Viết văn là mang thế giới trong tâm trí mình đến với người đọc

Thứ Hai, 21/11/2022 07:34

 The Red Star Impromptu là cuốn tiểu thuyết đầu tay được viết bằng tiếng Anh của nhà văn trẻ Thu Ngân vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tiểu thuyết cho thấy sự lấp lánh và triển vọng của một cây bút trẻ tiềm năng.

Cuốn sách không chỉ dành cho tuổi học trò

Cuốn tiểu thuyết có nội dung xoay quanh một nhóm bạn trẻ, là học sinh của một ngôi trường danh giá bậc nhất Hà Nội. Họ được tuyển chọn vào câu lạc bộ báo chí của trường, ở đó mỗi người đã thể hiện những khát vọng, hoài bão lớn lao và xa vời của riêng mình. Cũng ở đó, những rắc rối, những góc khuất của mỗi người, mỗi mối quan hệ được bộc lộ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Họ cùng đi tìm một chân lý xa vời trong cuộc sống tầm thường, mỗi bước tiến lại mở ra một cánh cửa tăm tối trong kí ức và con người của những thanh niên với vẻ ngoài hào hoa. Câu chuyện chuyển từ bức tranh đời thường của tuổi học sinh thành một thực tại mịt mờ, không thể nắm bắt. Tác giả đã tạo ra được nhiều chi tiết, nhiều bối cảnh, tổng hòa từ những sự trải nghiệm của chính mình. 

The Red Star Impromptu đựng nhiều suy ngẫm, ước muốn của tuổi trẻ. Những câu chuyện trong tác phẩm đều đến từ trải nghiệm thực tế của tác giả nhưng đã được phóng đại, biến tấu các tình tiết đi để hình tượng hoá vào trong tác phẩm. Những ý tưởng chợt đến với Thu Ngân khi nghe nhạc, khi trò chuyện với bạn bè, và cô đã tưởng tượng ra trong đầu những mẩu truyện ngắn, những nhân vật, và liên tưởng đến đời thực rồi xây dựng thành câu chuyện của riêng mình. Theo Thu Ngân, trước khi viết, cô có lên dàn ý về cuốn sách nhưng khi bắt tay vào viết thì cảm xúc đã dẫn dắt cô theo một hướng khác xa ban đầu, đó là lúc những trang viết được thăng hoa. Những nhân vật ngoài đời thực qua lăng kính của tác giả đã trở nên rất khác, và trở thành nhân vật của nghệ thuật. Thu Ngân đã bộc lộ tài năng trong việc nâng đỡ hiện thực thành nghệ thuật qua cách xây dựng những hình tượng nhân vật mang tính cách đặc trưng, tiêu biểu, mới lạ.

Ở độ tuổi có nhiều háo hức, nhiều chờ đợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít sự phức tạp, thì viết là cách để Thu Ngân giãi bài những suy nghĩ, ước muốn và sự phức tạp của lứa tuổi mình. Văn chương Ngân rất đương đại, từ những tình tiết của hiện thực cô đã làm mờ đi sự rõ ràng để cái đọng lại trong bạn đọc là một sự mơ hồ nhiều ám gợi. Ngôn ngữ mà Thu Ngân lựa chọn là ngôn ngữ thiên về cảm giác, tạo ra cảm giác cho người đọc, chứ không thiên về tả thực. Ngân rất giỏi tạo ra được không khí văn chương của riêng mình, cái mơ hồ, hư ảo ấy đưa bạn đọc đi được xa hơn. Thu Ngân cũng chủ ý hướng đến sự không rạch ròi cho mỗi câu chuyện, giống như tâm trí của chính nhân vật trong tác phẩm. Ngân muốn nhìn một chiếc lá mà nghĩ đến cơn gió, nghĩ đến tiếng chim, nghĩ đến phận người… Từ đó, văn chương như những nhịp cầu bắc qua dòng sông tưởng tượng để nói được những câu chuyện mà thông thường người ta khó giãi bày hoặc không thể giãi bày.

Đọc The Red Star Impromptu bạn đọc sẽ bị cuốn vào tâm trí của mỗi nhân vật bởi điều gì vừa thân thuộc như ý nghĩ của chính ta lại vừa mới lạ, khác biệt và đầy thu hút. Mỗi nhân vật đều có cá tính mạnh, riêng. Bắt đầu từ Na là học sinh nghèo nhưng do một bối cảnh đặc biệt, hài hước nên vào được trường danh giá. An, anh trai của Na là người giấu kín cảm xúc, nhưng cũng như Na, tính cách khá vòng vo, không rõ ràng, đặc trưng của lứa tuổi mới lớn, họ chưa thể dứt khoát, quyết liệt trong những tình huống của chính mình. Thu là nhân vật có nhiều điểm xấu, lạnh lùng, vô cảm, khó được mọi người chấp nhận. Tình cảm giữa Thu và Na là một cái gì đó rất đặc biệt và khó nói. Hai anh em Phong, Quang là một hình mẫu của sự danh giá, họ có vẻ đạt được nhiều điều trong cuộc sống nhưng thực ra họ rất trống rỗng và nhận ra đỉnh cao cũng không mang lại niềm vui gì cho mình. Khải Linh, nhân vật quan trọng được nhắc đến nhưng không hiện diện mà chỉ xuất hiện một cách mơ hồ như một hình ảnh phản chiếu của những nhân vật khác. Có quá nhiều nhân vật để gợi nhớ về Khải Linh, ý nghĩ ấy vang lên trong kí ức của Na. Và những câu hỏi về Khải Linh sẽ chỉ dẫn đến nhiều nhân vật hơn nhưng không ai rõ ràng, cụ thể. Nhân vật ấy lại là lí do cho mọi nguồn cơn và kết thúc mọi thứ. Đó là nhân vật vừa có thể tồn tại, vừa không thể. Mỗi người đọc sẽ tự có những câu trả lời riêng cho mình trước những câu hỏi được đặt ra.

Truyện kết thúc khi không nhân vật nào có cái kết rõ ràng. Như thể chính lứa tuổi của họ không thể hứa hẹn trước điều gì, ở lứa tuổi ấy họ không thể hứa hẹn với nhau, khi có những chân trời khác mở ra, họ sẽ bị cuốn đi. Cái kết ấy gợi nhiều liên tưởng, suy ngẫm. Đó có thể là một cái kết buồn bã nhưng nó khiến cho mỗi nhân vật sẽ nhận ra con đường mình phải đi và cũng làm cho họ trưởng thành hơn. Thu Ngân đã dành rất nhiều suy tư cho cái kết của tiểu thuyết và có thể thấy, cả trong thực tế và trong văn chương nó đều phù hợp. Cuốn sách không có cấu trúc cụ thể rõ ràng. Nó vòng vo một cách cố ý, có hài hước, có bi kịch và có hi vọng.

Có thể nói, đây là tác phẩm của một tác giả ở lứa tuổi học trò, viết về tuổi học trò, tuy nhiên Thu Ngân đã đi được xa hơn giới hạn ấy rất nhiều. Những câu hỏi mà tiểu thuyết đặt ra là vấn đề mà ngay cả những người lớn với sự từng trải cũng phải suy ngẫm, nó cũng gợi lại những điều mà chúng ta đã có và đã mất trong quá khứ. Bên cạnh đó, tác phẩm còn đưa đến những góc nhìn riêng về đời sống, giáo dục, xã hội, con người hết sức sâu sắc.

Viết văn là mang thế giới trong tâm trí mình đến với người đọc

Thu Ngân như một tác giả hiện đại, đọc và viết bằng tiếng Anh rất tốt. Tuy nhiên tố chất văn chương bộc lộ cả trong sự tinh tế của bản tiếng Việt. Làm nên sự mới mẻ cho văn chương Việt. Thu Ngân đã rất tài hoa trong việc miêu tả những thứ hiện diện thực mà như không thực. Ngôn ngữ tự nhiên, tinh tế, đương đại tạo nên sự chân thực, ấn tượng, cuốn hút.

Cuốn tiểu thuyết được Thu Ngân hoàn thành trong thời gian khoảng một năm. Mỗi trang sách đều cho thấy sự nỗ lực và đam mê tuyệt vời của tác giả trẻ. Thu Ngân đang là học sinh lớp 12 của một ngôi trường THPT song ngữ ở Hà Nội. Bắt đầu yêu thích văn chương từ khi còn học lớp 6, Thu Ngân dường như đã trở nên sâu sắc và tinh tế hơn lứa tuổi của mình. Những khoảnh khắc thoáng qua, những con người thoáng gặp, những xao động, rung cảm trước vẻ đẹp của đời thường, hay những thoảng buồn thoảng vui của tuổi học trò… tất cả đều để lại những suy tư trong lòng Thu Ngân và cô đã lắng lại vào những trang văn của mình.

Thu Ngân quan niệm, viết văn là một cách để mang thế giới trong tâm trí mình đến với người đọc. Mọi thứ trôi quá nhanh, Ngân muốn đóng khung những nhân vật ấy trong ký ức của tuổi học trò. Ngân tiếc nuối thời gian, cô muốn dành nhiều hơn cho bạn bè, cho đam mê riêng và cô cần thêm cả thời gian cho cảm xúc của mình.

Có thể nói, cuốn sách đầu tay cũng đã tạo nên một bước ngoặt lớn, một dấu ấn lớn trong tuổi trẻ của Thu Ngân. Ngân có những suy tư sâu lắng, già dặn về đời sống học đường. Có những điều tưởng như là nghiễm nhiên, là bình thường thì với Ngân lại là những điều đáng phải suy ngẫm. Trong môi trường của mình Ngân hiểu, có những học sinh sống trong các ngôi trường tưởng như êm đềm ở thành thị nhưng thực tế lại rất khác. Nhiều bạn có vấn đề về tâm lí nhưng không được giải quyết, không có nơi tin cậy để chia sẻ. Ngân đã nghĩ rất nhiều về điều này, và cô nhận ra, văn chương là nơi tin cậy. Có những câu chuyện mà có thể bạn bè gia đình cũng không thể chia sẻ được nhưng văn chương thì có thể gửi gắm và trút bỏ tất cả. Các nhân vật trong tiểu thuyết từng kỳ vọng chạm đến đỉnh cao nhưng thực tế thì họ lại đi xuống. Cuốn sách còn chứa đựng một niềm tin rằng, dù mình có bị rơi vào khoảng đen như thế nào nhưng mình vẫn phải tìm ra lối đi, tìm cách để tiếp tục sống.

Tác giả đã cố gắng để thấu hiểu nhân vật của mình từ những hình tượng ngoài đời. Ngân từng luôn đặt ra câu hỏi, tại sao người ta làm thế này mà không làm thế khác. Nhà văn đương đại tài danh Milan Kundera quan niệm, tiểu t huyết là những khả năng khác của đời sống. Ở đây, Thu Ngân đã gặp gỡ với quan niệm này. Cô chia sẻ, ở ngoài đời mình không đồng cảm được với những lựa chọn như thế nhưng qua văn chương cô sẽ thấu hiểu hơn. Bên cạnh đó, một số ứng xử trong tác phẩm là những cách mà Thu Ngân cho rằng mình muốn làm nhưng không bao giờ làm. Những nhân vật luôn bị giới hạn và không thể đi đến tận cùng những lựa chọn của họ. “Tôi cũng bị giới hạn nhưng sự tự do sẽ dẫn đến những xiềng xích mới”, Thu Ngân nhấn mạnh. Đó là một suy nghĩ sâu sắc và thấu suốt mà không phải ai ở lứa tuổi Ngân cũng cảm nhận được và dám nói ra.

Với cuốn sách đầu tay này, Thu Ngân cũng chia sẻ với bạn đọc những khó khăn mà cô gặp phải. Đó là tự tác giả phải chỉnh sửa, gần như biên tập cho chính mình, do viết bằng ngoại ngữ. Ít có ai tổng quát được cuốn sách bằng sự thành thạo ngoại ngữ và đồng thời thấu hiểu văn chương. Bạn bè của Ngân không nhiều người đam mê văn chương dù ngoại ngữ thì rất giỏi nên Ngân cũng không chia sẻ được. Vậy nên, ngay từ những bước đầu tiên trên con đường văn chương dường như Ngân đã đi một mình một lối. Tuy nhiên, trong những câu chuyện nói với bạn bè, mặc dù chỉ nói mà không có chuyện, nhưng quá trình ấy mang lại cảm giác tốt cho Ngân khi viết. Đó cũng là một yếu tố của sự hồn nhiên, trong trẻo, là nguồn nội lực nuôi dưỡng tâm hồn văn chương đầy nhạy cảm của Ngân. Và Ngân đã cùng bạn bè sống trong câu văn bằng bối cảnh thực ấy. Chính những lúc như thế đã cho Ngân nghĩ sâu hơn về những ý tưởng của mình.

“Cuốn sách này phản ánh những cảm xúc của tôi và tôi kì vọng một số người sẽ cầm cuốn sách lên và đọc nó”, Thu Ngân bày tỏ. Mỗi chúng ta, dù ở lứa tuổi nào cũng sẽ tìm thấy được những điều có ý nghĩa với riêng mình ở trong tiểu thuyết này. Đó chính là giá trị mà văn chương đem đến cho con người. Thu Ngân một lần nữa cho chúng ta thấy được sự bảo toàn của văn chương trước mọi biến động của đời sống và thời đại. Làm được điều này nghĩa là Thu Ngân đã bước đầu khẳng định và định danh được chính mình trong dòng chảy không ngừng của văn học đương đại.

PHÙNG ƯỚC

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)