. NGUYỄN HÀ THANH
Đây là cách giải thích tình hình cách mạng thế giới và nước ta qua một vài hình ảnh cụ thể: “Người lấy cái thúng và lấy cái đèn dầu để nói về hoàn cảnh tối tăm của đất nước ta hiện nay. Người ví cái thúng là quả đất, cái đèn là mặt trời. Người đặt cái đèn vào phía bên kia cái thúng và nói: bây giờ phía bên chúng ta mặt trời còn khuất, tổ chức còn chìm ngập trong bóng đêm của chủ nghĩa đế quốc. Nhưng chẳng bao lâu nữa (Người chuyển cái đèn sang phía bên này thúng) mặt trời sẽ về với đất nước Việt Nam ta, chúng ta sẽ chấm dứt cảnh tối tăm khổ cực”[1]. Có thể nói không có tầm trí kiệt xuất, thiên tài không thể có những cách giải thích về cả một thời cuộc chính trị cực kỳ giản dị, dễ hiểu mà sâu sắc như vậy!
Là nhà quân sự thiên tài, Hồ Chí Minh có khả năng mô tả một trận chiến lớn trong một vài hình ảnh nhỏ. Tháng 4-1954 tại Việt Bắc, tiếp nhà báo Úc Bơcsét. Mô tả vị trí Điện Biên Phủ, “Người lật ngửa chiếc mũ cát trên chiếc bàn tre, đưa mấy ngón tay vòng quanh mũ, giải thích: đây là rừng núi, nơi có lực lượng của chúng tôi. Rồi Người nắm tay lại, đấm vào lòng mũ và nói tiếp: còn đây là quân Pháp. Họ không thoát khỏi chỗ này được”[2]. Ngày 8-10-1947 Người viết thư cho bộ đội và nhân dân sau khi nghe tin Pháp tấn công Việt Bắc, đại ý “ý đồ của địch là muốn hội quân ở Bắc Cạn, tạo thành một cái ô bọc lấy Việt Bắc rồi khép chặt vòng vây, dưới đánh lên, trên đánh xuống, để tiêu diệt chủ lực ta và phá cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Người chỉ rõ: chúng mạnh về hai gọng kìm. Gọng kìm mà gãy thì cái ô cụp xuống sẽ thành ô rách” [3]. Cách diễn đạt này không phải ai cũng có được. Phải là người hiểu biết sâu sắc ý đồ đối phương, nắm rõ địa hình Việt bắc, và đặc biệt là sự liên tưởng, liên tưởng thế trận của giặc như là cái ô. Nếu ta bẽ gãy gọng ô thì thế địch tự tan. Đúng là sự vĩ đại luôn đi đôi với sự giản dị!
Cũng với hình ảnh ngụ ngôn này, một lần khác Bác nhắc lại. Câu chuyện do đồng chí Triệu Hồng Thắng kể. Pháp nhảy dù xuống Việt Bắc. Nhiều người hỏi về tình hình, Bác nói: “Cái ô mạnh ở những cái gọng, gọng mà gãy thì cái ô sẽ cụp xuống. Chỉ tiếc là ta chưa đủ lực lượng để thò tay vào bấm chốt trong ô nên Bác cháu ta phải vất vả một thời gian nữa. Ta trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi”[4]. Hai chữ “chỉ tiếc” cho thấy một tình huống chiến lược mà mệnh đề sau Bác nói rõ là “chưa đủ lực lượng để thò tay vào bấm chốt trong ô”. Còn là một chân lý: với bất cứ ai, bất cứ đội quân nào, khi đã mạnh, đã đủ thế lực thì làm việc gì cũng nhẹ nhàng, như việc “thò tay vào bấm chốt trong ô” vậy!
Quan điểm của Hồ Chí Minh về phê bình là biện chứng, hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển và quy luật vận động của sự vật: “Đá đi lâu cũng mòn. Sắt mài lâu cũng sắc. Ta cố gắng sửa chữa thì khuyết điểm ngày càng bớt, ưu điểm ngày càng thêm…?”[5]. Bài thơ Nghe tiếng giã gạo là một ngụ ngôn hoàn chỉnh: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công”[6]. Hai câu đầu là câu chuyện giã gạo: để có gạo trắng thì phải đem vào giã chịu “bao đau đớn”. Hai câu sau là “lời quy châm” bài học về rèn luyện: con người ta muốn thành công phải trải qua gian nan thử thách
Quan niệm nhất quán, xuyên suốt của Bác Hồ là phải tạo ra sự đoàn kết mới có thể làm cách mạng thành công. Người từng chỉ trích: “Dân thường chia rẽ phái này bọn kia, như dân ta người Nam thì nghi người Trung, người Trung thì khinh người Bắc, nên nỗi yếu sức đi, như đũa mỗi chiếc mỗi nơi. Vậy nên sức cách mệnh phải tập trung, muốn tập trung phải có đảng cách mệnh”[7]. Biểu tượng chiếc đũa yếu ớt làm người ta liên tưởng đến “bó đũa” mạnh mẽ. Chỉ có thể đoàn kết như bó đũa mới tạo nên sức mạnh. Còn nếu “khinh nhau” thì mỗi người sẽ như những chiếc đũa kia, rời rạc, yếu đuối, nhỏ nhoi và bất lực. Với người Việt thì đôi đũa có ở bất cứ nhà nào, thân thuộc với bất cứ ai. Thân quen đến mức người ta lấy đó để chỉ phong cách làm việc “Làm việc ra đầu ra đũa”, “Làm đến đầu đến đũa”; cho quan hệ “Giúp lời chứ không ai giúp của, giúp đũa chứ không ai giúp cơm”. Trong ứng xử nhân thế thì đánh giá con người cần chín chắn, đừng hồ đồ theo kiểu thiếu cân nhắc, không phân biệt hay dở đúng sai mà “Vơ đũa cả nắm”. Có lẽ xin kể về một ngụ ngôn cổ của người Việt để thấy Bác Hồ kế thừa truyền thống thật sâu sắc. Truyện kể, có một ông già sinh được bốn người con trai. Một hôm, ông để một bó đũa và một túi tiền rồi gọi các con đến bảo: “Các con, ai bẻ gãy bó đũa này cha sẽ thưởng cho túi tiền”. Bốn người con tranh nhau bẻ nhưng không sao bẻ nổi. Lúc ấy, người cha nhẹ nhàng rút ra từng chiếc rồi bẻ gãy một cách dễ dàng. Ông bảo: “Các con! Bị chia ra thì cái gì cũng yếu, nhưng khi hợp lại thì yếu cũng thành mạnh. Các con phải yêu thương, giúp đỡ đoàn kết lẫn nhau mới có sức mạnh”. Bốn đứa con chỉ còn biết cách khóc thầm trong nỗi ân hận và kính sợ. Ân hận vì họ từng không thương yêu nhau. Kính sợ người cha sâu sắc, thâm thúy...
Xin thêm một dẫn chứng nữa của Bác về cách dùng hình ảnh quen thuộc mà nói được ý tứ lớn lao: “Sông to, biển rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn, thì một chút nước cũng tràn đầy, vì độ lượng nó hẹp nhỏ. Người mà tự kiêu, tự mãn, cũng như cái chén, cái đĩa cạn”[8]. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn là những sự vật thông thường được nâng lên thành biểu tượng cho sự nông cạn, hẹp hòi. Tất cả đối lập triệt để với “sông to, biển rộng” là biểu tượng cho sự hào phóng, độ lượng. Hai câu trên như hai cạnh của tam giác dồn vào câu thứ ba là đỉnh của tam giác lập luận: “Người mà tự kiêu, tự mãn, cũng như cái chén, cái đĩa cạn”. Bật ra một chân lý: con người ta phải khiêm tốn học hỏi, vì cuộc đời mênh mông, bể học vô cùng. Nếu không sẽ thảm hại như “cái chén nhỏ, cái đĩa cạn” mà thôi.
Về quan hệ giữa chuyên chính và dân chủ, ở ngày hôm nay chúng ta vẫn cần khắc sâu câu chuyện này của Bác Hồ vào thời điểm miền Bắc vừa giải phóng.
“Bác nghiêng người hỏi một vị trí thức đã ngoại sáu mươi tuổi ngồi ở hàng ghé đầu:
- Xin lỗi ông… ở nhà ông có vali không ạ?
Vị trí thức tên là Phạm Đình Biều, một kỹ sư nổi tiếng, Giám đốc Sở Giao thông công chính Hà Nội thời tạm chiếm, đứng dậy, vẻ bối rối. Mọi người cũng bối rối… Ông Phạm Biều lúng túng thưa:
- Dạ Thưa Bác… nhà cháu có vali ạ!
Bác bước đến gần hơn, giọng thân mật:
- Tôi hơn tuổi ông không đáng kể. Chúng ta là anh em… Ông đừng xưng cháu với tôi.
Bác hỏi tiếp:
- Ông dùng vali để làm gì ạ?
Ông Biều lại luống cuống hơn, hai bàn tay đưa đi đưa lại trên mặt bàn một cách ngượng nghịu:
- Thưa Bác, cháu, tôi… tôi dùng vali để đựng các đồ quý của gia đình.
- Có khoá không ạ?
- Thưa Bác có ạ!
- Vì sao phải khoá?
- Thưa Bác để đề phòng kẻ trộm ạ!
Bác cười thoải mái, mắt hiền từ nhìn xuống khắp hội trường, nói:
Các vị đã rõ cả rồi chứ? Vì còn có kẻ ăn cắp, ăn trộm, cho nên chúng ta phải dùng vali để đựng của quý và khoá lại. Vậy thì, vali là dân chủ, khoá là chuyên chính. Dùng chuyên chính mà bảo vệ dân chủ. Dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ thù hiểm ác…”[9]
Chính vì quý dân trọng dân nên Bác Hồ rất quan tâm đến vấn đề dân chủ. Diễn đạt vấn đề vì gữi gìn dân chủ nên phải có chuyên chính, Người có ngụ ngôn: “Như cái hòm đựng của cải thì phải có cái khoá. Nhà thì phải có cửa. Khoá và cửa cốt đề phòng kẻ gian ăn trộm. Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khoá, cái cửa để đề phòng kẻ phá hoại, nếu hòm không có khoá, nhà không có cửa thì sẽ mất cắp hết. Cho nên có cửa phải có khoá, có nhà phải có cửa. Thế thì dân chủ cũng cần phải có chuyên chính để giữ gìn lấy dân chủ”[10]. Cái cửa, cái khóa chỉ là vật rất quen thuộc, bình thường nhưng lại được dùng thành một biểu tượng rất sinh động, cụ thể, dễ hiểu mà ý nghĩa: Cái cửa/cái khóa chuyên chính. Ở một trường hợp khác, Bác Hồ lại ví “dân chủ” là “chìa khóa” nhấn mạnh vai trò then chốt của vấn đề: “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”[11].
Một đặc điểm rất riêng của tính cách Hồ Chí Minh là rất giàu có niềm tin. Niềm tin như là cái chìa khóa để Người giải quyết những khó khăn, như ở câu nói này khi Người nói chuyện với cán bộ: “Tin tưởng vào lực lượng vô cùng to lớn của giai cấp, của nhân dân. Tin tưởng vào tương lai vẻ vang của dân tộc, của thế giới lao động. Tin tưởng vào kháng chiến nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ gian khổ, tự lực cánh sinh. Tin tưởng vào chính sách đúng đắn và lãnh đạo sáng suốt của Đảng và của Chính phủ ta. Tin tưởng vào mình cố gắng thì nhất định thành công. Nắm vững tinh thần ấy, thấm nhuần tinh thần ấy, là cái chìa khóa để hiểu và để giải quyết các vấn đề”[12]. Đoạn văn có 5 câu kết cấu đẳng lập với hai chữ “tin tưởng” ở đầu câu nhấn mạnh. Tất cả dồn tụ quy nạp khái quát vào ba chữ “cái chìa khóa” ở câu cuối cùng. Cái chìa khóa niềm tin bằng vàng ấy mở ra 5 luồng ánh sáng soi đường cho chúng ta đi tiếp con đường chủ nghĩa xã hội!
Một đặc điểm của vĩ nhân: dùng những sự vật, hình tượng quen thuộc, giản dị nhất để nói một cách dễ hiểu, ngắn gọn những vấn đề to lớn, trừu tượng nhất. Bác Hồ của chúng ta là người như vậy!
N.H.T
[1]Nhiều tác giả - Bác Hồ, Hội văn nghệ Cao Bằng 1990, tr 143.
[2]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 5. Nxb Chính trị Quốc gia 2006, tr 445.
[3]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 4. Sđd, tr 129
[4]Nhiều tác giả - Avoóc Hồ (tập hồi ký) – Nxb Văn hoá Dân tộc, 1977, tr 109.
[5]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 302.
[6]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3. Sđd, tr 382.
[7]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2. Sđd, tr 289.
[8]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6. Sđd, tr 130.
[9]Sơn Tùng - Bác ở nơi đây - Nxb Thanh Niên, 2008, tr 167.
[10]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10. Sđd, tr 457.
[11]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15. Sđd, tr.325.
[12]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8. Sđd, tr 296.
VNQD