Là tác phẩm văn chương đầu tiên của George Orwell, Chìm nổi giữa Paris và London có dáng dấp một cuốn hồi kí, du kí về những tháng ngày luồn cúi trong cái đói và nghèo giữa hai kinh đô lớn của thế giới. Qua đây ta có thể hiểu những tư duy về chính trị không tưởng đã nâng Orwell lên tầm cao hình thành ra sao, qua những quan sát vô cùng tinh tế về kiếp nghèo và kiếp lầm than của những con người dưới đáy xã hội.
Xuất bản lần đầu vào năm 1933, thế nhưng tác phẩm lại không có được số phận hoàn toàn êm đẹp. Theo đó sau khi trở về từ Miến Điện cuối năm 1927, Orwell ở trong thế lưỡng nan liệu nên quay lại chiến địa hay sẽ mãi mãi giã từ nghiệp chiến. Nhiều người cho rằng ông theo lập trường chống đế quốc, và khi phục vụ trong lực lượng cảnh sát thuộc địa, ông đã không thể cam chịu được sự bạo liệt cũng như tàn khốc từ quân đội này. Tuy thế nhiều dữ kiện cũng chỉ ra ông có vấn đề về sức khỏe, do đó nguyên nhân sau cùng về việc từ bỏ quân đội đến nay chưa thật rõ ràng.
Nhưng trong 5 năm phân vân đó, ông đã quan sát và chắp bút nên Chìm nổi giữa Paris và London. Là nhà văn trẻ, ta có thể thấy được sự lần tìm, theo đuổi cũng như chịu nhiều ảnh hưởng của Orwell trong tác phẩm này. Khi viết xong, ông bị từ chối bởi T.S.Eliot dẫu ông cho rằng đây là tác phẩm “hay nhưng không phù hợp ở thời điểm đó”. Vài lần sau đó do một lương duyên tình cờ bởi người bạn gái mà tác phẩm được xuất bản, và vẫn giữ nguyên giá trị cho đến ngày này.
Cuốn hồi kí và du kí này chứa đựng mọi thứ cảm xúc, từ bi, hài cho đến đắng cay và đầy đồng cảm. Ban đầu được đặt tên là Hồi kí của một phụ bếp như đại diện cho quãng thời gian ở Paris của ông, và một năm sau, khi dấn bước giữa London thì trọn vẹn tác phẩm mới được hoàn thành. Orwell cũng không ngần ngại bộc lộ suy nghĩ về chính trị đương thời, về những được – mất và những suy tư vô cùng thức thời về thể chế nô lệ trong tầng đớn hèn của xã hội. Đây được nhiều người coi là những manh mún đầu tiên cho các tác phẩm nổi tiếng sau này của George Orwell.
Cuốn sách của George Orwell.
Hài kịch
Như Patrick Modiano từng nói, một tác phẩm hay cần một giọng văn quán triệt từ đầu đến cuối, thế nhưng với Chìm nổi giữa Paris và London, Orwell đã cho thấy một cuốn hồi kí không cần điều đó. Vượt xa khỏi những ủy mị người ta dễ thấy khi nói về đói nghèo và bần cúng hóa, tác phẩm này của ông tuy thế vẫn đầy tiếng cười và nhiều chắp vá. Nỗ lực trở thành nhà văn của Orwell thể hiện ở việc cấu trúc không hề xuyên suốt mà bị cắt nhỏ bởi những câu chuyện, những mẫu thông tin, những nghiên cứu văn hóa về tiếng lóng, ngôn ngữ và dân tộc tính… Tuy thế nó lại phù hợp với một cuốn du kí đến độ lạ kì.
Tác phẩm đầu tay thành công có thế nói phần lớn là bởi một dàn nhân vật vô cùng màu sắc. Đó là những người bạn mà Orwell chọn để đồng hành cùng mình. Đằng sau một nhân vật chính là hàng tá những người xung quanh, những phông nền, những xám xịt… nhưng tựu trung lại là một bức tranh toàn cảnh về những “nô lệ” đang bị giam hãm trong một chiếc lồng không có tiếng nói và bị khinh khi.
Ở Paris, Orwell đã kết thân với Boris - một lính trong đội quân của Sa hoàng, người luôn mang theo một vali ảnh và các huy chương nhưng sống một đời thiếu thốn. Như Orwell viết, Paris là nơi tụ hội các thành phần quái đản, nên các câu chuyện cũng mang một vẻ kì dị không kém. Những người Nga là nổi bật nhất về tính trưởng giả và cách cư xử không được đúng mực, tận dụng chính thứ hào quang mà họ từng có để mà thoát nghèo, nhưng không hề biết chính những điều ấy lại làm cho những người khác ở các nhánh phụ của “chuỗi thức ăn” càng trầm trọng thêm.
Cái nghèo làm con người ta sa vào lối sống cô độc, dở điên dở dại và đã từ bỏ nỗ lực trở nên bình thường. Như nhân vật chính trong cuốn Đố kị của Yuri Olesha, Boris trong tác phẩm này là một hình mẫu phô trương, tiếc nuối quá khứ và tự tin rằng mình có hơn 200 người tình và có con nợ khắp ở mọi nơi… Thế nhưng y không chịu nhìn nhận một thực tế rằng mình đang chìm trong một cơn bĩ cực về những sự đói khiến mình nhũn ra và luôn có thể gặp cảnh màn trời chiếu đất bất cứ lúc nào.
Trong hành trình ấy, Orwell xông pha vào trong đối nghèo với những mẫu chuyện và những lừa đón vô cùng bất ngờ. Như một hình sin, cứ khi nào có chút le lói không còn thiếu ăn, sẽ có chỗ ngủ, thì y như rằng một thứ gì đó sẽ kịp xảy ra. Người đọc chắc hẳn sẽ không thôi cười khi đọc về việc tin tưởng vào các hội kín với phí tham gia nhưng rồi nhận ra chỉ độc là bọn lừa đảo. Đâu đó còn là những “phương cách trả thù” ông chủ tư bản bằng các ngón nghề như nốc cho đến “vỡ người” hơn 4 lít sữa mỗi ngày, hay sẽ gây chuyện ở giữa buổi làm để món tiền lương vẫn giữ y nguyên mà không cần đến cả ngày quần quật…
Bi kịch
Mặc thế ở dưới đáy cùng của những nghèo khó, ta vẫn thấy Orwell buông ra những câu văn buồn đến độ nao lòng. Đó là những miêu tả về các khu ổ chuột giữa lòng Paris với bạo lực, quán rượu và những con ma men chủ yếu là người ngoại kiều Ba Lan, Ý, Ả Rập… tranh giành đàn bà, và đầy cãi cọ. Nơi đó là một tập hợp của những âm thanh, từ tiếng chửi nhau, lời rao thảm thiết cho đến giọng la inh ỏi của lũ trẻ con và thứ mùi chua loét, hôi thối từ xe rác lúc đêm về.
Cảnh sống trong những nhà trọ rẻ riền với rệp bò tứ phía ở Paris hay các điểm làm phúc, các kí túc xá ở London cũng được ông viết đầy vẻ chua chát. Chỉ với 6 franc/ngày để có thể sống, những con người ấy luôn sống trong vùng ngoại biên của sự bần cùng, luôn lo lắng về dối trá, đắt đỏ và bấp bênh. Ở Anh họ sống nhung nhúc trong những căn hầm của đủ loại người, trong khi ở điểm làm phúc họ phải xếp hàng với dáng thất thểu, vai rủ, lưng còng… với vẻ hèn mọn cũng như đố kị như bầy chó hoang.
Do đó danh dự không còn tồn tại trong cuộc đời họ. Ở Paris khi đóng vai trò như một bồi bếp, Orwell đã phải trải qua công việc rối rắm, ngột ngạt, nóng nực đến trên 43 độ với giờ làm việc lên đến 17 giờ một ngày. Ở đó ông đã thấy được một đường biên giới không thể vượt qua giữa cái nghèo và sự giàu sang khi chúng cách nhau chỉ một cánh cửa, giữa sàn nhà nhớp nháp thức ăn dư thừa và thứ khăn trải bàn trắng đến độ phau phau.
Tuy thế những người ăn xin, những người bồi bếp… có thật là đáng để bị coi thường như ngay giờ đây? Theo đó Orwell trong các suy tư ở cuối mỗi chương đã cho thấy rằng hóa ra kiếp nghèo và kiếp lầm than chỉ do định kiến về mặt giai cấp và các nỗi sợ mang tính đám đông. Bồi bếp giờ đây khác gì “nô lệ” khi bị giam hãm và phải phục dịch, tuy thế cái họ phục vụ chỉ là sang trọng giả hiệu, rẻ tiền và kém chất lượng, với nền bếp đầy rác, đầu bếp thì không ngần ngại trả đũa cái nghèo bằng cách nhúng tay hay vắt khăn dơ vào các món ăn.
Tất cả ảo tượng về sự giàu sang đều được duy trì ở nơi chốn đó, dựa trên tư duy có phần mê tín rằng nếu bọn “nô lệ” có thể bận rộn thì sẽ không có sự phản kháng nào. Do đó sau cái tàn khốc trên các trận địa ở miền nhiệt đới, giờ đây Orwell nhận thấy thêm một lần nữa những gì tư bản có thể gây ra cho bất cứ ai. Họ duy trì một hình tượng không thể có, họ phòng hơn chống, họ khước từ những người mất việc, những kẻ lang thang… Mà không cho họ lao động, tránh cảnh ăn không ngồi rồi và có đóng góp vào cho xã hội. Tất cả tựu lại là bởi đồng tiền của những gã phương phi không dám đổ ra để hướng đến các đồng loại và một cuộc sống không còn giam hãm như các nô lệ.
Như Orwell nói, Chìm nổi giữa Paris và London đầu tiên là “bài học thực tiễn về nghèo đói, sau là kinh nghiệm nền móng” của ông. Thật vậy, qua tác phẩm này ta đã có một quan sát vô cùng thức thời và đầy kì thú vào tầng lớp bần cùng và những đối trọng giai cấp của thời buổi ấy. Có nhiều chi tiết vẫn khiến người ta nghi ngại về độ hư cấu, nhưng có thể nói qua tác phẩm này, một Orwell chớm nở về những đối nghịch, đấu tranh và bất đồng đã được dựng lên, chuẩn bị cho những áng văn sẽ làm xoay chuyển thế giới một lần và mãi mãi.
NGÔ THUẬN PHÁT
VNQD