. NGUYỄN KIẾN THỌ
Miền Tây là một không gian văn hóa đặc trưng của đồng bằng châu thổ, nơi hợp lưu của chín nhánh Cửu Long; miền Tây cũng là một vùng thẩm mĩ trong thi ca, khơi gợi cảm hứng của biết bao thi sĩ. Viết về miền Tây, tựu trung, có hai kiểu loại tác giả: một là tha hương lữ thứ hoặc sắm vai tha hương lữ thứ, mang tâm thế kẻ ngao du thưởng ngoạn, say đắm mà sinh tình, rồi thề non hẹn biển, đắm đuối tơ duyên, giăng mắc lòng với phù sa châu thổ; một nữa, là người sinh ra và gắn bó máu thịt với mảnh đất này, viết về miền Tây như để tri ân, hoặc như để quảng bá cho đất đai và tình người phóng khoáng. Hai kiểu loại tác giả đều có những điểm mạnh đồng thời cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Loại thứ nhất thường trơn tru ráo hoảnh, nhắc đến Cửu Long như nhắc đến một đặc sản vùng miền. Nói ân tình mà cứ khơi khơi, nói nặng lòng mà như kiểu người qua đường ghé lại, đắm đuối chẳng qua là hiếu kì… Loại thứ hai thì thường thiếu men cảm xúc, một chỉ dấu của sự tỉnh táo, nên thơ kĩ mà không sâu, nhuyễn mà không gợi, hoặc nói quá lên, hoặc còn chưa tới… Thật may, đất Mũi Cà Mau có một Huỳnh Thúy Kiều, và rộng hơn, đồng bằng sông Cửu Long có một Huỳnh Thúy Kiều. Thơ chị ngờm ngợp phù sa châu thổ, vừa đậm đặc phong vị riêng của miệt vườn Nam Bộ, vừa có cái man mác, si mê, đa tình của một lữ khách viễn du. Say với cảnh quen, đắm trong tình cũ - đó là Huỳnh Thúy Kiều.
Thơ Huỳnh Thúy Kiều gợi ra cái tâm thế của người thưởng ngoạn: anh muốn thử uống ngụm nước sông Hậu, sông Tiền/ nghe vị giác ngọt lừ qua thơ em gọi. Những khai mở, khám phá tạo nên mạch cảm xúc êm dịu và ngọt ngào: chiều tím lục bình với khăn rằn và áo bà ba em/ như thấy mẹ, thấy bà nhai trầu bỏm bẻm/ anh muốn biết cả con cá lia thia, chim quyên quầy và cây bình bát/ bàn chân anh đang đứng ở nhánh sông nào (Lỡ có yêu đồng bằng). Không phải sự ngợi ca đơn chiều thường thấy ở nhiều nhà thơ khi viết về mảnh đất nơi mình sinh ra, coi truyền thống lịch sử là báu vật tinh thần, Huỳnh Thúy Kiều thiên về những mảnh kí ức vụn lẻ mà đằm sâu, những cái bình thường làm nên phong vị của thôn quê đồng bằng châu thổ. Ở đó, có nhung nhớ luyến tiếc về một quá vãng xa xăm, có xót xa ân tình của một người thơ nhiều duyên nợ. Điều này nằm ngoài những sắc điệu cảm hứng thông thường của người đến với miền Tây, viết về miền Tây như một điểm trang cho từng trải cuộc đời. Phải chăng, đó cũng là lí do làm cho thơ chị thấm hơn, gợi những ám ảnh hơn từ phía người đọc: con rồng thiêng ngậm vầng trăng châu thổ hóa màu/ nhịp cầu tre tang tình chỉ còn âm ba nhói kí ức/ nương theo mái dầm với khăn rằn thả chéo cao chéo thấp/ thôn nữ ơi em có còn gội tóc nước tro không (Châu thổ).
Thơ Huỳnh Thúy Kiều mang tâm thế cuộc viễn du của những giấc mơ, không phải từ những quan sát trải nghiệm mà thực ra nó là những hệ quả sâu xa từ những quan sát, trải nghiệm, để rồi, nó bật ra bởi sự thúc giục của những ám ảnh từ trong vô thức. Chất “phiêu” của thơ Huỳnh Thúy Kiều là vậy, vượt qua giới hạn của những quan sát phàm thường để cất cánh, để phiêu du. Có vậy mới nhìn ra được sự cựa quẫy của đất đai châu thổ, thấy “sông Tiền, sông Hậu gợn từng nốt phù sa quẫy căng lồng ngực”, thấy châu thổ có nghìn nấm mồ lấp kín nỗi đau/ có triệu niềm vui lăn tăn theo từng dòng mặn ngọt. Cũng chính vì vậy nên dù nhà thơ có khẳng định “chín nhánh Cửu Long, châu thổ không của riêng tôi”, ta vẫn cứ nhận ra cái giọng thơ rất riêng nơi chị. Hãy nghe lời mời mọc chân thành và tình tứ: mùa nước nổi mời bạn đến dầm trong bữa canh chua cá linh bông điên điển/ xới chén ân tình cơm rơi vàng lời hẹn/ kênh rạch buồn đuổi ngọn sóng lắng bể dâu (Châu thổ).
Như dòng sông miệt mài lắng lại những phù sa, thơ Huỳnh Thúy Kiều làm lắng lại những xúc cảm tình yêu với đất và người miền Tây quê chị. Chỉ có yêu quê đến tận cùng thì mới thấm hiểu cái gian nan vất vả của con người miền Tây. Ngay cả trong niềm vui lúa đồng trĩu hạt vẫn đau đáu nỗi niềm của giọt mồ hôi: giữa hai bờ lúa là khoảng trời dệt nắng bình yên/ cúi xuống nhặt giùm em giọt mồ hôi cha rơi trong ngày giáp hạt/ hoa mận nở bung trời bầy ong ríu ran hút mật/ con chim chào mào ngúng nguẩy tắm cuối mùa trăng (Giữa hai bờ lúa).
Quê hương miền Tây trong thơ Huỳnh Thúy Kiều đẹp mà buồn. Chị mang những ẩn ức của người nhận ra nơi ngờm ngợp phù sa châu thổ không phải là thiên đường, không phải là món quà vô lượng của Thượng đế, mà là công sức nhọc nhằn của bao thế hệ cha ông, của những người cha, người mẹ đã dấn thân trên mảnh đất này. Và thơ, với chị như là những nợ đời phải trả của một người con hiếu nghĩa: bài nhân nghĩa đầu đời con vừa kịp hiểu, thưa cha/ hạt gạo mẩy trên cánh đồng cha gieo cho con đong từng táo chữ/ mẹ cõng ấu thơ con bước qua luống cày sợi rơm quấn vàng bờ rạ/ nên tận bây giờ thơ con vẫn quen ngai ngái mùi bùn thơm (Thơ viết tặng cha). Viết về những gian khó nhọc nhằn, Huỳnh Thúy Kiều vẫn trong veo một niềm yêu như thể tâm hồn chị được kết tinh bằng tình quê đọng mật. Cái tâm thế của người cha “dắt đàn con qua khỏi ranh đói nghèo” mà vẫn cảm nhận được “thơm ngọn gió gieo neo rừng dừa quê nội”, “mùa líu ríu ngọt mật ong rừng tràm quê ngoại”… là tâm thế của một bản năng thi sĩ, yêu quê và nặng tình nặng nghĩa với quê.
Như đã nói, thơ Huỳnh Thúy Kiều là trạng thái vong thân của “những giấc mơ bay”, nên khoảng cách giữa chủ thể và đối tượng trữ tình luôn được khúc xạ qua một lằn ranh là nỗi nhớ. Nhớ quê là tâm thức thường trực trong thơ của chị. Hơn một lần chị bộc bạch hay thú nhận: em lớn lên từ mùi thơm hương đất/ bàn chân xa vô tình đạp phải nỗi nhớ quê… Khi thì “giấc mơ dịch chuyển khỏi đồng bằng châu thổ”, khi thì tan vào ban mai/ nỗi nhớ chòng chành như khói/ giấc mơ châu thổ/ anh quáng quàng như đang thức dậy giữa sông Tiền sông Hậu và em (Ban mai em). Dĩ nhiên, nỗi nhớ ấy cũng phải được đo bằng một đại lượng đặc biệt - “nỗi nhớ đo bằng mông lung khoảng trời tơ nhện”. Đó là một “tiếng gọi xa”, “nỗi nhớ xa” nên cũng vì thế mà trở nên lung linh huyền ảo, không chỉ chân thật mà còn mãnh liệt hơn, thi vị hơn: anh gỡ mùa thu còn sót lại chút hương tàn trên lưng áo/ ảo ảnh em cầm bông điên điển vàng cấy sâu thương nhớ vào tim (Và châu thổ)…
“Ngờm ngợp phù sa” trong thơ Huỳnh Thúy Kiều đồng nghĩa với ngờm ngợp những tín hiệu văn hóa đặc trưng của vùng sông nước miền Tây. Trước tiên, có lẽ là những “ngờm ngợp” câu chữ. Thơ Huỳnh Thúy Kiều mang một nét riêng khó trộn, nó rậm rạp chữ, sum suê chữ và mơn mởn chữ. Sức sống miền Tây nở tràn trong thơ chị, thăng hoa bằng những xúc cảm, khi thì ồn ào mãnh liệt, khi thì lặng lẽ trầm tư. Dễ dàng nhận thấy, Huỳnh Thúy Kiều không lên gân lên cốt cho câu chữ mà để nó buông thả tự nhiên theo mạch cảm xúc. Vì thế, thơ chị mộc mạc và gần gũi, mang giọng thủ thỉ tâm tình của người phụ nữ miền Tây, vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ. Lại có lúc, người thơ ấy trở nên đa cảm, yếu mềm. Ấy là khi chị cắt nghĩa về Hà Nội theo cách của riêng mình: cũng phù sa đỏ giống nhau thôi/ cũng phơi mình bốn bề gió lộng/ chao chát bờ xa/ thoi loi tiếng gọi/ em cầm sông Hồng cho vơi nhớ Cửu Long. Một cảm nhận lạ và sâu: em đo nhớ đầy tay/ mỗi góc phố là một giấc mơ dày/ hoang hoải/ nhịp đa đoan thức dậy/ nghe trở dạ đồng bằng (Đánh thức sông Hồng). Có khi, đó là những trải nghiệm đa đoan của một người thơ luôn sống bằng nỗi nhớ, bằng những kí ức dịu êm của một thiếu nữ đăm đắm say trong những cuộc tình: rụng xuống mùa chiếc lá đơn côi/ đêm trống trải. Gió lùa thông thốc gió/ cuộc tình nào đi qua.../ ai đổ cạn buồn xuống phố/ rong ruổi bàn chân em ướm lên phía nhớ rất thừa (Rất Huế).
Dằng dặc địa danh trong thơ Huỳnh Thúy Kiều không chỉ định vị những tên đất tên người miền Tây mà còn định vị những ân tình gợi nhớ. Đó có khi là bến Ninh Kiều vừa quen vừa lạ: đây Ninh Kiều/ đây Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền/ giữa chợ nổi anh thấy mình như cây bẹo treo đêm (Nhớ miền Tây). “Thấy mình như cây bẹo treo đêm” chắc chắn không bao giờ là cảm nhận của bất kì du khách nào khi tới bến Ninh Kiều, mà đó phải là cảm nhận của một người thông thổ, làm cho những câu thơ trở nên lạ và duyên. Cũng có khi, đó lại là những liên tưởng hết sức lạ lùng: buông luống cày bưng trời uống hết mật nắng tháng tư/ tựa chín cửa sông mới hay mình nhỏ nhoi trước chiều châu thổ/ cây mù u khoác những chùm hoa trắng nõn/ bịt khăn tang khóc phận bạc dưới chân cầu (Châu thổ).
Quan sát và trải nghiệm, đúng hơn là quan sát bằng trải nghiệm, tạo cho Huỳnh Thúy Kiều vốn sống và sức viết, sức nghĩ. Vốn sống để thấu hiểu những người dân miền Tây phong trần, phóng khoáng và đầy chất nghệ sĩ. Sức viết tạo ra những tứ thơ lạ, sức nghĩ mang lại những điểm nhìn lạ. Từ Kiều Mây (2008), Giấu anh vào cỏ xanh (2010) đến Ru giấc phù sa (2017) là những bước chuyển khá rõ trong hành trình thơ ca của chị. Nếu Kiều Mây chỉ là một Huỳnh Thúy Kiều trong veo mơ mộng với một lối thơ khá đơn giản thì Giấu anh vào cỏ xanh hiển hiện một Huỳnh Thúy Kiều trăn trở, suy tư và nặng lòng với cuộc sống, cùng với những đột phá bước đầu về cách thức biểu đạt. Đến Ru giấc phù sa đã định hình một bản thể thơ Huỳnh Thúy Kiều mang đầy bản năng thi sĩ. Một trong những điểm mạnh của thơ chị có lẽ là ở sự đặc sắc về mạch thơ và tiết tấu. Sự nhấn nhá buông thả hay cô nén câu chữ được chị tạo ra với những dụng ý nghệ thuật nhằm kiến tạo một nét riêng trong diễn ngôn thơ Huỳnh Thúy Kiều. Câu chữ đắm tình và đậm vị cuộc sống làm cho mỗi bài thơ của chị trở thành một câu chuyện đầy thi vị. (Điều đó cũng phần nào lí giải những thành công ban đầu của Huỳnh Thúy Kiều ở thể loại tản văn.) Nếu có một cảm giác “tiêng tiếc” nào đó thì có lẽ nó gắn với sự kì vọng về một/những bài thơ làm nên “thi hiệu” Huỳnh Thúy Kiều, những bài thơ đậm đặc chất miền Tây và đóng đinh vào nỗi nhớ của người đọc. Điều đó, nếu chưa kịp hiện hữu trong thơ chị thì sự kì vọng cũng hoàn toàn không là viển vông. Trái lại, nó sẽ gieo vào chúng ta một cuộc đợi chờ thú vị.
Trên con đường định hình một cá tính viết, Huỳnh Thúy Kiều đã mang đến cho người đọc những khoái cảm thẩm mĩ từ những bài thơ mang hương vị lạ, độc đáo đặc sắc mà đằm thắm trữ tình. Những bài thơ được kết tinh từ tình đời nặng sâu và tình người trong trẻo.
N.K.T
Trại viết VNQĐ, Cần Thơ, tháng 6/2022
VNQD