Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh: Hai nghệ sĩ

Chủ Nhật, 06/11/2022 00:29

. NGÔ TỰ LẬP
 

Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh có những nét tương đồng kì lạ. Cả hai đều là những người xuất chúng, kết tinh được tinh thần thời đại mình, đóng vai trò trung tâm trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và sau đó lại là linh hồn của những biến đổi văn hóa - xã hội mang tính bước ngoặt của lịch sử đất nước. Cả Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh đều đồng thời đóng rất nhiều vai, vai nào cũng ở trình độ rất cao: nhà thơ, nhà văn, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà tư tưởng và thậm chí còn là nghệ sĩ ở tư cách nhạc sĩ, họa sĩ.

Theo Đại Việt sử kí toàn thư, Nguyễn Trãi từng được vua Lê giao trọng trách cùng với Lương Đăng “làm loan giá, nhạc khí, dạy tập nhạc và múa”(1). Quan niệm về âm nhạc của Nguyễn Trãi gắn liền với quan điểm nhân văn của ông về thuật trị nước. Ông dâng biểu, tâu lên nhà vua: “Kể ra, thời loạn dụng võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm lễ nhạc. Song không có gốc thì không đứng được, không có văn thì không hành được. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu làm nhạc, không dám không hết lòng hết sức, nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong khoản thanh luật khó được hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi nhân dân, để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu, đó là không mất cội gốc của nhạc vậy.”(2) Thật tiếc là nhà vua không hiểu được Nguyễn Trãi mà lại nghe theo Lương Đăng, người chủ trương học theo Trung Hoa, nên Nguyễn Trãi xin rút lui. Ngô Sĩ Liên viết: “Đại khái quy chế do Đăng và do Trãi định nhiều chỗ không hợp nhau, lời bàn về nhạc khí lớn nhỏ nặng nhẹ nhiều điều trái nhau, mà tấu cũng không giống nhau, vì thế mà Trãi từ việc. Vua nghe lời nghị của Đăng, rồi làm theo.”(3)

Hồ Chí Minh có lẽ là người đầu tiên dịch bài hát L’Internationale (Quốc tế ca) ra tiếng Việt. Nhạc sĩ Văn Thao, con trai của nhạc sĩ Văn Cao, kể cho chúng tôi rằng đích thân Hồ Chí Minh đã chọn bài Tiến quân ca của Văn Cao để trình Quốc dân Đại hội Tân Trào sau khi nghe Nguyễn Đình Thi trình bày ba bài hát - hai bài kia là Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi và Chiến sĩ Việt Nam cũng của Văn Cao. Theo Hồ Chí Minh, bài Tiến quân ca của Văn Cao là phù hợp để trở thành Quốc ca, vì vừa ngắn gọn, hùng tráng, vừa dễ hát và dễ phổ biến. Sự lựa chọn rất chính xác, cho thấy một trình độ đánh giá và thưởng thức âm nhạc tinh tế.

Nhưng Hồ Chí Minh có bao giờ trình diễn hay sáng tác âm nhạc hay không? Theo các tác giả Đào Trọng Từ, Huy Trân, Tú Ngọc, Hồ Chí Minh đã sáng tác nhiều bài hát dựa trên các làn điệu dân ca(4). Đó là các bài đăng trên báo Việt Nam độc lập như Ca binh lính (số 110, ngày 1/11/1941)(5), Ca đội tự vệ (số 117, ngày 1/2/1942)(6), Ca sợi chỉ (số 122, ngày 1/4/1942)(7).

Nguyên văn bài Ca đội tự vệ như sau:

Ca đội tự vệ

I.
Gươm dao ta
Đem mài đi
Mài cho bén
Mài cho sắc
Nhật ta đâm
Tây ta chặt.

II.
Sắp hàng ra
Xung phong lên
Người ta đông
Sức ta bền
Việc giải phóng
Nhất định nên.(
8)

Tác giả hướng dẫn cách hát: “Chia người làm 2 tổ, 4 câu trên, tổ A hát trước, hát giọng (nếu có phụ nữ thì phụ nữ là tổ A); tổ B hát giọng thấp theo sau. Những chữ BÉN, SẮC, ĐÔNG, BỀN phải hát dài như BE-ÉN, SĂ-ẮC, ĐÔ-ÔNG, BÊ-ỀN. 2 câu sau cùng thì cả 2 tổ đều hát với nhau. Chữ CHẶT và NÊN phải hát rất mạnh. Ví dụ: Tổ A hát: Gươm dao ta. Tổ B hát: Gươm dào tà.”(9)

Sẽ thật thú vị nếu chúng ta biết được, những bài hát kháng chiến của Hồ Chí Minh có được dàn dựng và trình bày trên thực tế hay không.

Hồ Chí Minh quan tâm đến âm nhạc từ bao giờ, chúng ta không biết rõ. Điều chắc chắn là trong thời gian ở Pháp, Người tham gia rất thường xuyên các hoạt động của Câu lạc bộ Faubourg (Club du Faubourg), nơi tập hợp rất nhiều trí thức và văn nghệ sĩ nổi tiếng của Paris thời đó. Điều này được Trần Dân Tiên kể lại sơ lược trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, và được kể chi tiết hơn trong hồi kí của Léo Poldes, người sáng lập và làm Chủ tịch Câu lạc bộ Faubourg. Gần đây, nhà sử học Pháp Alain Ruscio phát hiện nhiều hoạt động nghệ thuật của Hồ Chí Minh, trong đó có những hoạt động liên quan đến âm nhạc. Chẳng hạn, một thông báo trên tờ L’Humanité (Nhân đạo) ra ngày 27/6/1922 có nội dung như sau: “Saint-Denis. Ngày mai vào lúc 20h30, tại khán phòng nhà hát khu phố. Đêm nghệ thuật lớn giúp chống nạn đói ở nước Nga. Thuyết trình của đồng chí Léo Poldes về chủ đề Chủ nghĩa Cộng sản và Nghệ thuật. Nghe các tác phẩm của G.Pioch, Bourdon, Nguyễn Ái Quốc và Poldès).”(10)

Chúng ta không biết gì thêm về buổi trình diễn, nhưng biết rằng Hồ Chí Minh còn giữ suốt đời tình yêu với âm nhạc. Alain Ruscio viết: “Khi đã trở thành Chủ tịch nước trong giai đoạn cuối đời, ông vẫn hay hỏi về số phận ngôi sao này hay ngôi sao khác của music-hall: Nữ ca sĩ thính phòng ấy về sau ra sao? Cô ấy từng thành công vang dội ở Paris. Giọng cô ấy không quá xuất sắc… nhưng những bài cô ấy hát ai cũng thích nghe. Đó là câu Hồ Chí Minh hỏi Alice Kahn, bấy giờ đang công tác tại Hà Nội, về Mistinguett (nghệ danh của Jeanne Florentine Bourgeois, nữ diễn viên và danh ca Pháp).” Cũng theo Alain Ruscio, trong một cuộc nói chuyện với nhà báo Pháp Madelaine Riffaud, Hồ Chí Minh nhờ tìm hộ một đĩa nhạc của Maurice Chevalier.(11)

Dấu ấn của Hồ Chí Minh trong hội họa cũng khiến ta kinh ngạc. Chúng ta biết rằng ở Paris, có thời gian Nguyễn Ái Quốc kiếm sống bằng nghề vẽ quạt và chao đèn. Chúng ta cũng biết rằng Nguyễn Ái Quốc từng là hội viên Hội Nghệ thuật và Khoa học (Association Arts et Sciences) và Hội nghệ sĩ (Corpporation des artistes), thường xuyên đến dự những sự kiện khác nhau của các câu lạc bộ như Những người bạn của nghệ thuật và Nghệ thuật cho mọi người. Alain Ruscio đã rất ngạc nhiên khi phát hiện thấy thông báo sau đây: “L’Essai trưng bày, từ ngày 12 đến ngày 26 tháng 11 năm 1922, phòng triển lãm Auguste-Comte, 16, phố Saint-Séverin, tranh hiện đại của các ông Anquetin, Lucien Barquisseau, Julien Bucas; các bà Charlotte Blancchi, Jane Crames, Miss Mac Mullan; Maillard, Nguyenai Quac, Terlikowsky, Amédée Valley. Vào cửa tự do.” “Phải chăng song song với cuộc đời chính trị, chàng trai trẻ người An Nam còn có những hoạt động nghệ thuật?” - Alain Ruscio đặt câu hỏi và nói thêm: “Anh ấy là một hoạ sĩ biếm hoạ có tài. (…) Một nguồn tài liệu cho biết rằng, ít năm sau đó, khi ở miền Nam Trung Quốc, anh tham gia làm tranh cổ động cho hãng thông tấn Liên Xô Rosta.”(12)

Khảo sát báo Le Paria, Lý Trực Dũng khẳng định, với hai bức biếm họa Triển lãm thuộc địa (Exposition coloniale, kí tên NG. A. Q) và Văn minh bề trên (Civilisation supérieure, kí tên bằng chữ Hán, đăng trên số 2, ngày 1/5/1922), Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên có biếm họa đăng báo.(13) Ngoài ra, Nguyễn Ái Quốc còn có ba bức biếm họa khác, đó là bức Mau lên! Vi hành!... (Mau lên! Incognito!..., kí tên Nguyễn A.Q, đăng trên số 5, ngày 1/8/1922), bức Hội nghị Algier (La Conférence D’Alger, kí tên chữ Hán, đăng trên số 12, tháng 2/1923) và bức Sự phục thù của Toutan Kamon (Représailles de Toutan Kamon, kí tên Nguyễn, đăng trên số 13, tháng 4/1923). Thật ra, Nguyễn Ái Quốc còn có tranh minh hoạ đăng báo sớm hơn. Trên tờ Le Libertaire, số ra ngày 1/4/1921, có một bức minh họa nhan đề Máu của nhà quê của Nguyễn. Các bức vẽ của Nguyễn Ái Quốc đều khá tài hoa và độc đáo. Về sau, chúng ta còn gặp lại những nét vẽ tài hoa ấy ở các bức minh họa trên tờ Việt Nam độc lập, như bức Việt Nam độc lập thổi kèn loa (số ra ngày 21/8/1941).(14)

Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh cũng chính là tác giả hai bản tuyên ngôn độc lập bất hủ của Việt Nam. Nhưng còn một điểm tương đồng quan trọng khác, đó là những huyền thoại về họ. Trong vô số huyền thoại ấy, đặc biệt thú vị là huyền thoại về việc Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh sử dụng sức mạnh của truyền thông nhằm mục đích xây dựng uy tín và thu phục nhân tâm.

Tương truyền, trong thời kì trứng nước của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi cho quân dùng mỡ viết lên lá rừng dòng chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”. Lũ côn trùng, khi ăn mỡ, đã vô tình trở thành những chiếc máy in tự nhiên, biến hàng ngàn chiếc lá thành những tờ truyền đơn. Tôi được thầy giáo kể cho nghe huyền thoại này khi mới lên chín mười tuổi. Đó là khoảng thời gian khốc liệt cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Chúng tôi ngồi dưới hầm, hình dung nét mặt thành kính của người dân khi vớt từ dưới sông lên những chiếc lá mà họ tin rằng mang lời phán truyền của Trời.

Hồ Chí Minh cũng sử dụng kế ấy, nhưng theo cách của thời đại mới, tôi tin như vậy. Tôi muốn nói đến cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của Trần Dân Tiên. Nhiều người cho rằng Trần Dân Tiên chính là Hồ Chí Minh, nhiều người khác không đồng ý. Tôi là người hâm mộ Hồ Chí Minh tin rằng Trần Dân Tiên là Hồ Chí Minh. Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch quá hay. Giản dị nhưng linh hoạt, cuốn hút, nó là sự kết hợp hoàn hảo giữa những trải nghiệm cá nhân với tính phổ quát, giữa tính dân tộc với tính quốc tế, giữa tính văn chương và tính tuyên truyền. “Những mẩu chuyện” đầy tính biểu tượng, gần với ngụ ngôn, nhưng lại mang những thông điệp chính trị rất cụ thể. Nó phải là tác phẩm của một vĩ nhân. Ai có thể viết ra nó, nếu không phải là Hồ Chí Minh?

Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của Trần Dân Tiên và Vừa đi đường vừa kể chuyện của T. Lan là hai cuốn sách giống nhau một cách kì lạ, không chỉ về đề tài, ngôn ngữ, phong cách, mà cả về bút pháp và thậm chí là dung lượng. Nhưng trái với Trần Dân Tiên, cái tên T. Lan được công bố chính thức là một bút danh của Hồ Chí Minh.

Nhiều người cho rằng việc tự viết sách để ca ngợi mình là điều đáng phê phán. Nhưng những gì đúng với người thường không phải bao giờ cũng đúng với vĩ nhân. Hồ Chí Minh quá nổi tiếng, sự nghiệp sáng chói, Người không cần có thêm một cuốn sách để nổi tiếng. Hồ Chí Minh đã quyết định tự viết, hay ít nhất cũng đóng vai trò quyết định trong việc viết ra cuốn sách. Tôi đoán, thời gian cấp bách là một yếu tố khiến Hồ Chí Minh phải quyết định. Xin nhớ rằng cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 1948, thời điểm vô cùng khó khăn đối với Hồ Chí Minh. Cuộc cách mạng đang đứng trước những nguy cơ to lớn. Đội quân phần lớn gồm những chàng trai chân đất đang phải đối mặt đội quân viễn chinh thiện chiến của đế quốc Pháp, được hậu thuẫn bởi cường quốc số một thế giới là Hoa Kỳ. Xin nhớ rằng khi đó Chính phủ của ta vẫn chưa được Liên Xô công nhận, còn cách mạng Trung Quốc thì đến 1949 mới thành công. Tình thế của cuộc kháng chiến chống Pháp lúc đó rất giống tình thế của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn khi Nguyễn Trãi mới dâng Bình Ngô sách. Cũng như Nguyễn Trãi và Lê Lợi, Hồ Chí Minh buộc phải thu phục nhân tâm. Để thu phục nhân tâm, phải có một hình tượng trung tâm lí tưởng. Ai có thể làm việc đó trong điều kiện nước sôi lửa bỏng như vậy? Tôi nghĩ là không có ai cả ngoài Hồ Chí Minh. Tôi tin rằng Hồ Chí Minh đã phải tự viết cuốn sách. Và tôi tin rằng khi đó Hồ Chí Minh có nghĩ đến những tờ truyền đơn lá của Nguyễn Trãi.

Với kiến văn uyên thâm Đông Tây kim cổ, với sự từng trải và lịch lãm, Hồ Chí Minh không thể không biết rằng vấn đề bản quyền của cuốn sách sẽ được bàn đến vào một ngày nào đó. Nhưng Người có cách bàn riêng của mình: bàn với sự vĩnh cửu

N.T.L

--------

1. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư, tập 2, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2004, tr.157.

2. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư, tập 2, sđd, tr.159.

3. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư, tập 2, sđd, tr.162-163.

4. Đào Trọng Từ, Huy Trân, Tú Ngọc, Essais sur la musique vietnamienne, Edition en langues étrangères, Hanoi, 1979, tr.154.

5. Hồ Chí Minh, Toàn tập (in lần thứ 3), tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.244.

6. Hồ Chí Minh, Toàn tập (in lần thứ 3), tập 3, sđd, tr.253-254.

7. Hồ Chí Minh, Toàn tập (in lần thứ 3), tập 3, sđd, tr.268-269.

8. Hồ Chí Minh, Toàn tập (in lần thứ 3), tập 3, sđd, tr.253-254.

9. Hồ Chí Minh, Toàn tập (in lần thứ 3), tập 3, sđd, tr.253-254.

10. Alain Ruscio, Ho Chi Minh - Écrits et combats, Le temps des Cerises, 2019, tr.132.

11. Alain Ruscio, Ho Chi Minh - Écrits et combats, sđd, tr.121.

12. Alain Ruscio, Ho Chi Minh - Écrits et combats, sđd, tr.133.

13. Lý Trực Dũng, Biếm họa Việt Nam, Nxb Mĩ thuật, Hà Nội, 2011, tr.9.

14. Bảo tàng cách mạng Việt Nam, Báo Việt Nam độc lập, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.15.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)