Thanh niên Việt Nam học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 05/10/2022 00:34

. Trần Minh Đăng

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cha già của dân tộc, vị lãnh tụ vĩ đại đã dẫn dắt nhân dân ta vượt qua hai cuộc chiến khốc liệt và gian lao, đánh đuổi những thế lực thù địch mạnh mẽ để đem lại hòa bình cho đất nước và con người Việt Nam. Người được nhân dân yêu quý, kính trọng không chỉ nhờ tài năng lãnh đạo đất nước, cách mạng một cách tài tình mà còn ở lối sống, phong cách, tư tưởng và đạo đức thanh cao. Tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh vẫn được nhiều thế hệ người dân Việt Nam học tập và làm theo, và thanh niên hiện nay cũng không là ngoại lệ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với thanh niên của Đoàn đại biểu Nam Bộ (Tháng 10 năm 1949)

Có thể nói, một trong những di sản lớn lao mà Bác đã để lại cho dân tộc Việt Nam chính là Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đạo đức Hồ Chí Minh và Phong cách Hồ Chí Minh. Đó là những di sản vô giá, đúc kết từ những kinh nghiệm, cuộc đời và sự nghiệp mà Bác đã trải qua, kết tinh lại thành những giá trị quý báu, tài sản vô giá cho những thế hệ sau được kế tục và phát huy. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống lí luận được đúc kết trong suốt quá trình trải nghiệm, quan sát, bôn ba của Bác ở nước ngoài. Cùng với đó là sự vận dụng một cách đúng đắn và sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin sao cho phù hợp với cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã góp phần soi sáng con đường cách mạng của dân tộc, khiến cho những cuộc cách mạng, đấu tranh và giải phóng của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là một tấm gương vô cùng trong sáng, cao thượng, là sự đúc kết của tinh hoa văn hóa Việt Nam. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, hội tụ những giá trị văn hóa của phương Đông và phương Tây, giữa truyền thống và hiện đại, của dân tộc và quốc tế. Khi nhắc đến việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là việc vô cùng khó để có thể thực hiện vì để đạt được những điều như Bác đã làm là cả một quá trình khổ luyện lâu dài, đầy khó khăn và thử thách. Thế nhưng, việc học tập và noi gương Bác không phải là điều quá xa vời bởi chính những tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người đều xuất phát từ những chuẩn mực của cuộc sống hàng ngày, của thực tiễn khách quan đang tồn tại trong xã hội. Tất cả xuất phát từ những điều nhỏ nhất như: thái độ ứng xử hòa nhã, đúng mực; nêu cao tinh thần trách nhiệm; sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ, sẻ chia với những người khó khăn hơn mình... Có nghĩa là, thực hiện, noi theo tấm gương Bác, học hỏi từ những giá trị đạo đức, tư tưởng và phong cách của Người… không phải là điều bất khả.

Chiến tranh đã kết thúc từ lâu, chúng ta đã bước vào thời kì phát triển mạnh của khoa học, kĩ thuật, đẩy mạnh công cuộc toàn cầu hóa, hội nhập với thế giới. Việc giới trẻ cần phải học tập, phát huy những giá trị trong đạo đức và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều vô cùng quan trọng. Giới trẻ, hay nói một cách khác là đoàn viên thành niên, là một trong những lực lượng nòng cốt, vô cùng quan trọng mà Đảng và Nhà nước ta luôn trú trọng đầu tư và đẩy mạnh việc phát triển, đào tạo cả về chất và lượng. Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn luôn khẳng định vai trò quan trọng của đoàn viên, thanh niên trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Bác dạy rằng: “Nhà nước thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cho tương lai đó” (trích Thư gửi các bạn thanh niên, ngày 12/8/1947). Không những thế, Bác còn chỉ ra những đặc điểm của thanh niên cũng như dành những lời cổ vũ, động viên cho thanh niên như sau: “Ưu điểm của thanh niên ta là hăng hái, giàu tinh thần xung phong. Khuyết điểm là ham chuộng hình thức, thiếu thực tế, bệnh cá nhân, bệnh anh hùng. Rất mong toàn thể thanh niên ta ra sức phát triển những ưu điểm và tẩy sạch những khuyết điểm ấy. Huy hiệu của thanh niên ta là Tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên. Ý nghĩa của nó là: phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn, vững chắc trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc đồng thời phải vui vẻ, hoạt bát. Bác mong mỗi cháu và toàn thể các cháu nam nữ thanh niên cố gắng làm tròn nhiệm vụ, để xứng đáng với huy hiệu tươi đẹp và vẻ vang ấy” (trích Thư gửi thanh niên, tháng 4/1951). Chỉ với vài câu nói của Bác mà ta có thể thấy được rằng, tuổi trẻ, thanh niên Việt Nam có một vai trò vô cùng lớn đối với công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Trong thời gian gần đây, nhiều chương trình, chiến lược nhằm thực hiện chương trình “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” hướng đến đối tượng trẻ, đặc biệt là đối tượng đoàn viên, thanh niên trên toàn quốc. Ở mỗi tỉnh, thành hiện nay, những chương trình liên quan đến việc học tập và làm theo Bác cũng được triển khai hết sức sôi nổi và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nhiều gương thanh niên, học sinh, sinh viên được biểu dương, đánh giá cao vì đã thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ. Họ tích cực trong công tác học tập, rèn luyện, tích lũy tri thức cho chính bản thân mình. Cùng với những thành tích tốt trong học tập, họ tích cực, năng động, tham gia rất sôi nổi vào các hoạt động, phong trào của trường, của lớp, của cộng đồng xã hội.

Bên cạnh những đoàn viên, thanh niên vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường, có một bộ phận đoàn viên, thanh niên tiêu biểu trong việc học tập và làm theo lời Bác, áp dụng những bài học, những giá trị cốt lõi đó vào trong chính công việc của mình, nghiêm khắc, tự giác trong công tác. Chẳng hạn như, thực hiện nghiêm túc mọi quy chế và nội quy của cơ quan; chủ động học hỏi, tiếp thu thêm những kiến thức, kĩ năng trong công việc cũng như tích cực, năng nổ trong nhiều hoạt động, phong trào đoàn thể...

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Từ lời dạy đó của Bác, nhằm phát huy sức trẻ của thanh niên trong việc xây dựng và phát triển đất nước, nhiều địa phương đã tiến hành xây dựng những phong trào thi đua cụ thể, thiết thực. Những hoạt động như tăng gia sản xuất, phát triển nguồn lao động tại địa phương, xóa đói giảm nghèo, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, xây dựng các công trình dân sinh, phúc lợi cho địa phương, quyên góp, tình nguyện… của đoàn viên, thanh niên đã góp phần làm cho những địa phương ngày càng giàu đẹp.

Những năm gần đây, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của thế hệ đoàn viên thanh niên đã được đẩy mạnh, có chiều sâu. Từ việc tích cực học tập, trau dồi thêm nhiều hơn nữa những hiểu biết, tri thức kinh nghiệm cho đến cố gắng, rèn luyện bản thân, tuân thủ đầy đủ những quy tắc, luật lệ được ban hành trong tổ chức nơi mình sinh hoạt. Việc học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ còn ở sự tích cực, năng nổ trong những công tác, những phong trào xây dựng quê hương đất nước, chỉ cần góp một công sức nhỏ nhoi như bảo vệ môi trường, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn... Những hành động đó tuy nhỏ những xuất phát từ chính những giá trị truyền thống cốt lõi của dân tộc ta và cũng là nền tảng tạo nên những giá trị tốt đẹp trong tư tưởng và đạo đức của Bác.

Có thể nói, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu đối với nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người trẻ, thế hệ thanh niên hiện đại ngày nay. Họ đã tích cực trong nhiều hoạt động, công tác khác nhau, đem nhiệt huyết của tuổi trẻ để có thể lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến với cộng đồng, xã hội, thực hiện tốt những lời dạy, chỉ bảo của Bác. Bước sang một thập kỉ mới với rất nhiều cơ hội và thách thức mới ở phía trước, tuổi trẻ, thanh niên Việt Nam hiện nay phải cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần làm nên những thắng lợi mới, đưa nước nhà phát triển lên tầm cao mới. 

T.M.Đ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)