. NGƯỜI BIÊN TẬP
Những chuyên mục trên Văn nghệ Quân đội thường đã khai sinh là tồn tại khá lâu bởi đã được tính toán kĩ như “Truyện ngắn hay tác giả tự chọn”, “Thơ trong những tập thơ”, “Từ nguyên mẫu đến nhân vật”... Bên cạnh những chuyên mục giới thiệu tác giả, tác phẩm thì còn có một chuyên mục đặc biệt mang tính cầu nối với bạn đọc, cộng tác viên - chuyên mục “Thơ trên bàn biên tập”. “Thơ trên bàn biên tập” như một hộp thư bạn đọc kiểu Văn nghệ Quân đội kí danh Người Biên Tập. Và nó đã được các thế hệ biên tập thơ của Nhà số 4 kế tục, duy trì cho đến hôm nay trong sự đoán già đoán non của độc giả rằng, Người Biên Tập là ai? Nhưng có lẽ trước đây, bây giờ, và sau này, Người Biên Tập sẽ mãi mãi là... Người Biên Tập.
Bìa báo Văn nghệ Quân đội số đầu tiên năm 1955
(tiền thân của Tạp chí Văn nghệ Quân đội)
Thơ trên tạp chí Văn nghệ Quân đội đã gắn bó với người lính nói riêng và bạn đọc nói chung trong suốt 65 năm qua. Chẳng phải ngẫu nhiên mà mỗi trang thơ in trên tạp chí luôn có một không khí riêng. Điều đó có thể xuất phát từ chất lính, nhưng như vậy chưa đủ, mà còn phải nhắc đến yếu tố nghệ thuật và hơi thở đời sống phả vào làm sinh động, tươi rói cho mỗi trang thơ.
Thời chiến tranh, để một bài thơ được gửi đến tòa soạn là điều hết sức khó khăn, có khi phải mất cả năm trời. Người viết khi ấy thường là những nhà thơ - người lính đang trực tiếp chiến đấu tại các chiến trường. Những bài thơ được viết trong phút ngơi nghỉ giữa các trận đánh, viết sau những khốc liệt đau thương, viết trên đường ra trận… Với Người Biên Tập của thời kì ấy thì cũng phải biên tập trong những trường hợp đặc biệt. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu từng chia sẻ, có những giai đoạn biên tập viên của tạp chí vừa là phóng viên chiến trường, vừa biên tập thơ. Có lẽ cũng vì như vậy mà người viết và biên tập viên rất gần nhau, có sự đồng cảm, sẻ chia nhất định. Cho dù để một lá thư hồi âm của biên tập viên đến được với người viết thì thời gian cũng mất tương tự như khi thơ được gửi đến. Nhưng dù vậy, những trang thơ của Văn nghệ Quân đội vẫn chuyển tải được gần gũi và sâu sắc nhất đời sống nghệ thuật thi ca trong bối cảnh khắc nghiệt ấy.
Hôm nay, những người làm thơ không phải đợi cả năm mới nhận được hồi âm của tòa soạn nữa bởi sự tiện nghi của vật chất, lẫn khoa học công nghệ. Nếu nhận được những tác phẩm hay, phù hợp sử dụng trên tạp chí thì chắc chắn Người Biên Tập sẽ hồi âm lại ngay cho người viết thông qua điện thoại, email, facebook hay zalo. Công nghệ đã đưa người viết và Người Biên Tập đến gần nhau hơn theo một cách khác. Nhưng trên tất cả vẫn là sự đồng điệu trong mỗi vần thơ. Như vậy để thấy, dù trong bối cảnh nào thì thơ vẫn luôn là sự kết nối gần gũi nhất, chân thật nhất. Bây giờ, Văn nghệ Quân đội luôn có buổi họp bình báo để Ban biên tập cùng nhau đọc và đưa ra ý kiến cá nhân về những tác phẩm vừa được in. Như vậy, dù là trước đây hay bây giờ thì ở Văn nghệ Quân đội các biên tập viên đều dành sự quan tâm đặc biệt cho mỗi tác phẩm xuất hiện trên tạp chí.
Mỗi ngày, email của Tạp chí Văn nghệ Quân đội nhận được hàng trăm thư, bài cộng tác gửi đến cho Ban Thơ. Điều này cũng phần nào cho thấy sự yêu mến của các cộng tác viên và bạn đọc đối với trang thơ của Tạp chí. Người Biên Tập luôn cố gắng để không bỏ sót bất kì một thư nào gửi đến và khi đọc được một bài thơ hay thì niềm vui chẳng khác gì người thợ miệt mài đãi cát gặp được những hạt vàng lấp lánh. Đã có rất nhiều cộng tác viên, bắt đầu từ việc gửi những lá thư e dè đầu tiên đến tạp chí giờ đã trở thành cộng tác viên thân thiết, gắn bó với Văn nghệ Quân đội. Cũng có không ít những cộng tác viên mà biên tập viên chưa có dịp gặp gỡ hay biết mặt, nhưng qua những bài thơ, qua sự trao đổi thân tình mà thấy được sự gần gũi, đồng cảm. Có thể nói, thơ đã giúp chúng ta vượt qua được những rào cản của mọi khoảng cách và khác biệt để cùng “sống” trong một cảm xúc nào đó.
Nếu thời chiến, những bài thơ gửi đi vẫn còn nồng mùi thuốc súng thì ngày nay các biên tập viên cũng cảm nhận được rất rõ sự nóng hổi, run rẩy của những trang thơ vừa được viết xong và gửi ngay đến toà soạn, những câu thơ vẫn còn tươi ròng cảm xúc. Điều đáng quý là, có rất nhiều cộng tác viên đã chọn các biên tập viên của Văn nghệ Quân đội để trò chuyện, chia sẻ về những bài thơ mới nhất của mình. Sự chia sẻ ấy khiến các biên tập viên cảm thấy công việc mình đang làm ý nghĩa hơn rất nhiều. Bởi các cộng tác viên gửi thơ đến không chỉ đơn thuần là muốn in thơ trên tạp chí, mà điều quan trọng là họ muốn được trao đổi, được sống trong không khí của sáng tạo và tìm kiếm sự đồng điệu trong thơ, điều mà trong cuộc sống hiện đại hôm nay đã dần thưa vắng.
Ở Văn nghệ Quân đội, có lẽ các biên tập viên thơ thường nhận được nhiều thư gửi đến nhất. Có những lá thư mà Người Biên Tập không thể quên cho dù theo ngày tháng thư từ gửi đến vẫn dày lên. Năm 2018, Người Biên Tập nhận được thư của tác giả Hoàng Dương, một cựu chiến binh ở Ninh Bình gửi đến toà soạn. Trong thư, tác giả Hoàng Dương cho biết, ông đã từng tham gia cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước. Những năm tháng ở chiến trường, Văn nghệ Quân đội đã đến với ông như người bạn, người đồng chí, người yêu, người thân… Đọc thơ của các nhà thơ như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm, Lâm Thị Mỹ Dạ… ông tin chắc mình sẽ có ngày trở về để cầm bút làm thơ. Tuy nhiên việc sáng tác thơ không dễ như ông tưởng. Khi đọc thơ của các nhà thơ trên ông cảm nhận được sự gần gũi, rung động như chính là những ngôn từ được phát ra từ tim mình, ngỡ tưởng mình có thế viết ra được như vậy nhưng thực tế thì khác, lúc đó ông không biết rằng, thơ hay sẽ khiến người đọc thấy mình trong đó nhưng để viết được như vậy thì không hề đơn giản. Tác giả Hoàng Dương đã có hơn 40 năm làm thơ và gửi đến Văn nghệ Quân đội, nhưng đến thời điểm năm 2018, khi viết thư tâm sự với Người Biên Tập, thì tác giả Hoàng Dương cũng chưa in được bài thơ nào. Cho đến năm 2020, sau hai năm miệt mài trao đổi, chia sẻ về thơ với biên tập viên thì ông đã có chùm thơ đầu tiên được in, sau 43 năm gửi bài cộng tác. Bài thơ được biên tập và chọn in cũng chính là bài thơ ông đã viết từ trong chiến trường nhưng chưa trọn vẹn. Sau khi trao đổi với biên tập viên và sau rất nhiều lần sữa chữa thì bài thơ đã được in trang trọng trên tạp chí. Điều đó cho thấy sự miệt mài, bền bỉ nhiều chục năm của người viết, muốn chia sẻ những sáng tác của mình trên tờ tạp chí văn chương áo lính.
Biên tập viên thơ, một công việc nghe “rất thơ” và đưa đến nhiều thú vị. Tuy nhiên công việc này không phải lúc nào cũng êm ả. Bên cạnh nhiều tác phẩm được biên tập viên và tác giả trao đổi kĩ lưỡng trước khi lên trang thì cũng có những trường hợp biên tập viên và tác giả không tìm được tiếng nói chung, nên sau rất nhiều trao đổi đành gác lại. Nếu như Người Biên Tập gặp một bài thơ hay, phù hợp in trên tạp chí mà không có chữ nào, ý nào phải cấn cá, thì đó là niềm vui lớn của Người Biên Tập. Tuy nhiên, cũng không ít lần Người Biên Tập gặp những bài thơ gây “đau đầu”, nghĩa là bài thơ ở trạng thái không dùng thì tiếc, mà dùng thì chưa đủ. Trong trường hợp ấy Người Biên Tập sẽ phải trao đổi lại với người viết để sửa sang, bồi đắp sao cho ý tứ, cảm xúc, ngôn từ chín muồi hơn. Và thường thì sau khi làm việc lại như thế, những bài thơ sẽ đến được với bạn đọc trong niềm vui của cả Người Biên Tập và người viết. Nhưng như trên đã nói, cũng có những trường hợp, thật đáng tiếc, chưa đạt được điều này.
Nhân Tạp chí Văn nghệ Quân đội đi đến chặng đường số 1000, Người Biên Tập muốn được gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến những cộng tác viên thân quý, dù các tác phẩm gửi đến in được hay không in được thì các cộng tác viên chính là những người đã góp phần làm nên diện mạo cho trang thơ và chất thơ của Văn nghệ Quân đội. Thơ giống như một dạng cảm xúc tự nhiên nhưng có tiết chế và nguyên tắc. Thơ có nhiều hình thức và cách biểu đạt khác nhau nhưng bản chất của thơ thì luôn cố định. Người Biên Tập luôn mong chờ những tác phẩm hay từ phía người viết để trang thơ của Văn nghệ Quân đội ngày càng trở nên ấn tượng hơn. Mong mỗi người viết sẽ tiếp tục đi tìm chất liệu và giọng điệu của riêng mình để làm nên những thi phẩm độc đáo, để những thanh âm dù nhỏ nhưng sẽ làm nên những tiếng vang lớn trong tâm hồn mỗi chúng ta.
N.B.T
VNQD