Bác Hồ với thiên nhiên, với đời thường

Thứ Tư, 23/11/2022 08:59

. Th.S NGUYỄN THỊ LUYẾN


Bài viết chứng minh Bác Hồ của chúng ta, ngoài là một trí tuệ vĩ đại của nhà lãnh đạo cách mạng lớn còn là một người lao động, một lão nông sống giữa thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên cây cỏ, con vật nuôi gần gũi.

1. Bác Hồ sống giữa thiên nhiên, con người của thiên nhiên

Tháng 7-1954 tại Việt Bắc, Rôman Cácmen - nhà đạo diễn điện ảnh Nga hỏi Bác làm việc bao nhiêu tiếng một ngày, Người nói: “Chim rừng đánh thức tôi, còn tôi đi nằm lúc trên trời xuất hiện những vì sao”[1]. Thì ra Bác lấy thiên nhiên làm chuẩn mực để đo thời gian cho cuộc sống của mình. Câu trả lời ý vị, vừa nói được khoảng thời gian làm việc, vừa nói về một sở thích, thói quen hoà mình vào thiên nhiên, muốn sống cùng cỏ cây, qua đó toát lên một thái độ sống: yêu hoà bình và trở về với thiên nhiên. Đây là cốt cách của một vị tiên, nói đúng hơn, thái độ sống của một triết nhân hiền minh, lão thực. Nhà văn Nguyễn Xuân Xanh luôn nhớ câu nói của Bác ngày 30-5-1946 khi Người đến Bạch Mai thăm khu học xá sinh viên. Nhìn xung quanh, Bác cười nói: “Đang còn nhiều cây và nhiều chim”[2]. Chỉ một nhận xét nhưng cho thấy một tình yêu, một khát khao con người sống giữa thiên nhiên.

Sinh thời, Bác Hồ rất quý trọng Picátxô. Năm 1961, nhân dịp Picátxô tròn 80 tuổi, Bác đã viết một bức thư bằng tiếng Pháp, gửi chúc mừng nhà danh họa nhân ngày vui trọng đại. Xin trích đoạn Bác nhận xét về tầm cỡ tác giả và ý nghĩa tác phẩm của ông: “Đồng chí Picátxô thuộc vào những con người luôn luôn trẻ, bởi vì những người ấy sôi nổi trong tâm hồn một tình yêu say mê đối với cái Thiện, cái Mỹ, với hòa bình và Nhân loại. Tình yêu ấy đã dẫn dắt Picátxô đến với chủ nghĩa Cộng sản, và vì thế họa sĩ giữ mãi được tuổi xuân. Con chim bồ câu hòa bình do Picátxô vẽ rất quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân khắp thế giới, đã biểu hiện một cách rực rỡ lòng tin mãnh liệt của nhà nghệ sĩ lớn ấy vào sự vươn tới hòa bình không gì có thể ngăn cản nổi của nhân dân các dân tộc”[3]. Lời của Bác là sự giải thích tinh tế nhất về biểu tượng “con chim bồ câu hòa bình” của cả nhân loại.

Câu chuyện Bác qua cầu Bắc Luân là sinh động hơn cả. Sáng ngày 20-2-1960 Bác đến thị xã Móng Cái và vào thăm một lò sứ: “Theo sự hướng dẫn của một cán bộ kỹ thuật, Bác đi vào phân xưởng vẽ bát, tới một hàng bát lớn, một nữ công nhân đang ngồi vẽ, Người đứng xem rồi chợt bảo người nữ công nhân:

- Cháu đứng lên để Bác thử vẽ xem…

- Dạ, nhưng đất làm bát còn mềm lắm, lại rất dễ hỏng ạ!

Người nữ công nhân vừa nói lễ phép đứng dậy, vẻ lo lắng Bác làm hỏng mất hàng của cô.

- Được để Bác thử vẽ xem.

Bác ngồi ngay ngắn vào ghế người thợ làm bát, lặng ngắm mẫu: Đôi chim tung cánh trên bầu trời xanh trong, dưới là đồi núi, mặt biển, hệt như bầu trời của sông Bắc Luân, chân trời, mây ửng hồng báo hiệu một ngày đẹp trời sắp tới. Người vẽ rất nhanh và trả bát vào vị trí.

Cả đoàn ngạc nhiên về sự thành thạo vẽ trên bát sứ của Bác.

Nhìn nét vẽ, người nữ công nhân kêu lên:

- Vẫn mẫu ấy nhưng nét vẽ của Bác sao sống động vậy. Đây mới là nét vẽ của người nghệ sỹ, còn cháu chỉ là vẽ theo nghề nghiệp… Nói đến đây, cô ta vội nói to lên: - Dạ mẫu là đôi chim đang chắp cánh bay, sao Bác chỉ vẽ có một con?

Bác mỉm cười trả lời rất tự nhiên:

- Ừ nhỉ… nhưng Bác chỉ có một mình mà, vẽ hai sao được!

Mọi người đều cười vang và tiếp tục sang các bộ phận khác”[4].

Đó chỉ là câu chuyện nhưng ý nghĩa của nó thì cao hơn nhiều: Bác Hồ là một họa sĩ đích thực. Bác là người yêu động vật, có vậy mới vẽ nhanh và sinh động như vậy. Bác là người yêu hòa bình nên vẽ biểu tượng mới “sống động” như vậy (lưu ý mẫu vẽ là hai con chim nhưng Bác vẽ theo mô hình chim hòa bình của Pi-cát-xô chỉ có một con).

Hình tượng tiếng gà trong Nhật ký, ngoài nghĩa đen còn mang nghĩa biểu tượng: cái gì đóng vai trò làm thức tỉnh “toàn dân” thì cũng được đánh giá cao: “Ngươi tuy chỉ một chú gà thường/ Báo sáng, ngày ngày tiếng gáy vang/ Một tiếng, toàn dân bừng tỉnh mộng/ Công ngươi đâu có phải là xoàng”[5].

2. Những con vật Bác nuôi - biểu tượng cho của cải, hạnh phúc đời thường

Họa sỹ Diệp Minh Châu kể Bác nuôi cả chó, mèo và khỉ: “Thông thường thì ba loài giống đó vốn chẳng ưa nhau. Không biết Bác dạy thế nào mà chúng nó rất thương yêu nhau, thường đùa giỡn nhau, không hề trêu chọc hay cắn đánh nhau bao giờ. Mỗi lần dời nhà đi có khi phải đi hai ngày hai đêm mới tới, lúc lên đường bao giờ con khỉ cũng nhảy phóc ngồi lên lưng con chó. Hễ con chó đi chậm, con khỉ nắm hai tai chó giật giật. Con chó chạy sải, thì khỉ gò lưng như người phi ngựa, chó chạy tế, khỉ buông thõng hai tay ngồi ngúc nga ngúc ngắc, khi lội qua suối nước ngập lưng chó, thì khỉ ta trèo ngồi lên đỉnh đầu chó. Ai trông cũng phải cười. Con mèo đen vá trắng ngao ngao... lững thững chạy theo”[6].

Làm việc ở Thủ đô nhưng không dời xa thiên nhiên mà hình ảnh quen thuộc của Người là “Hết giờ làm việc buổi chiều Bác mặc áo may-ô, xuống cầu thang nhà sàn, đi qua cổng uốn vòm cong bằng hàng cây râm bụt. Đến cầu ao, Bác dừng lại, đưa hai tay vỗ “bốp ! bốp!” gọi đàn cá lên cho cá ăn”[7]. Tháng 6-1960, tiếp nhà thơ Tiêu Tam, là bạn thân, vừa thăm hỏi, tâm sự bằng tiếng phổ thông Trung Quốc, Người ném nắm mồi cho đàn cá đang bơi lượn... rồi nói với nhà thơ: “Đây là tất cả của cải của tôi…”[8]. Thì ra đâu chỉ là nhà cách mạng thuần túy, Bác còn là một nông dân chăn nuôi, vui cái vui của người nông dân rất mực dân giã, đời thường.

Những ngày ở Việt Bắc, thời kỳ kháng Pháp, họa sỹ Diệp Minh Châu được đến ở cùng Bác để vẽ Bác. Một lần họa sỹ được Bác nhắc: “Chú vẽ nhà Bác chỗ này còn trống quá. Chú cho thêm con chó nhỏ của Bác vào đây nhé. Thường ngày nó vẫn nằm đây. Có người có vật cho nó vui... Để Bác giữ nó lại cho chú vẽ nhé...”. Nói xong, Bác vuốt ve con chó để nó nằm yên xuống cho tôi vẽ. Sợ mất thì giờ của Bác, tôi chỉ chấm màu vẽ qua một vòng tròn làm dấu để vẽ kỹ sau.

- Thưa Bác xong rồi ạ!

- Không, chú cứ vẽ nữa đi, để Bác ngồi giữ nó lại đây cho...”[9]. Qua chi tiết này còn cho thấy Bác là người cẩn thận, chu đáo rất mực. Chú ý câu nói của Bác: “Có người có vật cho nó vui...” cho thấy tình yêu loài vật nhưng cũng cho thấy sự trống vắng, cô đơn của một con người hy sinh tuyệt đối để hoàn thành sứ mệnh vì nước vì dân.

3. Con vật biểu tượng cho sự đoàn kết, cho bài học cách mạng

Phần cuối bài Con cáo và tổ ong là các câu: “Ong kia yêu giống, yêu nòi/ Đồng tâm, hợp lực đuổi loài cáo đi/ Bây giờ ta thử so bì/ Ong còn đoàn kết huống chi là người/ Nhật, Tây áp bức giống nòi/ Ta nên đoàn kết để đòi tự do”. Đây là một ngụ ngôn về sự yêu nước, đoàn kết để cùng nhau đuổi giặc. Ý nghĩa của nó rõ ràng mà sâu sắc: loài ong còn thế “huống chi là người”.

Bác Hồ hay dùng thành ngữ “cá với nước” để giáo dục đoàn kết: “Cán bộ và chiến sĩ thương yêu nhau như ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi. Quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau”[10]. “Du kích như cá, dân chúng như nước”[11]. Tự thân thành ngữ cũng dễ hiểu: cá sống trong nước, nhờ môi trường nước mà tồn tại. Du kích (quân) cũng vậy, phải gắn bó với dân, vì dân, phục vụ dân.

Cá biệt, trường hợp sau, dựa vào thành ngữ Thả mồi lôi cá, Bác phát triển thành một bài học chiến lược cách mạng. Trong việc đánh giặc sẽ không tránh khỏi có những tư tưởng thoả hiệp, Bác Hồ kể một ngụ ngôn nhắc nhở: “Bây giờ, địch một mặt chuẩn bị đánh ta, một mặt phóng ra tin điều đình. Nó bày ra trò điều đình như thả một cái mồi, nếu ta như bầy cá đổ xô lại đớp, quên cả tỉnh táo đề phòng, nó sẽ dễ đánh ta. Mình phải chủ động, kiên quyết đối phó với mọi tình thế”[12]. Một ý nghĩa bật ra: Nếu ta không cảnh giác (và những ai không cảnh giác) thì cũng chỉ như bầy cá đói ăn kia mà thôi!

Đoàn kết trong tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc dựa trên tình yêu thương để cùng nhau hướng tới cái đích chung là giải phóng để “Đất nước ta ta xây một thiên đường”. Tại Quảng Châu, ngày 23/8/1925 Nguyễn Ái Quốc viết bài văn vần Hãy yêu thương nhau và cùng nhau đoàn kết, in trên báo Thanh niên (bản tiếng Pháp). Là văn vần dễ thuộc dễ nhớ và rất dễ hiểu bởi nó dùng nhiều hình tượng ngụ ngôn là đàn chim. Tiểu phẩm lấy ngay câu mở đầu làm tiêu đề:

“Hãy yêu thương nhau, cùng nhau ta đoàn kết

Hãy lắng nghe câu hát từ đáy lòng tôi.

Kẻ không đoàn kết cũng như chim lạc đàn

Chóng hoặc chày rồi sẽ trúng tên

Vì đơn độc sẽ làm mồi cho hiểm hoạ

Từ kết đoàn hạnh phúc sẽ sinh sôi.”[13]

Hình tượng “chim lạc đàn” là rất cụ thể, sinh động như một chân lý hiển nhiên. Sâu xa hơn nó gợi về biểu tượng “đàn chim Lạc” trong chùm truyền thuyết Tiên Rồng, như một nhắc nhở: ngày xưa chúng ta cùng một bọc sinh ra, cùng một tổ tiên nguồn cội!

N.T.L


[1] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 5. Nxb Chính trị Quốc ga 2011, tr 482.

[2] Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ, văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, tập 4. Nxb Hội Nhà văn 2010, tr 171.

[3] Hồ Chí Minh với nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, tập 3. Sđd, tr 303, 308.

[4] Nguyễn Ngọc Châu (biên soạn) - Đưa Bác về Pắc Bó. Nxb Lao động Xã hội, 2007, tr 217.

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 371.

[6] Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, tập 1. Sđd, tr 207.

[7] Hồng Khanh - Chuyện thường ngày của Bác Hồ. Nxb Thanh Niên, 2005. tr 92.

[8] Đặng Quang Huy (biên soạn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc. Nxb Chính trị Quốc gia, 2012, tr 233.

[9] Diệp Minh Châu kể. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, tập 1. Sđd, tr 207.

[10] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Sđd, tr 435.

[11] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3. Sđd, tr 500.

[12] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8. Sđd, tr 199.

[13] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2. Sđd, tr 503.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)