Nguyễn Khắc Ngân Vi đều đã triệt để thể hiện cái tôi - là một phụ nữ phức tạp và tự đấu tranh với những bản thể của mình. Vạn sắc hư vô là tác phẩm mới nhất, và có thể nói là chuyến du hành đầy những khát khao được cô phơi mở.
Xoay quanh Nhàn, một người phụ nữ bình thường như bao người khác, và những sợi dây quan hệ có phần khác lạ của cô, bỗng một ngày trở thành người dạy tiếng Hán của Chỉ Kỳ, và rồi lăm le chiếm hữu cả cô gái ấy. Chỉ Kỳ là ai và Nhàn xuất hiện vì những điều gì? Có nhiều cung cách giải thích, nhưng khả dĩ nhất là xem xét họ trong sự tương quan cùng nhau.
Khi hai bản thể…
Khởi đầu tiểu thuyết, Nguyễn Khắc Ngân Vi đã không ngần ngại thừa nhận những sự khác nhau giữa hai người ấy. Cô đã tạo ra hai cá tính lạc lõng, và mỗi một người thì lại thiếu đi một thứ gì đó. Đối với Chỉ Kỳ, cô như đại diện cho ngày hiện tại, không có quá khứ, không có tương lai, và như lạc mất thời gian. Cũng như cái tên đầy vẻ hoa mĩ, cô đầy trống rỗng và sự thờ ơ.
Dấu ấn trong đời Chỉ Kỳ hoàn toàn mờ nhạt. Trong những tụ hợp của nhóm có từ hai người trở lên, dường như ta chỉ thấy được bóng lưng của cô, hoặc là cô luôn luôn ngủ. Cô lặng lẽ tách mình ra khỏi thế giới, nhưng luôn khoa trương khi bị bỏ mặt với vẻ ảo não, chán chường, như một nắm tro dù tàn thì vẫn gào thét. Trong chính Chỉ Kỳ là những bản thể xung đột, giữa cái cực đoan và phi-cực đoan, giữa cái chần chừ không dám bước tới và thích thao túng người yếu hơn mình.
Tác phẩm Vạn sắc hư vô do Tao Đàn và Nxb Hội Nhà văn liên kết ấn hành.
Như thể cô luôn đòi hỏi những sự riêng tư, trong âm nhạc, trong cuộc sống… nhưng luôn thèm khát cái chết cực đoan. Cô yêu cái đẹp, muốn giữ tuổi xuân và mãi quẩn quanh trong cuộc kiếm tìm bản chất tình yêu. Chỉ Kỳ chính là đại diện của những đối nghịch, khi luôn đau đớn vì không tìm ra những câu trả lời từ phía tình yêu, nhưng khi thấy rồi thì lại bất lực đứng trước lời giải.
Và để thử nghiệm những nỗi đau ấy, cô đã huấn luyện “con gà” của mình, để cho bản thân trở thành “con trăn” nuốt trọn đối tượng mà mình giật dây. Và đó là Nhàn. Nhàn là một điển hình cho những con người khát khao được sống, với sự thuần nguyên, đầy tràn cảm xúc cũng như vẫn thường dày vò bởi những ám ảnh từ trong quá khứ.
Nhàn khác Chỉ Kỳ đến nỗi trong mọi cuộc vui cô luôn là người nổi bật hơn cả. Không chỉ bắt nguồn từ việc Nguyễn Khắc Ngân Vi “ưu ái kể” từ ngôi của cô, mà nhân vật này cũng không ngần ngại thể hiện ra sự thuần khiết của bản thân mình. Cô không ngại khóc và có thể khóc bất kì lúc nào. Nghèo nàn, không có nhan sắc, to lớn và đầy thô kệch… thứ níu giữ cô là sự bất toàn. Thế nhưng khác với Chỉ Kỳ, cô có sức mạnh của quá khứ, và dẫu có nhiều tổn thương thì cô vẫn trân trọng nó một cách đặc biệt.
Điều đó không chỉ thể hiện ở việc Nguyễn Khắc Ngân Vi quăng vào tiểu thuyết rất nhiều định mệnh, từ lần gặp Lam cho đến dì Nữ. Ở đó, bám theo quá khứ có phần ám ảnh giữa người cha bội phản, giữa người mẹ vô hình, giữa một cuộc tình đi đến đoạn kết… Nhàn mở mình ra để rồi Chỉ Kỳ lấp đầy vào đó. Là sự kiểm soát, là những mong muốn kết hôn, sinh con cũng như những lần tìm đến xác thịt.
Trong phòng thí nghiệm của hai người họ, Chỉ Kỳ là nhà khoa học mang tính khách quan. Cô đứng ở trên và từ bên ngoài để mà quan sát. Cô muốn tìm ra bản chất tình yêu, và có gì hơn là một đối tượng được rút từ mẫu đầy những phàm trần như Nhàn ta đây? Ở đó họ đã hợp nhất, đã tìm thấy nhau cũng như phản ánh chính thông qua nhau, của hai cá thể hay hai con người hợp nhất thành một?
…hóa thân thành một
Chính sự kiểm soát của Chỉ Kỳ một cách tuyệt đối lên Nhàn đã cho ta thấy một ý định khác, về hai bản thể của một con người không ngại đối đầu để rồi tìm ra được sự tầm thường hoặc là ngấm ngầm chống đối lẫn nhau. Không những là sự đối lập tạo ra được những khác biệt để rồi bồi đắp lẫn nhau, mà đó còn là những sự “đánh tráo khái niệm”, của sương khói mờ ảo và nhất là ở những cuộc làm tình.
Với Nhàn, mùi hương là dạng vật chất. Quá khứ thường viếng thăm cô có mùi biển cả, có mùi ổi chín, có mùi của đất sau mưa… trong khi ngồi với Chỉ Kỳ, thì thứ thường trực len lỏi là mùi cuống họng không thể phá hủy. Thêm vào đó, trong những cơn bộc phát dục tính, con người Nhàn muốn hướng tới vẫn là một người không mang nhân dáng, không phải là Nhuân, không phải là Thu, lại càng không phải Chỉ Kỳ. Cô khao khát một sự đánh mất nhân dạng, để rơi vào cõi hư vô, dẫu cho đời này luôn là vạn sắc.
Do đó Chỉ Kỳ không hề tồn tại ở trong đời thực. Cô xuất hiện trong dạng vật chất ở trong khói ốc, và bỗng hiện về trong sự phản chiếu – hay phi vật chất - ở dạng mùi hương. Nguyễn Khắc Ngân Vi theo đó cũng đã đánh tráo khái niệm. Không ít lần cô cho những cuộc làm tình bùng phát diễn ra giữa hai người họ, thế nhưng ẩn sâu trong lớp từ ngữ vẫn là thứ mùi hương của sự hoan lạc, của tự nhiên thuần khiết như vốn linh thiêng ngàn đời hòa hợp. Những sự giao hòa thể xác của hai người họ trùng khớp lên nhau, không chệch nhau đi một ly tí nào, và có gì khác ngoài việc nhập hồn, ngoài việc tìm thấy chính họ trong nhau bởi vì cả hai đều là một nửa của sự trọn vẹn?
Nhà văn Nguyễn Khắc Ngân Vi.
Do đó có thể thấy rằng, Vạn sắc hư vô chính là cuộc chiến của hai bản thể trong một con người. Là đại diện của cái đẹp, của cái mong manh và thích kiểm soát đến từ Chỉ Kỳ, nhưng cũng đồng thời là cái thuần nguyên cũng như chất phác của Nhàn. Một trong hai người, đi tìm tình yêu theo đúng bản chất, để rồi nhận ra giao hòa chỉ có thể đến từ bản thân họ, mà không phải từ một đối tác khác, để dù có sự gắn bó, có sự cách xa về mặt thế hệ, thì rồi cũng sẽ có người bị bỏ rơi lại, tìm đến cái chết.
Vậy thì thứ nào sẽ chết? Bản thể giả tạo mong manh khoác lên dáng vẻ kiêu kì, hay cái thuần nguyên và lành như đất? Bởi nhẽ vạn sắc thì cũng hư vô, nên rồi cuối cùng, dẫu cho níu kéo hay là cố gắng hòa hợp thành một, thì cũng có người rồi phải ra đi, còn người ở lại tiếp tục trôi nổi trong những định chế, giữa tiền tài, danh vọng và trên hết là sự đấu tranh từng ngày với chính ý nghĩa cuộc sống.
Nhảy từ quan hệ của cả hai người, Nguyễn Khắc Ngân Vi cũng đã mô tả rất nhiều cuộc chiến, về từng cá thể (như cuộc đánh ghen), hay với đời sống xã hội (những mối quan hệ có phần mập mờ)… Thế nhưng trên hết chúng đều mờ nhạt trong cuộc tranh đấu nội tâm, của những tiếng nói thay nhau phát biểu. Cuốn tiểu thuyết này vẫn còn có thể được tinh gọn lại, hoặc mở rộng ra để đạt đến sự hài hòa. Điều đó ít nhiều là sự đáng tiếc cho một tác phẩm đầy tràn cá tính vẫn đang thừa thãi nhiều chi tiết vụn.
Thế nhưng với cuốn sách này, Nguyễn Khắc Ngân Vi bằng sự “đánh tráo khái niệm” đã hình dung được một cuộc chiến trong bản thể của mỗi chúng ta về hai cực. Với lối viết lạnh, một tư duy mới; Vạn sắc hư vô là một tiểu thuyết không hề dễ đọc, đầy tràn thô tục về mặt thể xác, nhưng lại chứa đầy thiết tha ẩn trong tâm hồn.
NGÔ TUẤN ANH
VNQD