. PHẠM MINH QUÂN
Mùa xuân là mùa trở xanh của cây đời, mùa báo hiệu cuộc đời mới (la vita nuova, mượn chữ của Dante). Bản thân mùa xuân mang nhiều ý nghĩa trong thế giới nghệ thuật: sự đổi mới, tái sinh, màu mỡ, sự thuần khiết, tuổi trẻ, cái đẹp, tình yêu, và thậm chí là cả sự phù phiếm. Vậy nên, xuân thì thầm rót mật cảm hứng vào tai người nghệ sĩ, để hiệu triệu cái đẹp trong ngôn từ, màu sắc và giai điệu.
Bức họa Primavera của Sandro Botticelli
Từ thuở xa xưa các nghệ sĩ đã ngưỡng mộ vẻ đẹp, sự tươi trẻ và sức mạnh của mùa xuân dịu dàng. Xuân thường được hình dung như những phụ nữ trẻ phồn thực hoặc được minh họa bằng bản chất tự nhiên hay các hoạt động xã hội theo mùa như lễ hội, carnival. Đối với các họa sĩ thời Trung cổ và Phục hưng, các tác phẩm của họ chào mừng mùa xuân đến và tâm trạng mà chúng gợi lên chủ yếu dựa vào thần thoại cũng như việc sử dụng các hình ảnh ngụ ngôn về các vị thần và nữ thần Hi Lạp và La Mã. Tiêu biểu nhất là tác phẩm Primavera (Mùa xuân) của danh họa Phục hưng Sandro Botticelli (1445 - 1510) sáng tác vào khoảng cuối thập niên 1470 đầu thập niên 1480. Bức họa, ngày nay thường được mệnh danh là “tác phẩm hội họa phương Tây phổ biến nhất, được bàn tán nhiều nhất và cũng gây tranh cãi nhất”, là một trong những câu chuyện phúng dụ khó nắm bắt và nổi tiếng nhất của lịch sử nghệ thuật về khắc họa mùa. Trong bức tranh, chín nhân vật thần thoại với Venus ở vị trí trung tâm hiển hiện trong một khu rừng sắc cam (liên quan đến nhà Medici, gia tộc thống trị thành Florence). Xung quanh họ, hàng trăm loại thực vật đua nhau khoe sắc. Bức tranh có vô số liên hệ đề cập đến thơ ca và văn học Cổ điển lẫn thời Phục hưng (Ovid, Lucretius, Poliziano và nhiều tác gia khác), nhưng không phản ánh một câu chuyện cụ thể nào. Ngoài chủ đề chủ đạo là tôn vinh mùa xuân, kiệt tác chứa đựng một hệ thống ngụ ngôn biểu tượng chồng chéo, mà cho tới tận ngày nay các nhà nghiên cứu nghệ thuật vẫn chưa thôi bàn thảo.
Càng ngày các nghệ sĩ càng quay lưng lại với thần thoại cổ điển trong việc miêu tả mùa xuân và vận dụng lối nhân hóa hiện đại về mùa tái sinh. Những hiện thân của mùa xuân thường được miêu tả là phụ nữ hoặc những người trẻ đang yêu. Trong kiệt tác mang tên Springtime (1872), danh họa Ấn tượng Claude Monet (1840 - 1926) đã chọn người vợ đầu của mình, Camille Doncieux, làm mẫu mặc váy trắng ngồi đọc sách dưới tán cây tử đinh hương, giữa một khu vườn xanh tươi. Những tia nắng mặt trời chiếu qua những tán cây, tạo ra những mảng sáng trên mặt đất và trên chiếc váy dạ hội của phu nhân Monet. Bức tranh thể hiện một hoạt cảnh yêu kiều mê hồn song rất đỗi dung dị của cuộc sống đời thường. Những yếu tố thường hiện của một bức tranh mùa xuân lí tưởng cũng tổng hòa ở đây: cảnh quan xanh, hoa cỏ và màu sắc tươi sáng tỏa rạng.
Bức họa Springtime của Claude Monet
Mùa xuân còn kết liên gần gũi với hình tượng người phụ nữ, đặc biệt thông qua xuân thì. Trong suốt thế kỉ XIX, vai trò của phụ nữ được xác định rõ hơn bao giờ hết bởi Bộ luật Napoléon, vốn dĩ đã tạo ra sự bất bình đẳng giới trong giai cấp tư sản. Giờ đây, vai trò của một người phụ nữ hoàn toàn bị giới hạn bên trong phạm vi gia đình. Nghĩa vụ phụ nữ là chăm sóc chồng và con, chồng của họ là đầu tiên và trên hết. Không chỉ vậy, phái yếu bị quan niệm là sở hữu “sức mạnh khiêu gợi sẽ làm xáo trộn không gian nam tính và lí trí”, vì vậy họ không còn được cho phép ăn mặc quyến rũ và làm nổi bật vẻ đẹp tự thân. Do đó, phụ nữ đương thời mặc những chiếc váy kín đáo, quần áo của họ thể hiện ý thức hệ này. Tuy vậy, hình tượng phụ nữ khỏa thân vẫn được hướng tới trong nghệ thuật, đặc biệt là trong phong trào Học viện chủ nghĩa (academicism) vốn khao khát nghiên cứu hình thức này. Mặc dù vậy, do tính chất bảo thủ hơn của thế kỉ XVIII, có một kì vọng cụ thể khi biểu kiến hình thể phụ nữ khỏa thân. Những kì vọng đó như sau: hình tượng phụ nữ thường sẽ tương đối có tuổi, họ là nữ thần hoặc những sinh vật thần thoại nào đó, và không được thể hiện một cách thô thiển trần trụi, trái lại phải toát lên sự gợi cảm trang nhã. Trong bối cảnh đó, tác phẩm Springtime (1873) của họa sĩ Pierre Auguste Cot (1837 - 1883) lại tạo ra một biệt lệ phá cách, với hình tượng cô gái vị thành niên trong lớp trang phục mỏng tang phô bày cơ thể ẩn hiện phía dưới. Song, dụng ý của họa sĩ không nhằm tới khiêu khích nhục cảm, điều ông muốn là tấn phong vẻ đẹp “xuân thì” căng tràn nhựa sống của phụ nữ, của tình yêu, của mùa xuân.
Chúng ta tạm biệt miền thị giác của hội họa đa sắc, để bước chân đến với địa hạt của giai điệu - âm nhạc. Nếu hội họa cho ta “thấy”, “nhìn” bằng những hình thức và màu sắc va đập, trực quan, trực diện, thì âm nhạc lại đưa ta phiêu cảm bằng tai, để nhắm mắt và hình dung một sinh quyển mùa xuân đang trải ra trong trí tưởng tượng bay bổng. Quang cảnh này là miên viễn vô bờ bến, không có sự hiện diện của đường chân trời giới hạn. Ta mặc sức mường tượng màu sắc bởi âm sắc, những chiều kích không gian và thời gian lần lượt qua cao độ và trường độ, vận tốc của gió và sóng nước bằng nhịp độ…
Nhà soạn nhạc người Ý
Antonio Vivaldi
Trứ danh nhất kể đến là La primavera (Mùa xuân), một trong bốn bản concerto thuộc tổ khúc Le quattro stagioni (Bốn mùa) của nhà soạn nhạc Ý Antonio Vivaldi (1678 - 1741), mà ngày nay giai điệu của nó đã đi vào kinh điển. Vivaldi không chỉ là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất thời kì Baroque, mà ông còn là một người chơi vĩ cầm cự phách và đồng thời là một nhà tổ chức kì tài. Bốn mùa được sáng tác vào khoảng 1718 - 1720 và trở thành tác phẩm nổi tiếng nhất của Vivaldi. Với Mùa xuân, Vivaldi tạo ra một cuộc cách mạng trong biểu đạt âm nhạc: tái hiện những thanh âm của tự nhiên thông qua vĩ cầm và bộ dây. Mùa xuân chào đón thính giả bằng tiếng chim hót hân hoan, tiếng róc rách chảy của con suối mùa xuân, rồi đột ngột mây đen và sấm chớp kéo đến báo hiệu cho cơn bão, được biểu thị bằng tiếng réo rắt và nhịp độ nhanh của vĩ cầm, và cuối cùng cũng trời quang mây tạnh, bừng lên một hình ảnh mùa xuân với nắng chan hòa và đồng cỏ trăm hoa đua sắc. Mỗi bản concerto lại có một bài thơ sonnet diễn giải kèm theo, mà người ta đồ rằng đó cũng là thi phẩm do Vivaldi sáng tác.
Ta thường biết đến Ludwig van Beethoven (1770 - 1827) nhiều hơn qua những kiệt tác dữ dội, da diết, bi thương và hùng tráng, như một sự phản chiếu cá tính sáng tạo và cuộc đời của ông. Tuy nhiều bi kịch cá nhân, nhưng Beethoven cũng có một giai phẩm tươi vui, hi vọng về mùa xuân gợi lên nhiều sự tò mò. Mùa xuân hiện ra thế nào trong cái nhìn thế giới của Beethoven? Công bố vào năm 1801, bản Sonata số 5 viết cho vĩ cầm của Beethoven thường được gọi là Bản tình ca mùa xuân (Fruhlingssonate). Đây là một bản sonata đậm chất Beethoven, tinh túy điêu luyện trong kĩ thuật và sự thanh lịch giản đơn, muốn đoạn tuyệt, phá vỡ những khuôn mẫu xưa cũ của thời kì Cổ điển để đến với cách tân. Sự hoa mĩ, trữ tình bay bổng, tương phản với tiếng đệm piano rộn ràng, réo rắt, chắc chắn đã khiến bản sonata được chế tác tuyệt đẹp này khắc sâu trong ấn tượng của người nghe.
Robert Schumann (1810 - 1856) không những là một người đa mang, ông thậm chí còn đa đoan. Ngoài sáng tác nhạc, ông chơi piano và viết phê bình âm nhạc. Cuối đời Schumann phải vật lộn với những bệnh chứng rối loạn tâm thần, căn bệnh trầm uất, rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt, đan xen giữa những thị kiến thiên thần và quỷ dữ. Mùa xuân là nhan đề bản Giao hưởng số 1 của Schumann, và cũng là bản giao hưởng đầu tiên ông sáng tác sau các tác phẩm dành cho piano và ca khúc. Bản giao hưởng hân hoan này được cho là lấy cảm hứng từ hai câu thơ của thi sĩ Đức Adolf Bottger: O wende, wende deinen Lauf/ Im Thale bluht der Fruhling auf (Hãy quay lại và chuyển hướng/ Mùa xuân đang nở trên thung lũng), cùng tình yêu viên mãn với người vợ Clara đã chắp cánh cho một giai đoạn sáng tạo mãnh liệt. Một chương đầu tiên sôi nổi, bận rộn trải ra, tiếp theo là một chương thứ hai bay bổng, trữ tình, lả lơi, giống như một điệu nhảy khiêu vũ, trước một hồi kết sôi động, khải hoàn. Trong một lá thư gửi tới đồng nghiệp Wilhelm Taubert, Schumann viết: “Anh có thể thổi một chút khao khát mùa xuân vào dàn nhạc của mình khi họ chơi không? Đó là điều đọng lại nhiều nhất trong tâm trí tôi khi tôi viết [bản giao hưởng] vào tháng giêng năm 1841. Tôi thích tiếng kèn trumpet đầu tiên vang lên như thể nó phát ra từ trên cao, giống như một lời kêu gọi thức tỉnh. Tiếp tục trong phần mở đầu, tôi muốn âm nhạc gợi ra thế giới đang chuyển sang màu xanh lá cây, có lẽ với một chú bướm bay lượn trên không, và sau đó, trong Allegro, để cho thấy mọi thứ liên quan đến mùa xuân đang trở nên sống động như thế nào... Những điều này, tuy nhiên, đó là những ý tưởng chỉ xuất hiện trong đầu tôi sau khi tôi hoàn thành tác phẩm” (dẫn từ Keller, James M, “Schumann: Symphony No. 1 in B-flat major, Opus 38, Spring”, San Francisco Symphony). Quả đúng như một câu nói nổi tiếng của Schumann, nay đã trở thành danh ngôn, rằng bổn phận của người nghệ sĩ là phải dẫn ánh sáng soi rọi bóng tối trong trái tim nhân loại, Mùa xuân là một lời kêu gọi thức tỉnh.
Nhà soạn nhạc người Pháp Claude Debussy
Nếu Monet bày tỏ từng muốn vẽ tiếng chim hót, thì nhà soạn nhạc Pháp Claude Debussy (1862 - 1918) muốn thông qua âm nhạc để phác họa quang cảnh thị giác. Bởi thế, ông để lại hai nhạc phẩm xuất sắc về mùa xuân. Về tác phẩm đầu tiên, Printemps (Mùa xuân, 1887), Debussy bộc bạch: “Ý tưởng của tôi là sáng tác một tác phẩm với một màu sắc rất đặc biệt, có thể bao hàm nhiều cảm xúc. Nó được gọi là Mùa xuân, nhưng không phải là mô tả mùa xuân, mà là một sinh thể người… Tôi muốn diễn tả sự ra đời chậm chạp và vất vả của các sinh vật lẫn vạn vật trong tự nhiên, sự triển nở dần dần của chúng, và cuối cùng là niềm vui được sinh ra vào một cuộc sống mới. Tất cả điều này không có chương trình định sẵn, vì tôi coi thường tất cả thứ âm nhạc phải tuân theo một số văn bản văn học chi phối. Vì vậy, bạn sẽ hiểu âm nhạc phải rất gợi cảm như thế nào. Tôi không biết liệu tôi có thể làm được điều mình muốn hay không” (Elliott Antokoletz, Marianne Wheeldon, Rethinking Debussy, Oxford Academic, 2011). Còn bản giao thưởng thơ Prélude à l’après-midi d’un faune (Khúc dạo đầu buổi chiều của một thần faun, 1894) của Debussy được lấy cảm hứng từ bài thơ cùng tên của nhà thơ tượng trưng Stéphane Mallarmé. Cách diễn giải bài thơ bằng âm nhạc của Debussy cho thấy ông là một bậc thầy trong chủ nghĩa tượng trưng âm nhạc: họa bức tranh một thần nửa người nửa dê (faun) tung tăng giữa những bông hoa đang chớm nở trên một đồng cỏ xanh tươi tốt. Tiếng sáo, đại diện cho tiếng sáo của thần faun, sà xuống và uốn lượn trên những thanh âm dây quấn đầy nắng của cây đàn hạc huyền diệu, song song trập trùng cùng bộ sáo gỗ. Hãy cùng nhắm mắt lại và để Debussy dựng nên khung cảnh đẹp đẽ, mộc mạc xung quanh. Prélude à l’après-midi d’un faune là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Debussy và được coi là bước ngoặt trong lịch sử âm nhạc nghệ thuật phương Tây, sự khởi đầu của âm nhạc hiện đại.
Mùa xuân xứng đáng là mùa được háo hức chờ đợi nhất. Sau những ngày nắng ngắn ngủi và đêm dài đằng đẵng của mùa đông, chúng ta đều chăm chú theo dõi những dấu hiệu nhỏ - một mầm xanh nhú lên từ đất, những nụ hoa nho nhỏ chớm nở, ánh nắng mặt trời dần ấm áp hơn - để hiểu rằng mùa tái sinh đang đến. Vẻ đẹp và hệ thống biểu tượng phong phú của mùa xuân đã khiến nó trở thành chủ đề yêu thích của các nghệ sĩ trong suốt dòng chảy lịch sử nghệ thuật. Và chúng ta, lại đang đón chào một mùa xuân mới.
P.M.Q
VNQD