Đời sống quan trường là một kiểu đề tài mới và hấp dẫn trong văn học Việt đương đại. Vì sao nó hấp dẫn, vì nó ít khi được viết và viết cũng khó vì tính chất đặc trưng và cách tiếp cận. Nếu không phải người trong cuộc và có những kinh nghiệm thực tế thì khó viết cho hay, cho tới vì bản thân chủ đề có những thách thức và chướng ngại nhất định.
Nói thật là khi mới đọc Sóng độc của Trần Gia Thái tôi cũng không đặt nhiều hi vọng, tôi nghĩ nó sẽ đi theo một đường an toàn và chủ yếu là ngợi ca hoặc nếu có phê phán cũng rất nhẹ nhàng. Nhưng đọc rồi tôi đã rất bất ngờ, cuốn tiểu thuyết đi sâu vào đời sống quan trường và ở một lĩnh vực có ảnh hưởng lớn tới xã hội: báo chí, truyền hình.
Hằng ngày, chúng ta vẫn thường nghe về tệ nạn chạy chức, chạy quyền, đấu đá nội bộ, dìm nhau và người ta có thể sử dụng những thủ đoạn rất tinh vi, nham hiểm để hạ gục, hạ nhục đối thủ, loại anh ta ra khỏi vòng đấu. Nhưng đó là nghe, người dân bình thường ít người được chứng kiến và biết được những “thủ thuật” trong giới quan quyền nó thế nào. Sóng độc của Trần Gia Thái độc đáo vì đi vào đề tài hiểm hóc, ít người viết, khó viết và cũng khó tiếp cận. Trần Gia Thái đã thành công, trước hết là mặt đề tài khi anh dựng lên một bức tranh rất hấp dẫn về đời sống quan trường và thứ “sóng độc” - thứ thông tin chưa được kiểm chứng, “chưa kịp suy xét kĩ đã ào lên phản biện, phán ứng. Không có cớ bật lại thì rỉ tai truyền tin thoắt cái đã phủ sóng. Sóng dư luận.”
Tiểu thuyết Sóng độc của Trần Gia Thái. Ảnh: Hiền Đỗ
Nội dung chính của Sóng độc là cuộc đấu đá nội bộ ở đài truyền hình Bắc Hà. Người cầm đầu phe phản diện là Đỗ Thiết, phó giám đốc đài đang lăm le lên chức trưởng và đồng đảng của ông ta là Bạc phò, Mùi già, Hoàn toác… Phe bên kia, nhân vật trung tâm là Quang Thiện - một nhà báo có tài, tâm huyết, đang được quy hoạch làm phó giám đốc và sau đó có thể đề bạt lên trưởng. Quang Thiện mắc “tội lớn” với Đỗ Thiết là anh ta có năng lực, trung thực, là nhân vật ngáng đường, ảnh hưởng đến đường thăng tiến của ông ta và do đó bị Đỗ Thiết tìm mọi cách để triệt hạ.
Câu chuyện gay cấn và hấp dẫn xung quanh cuộc đấu quyền lực giữa cái cũ và cái mới, giữa bảo thủ và cải cách, giữa cơ hội và chính trực. Đỗ Thiết là mẫu người điển hình cho một lớp cán bộ trong các cơ quan công quyền luôn tìm cách tranh giành quyền lực, bổng lộc vào tay mình và phe cánh. Quang Thiện ở một hướng khác, là đại diện cho sự trẻ trung, tâm huyết, mong muốn được cống hiến và phát triển.
Đời sống quan trường chứa lắm phức tạp, đan cài nhất là khi quyền lực gắn liền với lợi ích, bổng lộc trực tiếp hoặc gián tiếp; nhiều người khao khát, thèm muốn những cái ghế quyền lực và dùng mọi thủ đoạn để đoạt được nó. Những sóng gió xung quanh việc đề bạt, dèm pha, đánh gục đối thủ được người ta nói với nhau thẳng toẹt thế này:
“Lão Thiết còn phân công rõ tôi thì dèm thằng Thiện với pi a cho lão ấy, còn ông tập trung phá vụ kéo dài thời gian nghỉ hưu của lão Đức, nhớ chưa.”
Hoặc:
“Chú bịa giỏi lắm. Cả đài đang xôn xao. Tao giao cho Bạc phò với Mùi già phao tin là để nhiễu, để phá Trần Thuỵ, Văn Đức, để bắn chặn thằng Quang Thiện. Thế mà cái tin thối của chú đưa ra làm hỏng bét việc.”
Và đây là kế hoạch diệt trừ đối thủ:
“Mưu của em là trường trận phòng vệ, bí mật mai phục, bất ngờ lật cánh đánh đầu. Tức là phải có quân, phải dàn trận. Tiền vệ, tiền đạo, hậu vệ ăn khớp như lập trình robot. Các vụ trước ông anh chỉ nghe một nửa tức là chỉ tin một phần. Sợ lộ, xin thêm đệ tử thì anh không cho, tiền thì giỏ giọt như vòi nước công cộng thời trước mở cửa… bảo sao không thua.”
Điều đáng quý trong cuốn tiểu thuyết của Trần Gia Thái là nó không hoàn toàn một chiều tiêu cực, cái nhìn bi quan; ngoài những kẻ như Đỗ Thiết và đám tay chân giống như đám lưu manh hơn là công chức thì còn những người có lương tri, trách nhiệm như giám đốc Văn Đức, phó giám đốc Trần Thuỵ, trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ Hoàng Vĩnh Quyền, bí thư tỉnh uỷ Hoàng Minh, ông Khiêm bố Quang Thiện, nhà báo Nguyễn An… cùng nhân vật trung tâm là nhà báo Quang Thiện. Cái đáng quý nhất ở Thiện là anh còn sống với cái tâm trong sạch, thậm chí từ chối những thủ đoạn bẩn thỉu hoặc tàn nhẫn để trừng phạt kẻ thủ của mình. Trong đường hầm tăm tối vẫn có ánh sáng của cái thiện, cái đức, cái nhân của con người. Có lẽ cái tên Quang Thiện, ngoài mong ước của người cha mong con mình sống một đời trong sáng, thiện lương thì đây cũng là nhân vật được tác giả tâm huyết, và có thể là hình bóng đâu đó của người viết.
Nhà văn Trần Gia Thái. Ảnh: TL
Sóng độc được dựng trên một cốt truyện rất kịch tính, các hành động, diễn biến xảy ra với tốc độ nhanh, dồn dập, độc giả được chứng kiến những màn đấu trí, đấu mưu nghẹt thở, căng thẳng và hồi hộp. Ngôn ngữ các nhân vật sống động, nhất là ở phía bè đảng của Đỗ Thiết... Thỉnh thoảng tác giả dùng những tiếng nói vô nhân xưng phát ra từ đám đông ồn ào để miêu tả sự xô bồ, hỗn tạp mà không cần quá nhiều nhân vật.
“- Nghe nói vợ Hoàn là con nuôi một ông khá to trong chính phủ.
- Ông già nó ngày xưa trong Quốc hội là cây phản biện khét tiếng.
- Để xem tỉnh trả lời ra sao.
- Sao giăng gì, sai lè lè.
- Khôn ra thì dừng dại.
- Cố đấm ăn xôi chỉ nát cỏ gà.”
Hoặc:
“- Đòn thù mà
- Chuyến này Thiện nốc ao rồi
- Cha Thiết là dân máu lạnh.
- Còn phải nói.
- Đừng có dại mà dây với Đỗ Thiết.”
Sóng độc là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Trần Gia Thái sau nhiều tập thơ, truyện ngắn. Là người nhiều năm gắn bó với báo chí, phát thanh, truyền hình, viết về một đề tài quen thuộc và tâm huyết, Trần Gia Thái đã dựng được một bức tranh quan trường sống động và điển hình. Tác giả rất am hiểu đời sống quan trường mới viết được những câu kiểu thế này: “Chuyện đi ăn cỗ về mất chỗ là chuyện thường ngày ở huyện. Cho nên chấp nhận quy hoạch đi địa phương cũng là trò đánh bạc xanh chín. Có anh lúc đi bảo còn xanh còn non, chưa dùng được vì chưa chín. Rấm xong để quên, chín quá thành nẫu.”
Hoặc: “Trong quản lí, rất nhiều trường hợp được đề bạt là để trói chân, trói tay đối phương không thể làm được gì. Đấy gọi là đá lên.” Và: “Mất lòng là mất phiếu. Cán bộ ta tồn tại bằng lá phiếu. Mất phiếu là mất tất…”
Với một đề tài khó, thách thức nhưng ở cuốn tiểu thuyết đầu tay, Trần Gia Thái đã có được những thành công nhất định, ấy cũng là sự mừng khi đã có người dám dấn thân, khai thác những đề tài ít được để tâm và nói thẳng những nhức nhối, u tối ở một môi trường không nhiều người biết đến.
UÔNG TRIỀU
VNQD