Đối thoại có lý thuận tình – Bài học của Bác Hồ dành cho hôm nay

Thứ Bảy, 04/02/2023 08:16

. NGUYỄN THANH TÚ

 

Trong một bức thư trả lời một phụ nữ Pháp có con đi lính ở Việt Nam, Bác Hồ dùng cách đối thoại phản đề, một phản đề sắc sảo về lý, thấm thía về tình, không chỉ trả lời một người còn là tuyên ngôn của cả một cuộc kháng chiến chính nghĩa với thế giới: “Các bà yêu đất nước mình, các bà mong muốn nước mình được độc lập và thống nhất. Nếu có kẻ nào tìm cách xâm phạm nền độc lập và sự thống nhất ấy, thì tôi tin chắc rằng các bà sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ nó. Chúng tôi cũng thế, chúng tôi yêu Tổ quốc Việt Nam của chúng tôi, chúng tôi cũng muốn Tổ quốc chúng tôi độc lập và thống nhất. Liệu các bà có kết tội chúng tôi vì chúng tôi đã đấu tranh chống những kẻ tìm cách chinh phục và chia cắt Tổ quốc chúng tôi không?”[1].

Có thể coi đây như một mẫu mực về cách lập luận đối thoại thấu lý đạt tình, rất mực chân thành, tình cảm nhưng cũng rất mực sắc sảo, trí tuệ.

Trong một đối thoại đúng nghĩa, thực chất thì tất cả đều bình đẳng, ai cũng có quyền nói, không ai hơn ai, không ai là kẻ lớn, kia là phận nhỏ, cũng không ai có quyền ép người này phải thế này, phải thế kia. Đối thoại văn hóa tối kỵ những câu mệnh lệnh thức hay cầu khiến… Trước một vấn đề các bên đều có chính kiến, phản biện, bảo vệ… Là người hiểu sâu sắc vấn đề này nên Bác từng nói dân chủ là phải để cho dân được “mở miệng”. Không ngẫu nhiên dễ thấy (cả trong trước tác và đời thường) một nguyên tắc đối thoại của Người với dân là luôn đưa ra những câu hỏi để được nghe trả lời. Hỏi để được biết tình hình, là đưa ra vấn đề rồi khơi gợi cho dân nói, hỏi để tôn trọng dân, hiểu dân... Tháng 9-1958 về thăm tỉnh miền núi Yên Bái, Người nói: “Tỉnh nhà có 10 dân tộc anh em. Trước kia bọn thực dân phong kiến chia rẽ chúng ta, chia rẽ các dân tộc, xúi giục dân tộc này hiềm khích oán ghét dân tộc khác để chúng áp bức bóc lột chúng ta. Nay chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ. Ví dụ: 10 dân tộc ở tỉnh nhà như 10 ngón tay. Nếu xoè 10 ngón tay mà bẻ từng ngón, như thế có dễ bẻ không? Nếu nắm chặt cả 10 ngón tay thì có bẻ được không? Nếu kẻ nào chia rẽ thì phải làm thế nào?...”[2]. Có rất nhiều ví dụ tương tự nhưng ví dụ mà ai cũng biết là khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, lần đầu tiên một vị Chủ tịch Nước hỏi dân: “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?” chính là một biểu hiện của tinh thần dân chủ, không còn khoảng cách giữa vị Chủ tịch và dân thường.

Được nói ra những điều mình nghĩ, được nghe những điều mình cần nghe, đấy là hạnh phúc. Sống ở thời đại Hồ Chí Minh là hạnh phúc vì được nói và nghe như vậy. Đối thoại để gần nhau, hiểu và trách nhiệm với nhau hơn nên không thể thiếu sự chân thành. Chỉ có sự chân thành làm sứ giả thì trái tim mới đến được trái tim, mới kết nối được những tâm hồn. Chỉ có chân thành mới làm người ta thấu hiểu nhau để thấu cảm về nhau!

Bác Hồ là trường hợp tiêu biểu cho đối thoại phản biện.

Càng có tinh thần khoa học, dân chủ, càng có khát vọng đổi thay xã hội, làm mới, làm tốt cho con người thì càng giàu có ý thức phản biện. Không phải ai cũng có ý thức phản biện và năng lực phản biện, phải là người có trách nhiệm sâu sắc với xã hội, có tình yêu con người, có năng lực phát hiện vấn đề mới có thể phản biện được. Phản biện là một hoạt động nhận thức nhằm đưa vấn đề tiến gần hơn tới chân lý. Trên tinh thần ấy Bác Hồ là một người luôn có tinh thần phản biện mà hôm nay rất nên học tập về mọi phương diện, ý thức, cách thức, đề tài, nội dung…

Đầu thế kỷ XX không chỉ có một người thanh niên Nguyễn Tất Thành đi tìm con đường cứu nước mà còn nhiều người khác, nhưng với nhãn quan khoa học, chỉ có Nguyễn Tất Thành là tìm ra con đường đúng đắn nhất. Một trong những phương pháp cách mạng mà Nguyễn ái Quốc sử dụng là chỉ ra những mặt yếu kém của người dân thuộc địa. Ngày 25-5-1922 trên Báo Nhân đạo có đăng bài Mấy ý nghĩ về vấn đề thuộc địa của Nguyễn Ái Quốc. Bài báo đưa ra mấy luận điểm quan trọng:

1. Diện tích các nước thuộc địa rất rộng

2. Tình trạng thờ ơ của giai cấp vô sản chính quốc đối với các thuộc địa

3. Tình trạng dốt nát của người dân bản xứ

4. Những thành kiến…

Đặc biệt ở luận điểm 3, tác giả đã chỉ ra một tình trạng thảm hại của người dân thuộc địa là không nhận thức được những vấn đề đơn giản nhất của tồn tại xã hội: “Trong tất cả các nước thuộc địa, ở cái xứ Đông Dương già cỗi kia cũng như ở xứ Đahômây trẻ trung này, người ta không hiểu đấu tranh giai cấp là gì, lực lượng giai cấp vô sản là gì cả”. Sâu sắc hơn, tác giả đã vạch ra cái tâm lý cam chịu thân phận nô lệ ở họ: “giống như con chó trong truyện ngụ ngôn, họ lại thích đeo cái vòng cổ để kiếm miếng xương của chủ”[3]. Vạch ra nét tâm lý đau đớn này, trong truyện ngắn Động vật học được viết trước đó 24 ngày, ngày 1-5-1922 Nguyễn Ái Quốc đã dùng một hình tượng nghệ thuật đặc sắc là “động vật”: “Một vài đức tính thực dụng của nó còn cao hơn cả những đức tính thực dụng của các loài gia súc của chúng ta nữa kia. Một khi thuần dưỡng rồi, thì tự nó để cho người ta hớt lông như con cừu, chất đồ lên lưng như một con lừa, và đưa vào lò sát sinh như con bê”[4].

Với mục đích tối thượng là giải phóng dân tộc mình, nhân dân mình nên Nguyễn Ái Quốc dành nhiều tâm huyết hơn cả để thức tỉnh cả “dân tộc An Nam”, nhất là thanh niên. Trong Bản án chế độ thực dân Pháp có phần Phụ lục Gửi thanh niên An Nam: “Người Airlan, Ai Cập, Triều Tiên, Ấn Độ, tất cả những người chiến bại hôm qua và nô lệ hôm nay đó, đương đấu tranh dũng cảm cho nền độc lập ngày mai của họ. Riêng người An Nam, thì vẫn cứ thế: sẵn sàng làm nô lệ”. Những dòng cuối cùng tác giả đưa ra lời bình luận thức tỉnh: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám Thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”[5].

Tác phẩm Truyện ngụ ngôn được Người viết tại Quảng Châu năm 1925[6] là rất tiêu biểu cho tinh thần phản biện, một sự phản biện thông qua một hình thức nghệ thật trào phúng thâm thúy. Câu chuyện không chỉ đáng đọc ở cái thời đất nước ta đắm chìm trong nô lệ mà cũng rất đáng đọc ở cái thời nay, đọc để tự ý thức về tinh thần vươn lên, về cởi bỏ những tâm lý xấu, tính cách xấu… Hai sự phê phán đích đáng: tinh thần bạc nhược, đớn hèn và sự phản bội xấu xa. Toát lên một chân lý phổ quát: người An Nam phải biết đoàn kết lại thì mới sửa chữa được những thói xấu ấy.

Hôm nay người ta hay nói muốn thành công phải luôn có ý nghĩ khác người, khác với lẽ thông thường. Điều ấy đúng. Nhưng đối với Bác Hồ, điều ấy luôn thường trực trong tư duy. Một nét tư duy của Người là tư duy phản đề, tức luôn đặt ngược lại vấn đề để bàn luận. Rất rõ trong cách Người trả lời phỏng vấn. Đây là một câu hỏi “móc máy” của một phóng viên nước ngoài:

“Hỏi: Nếu Nam Kỳ từ chối không sáp nhập vào Việt Nam, Chủ tịch sẽ làm thế nào?

Trả lời: Nam Kỳ cùng một tổ tiên với chúng tôi, tại sao Nam Kỳ lại không muốn ở trong đất nước Việt Nam? Người Baxcơ (Basque), người Brơtôn (Breton) không nói tiếng Pháp mà vẫn là người Pháp. Người Nam Kỳ nói tiếng Việt Nam, tại sao lại còn nghĩ đến sự cản trở việc thống nhất nước Việt Nam?”[7].

Câu trả lời lại là câu hỏi đặt ngược lại vấn đề của câu hỏi, đồng thời đưa ra một bằng chứng hiển nhiên: người Brơtôn không nói tiếng Pháp nhưng cũng là người Pháp thì hà cớ gì người Nam Kỳ nói tiếng Việt lại không phải là người Việt Nam. Ở đây còn nổi lên một quan niệm khoa học về khái niệm dân tộc, dân tộc trước hết là phải có chung tiếng nói.

“Hỏi: Nếu Chủ tịch cần phải quốc hữu hóa thì sẽ quốc hữu hóa những doanh nghiệp nào?

Trả lời: Những doanh nghiệp nào dùng vào việc chế tạo bom nguyên tử”[8].

Sự thật là, thời đó (1946) và cho tận hôm nay chúng ta chưa hề có bom nguyên tử, câu trả lời tưởng đi thẳng vào vấn đề nhưng thực chất lại là một sự tố cáo đế quốc Mỹ, vì năm 1945 Mỹ thả bom nguyên tử xuống hai thành phố của Nhật Bản làm hàng nghìn dân vô tội chết oan, hàng vạn người nhiễm độc. Với bản chất nhân đạo, vì hạnh phúc của dân, Chính phủ Việt Nam sẽ không bao giờ đi theo, làm theo Chính phủ Mỹ. Thế cho nên phải hiểu rộng ra câu trả lời là nếu Việt Nam "quốc hữu hóa" thì cũng chỉ là việc làm có lợi cho dân Việt Nam.

Người phản biện đòi hỏi vốn hiểu biết rộng, ứng đối sắc sảo, nhanh nhẹn, thông minh, dí dỏm. Bác Hồ là một người tiêu biểu. Ngày 26/12/1945 trả lời các nhà báo:

“Hỏi: Sao bây giờ lại chỉ có 10 bộ?

Trả lời: Vì nước mình nhỏ nên không cần nhiều bộ.

Hỏi: Tại sao có 70 ghế đặc cách trong Quốc hội?

Trả lời: Vì anh em Quốc dân Đảng không ra ứng cử.

Hỏi: …Thế sao Cụ không tự chỉ định Cụ ra làm Chủ tịch Việt Nam, Cụ còn phải ra ứng cử lôi thôi?

Trả lời: Vì tôi không muốn làm như vua Lu-i thập tứ”[9].

Vua Lu-i thập tứ (Louis XIV, 1638-1715, Hoàng đế nước Pháp 1643 - 1715) mệnh danh là Vua Mặt trời nổi tiếng chuyên quyền độc đoán. Nước ta vừa giành được độc lập sau hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, câu trả lời hướng về người Pháp: cha ông các người đã từng độc đoán chuyên quyền, còn tôi - Hồ Chí Minh thì không thế, tất cả mọi việc làm đều vì quyền lợi của nhân dân.

Ngày 14-9-1946 Đô đốc Đácgiăngliơ tiếp Bác trên chiến hạm Pháp. Chúng xếp Bác ngồi giữa đô đốc thuỷ quân Thái Bình Dương và thống soái lục quân Viễn Đông. Đácgiăngliơ nói xỏ xiên: Monsieur le Président, vous voilà bien encadré par L’Armée et la Marine (Chủ tịch đang bị đóng khung giữa lục quân và hải quân). Bác trả lời: - Mais, vous savez, Monsieur L’Amiral, c’est le tableau qui fait la valeur du cadre! (Nhưng mà đô đốc biết đấy, chính bức hoạ mới đem lại giá trị cho chiếc khung)[10]. Lời nói của Đácgiăngliơ là một ngụ ngôn, ý nói Chủ tịch (có thể hiểu rộng ra là Việt Minh) bị bao vây bởi lục quân và hải quân Pháp. Bác Hồ liền dùng ngay một ngụ ngôn khác để đập lại ngụ ngôn có ý xỏ xiên này, ý nói: chính chúng tôi “mới đem lại giá trị” cho lục quân và hải quân (Pháp).

Năm 1949, trả lời câu hỏi của nhà báo Mỹ: “Chủ tịch thân Mỹ hay chống Mỹ?”. Người đáp ngay: “Tôi chỉ thân Việt”[11]. Đây là câu hỏi khó. Nếu trả lời là “thân Mỹ” thì vừa không đúng với thực tế, vừa “mất lòng” các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, đồng thời gây hiểu lầm về mục đích cách mạng trong nội bộ nhân dân ta, “thân” thì rõ ràng không nhưng cần phải tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ (năm 1945 có một số sỹ quan Mỹ đã giúp ta). Nếu trả lời “chống Mỹ” thì cũng không đúng vì lúc này ta đang chống Pháp, rất cần có chính sách phân hóa kẻ thù. Đây là ví dụ tiêu biểu cho cách ứng đối của các nhà lãnh đạo cấp cao với báo chí nước ngoài. Tương tự với dẫn chứng trên, đồng chí Phạm Văn Đồng kể có nhà báo ngoại quốc có lần hỏi Hồ Chủ tịch thuộc đảng phái nào. Người đáp luôn: “Đảng của tôi là Đảng Việt Nam”[12].

Có thể có rất nhiều những ví dụ tiêu biểu hơn, nhưng thế cũng đã thấy một bài học từ tinh thần phản biện của Bác Hồ: Phải có một tâm huyết, một tình yêu tha thiết với nước với dân, một trách nhiệm sâu nặng với đất nước, phải có một vốn học vấn, một tầm trí tuệ, một cách ứng xử linh hoạt. Phản biện không phải là nói ngược lại vấn đề mà là xem xét vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau, có khi ngược hẳn lại với quan niệm thông thường, để phân tích tìm ra phương án phù hợp nhất. Mỗi cá nhân cũng cần thiết phải có sự phản biện đối với chính mình, nói như Bác Hồ, phải có tinh thần tự phê bình, mà chính Người là một tấm gương. Ngày 28-1-1946, Bác Hồ viết bài báo Tự phê bình phê bình trước quốc dân những điều Chính phủ đã làm và chưa làm được. Bài báo với những lời lẽ hết sức chân thành, cầu thị: “Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi. Từ nay, tôi mong đồng bào ra sức giúp tôi sửa chữa những khuyết điểm đó bằng nhiều cách, trước hết là bằng cách thi hành cho đúng và triệt để những mệnh lệnh của Chính phủ”[13].

Ở ngày hôm nay tinh thần phản biện ngày càng được phát huy nhưng xét về cách thức, phương pháp cũng như động cơ thì vẫn phải coi Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là bậc thầy lớn!

N.T.T

 


[1]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr 347.

[2]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11. Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr 532.

[3]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1. Sđd, tr 81.

[4]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1. Sđd, tr 76, 77.

[5]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2. Sđd, tr 144.

[6]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2. Sđd, tr 507.

[7]Trả lời các nhà báo ngày 12-7-1946 tại biệt thự Roayan Môngxô – Sđd, tập 4. Sđd, tr 315.

[8]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 316.

[9]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 416.

[10]Bác Hồ với tiếng nước ngoài. NXb Tổng hợp Sông Bé, 1990, tr 26.

[11]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 4. Sđd, tr 389

[12] PGS.TS Đinh Xuân Dũng - Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức. Nxb Giáo dục, 2008, tr 42.

[13] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 192, 193.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)