. NGUYỄN THỊ TUYẾT THU
Giải thích vì sao cán bộ chúng ta sau ngày cách mạng thành công còn yếu về năng lực cả về lý luận lẫn thực tế, Bác Hồ cũng dùng ngụ ngôn: “Từ Cách mạng Tháng Tám thành công, chúng ta mới thoát khỏi vòng tối tăm bước lên đường sáng sủa. Nhưng, từ chỗ tối bước sang chỗ sáng không khỏi có người hoa mắt, choáng váng. Từ địa vị nô lệ bước lên địa vị chủ nhân không khỏi có người chưa quen gánh vác, chưa hiểu mình là người chủ gánh vác trách nhiệm, thiếu lòng tự tin. Vả lại cho đến nay sự giáo dục của Đảng và Chính phủ còn nhiều thiếu sót. Vì những lẽ đó mà cán bộ còn mắc nhiều khuyết điểm”[1]. Khó có cách diễn đạt nào ấn tượng hơn: “chỗ tối” chỉ cuộc sống cũ bần cùng lạc hậu; “chỗ sáng” là cuộc sống tự do; “hoa mắt, choáng váng” thì đúng với cả nghĩa sinh học và nghĩa tâm lý. Xác định như thế nên Người dạy cán bộ phải ra sức học tập lý luận: “Đã lựa chọn đúng cán bộ còn cần phải dạy bảo lý luận cho cán bộ. Chỉ thực hành mà không có lý luận cũng như có một mắt sáng, một mắt mù”[2]. Trong sách Sửa đổi lối làm việc (viết xong tháng 10-1947), Người cũng dùng một ngụ ngôn tương tự: “Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”[3]. Như vậy Người quan niệm thực hành và lý luận như hai con mắt của người cán bộ mà bổn phận của họ là phải luôn giữ cho cả hai con mắt ấy sáng.
Quan niệm biện chứng của Hồ Chí Minh về quan hệ của hai vấn đề này là: “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên”[4].
Như thế lý luận phải được thực hành trong thực tiễn mới có giá trị, còn xa đời sống sẽ vô ích hoặc kém giá trị. Vậy học lý luận ở đâu, ở sách báo, mà đặc biệt là báo Đảng: “Nếu cứ cắm đầu làm việc, mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng, thì khác nào nhắm mắt đi đêm; nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc”[5]. Đêm đã tối, lại còn nhắm mắt mà đi tất sẽ ngã hoặc lạc đường, tức là hành động vô lý, không mục đích. Qua ngụ ngôn này người đọc có thể hiểu ngược lại: báo Đảng như ánh sáng soi đường nên muốn hành động tất phải đọc báo Đảng.
Gắn bó, sâu sát với thực tiễn, trưởng thành từ thực tiễn, Bác quan niệm thước đo để đánh giá cán bộ là qua công việc: “Theo Bác, hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin tức là cách mạng phân công cho việc gì, làm Chủ tịch nước hay nấu ăn, đều phải làm tròn nhiệm vụ. Không nên đào tạo ra những con người thuộc sách làu làu, cụ Mác nói thế này, cụ Lênin nói thế kia, nhưng nhiệm vụ của mình được giao quét nhà lại để cho nhà đầy rác”[6]. Tư tưởng biện chứng Hồ Chí Minh là tư tưởng xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm gốc, từ thực tiễn đúc rút thành lý luận để trở lại soi sáng thực tiễn: “Muốn hiểu biết một việc gì, một vật gì, thì phải tham gia vào cuộc đấu tranh và biến đổi của việc ấy, vật ấy. Có như thế mới thấy được hiện tượng của nó, và tiến tới hiểu biết bản chất của nó. Đó là con đường thực tế, ai muốn hiểu biết cũng phải trải qua…
Muốn biết mùi quả cam, phải bổ quả cam mà nếm. Muốn biết tính chất quả cam thế nào thì phải dùng vật lý học và hoá học mà xét, rồi mới có thể thay đổi tính chất của quả cam. Muốn hiểu biết lý luận và phương pháp cách mạng, phải thực hành tham gia cách mạng.
Cho nên, nói chung, sự hiểu biết nào cũng không thể tách rời kinh nghiệm trực tiếp. “Không vào hang, không bắt được cọp”. Câu tục ngữ ấy là một sự thật cho thực hành, cũng là một sự thật cho hiểu biết. Không thực hành thì nhất định không thể hiểu biết”[7]. Đấy là cách diễn đạt ai cũng hiểu được bởi không có gì cao xa mà gần gũi, ở ngay chính đời sống. Bác Hồ không giảng dạy chủ nghĩa duy vật với thuyết lý xa xôi mà dùng ngụ ngôn hết sức cụ thể, giản dị. Một thứ giản dị đã vượt qua bao lý thuyết giáo điều: “Chỉ do thực hành, người ta mới hiểu biết; chỉ do tiếp xúc với sự vật khách quan, người ta mới có kinh nghiệm, cảm giác. Nếu nhắm mắt, bịt tai, không nghe, không thấy sự vật khách quan bên ngoài thì làm gì có hiểu biết. Kinh nghiệm là bước đầu tiên của hiểu biết. Đó là hiểu biết theo chủ nghĩa duy vật”[8].
Từ quan niệm lý luận và phương pháp cách mạng phải gắn bó, kiểm chứng bằng thực hành, tư tưởng Hồ Chí Minh coi trọng bản chất, hiệu quả công việc. Ngay từ tháng 3 năm 1947 trong Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ, Người phê bình những công việc phô trương sẽ dẫn đến chẳng việc gì ra việc gì: “Việc gì cũng không xét đến kết quả thiết thực, cần kíp, chỉ nhằm về hình thức bề ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai. Thí dụ: ngày nay tập quân sự, cốt là biết bắn súng, dùng dao, ném lựu đạn, dùng địa thế, khéo mò đêm, khéo trinh thám, nói tóm lại, cốt tập cho mọi người biết đánh du kích. Thế mà có nhiều nơi chỉ để thì giờ tập “một hai, một hai”. Thế thì khác gì tập lễ nhạc để đi chữa cháy”[9]. Một ngụ ngôn đích đáng: việc “lễ nhạc” và “chữa cháy” hoàn toàn khác nhau nhưng người ta lại coi là giống nhau để “tập” thì hết sức nguy hiểm, có hại.
Là người chèo lái con thuyền cách mạng Bác Hồ thấu hiểu muôn vàn mọi khó khăn sẽ gặp trên biển cả cuộc đời mênh mông. Người yêu cầu cán bộ đảng viên rèn luyện bản lĩnh vững vàng thì mới có thể đóng vai trò lãnh đạo trong cuộc đấu tranh chống lại giai cấp bóc lột cũng như chống lại tư tưởng thoả hiệp. Người nói một cách hình tượng qua ngụ ngôn: “Một người đứng trong xã hội không thể ngoài giai cấp, “siêu giai cấp” được. Đứng ngoài tức là bị kẹp, như:
- Cây mía giữa máy ép.
- Ngồi giữa hai ghế thì nhất định sẽ ngã.
Chỉ có thể đứng về một phe thôi. Đứng chỗ nào là phải đứng cho vững, đứng chông chênh trong khi xã hội có giai cấp đương biến chuyển mạnh là bị đè bẹp, sẽ bị rời ra mất... Xã hội bây giờ ngày một phát triển. Tư tưởng hành động cũng phát triển. Nếu cứ giữ lấy cái kẹp giấy cũ không thay đổi là không đi đến đâu cả”[10]. Người chỉ ra các căn bệnh còn rơi rớt do bị kìm kẹp quá lâu trong tư tưởng, quan niệm của xã hội làm thuê “ăn cơm chúa múa tối ngày”[11], quen làm cho người khác chứ chưa có suy nghĩ là làm việc cho mình, cho giai cấp mình, nói khác đi là chưa có ý thức làm chủ chính ngay cả bản thân mình. Do vậy có cán bộ “đứng núi này trông núi nọ” suy nghĩ thiệt hơn sao có lợi cho mình. Những trường hợp này Bác cũng có ngụ ngôn giải thích: “Ví như một cái cây trồng chỗ này một thời gian, lại nhổ đi trồng chỗ khác thì cây không thể mọc tốt được. Cán bộ cũng vậy, đứng núi này trông núi nọ thì làm việc gì cũng không đạt được kết quả. Phải nhớ rằng lao động, bất cứ lao động gì mà có ích lợi cho nhân dân, cho xã hội đều là vinh quang”[12]. Lại có loại cán bộ quan liêu, thiếu thực tế sa vào bệnh cửa quyền: “Thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều. Ngồi một nơi chỉ tay năm ngón không chịu xuống địa phương kiểm tra công tác và để chỉ vạch những kế hoạch thi hành chỉ thị, nghị quyết của Đoàn thể cho chu đáo”[13].
Hơn ai hết, với tầm nhìn chiến lược mà tinh tế, cụ thể, ngay từ khi mới bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp Bác Hồ đã yêu cầu “phải quân sự hoá” để thống nhất tư tưởng, hành động trong toàn đảng: “Đoàn thể phải quân sự hoá, tư tưởng và hành động phải tuyệt đối nhất trí. Đoàn thể là đạo quân tiên phong. Nếu lúc xung phong mà người nói thế này, kẻ nói thế kia, kèn thổi ngược, trống đánh xuôi thì còn mong gì thắng trận”[14].
Là người lãnh đạo cao nhất, là người chủ quán xuyến mọi công việc của đại gia đình cách mạng, Bác Hồ từng chỉ ra các nguy cơ dẫn đến sự thoái hóa, biến chất của đảng cầm quyền: sai lầm về đường lối; chủ nghĩa cá nhân; quan liêu, xa rời quần chúng. Soi vào ngày hôm nay khi cả nhân loại bước vào ngưỡng cửa cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, có thể rút ra những bài học sau:
Một là, xây dựng Đảng ta vững vàng hơn nữa về Chủ nghĩa Mác – Lênin. Hiện nay ở phương Tây đang có trào lưu nghiên cứu về Mác. Bộ Tư bản của Mác là một trong những cuốn sách bán chạy nhất, được đọc nhiều nhất vì độc giả tìm thấy ở đó những ánh sáng mới mẻ giúp cho hôm nay về hoạch định chiến lược, sách lược một cách thực tế, hiệu quả hơn. Càng ngày thực tế càng chứng minh sức sống của Chủ nghĩa Mác, vấn đề ở chỗ người ta vận dụng có sáng tạo hay không trong các điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Do vậy phải quán triệt một cách sâu sắc hơn nữa việc cán bộ, đảng viên lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hành động.
Hai là, xây dựng Đảng thực sự lớn mạnh về trí tuệ để ngang tầm với nhiệm vụ lịch sử mới, thời đại mới. Nhân loại bước vào ngôi nhà cách mạng công nghiệp với những điều kiện hết sức mới mẻ, thậm chí lạ lẫm. Chưa bao giờ sự hiểu biết đòi hỏi cao như bây giờ. Trong các cơ sở của đối thoại toàn cầu hóa thì yếu tố đầu tiên được đặt ra là tri thức hiểu biết vì đơn giản theo lẽ thông thường có thấu hiểu về nhau mới thấu cảm được nhau, từ đó mới có thể đối thoại, mới có thể chia sẻ, hợp tác... Không đủ ngoại ngữ, không chắc chuyên môn, không hiểu về công nghệ mới... sao có thể giao tiếp thông thường được. Là người cầm quyền, tất nhiên phải có hiểu biết để lãnh đạo. Hơn những người khác, là cán bộ, đảng viên càng phải trau dồi học vấn, nâng cao trình độ mới có thể đáp ứng được tầm nhiệm vụ ngày một nặng nề, phức tạp.
Ba là, đúng với sự lo lắng của V.I. Lênin là sau khi có chính quyền thì cái còn thiếu của người Cộng sản là “trình độ văn hóa của người cộng sản cầm quyền”. Sự “lo lắng” này mang tính phổ quát cho muôn thời, mọi nơi, mọi lúc vì “trình độ văn hóa” thể hiện chất Người rõ nhất. Ngoài việc nâng cao trình độ (tài năng), cán bộ đảng viên phải luôn tự giáo dục, tự bồi dưỡng về đạo đức cách mạng. Phải kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân rất xấu, ích kỷ, vơ vét, thu vén cho riêng mình. Khi cả nước căng mình chống dịch thì một ít cán bộ lại “lạm thu”, “xà xẻo”, “bớt xén”, thậm chí lừa dối... Tham ô, tham nhũng là đáng trách nhưng làm điều dơ bẩn ấy trong hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng” thì đáng lên án hơn nhiều. “Con sâu làm rầu nồi canh”. Họ không chỉ phản bội lại lý tưởng hy sinh vì nước vì dân mà còn đi ngược lại với đạo lý truyền thống. Không xứng với danh hiệu đảng viên đã đành, còn không xứng với lẽ sống người Việt!
Tại sao lại có những cá nhân đáng xấu hổ như vậy? Có một nguyên nhân là tổ chức Đảng ở đó còn yếu. Thế nên càng phải ra sức nâng cao tinh thần phê bình và tự phê bình. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì ai cũng có sai lầm nên phải có dũng cảm nhận sai lầm và quyết tâm sửa chữa. Đảng cũng có sai lầm, “một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng” nên phải “có gan thừa nhận khuyết điểm...rồi tìm mọi cách để sửa chữa...”. Đảng là tấm gương cho mọi tầng lớp noi theo. Mỗi cán bộ đảng viên là một tấm gương để người dân noi theo. “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn”. Có vậy mới xứng danh lãnh đạo, mới xứng đáng “đày tớ” của dân, “công bộc” cho dân!
Bốn là, sức mạnh nội sinh của một tổ chức quyết định sự tồn vong và phát triển của tổ chức ấy. Một đảng mạnh là một đảng thống nhất cao về mục đích tôn chỉ, về nguyên tắc tổ chức. Cần quán triệt sâu sắc và triệt để hơn nữa nguyên tắc tập trung dân chủ. Lịch sử cách mạng nước ta chứng minh chân lý sinh động lời Bác Hồ “Đảng ta tuy nhiều người nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”. Nhờ nguyên tắc tập trung dân chủ Đảng ta đã thống nhất thành một khối, đoàn kết chặt chẽ, muôn người như một để lãnh đạo cách mạng thắng lợi. Trong tình hình thế giới diễn biến mong manh và khó lường hôm nay Đảng càng phải phát huy cao nhất nguyên tắc này để tổng hợp sức mạnh.
Năm là, dưới sự lãnh đạo của Đảng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân để vượt qua mọi khó khắn, thách thức. Thực tế đã chứng minh chỉ khi Đảng ta phát huy một cách cao nhất sức mạnh tổng hợp này mới có thể đi đến mọi thắng lợi. Cũng là lẽ tự nhiên, Đảng cầm quyền đúng đắn, trong sáng, vì dân thì dân ủng hộ, dân nghe theo, làm theo! Như biển cả mênh mông, vĩ đại là nhờ có bao sông suối đổ về. Lại là nơi hợp nguồn nên biển càng mạnh mẽ, bao dung, phóng khoáng hơn!
N.T.T.T
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8. Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr 144.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 315.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 274.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 275.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8. Sđd, tr 514.
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15. Sđd, tr 668.
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr 125.
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr 126.
[9] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 89.
[10] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8. Sđd, tr 55.
[11] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8. Sđd, tr 55.
[12] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10. Sđd, tr 334.
[13] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 89.
[14] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 91.
VNQD