. LÊ HOÀI KHÁNH
Ngày ấy, tôi ở lính về và đang học ở khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bởi có tham gia đội văn nghệ của khoa, nên được thầy Dư dạy bộ môn lí luận văn học và là Bí thư Đoàn của khoa phụ trách văn nghệ yêu quý lắm. Thầy có một căn hộ nhỏ tường che bằng liếp trong khu tập thể giáo viên của nhà trường, hay rủ tôi xuống nhà thầy uống trà, đọc sách. Nhiều hôm thầy về thăm vợ con ở Hải Phòng, còn giao tôi chìa khóa...
Có một hôm thứ bảy như thế, tôi rủ Minh Quang, ca sĩ của Đoàn Tổng cục Chính trị (Ca múa Quân đội) đến chơi. Hai thằng uống bia ở chợ Xanh ngoài cổng trường, rồi mua ấm trà và vài thanh kẹo lạc về nhà thầy Dư. Chúng tôi ngày ấy cùng mới ngoài 20, tuy đều đã trải qua đời lính, tôi còn là lính chiến đấu thực thụ ở mặt trận, nhưng cả hai nói chung đều đang măng tơ và cùng rất yêu nghệ thuật, có thể ngồi với nhau thâu đêm suốt sáng, bàn luận về đủ thứ chuyện trên giời dưới bể không chán… Minh Quang xuất thân từ Đoàn ca múa nhạc kịch tỉnh Thanh Hóa. Thoạt đầu anh được tuyển về đoàn làm diễn viên kịch nói, nhưng chẳng hiểu ông Khắc Tuế - Đoàn trưởng Đoàn ca múa Quân đội mãi tận ngoài Thủ đô thế nào lại phát giác anh chàng diễn viên kịch này có một giọng hát nam trung rất ấm áp, thuộc diện của hiếm, nên bàn với Tỉnh đội làm ngay giấy gọi Minh Quang nhập ngũ, rồi sau đó là lôi tuột về Đoàn ca múa Quân đội, phiên chế về đội hát của đoàn. Đánh bộ quân phục vào, đứng hát Anh vẫn hành quân dưới ánh đèn màu lung linh của Nhà hát lớn, những diễn viên bạn anh ở tỉnh Thanh đều xuýt xoa, thật không ngờ. Kể như cao to một chút nữa thì hẳn với giọng hát ấy, lối diễn xuất đầy chất kịch ấy, anh không oai vệ như NSND Trần Chất thì cũng phải vun vút như NSND Doãn Tần.
Ở Đoàn ca múa Quân đội, do được xếp ở cùng phòng với Kiều Minh, tay phong cầm của đoàn, nên Minh Quang rất thân với Kiều Minh. Còn tôi tuy học sư phạm, nhưng vốn thân thiết với Kiều Minh, nên rồi cũng thành thân với Minh Quang, và ba đứa hợp thành một “tổ tam tam” thân thiết. Kiều Minh kéo đàn, Minh Quang hát, tôi làm thơ. Có khác gì Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi ngày xưa... Thấy trên vách tường nhà thầy Dư có treo cây đàn ghi ta, Quang với xuống ôm vào lòng. Có nhẽ nó muốn hát. Bên ngoài trời cũng đã tối, tôi thắp lên ngọn đèn dầu vì cữ này hay cắt điện. Trời lại se lạnh, lất phất mưa bay. Minh Quang bắt đầu dạo đàn, tiếng đàn mượt mà lắm. (Ca sĩ Đoàn Tổng cục hay đi diễn xung kích, diễn trên các điểm chốt thường tự đàn hát nên ai chơi ghi ta cũng khá, như Minh Quang, Quang Đỗ, Lâm Guốc…) Rồi nó thì thầm cất lên tiếng hát. Chắc vì nó ngại còn hàng xóm xung quanh chỉ cách nhau tấm liếp nên chỉ hát se sẽ: Tấm áo ấy, bấy lâu nay con thường vẫn mặc/ Để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc/ Quần nhau với giặc, áo con rách thêm/ Nên các mẹ già lại thức thâu đêm vá áo… Công nhận giọng thằng này ấm áp, ngọt như mía lùi (lại có chút gì thơm thơm và ngai ngái như khoai đồng mới nướng), nghe trong đêm như muốn nổi da gà, nhất là khi nó mang cả trái tim đặt vào tiếng hát của mình: Tấm áo ấy, bấy lâu nay, con quý hơn cơm gạo/ Đời mẹ nghèo trông áo rách, áo rách nên thương/ Các con ra đi đã mấy chiến trường, mang theo cả tình thương của mẹ. Tôi nhớ, đến câu “Đời mẹ nghèo trông áo rách, áo rách nên thương”, Quang dừng lại một nhịp, nghe như có một giọt nước mắt lặng thầm rơi xuống trong câu hát… Cũng chính lúc ấy, từ bên kia liếp, có giọng một người con gái vọng sang: “Hát to lên một chút!” Tôi và Quang cùng sững lại nhìn nhau, thế có nghĩa rằng bên vách liếp ấy, đang có một người con gái lắng nghe Quang hát, có lẽ đang áp sát vào liếp để nghe cho rõ. Cô ta là ai, mặt mũi thế nào nhỉ, chúng tôi đều không biết, và tiếng đề nghị cất lên cũng rất nhỏ nhẹ, nhưng trong tôi và Quang như có “Ê cô” vang lên lanh lảnh. Đáp lại lời đề nghị đó, tiếng đàn của Quang cũng ngân lên hơn, và giọng hát anh cũng vang lên hơn, như từ phút giây này cả tiếng hát chỉ để dồn về, hướng về cô gái bên kia tường, dù đó chỉ là một thính giả mà chúng tôi đều không biết mặt, biết tên… Sau bài hát Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, lại một tiếng đề nghị thiết tha vang lên từ bên liếp: “Nữa đi!” Quang nhìn tôi nở một nụ cười rất duyên. (Thằng này có nụ cười chết người, hiền và duyên lắm, quyến rũ bao em cũng bởi nụ cười ấy!) Và rồi nó lại tiếp tục đàn và hát: Làng tôi sau lũy tre mờ xa/ Tình quê yêu thương những nếp nhà/ Làng tôi yên ấm bao ngày qua/ Những chiều đàn em vui hòa ca. Nói thật, tôi đã từng xem Minh Quang nhiều buổi diễn, cũng từng nghe Minh Quang hát có lẽ cả trăm lần, nhưng chưa bao giờ tôi thấy nó hát đắm say và hay như lúc này, dù thính giả của nó ngoài tôi ra thì chỉ là một cô gái không biết mặt và cũng chẳng biết tên, với một lời đề nghị tha thiết “Hát to lên một chút” và sau mỗi bài hát là “Nữa đi”. Chỉ thế thôi mà Minh Quang đã hát thâu đêm suốt sáng, như đặt cả trái tim vào bài ca của mình.
Ở bên ngoài, gió vẫn thổi mạnh và những cơn mưa vẫn dầm dề. Nhưng trong gian phòng, có tiếng hát của Minh Quang, quả thật tôi thấy ấm áp lạ thường, tựa như có một bếp lửa thắp lên tự lúc nào. Tôi có cảm tưởng, dường như cô gái bên kia vách liếp cũng cảm nhận được hơi ấm từ ngọn lửa, từ tiếng hát rất say mê của Minh Quang. Sáng hôm sau, Minh Quang dậy sớm đạp xe về đoàn. Nghĩa là anh không kịp chào và cũng không biết mặt cô gái bên kia tường. Một bất ngờ là ngay khi về đến đoàn, các anh nhận được lệnh từ Ban chỉ huy: Khoác ba lô lên đường ngay để cùng những đoàn quân ra trận. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã mở, lịch sử đã gọi tên, binh đoàn nghệ thuật cũng lên đường, như một cơn lốc đi vào chiến dịch! Để rồi gần một năm sau, các anh mới trở lại Hà Nội, với bao đổi thay của một khung cảnh mới hòa bình. Rồi các anh lại tiếp tục ba lô lên vai trên những chuyến đi biên giới phía Bắc phục vụ quân và dân ta chiến đấu. Dường như ăn mèn mén đã nhiều hơn ăn bát cơm gạo làng ta “có bão tháng bảy, có mưa tháng ba”.
… Cũng sáng hôm ấy, sau khi tiễn Minh Quang về đoàn, tôi về kí túc xá của mình, với chiếc giường đôi và 14 thằng trong một phòng nhà A7. Lúc thầy Dư từ Hải Phòng lên đến tôi lấy chìa khóa, nói thật tôi cũng không dám tò mò hỏi thầy về người láng giềng của thầy. Chỉ biết chắc chắn đấy là một cô giáo trẻ, mới được giữ lại trường làm giảng viên. Mà những thằng sinh viên chúng tôi, đương nhiên phải gọi cô là cô giáo, và “tiên học lễ, hậu học văn” nên chỉ có thể là “kính nhi viễn chi”…
Phải 45 năm sau, năm 2020, tôi mới biết “cô bé láng giềng” ấy là ai để có thể trả lời Minh Quang, bởi sau này có lần anh đã hỏi tôi. Gần đây, tôi lên Đà Lạt tham gia một trại viết về người lính. Tôi gặp lại ở trại viết này người bạn sinh viên khoa Văn từng mặc áo lính và từng thân thiết với tôi những ngày học chung mái trường là Trần Đăng Suyền, về sau là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Một đêm mưa Đà Lạt, hai đứa pha ấm trà nóng tâm tình với nhau. Mới sực nhớ cô bé năm xưa láng giềng thầy Dư, hỏi Suyền thì anh nhận ra ngay, “bạn ấy là Phạm Thu Yến, cùng khóa với mình năm xưa đấy, nhưng chúng mình nhập ngũ nên thành ra học sau”. Phạm Thu Yến cũng đi làm tiến sĩ ở Nga về, xinh đẹp, yêu nghệ thuật và sôi nổi. Khi bạn tôi Trần Đăng Suyền làm Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, thì Phạm Thu Yến làm Phó Chủ nhiệm Khoa, nghĩa là cũng rất thành đạt trong học vấn và sự nghiệp. Thú vị hơn nữa là tôi còn được đọc thơ chị, nhiều câu thơ rất rạo rực, rất thơ mộng của thời thiếu nữ. Tôi cứ gắng tìm trong thơ chị xem có khoảng nào chị dành cho tiếng “thì thầm” đêm mưa năm xưa hay không. Phải chăng là đây không nhỉ: Biết làm sao em vẫn dễ vui buồn/ Rưng rưng mãi trước một bài hát cũ/ Một câu thơ hay trái tim nức nở/ Khát khao nhiều trước mỗi bình minh/ Em sẽ ra sao nếu chẳng là mình/ Quên lãng hết ước mơ thời thiếu nữ… (Với anh - Phạm Thu Yến).
... Cả đêm ấy, trong cơn mưa dầm dề Đà Lạt, tôi cứ nằm miên man nhớ lại đêm mưa Cầu Giấy năm xưa, trong một gian phòng chật hẹp và vách làm bằng liếp nứa, Quang Minh, người nghệ sĩ của chúng ta, đã hát bằng cả trái tim mình cho bên vách liếp kia một cô gái mà anh không hề biết mặt suốt một đêm dài lén nghe anh hát. Bây giờ anh đã là một ca sĩ, một nhạc sĩ nổi tiếng, có thể có đến hàng triệu người xem, người nghe, nhưng chắc thính giả ấy với anh chỉ có một, và tiếng yêu cầu thiết tha trong đêm “Hát to lên chút” và “Nữa đi” mãi mãi có lẽ cũng chỉ có một… Một điều cũng rất đáng nói là, anh đã đáp lại những lời đề nghị thiết tha của cô gái ấy, bằng tất cả sự hào phóng, cởi mở của trái tim mình, không một chút đòi hỏi điều kiện. Vì anh hiểu, đó chính là sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ. Vì anh hiểu, biết đâu tiếng hát anh, như cơn mưa tốt lành kia, sẽ tưới tắm những mầm xanh của tình yêu nghệ thuật, tình yêu cuộc đời. Về sau, cô gái ấy đã đi được xa trên con đường nghiên cứu, giảng dạy và sáng tác văn học, đặc biệt là có những câu thơ về tình yêu, về cuộc đời đọc đến nao lòng. Chỉ tiếc rằng, anh và cô ấy chưa một lần gặp gỡ nhau trong đời thực
L.H.K
--------
- Đại tá, nhạc sĩ Minh Quang, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, là tác giả các bài hát: Hoa sim biên giới, Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara, Cây đàn ghi ta một dây, Hoa ban, Sông Lô chiều cuối năm, Chị ấy hát ru… Năm 2012, nhạc sĩ Minh Quang được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
- Phó giáo sư, tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú, nhà thơ Phạm Thu Yến (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) là chuyên gia nghiên cứu về văn học và văn hóa dân gian của Việt Nam. Phạm Thu Yến nhận học vị tiến sĩ tại trường Đại học Tổng hợp Lomonosov (Nga), từng tham gia quản lí và giảng dạy tại khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
VNQD