. NGUYỄN THỊ KIM NHẠN
Nguyễn Phan Quế Mai sinh năm 1973 tại Ninh Bình trong gia đình có bố là giáo viên, mẹ là nông dân. Năm 1979, nhận thấy những cơ hội thuận lợi để phát triển, gia đình cô di cư vào Nam, định cư tại tỉnh Bạc Liêu. Sinh ra trong gia đình nghèo, di cư từ nhỏ, giữa bối cảnh kinh tế đất nước vô cùng khó khăn, ngay từ thơ ấu cô bé Mai đã coi những trang sách là người bạn, và dần dà những con chữ thấm vào cô, gieo trong cô tình yêu sâu sắc đối với văn chương. Năng khiếu sáng tác cũng bộc lộ từ sớm, ngay từ 10 tuổi, cô đã giấu gia đình tham dự một cuộc thi văn chương và đoạt giải. Nhưng vì gia cảnh, Mai đã gác lại niềm đam mê viết lách để theo đuổi ngành học quản trị kinh doanh tại Đại học Monash (Úc). Sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Phan Quế Mai thực hiện nhiều dự án hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Năm 2007, cô là thành viên Ban cố vấn nhóm tình nguyện Chắp cánh ước mơ. Năm 2014 cô lấy bằng thạc sĩ và năm 2018 lấy bằng tiến sĩ viết văn tại Đại học Lancaster (Anh quốc). Hiện nay, cô dành toàn thời gian cho sáng tác văn chương và các hoạt động giao lưu văn học.
Nguyễn Phan Quế Mai đã xuất bản nhiều tác phẩm trong nước: Trái cấm (2008), Cởi gió (2010), Những ngôi sao hình quang gánh (2011), Từ tuyết đến mặt trời (2011), Mun ơi, chạy đi (2012), Tổ quốc gọi tên mình (2015)... Ngoài ra cô xuất bản tập thơ Bí mật của hoa sen tại Nxb BOA Editions, New York, Mĩ (2014). Cô còn dịch nhiều tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng Anh cũng như chuyển ngữ nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Anh ra tiếng Việt, chẳng hạn: Kí ức mắt đen (tuyển thơ Nguyễn Trọng Tạo, dịch cùng Hilary Watts, 2009), Tuyển thơ Việt Nam hiện đại (dịch cùng Teresa Mei Chuc, Shabda Press, Mĩ, 2016)... Đột phá lớn nhất của Nguyễn Phan Quế Mai có lẽ là việc cô bắt đầu sáng tác bằng tiếng Anh, đưa tên tuổi của cô từ nhà văn, dịch giả Việt Nam trở thành cái tên được nhắc đến trên văn đàn thế giới. Tiểu thuyết đầu tay The Mountains Sing (Những ngọn núi ngân vang) do Algonquin Books xuất bản năm 2019 nhận được nhiều giải thưởng danh giá, được dịch ra 12 thứ tiếng trên thế giới. Hiện cô đang hoàn thành tiểu thuyết thứ hai bằng tiếng Anh, mang tên Dust Child, dự kiến xuất bản năm 2023. Hành trình sáng tác của Nguyễn Phan Quế Mai là hành trình đi ra với thế giới. Nhưng trước khi là một nhà văn khao khát góp một tiếng nói trên văn đàn quốc tế, Nguyễn Phan Quế Mai là một nhà thơ. Xuyên suốt các tập thơ của cô là một tình yêu tha thiết đối với con người, sự sống, quê hương, xứ sở, và đặc biệt, là lòng trắc ẩn trước những số phận của những con người nhỏ bé, câm lặng, dễ bị gạt ra bên lề, không phân biệt màu da, quốc tịch. Đọc thơ Nguyễn Phan Quế Mai, vì vậy, vừa cảm nhận được tâm tình Việt Nam, vừa thấy được những vấn đề nhức nhối lương tri nhân loại.
Viết để tụng ca tình yêu, viết để tìm về nguồn cội, để bày tỏ tình yêu sâu sắc đối với quê hương, xứ sở, nhưng với Nguyễn Phan Quế Mai, viết cũng là để hàn gắn và hòa giải, để bày tỏ tình yêu thương đối với những con người không phân biệt quốc gia, dân tộc.
Là nhà thơ đi nhiều, giao lưu nhiều, Nguyễn Phan Quế Mai có cái nhìn cởi mở, đa chiều và bao dung về thế giới. Trong đó, cô đặc biệt quan tâm đến sự hàn gắn và hòa giải giữa người Mĩ và người Việt. Chiến tranh đã qua đi nhưng hố sâu ngăn cách hai dân tộc, hai đất nước vẫn còn thăm thẳm. Thơ giống như một nhịp cầu mà nữ sĩ muốn xây đắp cho tình hữu nghị giữa những con người nơi hai đầu chiến tuyến. Nhưng trước khi có được sự hàn gắn, thơ là nơi Nguyễn Phan Quế Mai giãi bày sự thấu hiểu nỗi đau, sự mất mát, sự tổn thương ghê gớm mà chiến tranh để lại ở cả hai phía. Hãy nghe cô kể trong thơ những cái chết hóa thành bất tử: Hoa không ngăn nổi mình chảy dòng tang trắng/ Cỏ không ngăn nổi mình nấm mộ xanh/…/ Con gió trắng hát mười bài hát: Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Dương Thị Xuân, Trần Thị Rạng, Hà Thị Xanh, Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hà, Trần Thị Hường (Đồng Lộc). Việc liệt kê mười cô gái thanh niên xung phong chính là cách để nhà thơ nhớ lại, cũng là cách nhắc nhở chúng ta, những người đọc, không bỏ sót và không được phép bỏ sót bất cứ sự mất mát, hi sinh nào mà thế hệ trước đã phải gánh chịu. Hòa bình là trái quả nhưng đó là thứ trái quả phải trả giá bằng sinh mạng của biết bao người con ngay giữa tuổi thanh xuân.
Những mất mát, hi sinh của người Việt Nam không chịu dừng lại ở thì quá khứ. Thơ Nguyễn Phan Quế Mai cho chúng ta thấy những di chứng chiến tranh, những tổn thương còn đeo bám con người đến tận ngày hôm nay. Không chỉ thấu hiểu nỗi đau của đồng bào mình, Nguyễn Phan Quế Mai còn nhìn ra và đồng cảm sâu sắc với những sang chấn tâm lí hậu chiến của những người lính Mĩ đã từng tham chiến tại Việt Nam. Trong bài thơ Với một cựu binh Mĩ, nhà thơ đã phác họa những “tròng trành”, “cuộn sóng” trong dáng ngồi “lặng im” của một cựu binh Mĩ: Ông chẳng thể giải thích lí do của cuộc chiến/ Vì sao người thân tôi phải ngã xuống/ Vì sao bao trẻ thơ vẫn bị cầm tù trong nỗi đau chất độc da cam/ Nếu ông kể thì tôi cũng chẳng thể chạm được vào màu trắng của những đám tang/ Đã ghi dấu trên tóc ông/ Đã tạc vào đôi mắt ông/ đang dìm tôi xuống chiếc phễu khổng lồ không đáy. Đọc những câu thơ của Nguyễn Phan Quế Mai khiến chúng ta cảm nhận sâu sắc “một cuộc chiến tranh đang sống dậy” đối với cả người tham chiến và con người hậu chiến. Chiến tranh đã đi qua, nhưng hậu quả khủng khiếp mà nó để lại cho cả hai phía thì đã và đang còn hiện hữu, khốc liệt như “cái chết đang há miệng ngoạp lấy nuốt chửng những số phận”, “hằng đêm ông vẫn phải sống sót những giấc mơ”... Bởi vậy Chiến tranh chưa bao giờ bị bỏ quên/ Chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt. Trong một tác phẩm khác, Viết ở miền Nam, nhà thơ tái dựng một thử thách tâm lí khi một cựu binh Mĩ đối diện với cuộc sống hòa bình tại Việt Nam. Người cựu binh khi trở lại Việt Nam, tới thăm lại Mỹ Lai sau hơn bốn mươi năm mất ngủ: Những cơn ác mộng mỗi ngày đã nhấn chìm ông/ và nỗi sợ hãi về những người Việt Nam sẽ cầm dao/ theo ông trên phố. Luôn chìm vào quá khứ, người cựu binh đã không thể tận hưởng vẻ khoan thai bình dị Những người phụ nữ gánh đôi thúng đầy hoa trên vai gầy/ Những người đàn ông chở mùa xuân trên phố bằng xe xích lô/ Những em gái khúc khích cười trên đường đến lớp/ Tà áo em bay lên trắng những cánh bồ câu của một Việt Nam hòa bình. Thay vào đó, ông vẫn chỉ nhìn thấy “nơi đây từng là chiến trường”. Mặc cảm tội lỗi đã tước mất ý niệm thực tại của những người từng tham chiến. Chỉ một trái cầu lông của những cậu bé trai trên đường phố cũng khiến ông “hốt hoảng lùi về phía sau khi quả cầu lao tới”. Đó là phản ứng thường thấy của một người bị sang chấn tâm lí, khi họ luôn bị quá khứ bám đuổi. Nhưng vào đúng khoảnh khắc người cựu binh “hốt hoảng”, đứng như thể sự sợ hãi/ đã đông cứng trong ông thì tiếng nói của trẻ thơ đã đánh thức ông trở về thực tại: Đánh đi! Bác ơi! - những đứa trẻ gọi/ đôi tay của chúng mở ra. Tiếng gọi của những đứa trẻ kháu khỉnh, nụ cười sảng khoái và đôi tay rộng mở của chúng - những đứa con của hòa bình và tự do - đã thức tỉnh người cựu binh già, giúp ông hàn gắn lại những hố sâu ngăn cách, chữa lành những tổn thương của quá khứ. Cuối bài thơ, người cựu binh đã bước ra khỏi bóng đen quá khứ để sống cho hiện tại: Bất chợt chân ông tung về phía trước/ quả cầu vút lên trên/ ánh sáng.
Suy tư về mối quan hệ hậu chiến Việt - Mĩ, Nguyễn Phan Quế Mai thường sử dụng hình ảnh những đứa trẻ như một cầu nối để hướng tới một tương lai của hàn gắn, của hòa bình. Trong bài Bức tường chiến tranh Việt Nam, Nguyễn Phan Quế Mai gợi lại nỗi đau đớn khi nhìn bức tường khắc 58.267 cái tên lính Mĩ đã chết trong chiến tranh Việt Nam: Vết giày họ còn loang vết máu/ Tôi muốn chôn họ thêm lần nữa. Nhưng đến cuối bài thơ, khi nhìn thấy bông hồng đỏ thắm cùng bức thư của một người con gửi cho cha Cha ơi, hôm nay là sinh nhật con gái con. Ước gì cha ở đây để cùng cháu thổi nến mừng tuổi mới. Không ngày nào con không nghĩ đến cha. Tại sao cha ơi? Tại sao cha phải đến Việt Nam, tại sao cha phải chết?, mạch cảm xúc của bài thơ đã thay đổi hoàn toàn. Thay vì chỉ trích và giận dữ trước tội ác của những người lính Mĩ, Nguyễn Phan Quế Mai thể hiện cái nhìn thấu hiểu cho chính những người đã tham dự cuộc chiến, những người đã gây bao tội ác và chết chóc lên đồng bào mình: Tôi nghe từ trong lòng đất âm u hình thù của những người cha Mĩ bế những đứa con thơ. Hốc mắt họ quầng sâu hố bom, trái tim loang lổ vết đạn. Chất độc da cam đẫm vào người họ. Dòng máu chảy loang kéo trôi những đứa con đang thét gào khỏi đôi tay. Nếu như chiến tranh là điều gì đó thảm khốc, thì sự thảm khốc đó đến với cả hai phía. Nếu chiến tranh chia cắt những người thân Việt Nam thì cũng cắt lìa những người máu mủ ruột rà ở phía Mĩ. Nếu chiến tranh khiến bao người lính Việt Nam nhiễm chất độc da cam, thì cũng không ít người lính Mĩ bị thấm đẫm bởi thứ chất độc do chính họ rải xuống những khu rừng, những làng mạc, dòng sông Việt Nam. Nếu chiến tranh để lại những tang thương không gì khỏa lấp cho những người mẹ Việt Nam mất con, người vợ Việt Nam mất chồng, người con Việt Nam mất cha, thì cũng từng đó đau thương song hành đối với những bà mẹ, người vợ và con thơ của người lính Mĩ. Bằng những câu thơ này, nhà thơ đã cho chúng ta cái nhìn đa chiều, cái nhìn thấu cảm về hậu quả và nỗi mất mát của chiến tranh, cho chúng ta hiểu nỗi đau luôn thuộc về những nạn nhân trong cỗ máy chiến tranh. Nếu chỉ nuôi lòng hận thù, ta chỉ dừng lại ở nấm mồ quá khứ. Nhưng nếu mở lòng để thấu hiểu nỗi đau của cả hai phía, chúng ta sẽ có cơ hội hàn gắn để bước tới tương lai. Viết những vần thơ mang tinh thần hòa giải và sự thấu cảm, Nguyễn Phan Quế Mai đã không chỉ xoa dịu lòng hận thù trong chính mình mà còn góp phần xoa dịu và hàn gắn cho những tổn thương giữa hai đất nước. Đó là những câu thơ có ý nghĩa bắc cầu cho Việt Nam và nước Mĩ, cho quá khứ và hiện tại, cho tội ác và tình thương.
Cũng liên quan đến đề tài chiến tranh, nếu như mối liên hệ Việt - Mĩ là một chủ đề nổi bật thì sự hàn gắn giữa những người Việt với nhau, một chủ đề ít được đề cập trong văn học, lại được Nguyễn Phan Quế Mai viết với những trăn trở sâu sắc. Sinh ra tại miền Bắc nhưng di cư vào miền Nam khi chiến tranh vừa kết thúc, nhà thơ sớm thấu hiểu nỗi lòng và khoảng cách giữa hai miền Nam - Bắc. Nguyễn Phan Quế Mai là nhà thơ của lòng trắc ẩn. Cô đã lưu dấu trong thơ kí ức về Hương, một “cô bé thuyền nhân”, “người bạn ấu thơ” mang mùi thơm của ổi, đã rời khỏi đất nước vào “mùa hè chín mọng năm 1986” trên chiếc thuyền trôi Hương vào đêm đặc quánh/ của đại dương đen để rồi vùi mình giữa biển khơi. Cái chết của Hương chỉ là một trong rất nhiều cái chết trên đường vượt biên những năm tháng ấy: Hương chỉ là một trong những cái tên/ trong hàng trăm nghìn thuyền nhân/ lênh đênh giữa đại dương (Cô bé thuyền nhân). Nguyễn Phan Quế Mai đã dành cho cô bé thuyền nhân một nỗi xót thương, một niềm đau đớn không chỉ cho thân phận những người ra đi mà cho cả dân tộc, khi non sông đã về một mối nhưng lòng người chưa thống nhất trọn vẹn.
Trong bài thơ Babylift, nhà thơ đề cập đến một câu chuyện lịch sử có thật khác, đó là Chiến dịch Không vận Cô nhi được tiến hành rầm rộ những ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam tháng 4 năm 1975. Hơn 3000 trẻ em Việt Nam được cho là trẻ mồ côi đã được vận chuyển bằng đường hàng không từ Sài Gòn đến các nước Mĩ, Pháp, Canada... sẽ trở thành con nuôi trong những gia đình tại các nước này. Tuy nhiên, nhiều trẻ em trong đó không phải trẻ em mồ côi, nhiều đứa trẻ sau này đã trở về Việt Nam tìm lại cha mẹ. Bằng cái nhìn không thành kiến, thấm đẫm tình yêu thương, Nguyễn Phan Quế Mai thể hiện sự xót thương cho những đứa trẻ - những nạn nhân bị bàn tay chiến tranh sắp đặt số mệnh: Nhấc bổng, quăng vào một thế giới khác/ Một xứ sở khác, một vòng tay khác/ Những phận trẻ thơ ngơ ngác/ Da bốc khói khỏi cuộc di cư. Và, điều đau đớn nhất, những đứa trẻ - những đứa con đẻ của cuộc chiến tranh không thể tự định đoạt số mệnh của mình đó - khi trưởng thành, đã trở về trong một hình hài Việt Nam nhưng cũng không hẳn là Việt Nam: Tóc không vàng. Da không trắng. Miệng không/ tiếng Việt/ Không bơ sữa nào có thể trả lời cho câu hỏi dài hơn 12.775 ngày/ “Tôi là ai?” Cuộc di tản vội vã đã biến những đứa trẻ trở thành những thực thể không thuần nhất, trở thành những căn tính lai ghép, không thể kết nối với cội nguồn, quê hương, thậm chí không biết đến cha mẹ, không biết mình là ai: Không vòng tay cưu mang nào ướm vừa vòng tay cha mẹ/ Không xét nghiệm ADN nào có thể nối họ với cội nguồn/ Mái tóc đen không nghĩ bằng tiếng Việt. Chúng là những kẻ bên lề của cả hai phía. Nguyễn Phan Quế Mai đã khóc thương cho họ, những đứa con bị bứng rễ khỏi cội nguồn, mãi lạc lối, mắc kẹt trong hành trình kiếm tìm danh tính, bản ngã, khát khao nguồn cội nhưng không thể trở về nguồn cội.
Cô bé thuyền nhân hay Babylift, thật trùng hợp, đều gợi thân phận những đứa trẻ, nếu không bỏ mạng trong cuộc viễn xứ nghìn trùng thì cũng trở nên những thực thể lai ghép. Viết về những đứa trẻ trong những thời khắc bão tố của đất nước chính là cách để Nguyễn Phan Quế Mai khơi gợi lại những lịch sử nhỏ, những câu chuyện khuất lấp, những số phận dễ bị lãng quên. Bằng cách đó, cô không chỉ dựng lại những kí ức có nguy cơ chìm khuất, cho chúng ta có cái nhìn đa chiều hơn về thực thể Việt Nam mà còn đánh thức một tình yêu bao la, rộng rãi, vượt lên trên những thiên kiến, những giới hạn của đời sống. Thơ Nguyễn Phan Quế Mai đem đến cho người đọc không chỉ là sự sống lấp lánh, động cựa, một cái nhìn nhân ái, yêu thương vạn vật mang đậm tính nữ mà còn là chiều sâu của lịch sử, của tiếng gọi cội nguồn. Cũng tiếng thơ ấy, tác giả chạm đến những câu chuyện đương đại, vượt lên trên ranh giới của ý thức hệ, vượt qua khoảng cách địa lí và biên giới quốc gia, dân tộc để bắc nhịp cầu kết nối yêu thương. Tất cả những điều đó trở thành gia tài quý giá để nhà thơ khi dấn thân vào địa hạt tiểu thuyết sẽ tiếp tục khai phá và mở rộng hơn nữa trên con đường văn chương của mình.
N.T.K.N
VNQD