Dùng số liệu cụ thể - Sức mạnh chinh phục trong lập luận của Nguyễn Ái Quốc

Thứ Hai, 13/02/2023 07:38

. MAI HẢI OANH
 

Bài học về cách viết phóng sự điều tra trong Bản án chế độ thực dân Pháp rất nên được các nhà báo hôm nay nghiên cứu học tập. Trước hết là bài học tìm hiểu, điều tra hết sức kỹ càng để có các số liệu cụ thể, bởi vì thuyết phục người đọc về một vấn đề kinh tế, xã hội… nào đó thì không gì thuyết phục hơn là các con số. Dưới đây là sự chứng minh qua một vài ví dụ về các con số được tác giả Nguyễn Ái Quốc sử dụng:

“Công cuộc khai hoá người Marốc bằng đại bác vẫn tiếp diễn.

Một viên chỉ huy bộ binh Duavơ đóng ở Xéttát, đã nói với binh sĩ như thế này: “Chúng ta phải diệt cho xong lũ man rợ này. Đất Marốc giàu khoáng sản và nông sản. Chúng ta, những người Pháp, những người văn minh, chúng ta đến đây với hai mục đích: khai hoá và làm giàu cho chúng ta”.

Viên chỉ huy ấy nói đúng đấy. Nhất là ông ta đã thành thật thú nhận rằng người ta sang thuộc địa là để cướp bóc người bản xứ. Bởi vì chỉ sau 10 năm đặt dưới chế độ bảo hộ, xứ Marốc đã bị người châu Âu cướp mất 379.000 hécta đất trồng trọt, trong đó 368.000 hécta đã lọt vào tay những người Pháp khai hoá. Diện tích Marốc có 815.000 kilômét vuông; nếu công cuộc khai hoá cứ tiếp tục với đà ấy thì chẳng mấy năm nữa, người dân Marốc khốn khổ sẽ không còn lấy một tấc đất tự do nào để trồng trọt và sinh sống trên Tổ quốc mình mà không phải chịu cái ách bóc lột và nô dịch của chủ nghĩa thực dân”[1]. Cấu trúc bề ngoài văn bản của ví dụ này thì mở đầu là lời của một viên sĩ quan chỉ huy Pháp nói với binh lính Pháp, lời nói trực tiếp đã gián tiếp làm bật ra bản chất dã man và ăn cướp của “Chúng ta, những người Pháp, những người văn minh”. Phần giữa là các con số chỉ thời gian không gian cụ thể vùng đất đã ăn cướp được. Trên cơ sở đó người viết đưa ra lời bình luận về tương lai mờ mịt thảm hại của dân Marốc bản xứ: “cứ tiếp tục với đà ấy thì chẳng mấy năm nữa, người dân Marốc khốn khổ sẽ không còn lấy một tấc đất tự do nào để trồng trọt và sinh sống trên Tổ quốc mình”. Đúng là một bi kịch mất nước khốn khổ, mất nước thì sẽ mất tất cả! Cũng có trường hợp tác giả chỉ cần đưa ra những con số để tự chúng nói lên bản chất của vấn đề, lời của tác giả chỉ mang chức năng bổ sung, đưa đẩy:

“Hết hành vi điên rồ này đến hành vi điên rồ khác đã phung phí đồng tiền mà người dân An Nam khốn khổ đã phải đổ mồ hôi nước mắt mới kiếm được. Chúng tôi chưa biết đích xác số tiền chi tiêu cho vua An Nam sang ngao du bên Pháp, chỉ biết rằng, để đợi ngày lành cho con Rồng tre xuống tàu, người ta đã phải bồi thường cho tàu Poóctốtxơ trong bốn ngày chờ đợi, mỗi ngày 100.000 phrăng (tức là 400.000 phrăng tất cả). Tiền tàu hết 400.000 phrăng. Tiền chiêu đãi hết 240.000 phrăng (chưa kể tiền lương trả cho bọn mật vụ để theo dõi người An Nam ở Pháp), 77.600 phrăng trả tiền ăn ở tại Mácxây cho lính khố xanh dùng để “bồng súng chào” Cụ lớn và Hoàng thượng”[2]. Tài năng của nhà phóng sự là ngoài các con số còn phải biết làm chủ, phân tích để chúng nói lên vấn đề. Sự tốn kém ngân quỹ, chỉ một việc “để đợi ngày lành cho con Rồng tre xuống tàu...” đã là quá sức tưởng tượng. Thế thì bạn đọc sẽ suy luận ra ngay, mới chỉ có bốn ngày thôi mà đã tốn như vậy thì cả cuộc hành trình dài hàng tháng sẽ gấp bao nhiêu lần. Để tăng cường chất mỉa mai tác giả sử dụng một ẩn dụ trào phúng: “con Rồng tre” tức Khải Định, nếu nói thẳng “vua Khải Định” thì sẽ không nói được tính chất bù nhìn, tính chất “đồ chơi” mà vô dụng của tên vua bán nước hại dân này. Và đưa ra những sự thật ngược đời: “người ta còn cho mời ba chục viên chức cao cấp ở các thuộc địa về; bọn này phè phỡn ở đường phố Cannơbie mà vẫn được lĩnh phụ cấp cả ở triển lãm lẫn ở thuộc địa”. Cannơbie, tức La Cannebiere, tên một đường phố ở Macxây, một nghịch lý đang ở Macxây mà vẫn được hưởng phụ cấp cả hai nơi: Macxây và thuộc địa!

Trong Bản án chế độ thực dân Pháp, chương VI Tệ tham nhũng trong bộ máy cai trị, Nguyễn Ái Quốc thực sự “khóa mõm” đối tượng nhờ các con số không thể chối cãi: “Ngân sách Nam Kỳ chẳng hạn, năm 1911 là 5.561.680 dồng (12.791.000 phrăng); năm 1912 là 7.321.818 đồng (16.840.000 phrăng). Năm 1922, ngân sách đó lên tới 12.821.325 đồng (96.169.000 phrăng). Một con tính đơn giản cho chúng ta thấy giưa hai năm 1911 và 1922, trong ngân sách của thuộc địa này có một sự chênh lệch là 83.369.000 ph răng. Số tiền đó chạy vào đâu? Tất nhiên là các vào các khoản chi về nhân sự, vì các khoản này ngốn gần hết 100% tổng số thu”[3].

Những sự thật rõ ràng

Trên báo La Vie Ouvrière số 100, ngày 1/4/1921 có bài báo 10 trường học, 1500 đại lý rượu rất được dư luận Pháp quan tâm, nội dung bài báo thuật lại lá thư của Toàn quyền Đông Dương, ông Anbe Xarô gửi các công sứ phải hết sức giúp đỡ Nha thương chính đặt thêm đại lý thuốc phiện và rượu. Cuối bài viết là lời bình luận của tác giả. Có một quy luật tâm lý thông thường trong đời sống xã hội: Kẻ xấu thường phải đeo mặt nạ, vì nếu không thì cái xấu trơ ra nên dễ bị mọi người xa lánh, ghê tởm, lên án. Cũng vì phải đeo mặt nạ nên kẻ xấu cũng có thừa những âm mưu, thủ đoạn để che giấu thiên hạ. Người lột mặt nạ phải là người cao tay biết kẻ xấu đeo mặt nạ gì, có âm mưu thủ đoạn nào thì khi “lột mặt nạ” cả kẻ bị lột lẫn độc giả mới “tâm phục, khẩu phục”. Khi Nguyễn Ái Quốc dùng chính lá thư của quan Toàn quyền yêu cầu các công sứ phải đặt thêm đại lý rượu và thuốc phiện chính là một cách dùng “gậy ông đập lưng ông”, nói “khai hoá văn minh” thực ra là phản văn minh, phản khai hoá, vì bắt dân hút thuốc phiện và uống thật nhiều rượu để cho họ ngu đi cho dễ bề cai trị.

“Kính gửi ông Công sứ

Tôi trân trọng yêu cầu ông hết sức giúp đỡ Nha thương chính đặt thêm đại lý thuốc phiện và rượu, theo chỉ thị của ông tổng giám đốc Nha thương chính Đông Dương...”. Ký tên: Anbe Xarô”.

Lời bình luận của tác giả thực ra không bình luận gì cả mà chỉ đưa ra con số, những con số biết nói, không bình luận mà lại là bình luận sắc sảo nhất, chính xác nhất, có sức thuyết phục nhất: “Lúc đó có một nghìn năm trăm ty rượu và thuốc phiện cho một nghìn làng trong khi chỉ có mười trường học cũng cho bấy nhiêu làng. Ngay cả trước bức thư nổi danh đó, người ta đã cho 12 triệu người bản xứ - kể cả đàn bà và trẻ con - nốc 23 đến 24 triệu lít rượu mỗi năm.

Lời bình luận nào cũng là thừa”[4].

Người Pháp sang nước An Nam khốn khổ không phải là đem “văn minh” đến để “khai hoá” đất nước lạc hậu này như họ từng rêu rao tuyên bố, mà là để bóc lột vơ vét làm giàu cho chính quốc. Muốn vơ vét bóc lột được nhiều thì phải có chính sách cai trị, mà thích hợp nhất là chính sách ngu dân, ngu dân bằng cách cho họ uống thật nhiều rượu và hút thuốc phiện. Để vạch trần bản chất vô cùng đểu giả này nếu là Nguyễn Ái Quốc, Phan Bội Châu hoặc một nhà yêu nước An Nam nào đó thì dư lụân chắc sẽ không tin. Tác giả đã lấy ngay chính bản thông tư của ông Anbe Xarô, khi ông làm Toàn quyền Đông Dương gửi cho tất cả các viên công sứ như sau:

“Để công việc tiến hành có kết quả, tôi xin gửi ông một bản danh sách những đại lý cần đặt trong các xã đã kê tên; tới nay phần đông các xã này vẫn hoàn toàn chưa có rượu và thuốc phiện.

Thông qua các quan và các xã trưởng Cao Miên, ông có thể dùng ảnh hưởng lớn của ông để làm cho một số tiểu thương người bản xứ thấy rằng buôn thêm rượu và thuốc phiện là rất có lợi…

Chúng ta chỉ có thể đạt được kết quả mỹ mãn, nếu chúng ta đồng lòng phối hợp chặt chẽ và liên tục, vì lợi ích tối đa của công khố.

Ký tên: Anbe Xarô

Toàn quyền Đông Dương”[5].

Thật đúng là “hai năm rõ mười”, không còn trắng đen lẫn lộn, lời của chính viên Toàn quyền, hơn nữa lại là “thông tư” mang rõ tính mệnh lệnh hành chính của cả một “hiến pháp”, dĩ nhiên đây là “hiến pháp” của kẻ cướp, đểu giả, vô nhân tính!

Con số là sự thật khó chối cãi nhất. Những dẫn chứng sau nói rõ nhất về bản chất bóc lột phi nhân tính đến tận cùng của chủ nghĩa thực dân đối với người bản xứ thuộc địa. Ví dụ sau chỉ nói về lĩnh vực thực dân thuên dân bản xứ khai thác mỏ trong 10 năm từ 1911-1921:

“Trong lúc các nhà đi khai hóa của chúng ta ngày càng béo ra với những món lợi nhuận khổng lồ, thì sau đây là những điều đã xảy ra đối với nam nữ công nhân người bản xứ:

1.465 tai nạn chết người.

1.871 người chết

2.212 người bị thương nặng.

40% vô sản hầm mỏ là phụ nữ và trẻ em...”[6].

Trong đối thoại tranh luận thì không gì thuyết phục bằng những dẫn chứng sinh động, con số cụ thể. Với những con số trên Nguyễn Ái Quốc đã thực sự “khóa mõm” đối tượng!

M.H.O


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 74.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2. Sđd, tr 75

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2. Sđd, tr 75.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Sđd, tr 38.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Sđd, tr 38.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2. Sđd, tr 146.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)