Donna Tartt: “Ý tưởng là những mảng lớn từ muôn vạn nguồn”

Chủ Nhật, 15/01/2023 00:36

The Secret History đã được ra mắt cách đây gần 30 năm, thế nhưng kể từ khi đó, người hâm mộ vẫn luôn mong chờ có phần tiếp theo với sự pha trộn hài hòa giữa bí ẩn, thần thoại và các câu chuyện không có kết thúc rõ ràng. Mới đây tác giả đoạt giải Pulitzer cho cuốn tiểu thuyết Con sẻ vàng – Donna Tartt đã có một cuộc trao đổi vô cùng thú vị về những ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài của tác phẩm này.

The Secret History và các tác phẩm có ảnh hưởng lên quá trình viết.

Dư luận tác phẩm trong hơn 30 năm qua có ý nghĩa như thế nào với bà?

Tôi vui vì nó có được vai trò nào đó đối với mọi người, rằng độc giả không chỉ lang thang trong không gian tưởng tượng của cuốn sách mà còn tiếp tục trở đi trở lại với nó. Với tôi, viết một cuốn tiểu thuyết không giống như đang trò chuyện, mà là tương tác trực tiếp với một ai đó vô cùng cụ thể, một người cô độc đang lôi cuốn sách khỏi kệ của mình và đọc chẳng hạn.

Bất kể người đó là ai, vì vậy tôi ít quan tâm đến các tác động chung chung hơn là ảnh hưởng của nó đối với đời sống của từng độc giả. Nếu cuốn sách đồng hành cùng với ai đó trong lúc khó khăn, thì tôi rất mừng. Trên thực tế, tôi đã nhận được một số lá thư từ cả những người chịu án trong tù. Tôi cũng thích nghe những người trẻ tuổi đã được truyền thêm cảm hứng thế nào để trải nghiệm thêm những tác phẩm kinh điển sau khi đọc sách.

Cuộc sống của bà thay đổi ra sao kể từ khi cuốn sách được xuất bản?

Ở một mức độ nào đó, có nhiều thêm những nhiệm vụ đã được đặt lên trên hai vai tôi. Hầu như không liên quan gì đến những yếu tố đã giúp tôi viết cuốn sách ngay từ đầu, thế nhưng tôi đã có đời tràn ngập xê dịch (cuốn sách đã được xuất bản bằng 40 thứ tiếng) và thật tuyệt vời khi có nhiều người theo dõi mình và được tự do viết những gì tôi muốn.

Trước đây bà có tưởng tượng tác động của tác phẩm này không?

Tôi mừng với cách mà cuốn sách này tiếp tục gây được tiếng vang với các độc giả, tôi không mong đợi điều gì hơn thế. Những người kết nối với The Secret History rất say mê nó. Đây không phải là cuốn sách dành cho tất cả mọi người, nhưng những phản hồi về nó, dù tốt hay xấu, hiếm khi thờ ơ.

Nữ văn sĩ Donna Tartt.

Bà lấy ý tưởng để viết cuốn tiểu thuyết này từ đâu?

Ở khắp mọi nơi - từ du lịch, lịch sử, các chuyện ngồi lê đôi mách, các chuyện tội phạm, các cuốn tạp chí khi tôi ngồi chờ tại văn phòng nha sĩ… cho đến ký ức tuổi thơ, tin đồn, bài hát, những giấc mơ (ý tôi là theo nghĩa đen – tôi thường vẫn viết nhật kí về những giấc mơ và cũng có khi tận mắt chứng kiến chúng đang tìm đường vào sách của mình)…

Tôi thường giả định các tiểu thuyết gia luôn có một “kho” ý tưởng khổng lồ, và tất cả những gì họ làm là ngồi xuống và viết ra chúng. Tuy vậy điều đó không đúng với tôi. Đối với riêng tôi, cuốn sách là một “cơn bão”, một đám đông, một bữa tiệc… Các ý tưởng đôi khi không đến một cách đơn lẻ, mà chúng thường đi thành từng mảng lớn, tuôn trào từ muôn vạn nguồn cũng như nhánh nhỏ khác nhau, và rồi phát triển dần dần trong thời gian dài. Tôi nghĩ kết cấu của các cuốn sách mà mình từng viết phản ánh điều đó.

Bà đã bao giờ đọc lại The Secret History chưa?

Tôi đã đọc nó khoảng 15 năm trước, và thật kì lạ khi nó gợi lại một cách rõ ràng nơi tôi đã viết, và cũng đôi khi chi tiết đến mức ngay cả trang phục tôi mặc khi viết cũng hiện lại về. Và cũng có những đoạn văn hoàn toàn xa lạ, như thể ai đó đã viết ra chúng chứ không phải tôi.

Làm thế nào để các nhân vật của cuốn sách này vẫn sống với bà?

Không có cách nào để xây dựng một nhân vật vững chắc mà không đặt mình vào sâu trong đó. Với The Secret History, có thể nhận ra DNA của tôi đan xen trong các nhân vật - điều đó có nghĩa là một cử chỉ, một câu nói hay một ngữ điệu của chính tôi sẽ lại thấy được trong một nhân vật nào đó.

Tuy nhiên, Richard trong The Secret History sống mãi với tôi hơn bất kì nhân vật nào mà tôi từng viết. Giọng nói của Richard, thoạt đầu, là một âm thanh hoàn toàn nhân tạo, được xây dựng cho mục đích của chuyện mà tôi muốn kể. Nhưng bởi vì đã dành rất rất nhiều năm chỉ để viết bằng giọng nói của Richard, nên nhân vật ấy cuối cùng đã ảnh hưởng một cách sâu sắc đến giọng điệu của bản thân tôi suốt bao năm qua.

Chúng tôi mãi mãi tìm kiếm một cuốn sách như The Secret History. Có cuốn sách nào bà nghĩ mỗi người đều nên đọc không?

Không thực sự có phần tiếp theo, cho nên tôi sẽ chia sẻ một số cuốn sách vô cùng quan trọng mà tôi đã đọc khi viết The Secret History. Tôi không thể viết hoặc thậm chí nghĩ là mình viết nên tác phẩm này nếu không có Vụ việc dị thường về bác sĩ Jekyll và ông Hyde, cuốn sách sắc nét và gây sốc hơn bao giờ hết của thế kỉ 19.

Anh Meulnes của Alain Fournier cũng có liên quan đến tâm trạng bi tráng của cuốn sách này, cũng như hình thành nên một cảm giác về quá khứ kì diệu đã mất, như Gatsby vĩ đại cung cấp cho ta.

Cold Heaven của Brian Moore và Ta vẫn luôn sống trong lâu đài của Shirley Jackson đã giúp tôi có cái nhìn cởi mở về những gì có thể xảy ra trong một tiểu thuyết văn học. Thật tiếc khi mọi người dường như chỉ biết đến bản chuyển thể điện ảnh của Quý ngài Ripley tài năng, bởi cuốn sách gốc của Patricia Highsmith vô cùng khác biệt và đầy vượt trội.

Những tác phẩm của George Orwell và Evelyn Waugh cũng rất quan trọng với tôi trong thời gian viết The Secret History, và cho đến giờ vẫn vậy. Tôi đã đọc chúng một cách say mê trong thời gian đó - tiểu thuyết, tiểu luận, thư từ... mọi thứ. Các tiểu thuyết của Vladimir Nabokov cũng là những sự thử nghiệm trong phong cách với tôi.

Bất cứ ai muốn biết thêm về những ý tưởng đằng sau cuốn sách cũng rất nên đọc Bacchae của Euripedes, Yến hội và Phaedrus, Apology của Plato. Sẽ có nhiều người cảm thấy khó chịu khi nhắc đến Plato, nhưng hai cuộc đối thoại này đã thay đổi cuộc sống của tôi.

NGÔ THUẬN PHÁT dịch theo bài phỏng vấn trên tờ TODAY

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)