. ĐỖ ANH VŨ
Việt Nam có lẽ là một trong những đất nước có mật độ sông ngòi dày đặc nhất trên thế giới. Trên khắp lãnh thổ từ Bắc chí Nam có tới hơn 2300 con sông dài trên 10km và cứ di chuyển trung bình 20km thì ta lại bắt gặp một cửa sông. Dòng sông, vì thế với mỗi người Việt là một thứ gần gũi, thân thương, ai cũng có ít nhiều kỉ niệm. Và tự bao giờ, sông đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của bao lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có thi ca và âm nhạc.
1. Trong cuộc thi thơ do Báo Văn nghệ tổ chức năm 1969, trao giải năm 1970, có một bài thơ nằm trong chùm thơ được trao giải Nhì của thi sĩ Bế Kiến Quốc mang tên Những dòng sông. Bài thơ khá dài này, có hai câu thơ được lặp lại trong phần đầu và cuối tác phẩm như một chủ âm quan trọng của tác phẩm, dẫn dắt cảm hứng chủ đề của cả bài thơ: Sinh ở đâu mà ai cũng anh hùng?/ Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông… Hai câu thơ này có thể nói đã nằm trong hành trang ra trận của biết bao người lính, nhất là những thế hệ học sinh, sinh viên nhập ngũ đầu thập niên 1970. Những người lính tuổi mới đôi mươi đã vào trận với cả dòng sông tuổi thơ của mình. Dòng sông ấy gắn với quê hương làng xóm, gắn với gia đình bầu bạn thân yêu. Dòng sông ấy đã khiến cho tất cả những người lính trở thành những người anh hùng can trường trong mưa bom bão đạn.
Chiến tranh kết thúc, cả đất nước bước vào một kỉ nguyên mới của hòa bình thống nhất, chúng ta lại được thấy nhiều hơn vẻ đẹp của những dòng sông trong thời kì dựng xây Tổ quốc. Nhà thơ Lai Vu trong một bài thơ đã mang đến cho người đọc hai vẻ đẹp tương phản của hai dòng sông cùng ở miền Bắc - sông Đáy và sông Đà: Dòng sông Đáy quê em/ Sông trăng hay sông lụa/ Nong kén vàng như lúa/ Tròn vạnh một góc trời/…/ Dòng sông Đà quê anh/ Đá dựng ghềnh dựng thác/ Mênh mông ngàn sóng bạc/ Đàn voi đá nhấp nhô (Dòng sông quê em dòng sông quê anh). Bài thơ đã được nhạc sĩ Đoàn Bổng phổ nhạc thành ca khúc cùng tên nổi tiếng suốt gần nửa thế kỉ qua, có một đời sống rộng rãi trong lòng công chúng nghe nhạc.
Nhắc về những dòng sông của miền Bắc, không thể không kể tới sông Hồng, dòng sông quan trọng hàng đầu cho việc phát triển nông nghiệp ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Sông Hồng được hợp lưu bởi hai con sông lớn là sông Đà và sông Lô, rồi lại rót nước sang một loạt chi lưu khác như sông Đáy, sông Đuống, sông Luộc, sông Phủ Lý, sông Ninh Cơ. Chúng ta vẫn thường nói đến một nền văn hóa - văn minh sông Hồng với Thăng Long - Hà Nội làm trung tâm, vây quanh là các tỉnh thành như Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc…, đều là những nơi có sông Hồng chảy qua. Sông Hồng vì thế trở thành một vẻ đẹp văn hóa, trở thành nỗi nhớ khôn nguôi cho những kẻ xa quê. Rất nhiều khi, nỗi nhớ Hà Nội đi cùng với nỗi nhớ sông Hồng: Ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tôi ở đó/ Đêm lặng nghe trong gió tiếng sông Hồng thở than (Hà Nội và tôi, nhạc và lời: Lê Vinh), Tôi mong về Hà Nội/ Để nghe gió sông Hồng thổi/ Để thương áo len cài vội/ Một mùa đông rét mướt (Mong về Hà Nội - nhạc và lời: Dương Thụ). Không phải ngẫu nhiên mà bốn nhạc sĩ Trần Tiến, Dương Thụ, Nguyễn Cường và Phó Đức Phương đặt tên cho nhóm nhạc của mình là “Du ca sông Hồng” và dòng sông đã đi vào nhiều sáng tác của cả bốn tác giả tài danh như: Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội (Nguyễn Cường), Chảy đi sông ơi (Phó Đức Phương)… Riêng nhạc sĩ Trần Tiến có hẳn một ca khúc với sông Hồng xuất hiện ngay trong nhan đề: Tôi ôm con sáo bé bỏng của tôi/ Lang thang theo cha dọc bờ sông trắng xóa/ Một ngày mùa thu theo cha qua sông/ Một ngày dòng sông đầy nắng và gió/…/ Thương con mẹ đưa qua sông/ Hồng Hà mùa thu, Hà Nội mùa thu, một ngày mùa thu đầy gió (Ngẫu hứng sông Hồng). Dòng sông Hồng đi vào những thi phẩm nổi tiếng mà có khi chẳng cần nhắc đích danh, nhưng ai cũng cảm nhận được và dễ dàng rung động: Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp/ Con thuyền xuôi mái nước song song/ Thuyền về nước lại sầu trăm ngả/ Củi một cành khô lạc mấy dòng/…/ Nắng xuống trời lên sâu chót vót/ Sông dài trời rộng bến cô liêu (Tràng giang - Huy Cận).
2. Nếu như ở miền Bắc, sông Hồng có thể nói là dòng sông điển hình nhất, đã đi vào bao tác phẩm thi ca và âm nhạc, thì ở miền Trung, dòng sông đi vào nhiều áng thơ nhạc nhất có lẽ là sông Hương. Từ thế kỉ XIX, sông Hương đã đi vào thơ Cao Bá Quát với góc nhìn thật khác biệt của một bậc tài tử: Trường giang như kiếm lập thanh thiên (Hiểu quá Hương giang). Có lẽ, nhà thơ muốn mượn việc miêu tả dòng sông để thể hiện ý chí, khí phách của mình. Vì thế, dòng sông được ví như một thanh kiếm dựng giữa trời xanh, khác hẳn với nỗi buồn man mác của sông Hương trong một loạt sáng tác sau này. Trong hàng loạt ca khúc được viết từ trước 1945 cho tới sau 1975, sông Hương đều hiện lên với những nỗi bâng khuâng nhớ thương về cảnh về người: Một chiều lang thang bên dòng Hương giang/ Tôi gặp một tà áo tím/ Nhẹ thấp thoáng trong nắng vương/ Màu áo tím sao luyến thương (Tà áo tím - nhạc và lời: Hoàng Nguyên), Ngày chia tay hôm nao còn đây/ Nước trên sông Hương còn đầy/ Tình đã xa gió mưa u hoài mắt lệ ngắn dài (Mưa trên phố Huế - nhạc: Minh Kỳ, thơ: Tôn Nữ Thụy Khương), Trở lại Huế thương, bài thơ khắc trong chiếc nón/ Tôi thả xuống dòng sông Hương/ Tìm em giữa Huế mộng Huế mơ (Huế thương - nhạc và lời: An Thuyên). Dòng sông ai đã đặt tên/ Để người đi nhớ Huế không quên/ Xa con sông mang theo nỗi nhớ/ Người ở lại tháng năm đợi chờ (Dòng sông ai đã đặt tên - nhạc và lời: Trần Hữu Pháp). Cùng với núi Ngự, sông Hương đã trở thành bản sắc của Huế; nhắc đến Huế là nhắc đến sông Hương và ngược lại, đúng như câu lục bát bất tuyệt của thi sĩ Bùi Giáng: Dạ thưa xứ Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương. Mỗi thi sĩ khi đến với sông Hương dường như đều muốn để lại một dấu ấn khác biệt trong những dòng thơ để lại: Sông Hương hóa rượu ta đến uống/ Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say (Nguyễn Trọng Tạo). Thực và ảo, say và tỉnh hòa trộn lung linh chỉ trong hai câu thơ bảy chữ. Người đọc không chỉ thấy người quyến luyến cảnh mà cảnh dường như cũng đang níu bước người.
Dòng sông sẽ càng tha thiết khắc khoải hơn nữa khi gắn với những câu chuyện tình yêu đôi lứa. Từ 1938, sông Hương đã đi vào Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử với một mối tình vô vọng, một khát khao hạnh phúc không bao giờ kịp với tới: Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay. Cho đến hơn bốn thập kỉ sau, sông Hương lại đi vào thơ Thu Bồn với một mối tình nghệ sĩ, bất ngờ gặp gỡ để rồi lại bất ngờ chia li: Nhịp cầu cong và con đường thẳng/ Một đời anh đi mãi chẳng về đâu/ Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu (Tạm biệt Huế). Và còn có cả một dòng Hương gắn với niềm tin tưởng về sự đổi thay thân phận, đổi thay cuộc đời của cô gái giang hồ trong thơ Tố Hữu trước Cách mạng: Răng không, cô gái trên sông/ Ngày mai cô sẽ từ trong tới ngoài/ Thơm như hương nhuỵ hoa lài/ Sạch như nước suối ban mai giữa rừng (Tiếng hát sông Hương).
Một điều đặc biệt thú vị là hầu hết bài thơ hay về dòng sông đều được phổ thành các ca khúc nổi tiếng. Từ Dòng sông quê anh dòng sông quê em đã nhắc đến trong phần trước, cho tới Tình yêu trên dòng sông quan họ (Phan Lạc Hoa phổ bài thơ Đêm sông Cầu của Đỗ Trung Lai), Đây thôn Vĩ Dạ (Phạm Duy và Võ Tá Hân đều phổ nhạc) và Tạm biệt Huế (Xuân An phổ nhạc). Nhưng có một tác phẩm với hành trình từ thơ sang nhạc rất đặc biệt nữa, đó là Khúc hát sông quê (thơ: Lê Huy Mậu, nhạc: Nguyễn Trọng Tạo). Cả nhà thơ và nhạc sĩ đều là những người sinh ra và lớn lên ở Nghệ An nhưng hai tác phẩm thơ - nhạc lại được ra đời ở Vũng Tàu. Dòng sông trong bài thơ nguyên bản của Lê Huy Mậu vì thế có lẽ cũng thấm đượm hình bóng quê nhà miền Trung. Từ văn bản gốc gồm 88 câu thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã chắt lọc thành ca khúc với 13 câu, dồn đọng những hình ảnh mang tính khái quát và gợi cảm cao nhất về một dòng sông quê hương xứ sở. Bài hát đã có một sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ ở trong nước mà còn đi đến khắp những quốc gia có người Việt sinh sống: Quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê/ Ôi con sông dạt dào như lòng mẹ/ Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn/…/ Sông còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ/ Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng/ Cùng một bến sông con trâu đằm sóng dưới/ Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn/ Một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng. Tác phẩm không cần nhắc đến một cái tên cụ thể của dòng sông mà có khi đó cũng là một điều hay, bởi ai cũng dễ dàng bắt gặp mình trong đó, ai cũng có cảm giác nhà thơ đang nói hộ lòng mình. Dòng sông quê hương gắn với chúng ta từ tuổi thơ luôn là một nỗi niềm sâu nặng: Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hàng tre/ Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè/ Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng/ Chẳng biết nước có giữ ngày giữ tháng/ Giữ bao nhiêu kỉ niệm giữa dòng trôi (Nhớ con sông quê hương - Tế Hanh). So với hai miền còn lại của đất nước là miền Bắc và miền Nam, miền Trung phải chịu những điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt hơn rất nhiều, dòng sông của miền Trung vì thế nhiều khi hiện lên trong thơ với đầy những nhọc nhằn, vất vả, đi kèm với sự kiên cường bền bỉ nhẫn nại của con người. Cùng viết về dòng sông Lam, hai nhà thơ Trần Mạnh Hảo và Hoàng Trần Cương có những gặp gỡ và đồng điệu: Sông Lam ăn cát mà xanh, uống trời mà mát/ Trăng cháy hết lòng sâu quyết liệt cả cơ hàn/ Người giàu có nên đất nghèo khô khát/ Kìa gió Lào thổi cong sông Lam (Sông Lam - Trần Mạnh Hảo), Bao giờ em về thăm/ Mảnh đất quê anh một thời ngún lửa/ Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa/ Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam (Miền Trung - Hoàng Trần Cương).
3. Chuyển sang những dòng sông của miền Nam, những con sông ở đây cho ta cảm giác rộng lớn mênh mang và trù phú về mặt tài nguyên, có lẽ một phần lớn do điều kiện địa lí tự nhiên ở đây. Vùng Đông Nam Bộ có hàng loạt sông lớn như sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Thị Vải… Còn miền Tây Nam Bộ thì hoàn toàn có thể di chuyển khắp 13 tỉnh thành bằng đường sông nước. Hoài Vũ có lẽ là một trong những nhà thơ miền Nam viết nhiều về dòng sông hơn cả và không ít tác phẩm của ông được phổ thành những ca khúc nổi tiếng. Chỉ tính riêng các bài thơ liên quan đến dòng sông được phổ nhạc, Hoài Vũ đã có 3 bài thơ được công chúng biết đến rộng rãi, đó là bài Vàm Cỏ Đông được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ thành ca khúc cùng tên, bài Gửi miền hạ được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ thành ca khúc Anh ở đầu sông em cuối sông và bài Thì thầm với dòng sông được nhạc sĩ Thuận Yến phổ thành ca khúc cùng tên. Hình ảnh sông Vàm Cỏ trở đi trở lại trong các bài thơ của Hoài Vũ, ở đó ta gặp những nhớ thương chờ đợi của đôi lứa yêu nhau trong thời chiến, những hẹn thề son sắt thủy chung, niềm tự hào về quê hương và lòng yêu nước căm thù giặc: Anh ở đầu sông em cuối sông/ Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông/ Thương nhau đã chín ba mùa lúa/ Chưa ngày gặp lại nhớ mênh mông (Gửi miền hạ), Ở tận sông Hồng em có biết/ Quê hương anh cũng có dòng sông/ Anh mãi gọi với lòng tha thiết/ Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông (Vàm Cỏ Đông), Đời hai ta gắn bó với hai sông/ Em Vàm Cỏ Tây anh Vàm Cỏ Đông/ Mỗi tối chiều lên chao sóng nước/ Bìm bịp kêu xao xác cả hai dòng (Thì thầm với dòng sông). Sau 1975, hình ảnh sông nước Nam Bộ còn đi vào nhiều ca khúc nổi tiếng khác, thể hiện vẻ đẹp quê hương trong một thời kì mới, một trang sử mới: Đời vui nước trôi ngược dòng/ Tình phù sa tuy đục mà trong/ Trông con nước nó trôi lạnh lùng/ Thương ôi chín nhánh sông quê mình/ Cần Thơ gạo trắng nước trong là đây (Đàn sáo Hậu Giang - nhạc và lời: Trần Long Ẩn), Chiếc áo bà ba trên dòng sông xanh thẳm/ Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ giữa mênh mông/ Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ/ Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời (Chiếc áo bà ba - nhạc và lời: Trần Thiện Thanh).
4. Ngoài những dòng sông của đời thực, gắn với những cái tên cụ thể, thơ và nhạc Việt còn có những dòng sông của tâm tưởng, của triết học. Nhà thơ Nguyễn Thành Phong từ một dòng sông Hồng của đời thực đã gửi gắm vào đó bao trăn trở suy tư về thời cuộc, về số phận, về trách nhiệm và sự lựa chọn của mỗi cá nhân trong dòng chảy bất tận của lịch sử: Đêm ta ngồi giữa ba dòng sông sâu/ Nghe nước thở mấy ngàn năm vẫn thở/ Nghe nước kể chuyện những đời người/ Cay đắng và vinh quang/ Kiếp sống nhọc nhằn lòng cứ thắm tươi/ Ban mai mờ ảo góc trời/ Đàn vờ giao hoan rồi lao thân xuống nước/ Cái chết mãn nguyện phủ trắng mặt sông nâu/ Một kiếp sống chỉ tính bằng chớp mắt/ Cùng lộng lẫy huy hoàng trời đất giao nhau (Đêm ngồi ngã ba sông). Và còn biết bao dòng sông nữa của những buồn vui trong hồn người: Mây chết đuối ở dòng sông vắng lặng/ Trôi thây xa về tận cõi vô biên (Hàn Mặc Tử), Sông chảy dài như oan hồn (Lãng Thanh), Chiều mưa có một người con gái nhớ quê xa vời vợi/ Dòng sông giấc mơ xưa một thời thiếu nữ buồn trôi (Tóc gió thôi bay - nhạc và lời: Trần Tiến), Dòng sông trước kia tôi về/ Bỗng giờ đây đã khô không ngờ (Lời thiên thu gọi - Trịnh Công Sơn), Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ/ Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa (Tình xa - Trịnh Công Sơn). Dòng sông gắn với cả hình bóng của những người thân yêu trong gia đình, có khi chẳng còn bao giờ gặp lại: Lá ngô lay ở bờ sông/ Bờ sông vẫn gió người không thấy về (Bờ sông vẫn gió - Trúc Thông), Nhà tôi bên bến sông có chiếc cầu nhỏ cong cong/ Hàng cau dưới nắng trong lá trầu không/ Chị tôi trông dễ thương bán rau chợ Cầu Đông í a/ Chị tôi chưa lấy chồng (Chị tôi - nhạc và lời: Trần Tiến).
Đời sống với bao bộn bề cứ trôi đi và các dòng sông vẫn miệt mài bền bỉ chảy. Thi ca và âm nhạc nói về dòng sông mà thực chất cũng là để nói về số phận con người, số phận dân tộc với bao thăng trầm lịch sử. Sự trở về bên những dòng sông đôi khi sẽ là liều thuốc tinh thần quý giá, gột rửa cho ta bao nỗi muộn phiền. Dòng sông sẽ đưa ta trở về những trong trẻo yên bình với bao mộng mơ của một thời thơ ấu: Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình/ Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ/ Con sông tôi tắm mát, con sông tôi đã hát/ Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà/ Sông cũng như người ấy, có khi vui buồn có khi hờn ghen, chỉ tình yêu tuổi thơ mới thấy/ Ôi những con thuyền giấy, tháng năm tuổi thơ đã đi về đâu, để mình tôi nhớ nhung bây giờ (Trở về dòng sông tuổi thơ - nhạc và lời: Hoàng Hiệp).
Đ.A.V
VNQD