. TÔN PHƯƠNG LAN
1. Cách đây ít lâu, cộng đồng Viện Văn học ngậm ngùi chia tay với mấy cây long não cổ thụ trong khuôn viên. Vẫn biết việc khai sinh, khai tử cho cây cối là chuyện quá thường tình nhưng với những cây long não dễ đến trăm năm tuổi như một chứng nhân cho bao nỗi buồn vui nghề nghiệp trong cuộc đời của các thế hệ từng gắn bó cùng trụ sở 20 Lý Thái Tổ - Hà Nội này thì những cây long não đó đã không còn chỉ là cây cối bình thường nữa, nhất là khi buộc lòng để nó “ra đi”. Tôi vẫn nhớ vào đầu những năm tám mươi ấy, lũ trẻ trong khu tập thể đã bóc vỏ khô ở ngoài thân cây cho vào cái ống bơ sữa bò đốt lên, mỗi đứa một cái rồi túm áo nối đuôi nhau đi lòng vòng trong khuôn viên vừa hít khói thơm vừa vui vẻ cười đùa. Lứa trẻ ấy giờ cũng đã trên dưới năm mươi, trong hành trang mang theo của mỗi đứa chắc chắn có mùi thơm của vỏ cây long não cùng những kỉ niệm của tuổi thơ. Còn với những ai đã sống lâu năm ở đây chắc không thể quên mùa cây rụng lá, không quên cảm giác hương lá hương cây quanh năm như thẩm thấu vào da tóc của mình. Ngôi biệt thự cổ với kiến trúc xưa ẩn mình trong khuôn viên mang vẻ đẹp bình yên đến nao lòng ấy, trước đây, đứng trên tầng hai, nhìn qua phố Đinh Tiên Hoàng là thấy bờ hồ Hoàn Kiếm. Cũng đêm về, đứng trên ban công nhìn xuống, mấy ai mà không cảm nhận được sự êm đềm của con phố lấp loáng trong ánh đèn đường vàng đục, thỉnh thoảng có mấy cái xe đạp thong thả đi qua. Vào những ngày B52 ném bom Hà Nội cuối năm 1972, tầng hầm dưới căn biệt thự đã trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những người có nhiệm vụ ở lại trực cơ quan và những gia đình dân phố liền kề không đi sơ tán... Ngôi nhà ấy, những cây long não ấy là một phần không thể thiếu khi nói đến những người từng gắn bó văn nghiệp khoa học của mình bởi đó là trụ sở của Viện Nghiên cứu văn học Việt Nam.
Hội thảo khoa học 100 năm Quang Dũng - cuộc đời và sự nghiệp văn học diễn ra tại Viện Văn học, tháng 11/2021
2. Thế hệ những nhà khoa học đầu tiên của Viện là Giáo sư Viện trưởng Đặng Thai Mai, nhà phê bình - Viện phó Hoài Thanh cùng những nhà nghiên cứu thành danh như Vũ Ngọc Phan, Trần Thanh Mại, Nam Trân, Cao Huy Đỉnh, Vũ Đức Phúc, Hoàng Trinh, Nguyễn Văn Hoàn, Phong Lê… và vài năm sau đó các sinh viên tốt nghiệp đại học hoặc thực tập sinh từ nước ngoài lần lượt về đây nhận công tác như Nguyễn Phúc, Vân Thanh, Chu Nga, Lê Sơn, Lưu Văn Bổng, Phạm Tú Châu, Dương Tất Từ, Hồ Sỹ Vịnh... rồi Huệ Chi từ Nhà xuất bản Lao động sang. Huệ Chi và Phong Lê vốn là đôi bạn thân học cùng một khóa nhưng ra trường ông lại được phân về Nhà xuất bản Lao động. Để được trở thành người của Viện, sau bao cố gắng, ông mới được nhận về nhưng đành lòng bỏ sở thích văn học hiện đại, sang Phòng Nghiên cứu văn học trung đại. Từ đây, như một thông lệ, mỗi năm Viện lại đón những cán bộ trẻ chủ yếu vốn là sinh viên tốt nghiệp loại ưu ở Đại học Tổng hợp được đào tạo theo chuyên ngành khoa học cơ bản, hoặc các cán bộ từ cơ quan khác chuyển đến - những Hồ Tuấn Niêm, Nam Mộc, Phan Nhân, Trường Lưu cùng nhiều nhà nghiên cứu khác. Đó là một thế hệ vàng, là những người đặt nền móng không chỉ cho Viện mà còn là cho ngành nghiên cứu văn học ở miền Bắc thời trước chiến tranh. Cũng như bao người lính ngoài mặt trận, thế hệ đó coi mình là người lính gác với cây bút trong tay, có trách nhiệm bảo vệ đường lối văn nghệ của Đảng như một góp sức bảo vệ Tổ quốc. Nên, có một thời quan hệ giữa Viện và Hội Nhà văn - quan hệ giữa những người làm nghiên cứu phê bình và sáng tác - căng thẳng đến mức một nhà văn lớn thời ấy đã nói đùa: Khi nào tao chết, nhớ chôn tao cạnh một thằng phê bình để xuống dưới ấy cãi nhau cho vui! Mối bất hòa này đã được cởi bỏ dần từ sau khi nhà thơ Hoàng Trung Thông về làm Viện trưởng và đến nay thì có thể nói là trở lại bình thường!
3. Đầu những năm bảy mươi, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp, tôi được phân công về Viện làm việc thì Lê Thành Nghị, vốn học trước tôi một khóa, vừa lên đường nhập ngũ, giống như Ngô Thảo năm 1965, Nguyễn Ngọc Thiện năm 1968 và Nguyễn Ngọc Anh (tác giả bài thơ Bóng cây kơ nia) vào chiến trường từ đầu những năm sáu mươi. Nguyễn Ngọc Thiện xuất ngũ năm 1974 thì năm 1978 lại được điều lên tăng cường cho biên giới phía Bắc đến năm 1980 mới được về. Lê Đình Cúc lên đường khi chiến tranh đang tiếp diễn ác liệt và vợ anh đang mang bầu. Nguyễn Ngọc Thiện đi tăng cường khi con chưa tròn hai tuổi. Những cán bộ trẻ trong Viện sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc cần và hết chiến tranh, hoặc trở về cơ quan cũ như Nguyễn Ngọc Thiện, Lê Đình Cúc, hoặc ở lại quân ngũ mà vẫn theo nghiệp văn như Ngô Thảo, Lê Thành Nghị, hoặc nằm lại chiến trường miền Nam như Nguyễn Ngọc Anh mà phần mộ của anh hiện ở nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn - Quảng Nam cùng hai văn nghệ sĩ khác là diễn viên múa Phương Thảo và nhà văn trẻ Nguyễn Hồng...
Thế hệ chúng tôi là thế hệ “nằm bàn”: phần lớn những cán bộ nam chưa lập gia đình sau giờ làm việc, ra tận phố Hàng Buồm ăn cơm mậu dịch và đêm đến ngủ trên bàn làm việc vì không đủ phòng tập thể. Được “hộ khẩu đàng hoàng Thủ đô” mà làm việc ngay cạnh Bờ Hồ, lại là một trung tâm khoa học văn học lớn nên mọi người đều vui vẻ chấp nhận. Lớp cán bộ ấy, trừ những người có bố mẹ ở Hà Nội còn dân ngoại tỉnh như tôi và rất nhiều bạn khác mỗi người đều trải từ vài ba tháng đến vài ba năm phải ngủ trên bàn làm việc; có những người có đến vài chục năm được “cắm” trong những căn phòng trên dưới chục mét vuông cho một gia đình 3 - 4 khẩu. Chịu đựng khó khăn, thiếu thốn mọi bề của thời bao cấp nhưng ý thức làm việc để khẳng định chỗ đứng của mình đã thôi thúc mỗi người vượt lên hoàn cảnh... Các phòng ở và phòng làm việc (cũng lại là phòng ở của cánh độc thân) đèn sáng thâu đêm. Tôi còn nhớ sau những chuyến đi thực tế của Ban Văn học hiện đại do anh Phong Lê làm Trưởng ban về Thái Bình, vào Hà Nam, Nghệ Tĩnh, Thừa Thiên Huế, lên Vĩnh Phú cũng như những cuộc gặp gỡ các nhà văn cao niên để ghi hồi kí... Ban đã ra được một số sách như Về một vùng văn học, Nghệ Tĩnh - gương mặt nhà văn hiện đại, Nhà văn Hà Nam Ninh, Nhà văn hiện đại Vĩnh Phú, Cách mạng - kháng chiến và đời sống văn học (3 tập)... Đó là những năm Nguyễn Trung Đức (mất năm 2000) trở thành một dịch giả tiếng Tây Ban Nha nổi tiếng với nhiều dịch phẩm văn học Mĩ - Latin; Phạm Tú Châu (mất năm 2017) với những tác phẩm dịch văn học Trung Quốc mà tiêu biểu nhất là Gót sen ba tấc từng được Giải thưởng Hội Nhà văn. Cũng thời gian đó, Trần Quốc Huấn, một cây bút phê bình có triển vọng trong lứa chúng tôi, được nhận giải Nhất cuộc thi truyện ngắn năm 1987 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức.
4. Các Viện trưởng Đặng Thai Mai, Hoàng Trung Thông, Hoàng Trinh, Phong Lê, Hà Minh Đức, Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Đăng Điệp, tùy tính cách và hoàn cảnh cụ thể mà mỗi người có quan hệ thân sơ với nhân viên khác nhau. Từ đầu năm 1970, sau khi Viện phó Hoài Thanh chuyển sang Báo Văn nghệ, công việc cơ quan chủ yếu là do các Viện phó điều hành vì giáo sư Đặng Thai Mai lúc này tuổi cao sức yếu nên giới trẻ nhiều người chỉ nghe tiếng ông, đọc sách của ông mà không biết mặt ông. Tôi còn nhớ hồi đầu những năm bảy mươi, một chị bạn cùng tuổi tôi tốt nghiệp ở nước ngoài mới đến làm những ngày đầu được một cán bộ ở phòng hành chính nhờ trực hộ một lúc vì có chút việc. Đang ngồi thực thi phận sự thì thấy có một ông cụ chống ba toong đi thẳng vào, chị bạn tôi chạy theo gọi: Bác ơi, bác cần gặp ai ạ? Ông cụ quay lại nhìn chị như nhìn vật thể lạ rồi điềm nhiên: Tôi gặp ai ấy à? Tôi gặp tôi! Rồi cụ đi tiếp. Chị bạn tôi nhìn theo nghi ngại chưa hiểu ra sao thì cũng vừa lúc chị nhân viên hành chính trở ra: Bác ấy là Viện trưởng Đặng Thai Mai đấy, em ạ!
Nhà thơ - Viện trưởng Hoàng Trung Thông, bằng kinh nghiệm của một người từng trải trên chính trường văn nghệ, với tư chất của một nghệ sĩ, đã đưa lại cho Viện một không khí học thuật mới, bớt hàn lâm hơn và giải tỏa được mối quan hệ với Hội Nhà văn. Ông giới thiệu lớp cán bộ trẻ sang Hội gặp gỡ để ghi chép và làm tư liệu về các nhà văn đã mất. Ông tạo những lần gặp thân mật và mời các nhà văn đến nói chuyện ở Viện với rất đông thính giả không chỉ người trong Viện. Đây cũng là thời kì nhiều cán bộ trẻ được cử đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài; cũng là khi những người không có điều kiện ra nước ngoài học bắt tay vào việc làm luận án trong nước. Lực lượng này ra quân đông đảo nhất là thời của các Viện trưởng Phong Lê và Hà Minh Đức. Có thể nói, với tầm nhìn xa, các ông đã “lùa” chúng tôi - những người chịu không ít thiệt thòi bởi chiến tranh lại đang sống trong khó khăn của thời bao cấp - dành thời gian vật chất để củng cố chuyên môn, viết luận án mà rồi bước sâu vào thời kì Đổi mới, bằng cấp đó, kiến thức đó quả là rất cần. Sau này trong lớp tiến sĩ đó có những người như Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Đăng Điệp, Trương Đăng Dung lại kế thừa công việc quản lí từ những giáo sư tiền nhiệm, không ít người đã trở thành người bắc cầu giữa Viện và các trường đại học trong nước thông qua con đường giảng dạy và đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, nhiều người trong số được phong học hàm phó giáo sư đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, được nhận những giải thưởng danh giá về nghề nghiệp.
5. Làm việc ở một trung tâm nghiên cứu văn học có truyền thống, thế hệ trẻ - tôi gọi là thế hệ thứ ba - của Viện Văn học đã hội tụ được những ưu điểm về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” mà hai thế hệ trước không có được.
Là những người sinh ra sau chiến tranh, được đào tạo bài bản ở nhiều trường đại học trong và ngoài nước, họ thông thạo ngoại ngữ, trong cơ chế mới họ có thể tự tìm nguồn để ra nước ngoài học tập; họ vừa làm việc cho cơ quan Viện, vừa làm thêm những việc khác ở cơ quan ngoài, lại vừa làm luận văn thạc sĩ rồi luận án tiến sĩ, tham gia các hội thảo, ra sách, giảng dạy... Tuy không phải nằm bàn, không phải ăn cơm mậu dịch với những bát canh “toàn quốc” như thế hệ cha anh nhưng họ lại chịu những áp lực không nhỏ khác và hầu hết cũng đã bảo vệ hoặc đang viết luận án tiến sĩ. Thế hệ này mang một phong độ khác hơn trong nghiên cứu khi họ không bị cảm giác mà Nguyễn Minh Châu nói trong lần gặp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với văn nghệ sĩ, khi họ có trong tay chìa khóa ngoại ngữ và internet để tiếp cận với những lí thuyết từ phương Tây, được giao lưu rộng, có nhiều “đất” và điều kiện để thể hiện khả năng: nhiều người trong số đó đã có bút hiệu trong chuyên ngành nghiên cứu và phê bình văn học; một vài gương mặt đã trở nên quen thuộc với truyền hình, báo chí, với sinh viên các trường đại học. Có thể nói năng động là một đặc sắc của thế hệ này. Dẫu thu nhập không cao, dẫu vất vả nhọc nhằn nhưng họ vẫn cố gắng để tiếp tục khẳng định mình bằng những công trình, bài viết.
6. Viết văn là một nghề, cũng như bao nghề khác, có cái cực nhọc nhưng cũng có niềm vui riêng trong công việc của mình. Tuy nhiên trong nghề văn, viết nghiên cứu phê bình xét cho cùng là vất vả hơn vì ngoài việc cũng thâu đêm cắm mặt trên trang sách và bàn phím, cùng sống chung trong bầu khí quyển của mối quan hệ giữa văn chương và thời cuộc... thì còn phải đọc nhiều, còn chịu áp lực từ những lời khen chê của chính giới sáng tác. Vậy mà không chỉ là nghề, với mỗi người cầm bút, viết còn là một nghiệp. Nhiều nhà giáo, nhà thơ đã nghỉ hưu còn bị “nó” mê hoặc nữa, huống chi!
Có nhiều nhà văn nhà thơ đã coi nhà số 4 Lý Nam Đế (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) là một trụ sở khác của Hội Nhà văn vì đó là nơi giới sáng tác thường đến gặp nhau. Giới nghiên cứu phê bình văn học xưa nay cũng coi Viện Văn học và Tạp chí Nghiên cứu văn học ở 20 Lý Thái Tổ là một địa chỉ thân thiết. Đương nhiên, mọi thứ trong cuộc sống có thể đổi thay, kể cả các hệ giá trị, như chúng ta biết. Nhiều lão làng đã trở thành người muôn năm cũ; thế hệ “nằm bàn” ngày nào giờ đã sắp hoặc qua tuổi xưa nay hiếm, thỉnh thoảng gặp nhau có lúc không giấu được chút ngỡ ngàng vì sự tàn phá của thời gian. Chủ nhân ngôi biệt thự ấy giờ đây hiển nhiên thuộc thế hệ 7x, 8x và cả 9x, vẫn ngày đêm làm việc miệt mài; dù có nhiều phương tiện truyền thông để mọi người công bố sản phẩm của mình nhưng tạp chí Nghiên cứu văn học vẫn là chuẩn mực tin cậy để kiểm định chất lượng khoa học của những công trình, bài viết. Tọa lạc trên một con phố cổ sầm uất ngay trung tâm Thủ đô nhưng ngôi biệt thự cổ vẫn mang vẻ sang trọng của một cơ quan hàn lâm, nơi mà thế hệ nghiên cứu văn chương trẻ đang đọc và viết, đang học tập, kiếm tìm với ý thức đưa những lí luận và thành tựu của khoa học văn học mới ở nước ngoài vào công việc của mình cũng như giới thiệu và lan tỏa những thành tựu của văn chương nước nhà ra với bạn đọc trong nước và thế giới.
Cây long não già đến lúc sẽ phải thay và trồng vào đó cây long não mới như một quy luật thiên định. Còn đó, ngôi biệt thự cổ vẫn sẽ tiếp tục là chứng nhân cho sự đổi thay thế hệ, trước mắt là cho sự trưởng thành của những người nghiên cứu phê bình văn học mới, trẻ trung đầy hi vọng đang nối dài truyền thống của các thế hệ cha anh.
Quan Nhân - Hà Nội, thu 2022
T.P.L
VNQD