Bác sĩ Trần Duy Hưng trong "Rong chơi giữa dòng đời"

Chủ Nhật, 05/02/2023 00:11

. NGÔ VĨNH BÌNH
 

Trước khi cuốn sách Chuyện người Hà Nội tập 3 ra mắt bạn đọc vào một buổi sáng tại tiệm cà phê Lofita ở 30 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, mấy anh chị em yêu Hà Nội (nhóm “Hà Nội Tri Thức”/ Connaissance De Hanoi - Knowledge Of Hanoi) gặp nhau để mừng cuốn sách về Hà Nội sắp ra. Hôm ấy, tôi thật may mắn khi được diện kiến và trò chuyện với anh Trần Tiến Đức, con trai bác sĩ Trần Duy Hưng - cụ “thị trưởng” khả kính của người Hà Nội, rồi lại còn được anh Trần Tiến Đức tặng cuốn sách tự truyện có tên Rong chơi giữa dòng đời (Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2022) viết tại Hồ Tây khi đã ở tuổi 80. Cuốn sách thuật lại nhiều chuyện trong quãng đời của tác giả từ chuyện thời thơ ấu cho đến lúc đi sang Nga học, rồi làm truyền hình, bình luận bóng đá… Điểm đặc biệt của cuốn sách nằm ở chỗ trong lúc kể câu chuyện đời mình, Trần Tiến Đức đã phác họa một cách thành công, xúc động, chân thực cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách của người cha đáng kính: bác sĩ Trần Duy Hưng.

Đọc Rong chơi giữa dòng đời, tôi được biết thêm về bác sĩ Trần Duy Hưng, một nhân vật lớn đã đi vào lịch sử Thủ đô Hà Nội. Đó là vị Chủ tịch đáng kính, hết lòng yêu nước yêu dân. Có năm nước sông lên to ở mạn Phú Thượng, khi nghe tin vào giữa đêm, bác sĩ Trần Duy Hưng đã không dám làm phiền người lái xe sau một ngày dài vất vả mà ông tự lái xuống thực địa, trực tiếp kiểm tra, thăm hỏi, động viên bà con bị ảnh hưởng do lũ lụt và đưa ra những chỉ đạo kịp thời. Trong những ngày Mĩ ném bom Hà Nội năm 1967, bác sĩ Trần Duy Hưng cũng đã đích thân đi đến Phố Huế, một địa điểm bị bom Mĩ tàn phá nặng nề, để nắm bắt tình hình. Chứng kiến xác người trúng bom đạn nằm ngổn ngang, máu me bê bết, thân thể, tay chân văng mỗi thứ một nơi, trong khi không ít người nôn ói mật xanh mật vàng thì bác sĩ Trần Duy Hưng vẫn bình tĩnh tự mình thu lượm từng mảnh tay, chân, thi thể của người bị bom chết, để vào quan tài rồi cho người mang đi chôn cất tử tế. Với cương vị người đứng đầu thành phố, bác sĩ Trần Duy Hưng hẳn nhiên không phải đích thân làm những việc đó nhưng ông vẫn làm vì tình yêu thương con người và đạo đức nghề nghiệp của một bác sĩ. Hành động của ông, việc làm của ông, sự hiện diện của ông ở nơi khốc liệt, tang thương nhất Hà Nội lúc đó đã gửi đi bức thông điệp về tình yêu, về sự chia sẻ những nỗi đau, về sự đoàn kết và kiên cường, bất khuất của người đứng đầu Thủ đô đến với nhân dân. Không chỉ quan tâm đến những vấn đề quốc gia đại sự, bác sĩ Trần Duy Hưng còn rất chu toàn trong việc lo toan nơi ăn chốn ở cho từng người dân Hà Nội. Sau những trận ném bom điên cuồng của máy bay Mĩ năm 1972, nhiều nhà cửa của người dân Hà Nội bị đổ nát, không thể ở. Có gia đình ở ngõ An Dương đã phải vào phố, tìm lên sân thượng một ngôi nhà để căng bạt ở tạm. Chính quyền cơ sở không cho ở, chị chủ gia đình này đi kêu cứu nhiều nơi nhưng không được giải quyết. Có người mách “Đến ông Hưng mà kêu”, chị tìm tới nơi làm việc của ông, khi đó ở phố Lê Phụng Hiểu. Khi gặp ông, chị quỳ xuống nhưng ông bảo đứng lên, mời chị vào phòng khách nghe chị nói chuyện. Sau đó, ông đã giúp chị có một chỗ ở ổn định.

Những trang viết trong Rong chơi giữa dòng đời còn làm nổi bật lên lối sống giản dị, khiêm cung của vị Chủ tịch Hà Nội đáng kính. Là người đứng đầu Thủ đô, lương tương đương với bộ trưởng, nhưng không hiểu vì một lí do nào đó, người xếp lương đã… quên khuấy nên lương của bác sĩ Trần Duy Hưng vẫn chỉ dừng ở bậc thứ trưởng trong suốt 12 năm. Mặt khác, mặc dù đông con (7 người con) nhưng cả gia đình ông vẫn ở tại căn nhà cũ vốn đã chật chội, xuống cấp do Nhà nước phân lúc ban đầu mà không chuyển sang nhà khác “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”. Ông cũng không xin thêm một suất xe đạp nào cho các con đi lại đỡ vất vả. Chiếc xe đạp duy nhất của gia đình được dành cho cô con gái Tuyết đi học xa nhất tại Đại học Sư phạm Hà Nội cách nhà gần chục cây số. Những người còn lại thì cứ xe “căng hải” hoặc xe điện để đi làm hay đi học. Câu cửa miệng bác sĩ Trần Duy Hưng hay nói với các con để giải thích những thắc mắc về việc sao bố không khiếu nại việc bị xếp lương chậm tròn 1 vòng con giáp, sao nhà mình thế này mà lại không thế kia là: “Đất nước còn nghèo, còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn nên mình cần chia sẻ, đồng cảm.” Lối sống giản dị ấy theo ông cho đến lúc yên nghỉ sau cùng. Mặc dù có tiêu chuẩn ở nghĩa trang Mai Dịch, nhưng ông đã lựa chọn về với tổ tiên ông bà tại nghĩa trang Hòe Thị, phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm. Ngôi mộ của ông bình dị, hòa lẫn vào bao ngôi mộ khác trong nghĩa trang, bia mộ cũng chỉ khắc mấy dòng ngắn gọn: “Bác sĩ Trần Duy Hưng sinh năm 1912, mất năm 1988.”

Bảo tàng Chiến thắng B52 ở 157 phố Đội Cấn hiện đang trưng bày một hiện vật quý - lá thư của bác sĩ Trần Duy Hưng. Lá thư (mang số hiệu lưu trữ 135 G - 65) được Chủ tịch thành phố Hà Nội viết bằng bút mực đen trên tờ giấy khổ nhỏ có in sẵn tên “Trần Duy Hưng”, đề ngày 16/4/1965. Lá thư gửi tới Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô, nguyên văn như sau:

“Kính gửi Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô. Tôi xin gửi tới các đồng chí đơn xin nhập ngũ của hai con trai tôi, một con trai cả là Trần Quốc Ân, 26 tuổi, đảng viên kĩ sư Tổng cục Địa chất, con trai bé là Trần Thắng Lợi, 16 tuổi, học sinh lớp 9. Các con tôi có khẩn khoản nhiều lần để “nói” với các đồng chí cho được phục vụ trong hàng ngũ quân đội. Tôi rất thông cảm với những yêu cầu của các con tôi - những ý muốn rất chính đáng của thanh niên trong lúc này. Vì vậy tôi rất mong các đồng chí xét đến nguyện vọng tha thiết của các con tôi. Chào quyết tâm đánh thắng giặc Mĩ. Trần Duy Hưng, Ủy ban Hành chính Hà Nội.”

Sau lá thư này, Trần Quốc Ân do yêu cầu công việc nên cơ quan địa chất giữ lại còn Trần Thắng Lợi đã được nhập ngũ, chiến đấu trong lực lượng pháo cao xạ. Tới năm 1972, người con út Trần Chiến Thắng đang học lớp 10 gia nhập quân đội, bảo vệ quê hương. Nội dung lá thư và những sự kiện thực tế diễn ra sau đó đã hé lộ cho chúng ta về tình yêu nước và cách giáo dục con cái của bác sĩ Trần Duy Hưng. Bằng việc gửi quân đội hai người con, ông muốn góp một phần sức lực nhỏ bé của gia đình trên trận tuyến chống quân thù và giúp các con mình rèn luyện, trưởng thành trong gian khó. Đây là điều mà không phải bậc phụ huynh nào cũng làm được trong chiến tranh bom đạn khói lửa.

Có thể nói, với hơn 600 trăm trang sách Rong chơi giữa dòng đời, tác giả Trần Tiến Đức đã làm nổi bật lên hình ảnh bác sĩ Trần Duy Hưng, vị Chủ tịch để lại nhiều dấn ấn sâu đậm, có công lớn với Hà Nội. Hết mực yêu nước và yêu kính nhân dân, bản lĩnh chính trực, giản dị khiêm cung, con người bác sĩ Trần Duy Hưng đã hội tụ đầy đủ những phẩm chất đáng quý, đáng trọng của một chính trị gia - một trí thức đích thực.

N.V.B

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)