. MÃ GIANG LÂN
1954 - 1975, hai mươi năm ấy, cuộc sống vất vả, gian khổ nhưng thật phi thường. Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ thủ đô gió ngàn, đoàn quân cách mạng và các văn nghệ sĩ hứng khởi trở về Hà Nội sau cái hẹn chín năm: Từ khắp bốn phương trời lửa đạn/ Đàn con về sau những năm xa/ Cởi súng gạt mồ hôi trên trán/ Ta lại xây Hà Nội của ta (Nguyễn Đình Thi - Ngày về). Để rồi trong quãng thời gian hai mươi năm chống Mĩ, có một dòng thơ về Hà Nội ra đời, tuy âm thầm, lặng lẽ nhưng mang bản sắc riêng. Làm nên diện mạo và phẩm chất thơ Hà Nội lúc này, tất nhiên là một lực lượng sáng tạo đông đảo, nhiều lứa tuổi, nhưng ấn tượng mạnh với bạn đọc vẫn là thế hệ các nhà thơ lớn lên và trưởng thành trong những năm cả nước sục sôi chống Mĩ.
Thơ về Hà Nội biểu hiện trước nhất ở nỗi nhớ, những tưởng tượng hình dung về Hà Nội. Có những nhà thơ “chưa một lần ra thăm Hà Nội” nhưng Biết “hồ Gươm như một lẵng hoa”/ Đêm mơ dài rồng lượn nguy nga/ Nghe tiếng hát dập dìu trên phố. Và khi những quả bom của kẻ thù ném xuống Hà Nội thì “bỗng thấy trái tim mình ngừng đập” (Nam Hà - Gửi Hà Nội). Ở chiến trường, Nguyễn Khoa Điềm nhớ Hà Nội: Ôi Hà Nội có bao giờ thương nhớ thế/ Một đóa hoa rừng đủ nhớ một công viên/ Một quãng dốc nhớ thang lầu đại học/ Đêm Hà Nội bắn rớt máy bay thù, bỗng vang giọng Bích Liên (Gửi anh Tường). Từ nơi chiến trường xa, Lê Anh Xuân “chào Hà Nội chào Thăng Long” bằng những vần thơ tràn đầy niềm lạc quan: Giặc khoét hố bom vào giữa niềm tin/ Nhưng giết sao được trái tim Hà Nội/ Trong lồng ngực chúng tôi đang đập vội (Chào Hà Nội chào Thăng Long).
Hình ảnh Hà Nội trong thơ 1954 - 1975 hiện lên với nhịp điệu sôi động khẩn trương của cuộc sống chiến tranh: Chia tay trong đêm Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Tiễn em về (Thúy Bắc)… Một căn nhà cuối phố ngoại ô, như người lính canh, mắt nhìn và tai nghe, chứng kiến bao biến thiên của Hà Nội. Ngôi nhà tâm sự: Chủ nhật ấy đang trong bỗng tối rầm bóng khói/ Lửa cháy rồi trên những mái nhà dân/ Sức căm giận bay lên thành những chùm đạn mới/ Cả thành phố rung lên xe xích chạy rung đường/ Đêm ấy tôi nghe những em bé qua tôi vẫy bàn tay sơ tán/ Bé lên mười dắt bé lên năm (Vũ Quần Phương - Tâm sự một căn nhà). Và “trận địa Hà Nội” là ngôi trường mới mở, là sân một vườn trẻ bỏ vắng: Súng ta kê/ bên nôi nhỏ/ các em nằm (Chính Hữu - Trận địa Hà Nội). Chiến tranh, bom rơi, máu chảy, nhà cháy, cây cỏ ngổn ngang, người mất người còn… Những bài thơ viết về đề tài này ở đâu cũng thế. Cái khác, cái làm nên nét riêng biệt, độc đáo và bản lĩnh Hà Nội ở trong thơ Hà Nội có thể nhận ra ở rất nhiều bài của các nhà thơ lúc này. Tinh thần nhập cuộc của thơ, trước hết biểu hiện ở sự nhập cuộc tích cực của các nhà thơ trong tư thế ung dung bình tĩnh, rất Hà Nội.
Hà Nội hiện lên với vẻ đẹp của cuộc sống thường nhật trong những gian khó. Bất chấp máy bay Mĩ ngày đêm gầm rú trên không phận Hà Nội, khi tiếng còi báo động chốc chốc lại hú vang, người Hà Nội vẫn sống, vẫn yêu, vẫn lao động sản xuất theo cách của riêng mình. Cái vẻ đẹp đời thường ấy còn hiển diện trong những bài thơ viết về quá trình xây dựng, kiến thiết lại Thủ đô sau những tan hoang, đổ vỡ do chiến tranh gây ra. Trần Mạnh Thường nói tới người làm gạch ngoại ô, xúc động trước những viên gạch đang hiện hình: Sau những năm bom gầm/ Đất vỗ vào khuôn nghe âm âm/ Như tiếng vang trong tường xây mái ngói/…/ Đất sét trắng đất thịt vàng/ Ứa máu những ngôi nhà mất tích (Lò gạch ngoại ô). “Những chiều lên Bưởi”, lên quê, Vũ Từ Trang Thương lắm người xưa ngồi giã dó/ nhịp chày Yên Thái vọng đâu đây/ chữ tình chữ nghĩa nghe sâu nặng/ gương biếc hồ Tây trắng sương dày (Những chiều lên Bưởi). Thương người xưa mà cũng là thương người nay. Viết về đề tài này rất dễ khô khan nhưng nhiều bài thơ đã “vượt thoát”, gây ấn tượng mạnh với cách thể hiện mới mẻ, hình ảnh so sánh lạ, độc đáo, sáng tạo. Lý Phương Liên gọi ca ba là “ca bình minh”. Ca ba bắt đầu khi đêm buông đầy đường phố, Hà Nội vào giấc ngủ say, và ca ba kéo dài tới sáng: Bạn bè em có nhiều ý lạ/ Khi nói tới ca ba/ Ca của những đêm hè trời đầy sao hoa/ Ca của những đêm đông bập bùng đống lửa/ Còn em với niềm vui bé nhỏ/ Em gọi ca ba là ca bình minh (Ca bình minh). Viết về “những người bốc vác” trên các bến tàu, Tạ Vũ có một bài thơ cùng tên xuất sắc. Nhà thơ nhận ra chất thơ trong những công việc nặng nhọc, niềm vui của những cuộc đời giản dị và ghi lại những hình ảnh rất tiêu biểu của cuộc sống một thời - vừa lao động sản xuất vừa chiến đấu, chặn đánh máy bay giặc Mĩ: Người bốc vác đi làm nhạc trong loa đánh thức/ Những chiếc khăn như bình minh vắt vai/ Bến vẫn bến xưa vèo gió cát/ Tiếng cần trục ầm vang cả khúc sông dài/ Đế quốc Mĩ hàng đàn lao tới/ Trời Hà Nội sôi lên mây gợn như cày/ Người bốc vác lấy kiện hàng làm chiến lũy/ Chiếc khăn kê chỗ tay tì.
Chất hào hoa Hà Nội thể hiện phong phú trong thơ Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ… Ngay trong những ngày chiến tranh căng thẳng nhất, nhiều bài thơ của các tác giả ấy vẫn vang lên niềm tin, sự ung dung trong mọi tình huống. Nhiều câu thơ mượt mà trong sáng thấm sâu và ngân rung trong tâm hồn người đọc. Không ít thanh niên lúc ấy đọc, chép, thuộc những bài thơ đã nói hộ lòng mình. Bằng Việt, với những hiểu biết về Hà Nội, về lịch sử quá khứ dân tộc, tự hào và thần thoại hóa Hà Nội: Sông Hồng ơi! Giông bão chẳng thay màu/ Rùa thần thoại vẫn nhô lưng đội tháp/ Chùa Một Cột đổ trên đầu giặc Pháp/ Lại nở xòe trọn vẹn đóa hoa sen (Trở lại trái tim mình). Cảm hứng thơ Bằng Việt mở rộng hòa cùng cảm hứng của thế hệ trong hoàn cảnh mới. Tình yêu cũng không còn quẩn quanh giữa hai cá thể: Anh nắm bàn tay em khi nói đến tương lai/ Thành phố đang cơn mưa ướt đầm trong tiếng hát/ Chúng ta đi giữa bè bạn mỉm cười/…/ Cơn báo động tan rồi/ Cảm động quá khi mùa thu lại đến/ Anh nhớ phút ngồi bên nhau trực chiến/ Anh nghe thời gian trong mạch đập tay em/ Mạch đập bình yên (Tình yêu và báo động). Lưu Quang Vũ thi vị hóa một mảnh “vườn trong phố”: Nơi lá chuối che nghiêng như một mảnh buồm/ Cánh buồm xanh đi về trong hạnh phúc/…/ Mảnh vườn em vẫn là mảnh vườn xanh/ Nơi ban đầu lòng ta ươm tổ mật/ Nơi ta hái những chùm thơ thứ nhất/ Nơi thu sang mây trắng vẫn bay về (Vườn trong phố). Thơ viết về cuộc sống tình yêu trong những năm chiến tranh là thế. Một cái nhìn mới về chiến tranh. Phải có trái tim nồng cháy, tâm hồn trong sáng tự tin mới có được chất thơ ấy. Chất thơ ấy sâu xa từ cội nguồn dân tộc, từ lòng yêu Hà Nội thắm thiết. Một phố Lò Đúc bình thường như bao phố khác, một thân cây, một tán lá, một bông hoa, một “nét vẽ... màu men”, một “tiếng đàn bầu”, một ngôi “trường bên Hồ Tây”, một “đêm Hồ Gươm”, một “ông già thuốc Bắc”… đã vào thơ của Đào Ngọc Phong, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hồ Minh Hà, Lữ Giang, Minh Hoài, Nguyễn Hà, Phạm Tiến Duật…
Ở đây, tôi muốn nói thêm cái đời thường trong thơ Hà Nội qua những sáng tác rất riêng tư, rất tươi trẻ của thế hệ các nhà thơ lãng mạn “tiền chiến”. Tế Hanh với bài Gặp xuân ngoại thành xây dựng mỗi khổ thơ hai câu: Tôi từ nội thành ra ngoại thành/ Vừa gặp mùa xuân đi trở lại. Bài thơ ngắt nhịp chủ yếu theo truyền thống, đặc biệt có câu ngắt nhịp rất độc đáo cùng phép điệp sinh động như nhịp chân đi của mùa xuân đang vào Hà Nội: Xuân từ ngoại thành vào nội thành/ Từng bước, từng bước, từng bước xanh. Rất nhiều bài thơ tình của ông gắn với Hà Nội, Hà Nội trong chiến tranh: Em ra đi đem Hà Nội đi theo/ Anh ở lại thấy em khắp cùng Hà Nội (Hà Nội và hai ta). Cảm xúc về Hà Nội đã vượt qua những gì chật hẹp, toát lên nhiều vấn đề về lẽ sống chết, về trách nhiệm, về ý nghĩa sâu xa của cuộc đời. Huy Cận suy tư: Bát ngát lòng anh giữa trái đời/ Hai ta đôi hạt giữa nghìn đôi/ Gió khuya nào biết xuân, hè nữa/ Em mộng điều chi miệng thoảng cười (Anh viết bài thơ). Xuân Diệu chân thành chu đáo: Hơn là nhắn cá gửi chim/ Nhờ mưa đưa bức chăn êm tới người/ Thôi em nghỉ việc, khuya rồi/ Chăn mưa em đắp cùng trời - với anh (Mưa).
Hai mươi năm kháng chiến chống Mĩ, thơ Hà Nội mở rộng đề tài, ôm trùm mọi mặt đời sống mà vươn cao hơn về tư tưởng và nghệ thuật. Đội ngũ nhà thơ cũng phát triển đông đảo hơn. Chưa bao giờ nhiệt tình sáng tác lại sôi nổi như lúc này, chưa bao giờ mối quan hệ giữa nhà thơ và cuộc sống, giữa nghệ thuật và ý thức công dân lại trực tiếp và mạnh mẽ như lúc này. Cảm hứng về Hà Nội đã lôi cuốn các nhà thơ ở mọi thế hệ. Ai cũng tự hào được sống, được viết về Hà Nội, khẳng định vẻ đẹp tâm hồn Hà Nội. Trong “những năm đất nước có một tâm hồn, có chung khuôn mặt”, thì thơ của các nhà thơ đều hướng về một mục đích cao cả thiêng liêng với một âm hưởng chung trên cơ sở nhiều giọng điệu. Cái hoài bão chung, tâm huyết chung lại tỏa ra nhiều hương sắc mới lạ. Tinh thần nhập cuộc của các nhà thơ lúc ấy đã làm nên phẩm chất cho thơ, một phẩm chất lâu nay ít thấy trở lại: sảng khoái hào hùng mà duyên dáng thi vị, lôi cuốn giục giã mà thiết tha... có tác động rất lớn trong việc nâng con người đứng cao hơn mọi thử thách, giữ trọn niềm tin để chiến thắng. Thơ như thế mãi mãi là bài học cho những thế hệ chủ thể sáng tạo, là di sản tinh thần của Hà Nội.
M.G.L
VNQD