Quill và câu chuyện về trách nhiệm, tin tưởng, yêu thương

Thứ Năm, 09/02/2023 00:16

Đã có một Hachiko - chú chó đợi chờ. Và đã có một chú chó dẫn đường Quill - bước ngắn dệt nên dặm dài, đóng vai trò “đôi mắt” cho những người khiếm thị, khiến người ta phải lặng lòng thương cảm, đồng thời ngẫm về hai tiếng “trách nhiệm”, hai chữ “yêu thương” trong cuộc đời.

Trong năm chú cún mới sinh của gia đình anh Mito Ren, có một chú cún mang vết bớt đặc biệt màu đen bên sườn. Chú cún ấy, được đặt tên là Jonathan. Khi Jonathan cứng cáp, chú được nhận vào trại huấn luyện chó dẫn đường, và được đổi tên thành Quill. Từ đó, là hành trình Quill gắn liền với công việc dẫn đường, cho đến tận ngày, chú cún năm xưa, trút hơi thở cuối cùng.

Dòng thời gian qua con chữ, bức hình

Được viết dưới dạng tự truyện về nhân vật hết sức đặc biệt - một chú chó có thực và làm công việc cũng đặc biệt không kém - công việc chó dẫn đường; Quill - bước ngắn dệt nên dặm dài là cuốn sách cũng được tạo lên từ những điều riêng khác biệt. Câu chuyện kể theo dòng thời gian chảy trôi tuyến tính, quyện hòa từ lời văn dẫn truyện như những câu tự sự giản dị, chân tình, không hoa mĩ mà ẩn sâu trong trang sách những thấm đượm tình yêu, sự trân trọng rất mực tác giả Ishiguro Kengo dành tới một chú cún, đã trọn cả đời cống hiến cho con người, cho cộng đồng. Đến những bức hình trắng đen đan xen vào mạch truyện như thay cho bao câu văn, ở vào các khoảnh khắc mà có lẽ, ngôn từ là bất lực khi trọn vẹn cảm xúc đã thu vào những tấm ảnh nhòe mờ được anh Akimoto Ryohei lưu giữ suốt từ những năm cuối thập niên 90 tới hôm nay. Tất cả, làm nên cuốn sách tranh truyện Quill - bước ngắn dệt nên dặm dài sống động như thước phim tài liệu, điện ảnh quay chậm vậy.

Một thước phim, trải dài mười hai năm cuộc đời chú chó nhỏ, từ 1986 đến 1998, lúc chú ta còn mang cái tên Jonathan tới ngày Jonathan trở thành Quill, chó dẫn đường và giây phút cuối cùng, Quill ra đi vì căn bệnh máu trắng của loài chó. Thời gian cứ thế, chầm chậm trôi qua từng con chữ lẫn những bức ảnh nhuộm màu kí ức, hoài niệm và yêu thương.

Mười hai năm không phải quãng thời gian quá dài trong một đời người, càng chỉ như một cái chớp mắt khi đặt vào thời gian lịch sử của một đất nước. Nhưng mười hai năm, so với tuổi đời loài chó, lại chính là cả một đường đời đằng đẵng từ trẻ thơ tới về già. Và Quill, mười hai tuổi, mười hai năm có mặt trên cõi đời, trải đủ quy luật: sinh, lão, bệnh, tử đã sống thật sự trọn vẹn kiếp đời không hoài phí.

Trải qua khóa huấn luyện khắc nghiệt để trở thành chó dẫn đường cho người khiếm thị dù không thuộc giống chó thuần chủng vốn thường được huấn luyện cho mục đích này, Quill đã hoàn thành xuất sắc “sứ mệnh đôi mắt” với những ai mất đi ánh sáng. “Chó dẫn đường đã được biết đến rộng rãi ở Nhật. Sứ mệnh của nó là làm mắt cho người khiếm thị, giúp họ di chuyển sao cho thật an toàn và thoải mái.”

Ảnh minh hoạ.

Và Quill, còn là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật, là sự cứu rỗi tâm hồn những ai khổ đau, bởi cuộc sống chìm trong thứ bóng tối vô tận kia, đầy rẫy hiểm nguy, vô định, bất an… Quill đến với công việc chó dẫn đường, do nguyện vọng của người chủ cũ, anh Mito Ren. Nhưng trải qua hết thảy thời gian lẫn thách thức để trở thành “đôi mắt” cho người khác hay tấm gương khuyến khích cho thế hệ trẻ hiểu biết hơn về các chú chó làm công việc “dẫn đường” hoặc những ai trải qua “mất mát” chung trong cuộc đời, lại là cái duyên, cũng như sự lựa chọn “sứ mệnh” đã dành cho chú cún nhỏ ngày nào. Tựa vết bớt hình chữ thập giống biểu tượng cánh chim hải âu đón gió bão hằn in trên bộ lông bé cún Jonathan ngay từ lúc lọt lòng đã báo hiệu trước tương lai vậy. Mà chẳng phải, chính người chắp bút cho tập sách Quill - bước ngắn dệt nên dặm dài, anh Ishiguro Kengo, qua sự vô tình bắt gặp bộ ảnh cùng tên của anh Akimoto Ryohei, quen biết Quill, theo ấy, kí ức, kỉ niệm, tình yêu, niềm trân trọng giống loài trung thành và tận tụy này cũng trở về hay sao?

Tập sách nhỏ gói gọn mười hai năm cuộc đời chú chó dẫn đường tên Quill, nhưng bao chứa ở đó, còn là những mảnh đời, niềm hi vọng, tin tưởng, sự nhiệt huyết… gửi trao như vậy đấy.

Cho lòng trung thành và sự tận tụy

Lấy bối cảnh từ những năm 1986 khi Quill chào đời với cái tên đầu tên là Jonathan, trải dài mười hai năm tới ngày Quill nhắm mắt vào năm 1998 và tới những dòng văn được tác giả Ishiguro Kengo viết trong những lời bạt kéo dài tới tận năm 2005 là cả chặng đường thời gian. Ở đấy, đã có biết bao biến động xảy đến trên thế giới, cùng trong đời sống xã hội Nhật Bản. Nhưng cả cuốn sách Quill - bước ngắn dệt nên dặm dài, những xáo động đó như đã lùi xa, để còn lại trên trang sách, trọn vẹn hình ảnh chú chó dẫn đường Quill tận tụy, trung thành với công việc, với con người cho tới tận giây phút cuối đời.

Thật vậy, qua những trang viết tả thực ngỡ không có sự tô vẽ trau chuốt, cùng những tấm ảnh tư liệu quý giá, tác giả Ishiguro Kengo như đã ở đó, chứng kiến một nhóc Quill thể hiện phẩm chất chó dẫn đường ngay từ khi còn là một bé cún nhỏ dù không phải “thuần chủng” như thế nào. Thân thiện với chủ, hiếu động, nghịch ngợm song vẫn lưu giữ sự điềm đạm, thông minh, học hỏi nhanh nhạy như miếng bọt biển thẩm thấu. “Xét cá tính và năng lực cần thiết cho nghề nghiệp, Quill chỉ ở mức bình thường. Nhưng nó cực kì vui vẻ và biết nghe lời. Ngoài ngoan ngoãn phục tùng, nó không còn một đặc trưng nổi bật nào. Nói cách khác, Quill không có cái tôi mạnh mẽ quá. Đây là tố chất quý giá để trở thành chó dẫn đường.”

Quill lần lượt, chinh phục tất cả mọi người, từ gia đình “puppy walker” nuôi chú những ngày đầu đến các huấn luyện viên, từ người chủ đầu tiên trong sự nghiệp chó dẫn đường của Quill tới những người được Quill truyền cảm hứng hay tiếp thêm động lực trong cuộc sống. Quill “ngoan ngoãn phục tùng”, “không có cái tôi mạnh mẽ quá” nhưng qua mỗi câu văn tự sự, mỗi dòng văn miêu tả, tác giả Ishiguro Kengo như còn khắc họa lên một Quill biết điều, biết lắng nghe, thấu hiểu và tình cảm.

Quill được huấn luyện để trở thành chó dẫn đường; song có thể trở thành đôi mắt cho người khác hay không, khi không thể chiếm trọn lòng tin người đó bằng sự lặng lẽ lắng nghe, đồng cảm với trọn vẹn yêu thương? Hay nói cách khác, từ trung thành, tận tụy mà dần trở thành bè bạn vậy. “Trước đây tôi cứ nghĩ chó dẫn đường chẳng qua chỉ là một con chó để dắt mình đi đường thôi, nhưng không phải thế. Chỉ cần có nó ở bên cạnh là đủ để cho tâm tình tươi sáng hơn rồi. Nó là một người bạn đích thực.”

Chú cún Jonathan năm nào, trải qua huấn luyện cùng những tháng năm sống cùng con người, đã trở lại, cảm hóa con người bằng chính bản năng lẫn kĩ năng của loài chó nói chung, chó dẫn đường nói riêng; đã trở thành chú chó Quill dẫn đường mẫu mực, trưởng thành tới thế. Ra đời, gặp gỡ, trải qua những cuộc chia li; Quill thể hiện lòng trung thành với con người bằng sự lặng thầm và ghi nhớ. Quill lưu giữ ánh sáng, Quill còn lưu giữ cả kỉ niệm lẫn hi vọng và tương lai. Hi vọng cho những ai đã chìm trong bóng tối vô tận, hi vọng những điều tốt đẹp được ươm mầm trong đời sống, tới tương lai.

Cả một cuộc đời mười hai năm, Quill đã làm nhiệm vụ “đôi mắt” của những số phận bất hạnh mất đi ánh sáng. Để rồi, tới tác giả Ishiguro Kengo cùng nhiếp ảnh gia Akimoto Ryohei, lại như trở thành đôi mắt quan sát Quill. Từ đó, phóng chiếu, khắc họa một chú chó, đã cống hiến trọn vẹn đời mình vì đời sống con người, vì cả cộng đồng bằng sự tận hiến, tận lực vô tư, trong trẻo nhất.

Quill đã ra đi, cuốn sách viết riêng về cuộc đời chú bởi thế cũng bàng bạc sắc màu hoài niệm từ giọng văn chảy trôi theo trục tuyến tính tới những thước ảnh chỉ hai màu đen trắng. Nhưng “ánh mắt của Quill”, hẳn “đã, đang và sẽ tiếp tục lay mở trái tim của triệu triệu con người.” Ánh mắt của một cá nhân từng nhìn thêm cả phần của những ai đã đánh mất ánh sáng. Và ánh mắt như đại diện, biểu tượng cho lòng trung thành, tận tụy cùng những hi sinh, yêu thương, tin tưởng gửi trao trong cuộc đời lắm điều đắng cay, nghiệt ngã này.

MỌT MỌT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)