Bùa hộ mạng

Thứ Tư, 04/01/2023 00:50

 

Yamakawa Masao (1930 - 1965) tên thật là Yamakawa Yoshimi, sinh ở Tokyo, tốt nghiệp khoa Pháp văn Đại học tư thục Keo. Từng làm biên tập cho Tạp chí văn học Mita Bungaku, sau đó Yamakawa Masao viết và công bố các truyện ngắn như: Cái chết mỗi ngày, Năm ấy, Công viên ven biển… Với phong cách tinh tế và viết về chủ đề thành thị, ông miêu tả sự phi lí của cái chết và tuổi trẻ thời kì hậu chiến. Ông qua đời năm 34 tuổi vì tai nạn giao thông.

Ngoài tác phẩm Đám tang mùa hè, truyện ngắn Bùa hộ mạng dưới đây của ông cũng đã được đưa vào sách giáo khoa ngữ văn Nhật Bản.

*********************

“Này, cậu có cần thuốc nổ không?”

Sekiguchi, người bạn thân, bất ngờ hỏi tôi. Lúc ấy chúng tôi đang uống rượu trên tầng hai một quán ăn nhỏ khi tình cờ gặp nhau ở Ginza sau bốn năm rưỡi.

Sekiguchi đã học cùng tôi đến bậc trung học. Hiện anh đang làm việc tại một công ti kiến trúc. Vì vậy, việc có được thuốc nổ có lẽ là không quá khó, nhưng cho dù anh ấy có thay đổi như thế nào so với hồi trước đi nữa thì lời nói ấy cũng hơi bất thường.

“Với tôi, có lấy cũng chẳng để làm gì.” - Tôi trả lời.

“Bây giờ, tôi có đem theo đây!” - Sekiguchi nói.

Dĩ nhiên, chắc chắn là nói đùa. Tôi mỉm cười rót rượu vào li anh ấy.

“Đừng hù! Quan trọng là nó sẽ nổ tung ngay đấy. Không nguy hiểm sao? Sao lại phải đem cái thứ ấy đi vậy?”

Và rồi, Sekiguchi bắt đầu kể:

Hiện nay, tôi cùng vợ, hai người sống trong một căn hộ chung cư. Tôi đã nộp đơn xin vào mùa hè năm trước nhưng không thể đợi được nên hè năm ngoái chúng tôi đã kết hôn, và đến mùa thu thì cuối cùng cũng có được nên lúc ấy tôi đã cảm thấy vui sướng như bay lên trời.

Ở đấy, những bãi cỏ chưa quen với đất và những cây sakura khẳng khiu dường như vừa mới trồng, nhưng trái lại chúng đều rất tươi mới nên cuối cùng tôi cũng có cảm giác như mới kết hôn vậy… Dù sao thì cho đến lúc ấy, chúng tôi đã sống trong một căn phòng rộng sáu chiếu trong ngôi nhà kiểu thuần Nhật của bố tôi, và đó cũng là của một đại gia đình, vì thế một căn phòng có khóa cửa để tránh ánh mắt và tiếng ồn từ những người khác, có lẽ là điều mà chúng tôi ao ước biết bao. Về điểm đó, quả thật chúng tôi đã đạt được mong muốn của mình.

Tuy nhiên, sau nửa năm sống trong một căn phòng của khu chung cư mới mà mình ao ước ấy, không hiểu sao tôi bắt đầu cảm thấy hồi hộp, bất an kì lạ, giống như bị mất phương hướng hay khủng hoảng bâng quơ… Chẳng phải là vì ai cả, mà có thể là một loại rối loạn thần kinh. Vì thế mà có lẽ người đàn ông ấy cũng chẳng có lỗi gì đặc biệt. Nhưng, dù sao người đàn ông tên Kurose ấy cũng là nguyên cớ trực tiếp gây ra tình trạng như thế này của tôi, điều đó là chắc chắn.

Đó là một đêm tối muộn sau bữa tiệc. Không còn xe bus nên tôi đã phải về đến lối vào khu chung cư bằng taxi. Tôi đi lang thang về phía dãy nhà mình vừa hóng gió đêm, định cho tỉnh rượu một chút.

Lúc ấy, tôi nhận ra trước mặt mình có một người đàn ông đang đi. Tôi đã rất ngạc nhiên. Một người giống tôi như đúc, như thể tôi nhìn vào phía sau của mình. Cũng đầu đội mũ phớt, tay trái xách hộp thức ăn, bước thang lang chân cao chân thấp vì say rượu. Vì là một đêm đầy sương mù nên tôi đến chừng như đã nghĩ rằng đó là bóng của mình.

Thế nhưng, đó không phải là bóng. Hắn bước đi loạng choạng phía trước. Ủa, sao lại có người giống mình đến thế nhỉ. Với cảm giác đó, tôi đi theo hắn thì thấy có vẻ hắn cũng sống cùng dãy nhà E với tôi. Hắn cũng bước lên cầu thang của nhà E như tôi thường lên.

Cho dù có bao nhiêu khu chung cư, bao nhiêu dãy nhà đi nữa, những người cùng lên xuống một cầu thang cho dù có không thích thì cũng sẽ nhớ mặt thôi. Thế nhưng, tôi không biết người đó. Tôi nghĩ thật kì quái, nhưng, anh ta bước lên cầu thang như thể đã rất quen thuộc, rồi gõ vào cánh cửa đầu tiên bên phải tầng ba.

Tôi bất giác dừng lại. Đó là cánh cửa phòng tôi. Thế nhưng, tôi đã phải ngạc nhiên hơn nữa. Cánh cửa mở ra, hắn bước vào bên trong với một dáng vẻ đúng như một người chồng mệt mỏi quay trở về nhà sau ngày làm việc.

Thoáng chốc, tôi đã nghĩ chẳng lẽ là tình nhân của vợ mình sao! Có thể lắm. Vì thế, tôi định sẽ bắt tại trận nên nhẹ nhàng khẽ bước lên cầu thang. Đứng trước phòng mình, ghé sát tai vào cửa.

Cảm giác lúc ấy thật kì lạ… điều đó, làm thế nào cho cậu hiểu được nhỉ. Tôi đã nhầm. Hắn không phải là người tình hay gì đó của vợ tôi. Hắn, tóm lại, chính là tôi!

An tâm đi. Tôi không bị điên. Nhưng, lúc đó, tôi đã nghĩ là mình bị điên… Trong nhà, vợ tôi gọi tên tôi Jiro, Jiro như thường lệ, kể lại chuyện em gái đến nhà hôm ấy, rồi cười, rồi gì đó, tiếng tôi ậm ừ hưởng ứng câu chuyện như những khi mệt mỏi cũng nghe rất rõ. Dường như vợ tôi đang chuẩn bị bữa ăn tối nhẹ như thường lệ ở trong bếp, “tôi” thì đang lật tờ báo… Tôi ngẩn cả người. Dù sao thì, hiện thực là có thêm một “tôi” nữa. Nếu vậy thì, kẻ đang đứng đực mặt ra ở đây, “tôi” này là kẻ quái nào nhỉ! Và ai là “tôi” thật? “Tôi” này rốt cuộc nên đi về đâu đây?...

Minh họa: Vũ Đình Tuấn

Tôi đã định làm cho tỉnh rượu nhưng giờ đây quả thật có lẽ vẫn đang còn say quá. Đối với tôi lúc ấy, sự tự tin rằng tôi này là “tôi” thật đã biến đâu mất. Tôi hoàn toàn không chắc rằng người đàn ông trong phòng là “tôi” giả và có sự nhầm lẫn nào đó. Tôi mở cửa nhà ra đơn giản chỉ là vì không biết “tôi” này nên đi đâu.

“Ai vậy?” - Vợ tôi hỏi, vì là mình, vào giây phút ấy tôi không lường được là nên nói gì. Và, với vẻ ngại ngùng, tôi trả lời… Anh đây!

Việc sau đó mới đáng xem. Vợ tôi đi ra rồi thét lên, vừa khuỵu xuống vừa quay lại nhìn người đàn ông bên trong rồi lại thét lên, cắn vào “tôi” này. Há hốc mồm và bắt đầu khóc. Sau đó, một “tôi” thêm kia biến sắc, từ bên trong ló mặt ra.

Đó là người đàn ông tên Kurose Jiro. Kể từ đó, tôi đã nhớ mặt và tên hắn ta.

Sekiguchi vẻ mặt trầm ngâm. Cầm lấy bình rượu tự rót đầy vào cốc mình.

“Thêm một “tôi” khác à? Thật là một Doppelganger điên rồ! (tiếng Đức: người song trùng” - ND)

Tôi cười. Sekiguchi nhướng mắt lên nhìn liếc qua tôi, không đáp. Anh tiếp tục câu chuyện mà chẳng hề mỉm cười.

Phòng của tôi là E-305, của anh ta là D-305, khi Kurose rối rít xin lỗi rồi đưa ra danh thiếp tôi mới biết điều đó. Có nghĩa là vì anh ta nhầm một dãy nên đã nhỡ vào phòng của tôi.

Em gái tôi tên là Kuniko. Nhưng, với cái người ki sư xây dựng tên Kurose ấy nghe nói cũng có một người chị em họ tên là Kuniko. Tên tôi là Jiro (Nhị Lang) và anh ấy cũng tên Jiro (Thứ Lang) (hai chữ này đồng âm trong tiếng Nhật - ND). Quả nhiên anh ta cũng sống cùng vợ, chỉ hai người. Chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng điều kiện đều rất giống nhau.

“Hèn gì, tôi đã thầm nghĩ không hiểu sao hôm nay cô ấy dịu dàng như con gái vậy. Dù sao thì chúng tôi cũng đã sống với nhau được bốn năm rồi mà.”

Khi ra về, Kurose nói như tâng bốc nhưng tôi chẳng thấy vui chút nào. Cho đến tận khi tôi mở cửa, cả vợ tôi và anh ta, cả hai đều chẳng nhận ra sự nhầm lẫn, điều đó đè nặng trong lòng tôi.

“Vì sau khi mở cửa, em cứ thế đi thẳng vào bếp. Người đó vào liền lập tức lật tờ báo đọc cũng như anh hằng ngày vậy, nên em hoàn toàn không hề nghĩ là ai khác ngoài anh.”

Khi bị tôi mắng, vợ tôi như thể lo lắng quay nhìn khắp phòng và nói.

“Chắc chắn không chỉ là căn phòng mà vợ chồng họ cũng giống y chang chúng ta. Người đó cũng hoàn toàn nhầm em với vợ anh ta phải không? Thật khó chịu, đáng sợ quá!”

Tôi định nói rất nhiều nhưng rồi lặng im. Nếu là nhầm người hay phòng thì chẳng có vấn đề gì. Chuyện đó rất hay xảy ra. Thế nhưng, điều làm tôi thấy khó chịu là sinh hoạt của chúng tôi lại bị Kurose nhầm lẫn với sinh hoạt của bọn họ.

Tôi cũng bị người vợ nhầm lẫn với Kurose… Những người chồng sống trong chung cư như chúng tôi đi làm về giống nhau đến mức ấy ư?

Dẫu biết rằng vì là chung cư nên mọi người đều sống trong một căn hộ có quy cách giống nhau. Thế nhưng, tôi nghĩ, không biết liệu bọn tôi có bị quy cách hóa cả trong sinh hoạt hằng ngày hay không?

Cậu có biết cuộc sống trong chung cư không? Quả nó khuôn mẫu một cách đáng sợ. Những người sống trong chung cư, cho dù nói về tư cách hay điều kiện để vào đó, ai cũng có cuộc sống gần như giống nhau, độ tuổi cũng hầu như bằng nhau. Thế nhưng, có thể nói là không chỉ những thứ bên ngoài đó mà tôi còn cảm thấy sự đồng nhất hóa mở rộng đến tận phần cốt lõi hơn.

Chẳng hạn, đôi khi tôi cũng tranh cãi với vợ. Và lúc ấy thì, có thể nghe thấy rõ tiếng cãi cọ tương tự của một cặp vợ chồng đâu đó theo gió bay vào cửa sổ. Thấy ngốc nghếch sao đó nên tôi dừng cuộc cãi cọ lại. Tuy là có hiệu quả như vậy nhưng những người sống ở đây hầu như luôn cãi nhau vào một giờ nào đó của một ngày nào đó trong tháng, và chúng tôi cũng không ngoại lệ, khi nhận ra điều đó, tuy là cách nói buồn cười, nhưng sự thiêng liêng của cuộc cãi vã biến mất tiêu. Điều đó, chỉ là một hoạt động tâm thần mà mỗi con người chắc chắn có theo chu kì mà. Hãy thử suy nghĩ như thế. Thật là một chuyện nhạt nhẽo!

Khi đi vệ sinh, thì ngay lúc ấy, từ căn phòng cùng vị trí ngay tầng trên có thể nghe thấy tiếng kéo vòi nước và tiếng nước chảy. Sự trùng hợp như thế có thể kéo dài nhiều ngày…. Những sự việc trùng khớp mà cho đến lúc ấy tôi chẳng thèm quan tâm bắt đầu làm tôi cảm thấy khó chịu.

Tôi bắt đầu tự hỏi liệu việc cùng một môi trường, cùng một trật tự thường nhật có đưa chúng ta đến cùng một sinh lí hay cùng cảm xúc không. Thế nhưng, nếu là vậy, thì không phải chúng tôi chẳng khác nào vô số những anh lính đồ chơi xếp hàng trong tiệm bán đồ chơi ở chung cư sao. Như vô số các con rối cùng quy cách!

Điều của chỉ riêng mình, không của ai khác, sở hữu thật sự của riêng mình, lãnh thổ của riêng mình, nó ở đâu? Trong một nhóm những con người giống y nhau, giờ đây không phải tôi cũng không thể nhận ra chính mình, như một hạt đậu đỏ Azuki trong căn phòng với những hạt đậu Azuki đã được bóc ra sao.

Hơn thế, việc đẩy tôi đi xa hơn là những lời nói của vợ. Một đêm, sau khi âu yếm, vợ tôi nói.

“Buồn cười lắm. Lúc em đi vệ sinh ấy, lúc nào cũng vậy, chắc chắn cả tầng trên lẫn tầng dưới đều có âm thanh của nhà vệ sinh. Mọi người đều giống nhau cả!”

Ngay lập tức tôi rút tay khỏi cơ thể của vợ. Tôi tưởng tượng. Những ông chồng trong khu chung cư, như thể cùng nghe một hiệu lệnh không lời, trong đêm, cùng làm một tư thế, và bắt đầu cùng một bài vận động…

Từ đó trở đi, tôi chẳng còn thấy nhiệt tình với việc đó. Mỗi khi nghe tiếng rên rỉ của vợ, tôi lại cảm thấy dường như cả một dàn hợp xướng rên rỉ của các bà vợ trong toàn bộ khu chung cư cất lên trong đêm. Trong vô thức, tôi lại cau mặt. Ôi, thật là đồng nhất!

Kết cục, trong khi chúng tôi tin rằng việc đó mới là điều của riêng mình, thì thực tế là mỗi người, vì là một con người khuôn mẫu, trong một sinh hoạt khuôn mẫu, chẳng phải chỉ có những phản ứng theo khuôn mẫu thôi sao?

Cứ ảo tưởng đó là điều của riêng mình, thật ra thì mỗi người đều bị những nguyên tắc vô hình thao túng, làm cho đồng nhất và sống qua mỗi ngày không phải sao!

Tôi không thể chịu đựng nổi. Tôi không phải là con búp bê. Không phải là một con rối!

Làm thế nào để bản thân có thể trân trọng cuộc sống của chính mình mà không xác tín được rằng mình chứ không phải là một ai khác? Có thể yêu vợ được không? Có niềm tin sẽ được vợ yêu không?

Tôi bật cười, cắt ngang. Sekiguchi nhìn chằm chằm vào tôi với đôi mắt đầy nghiêm túc.

Cuối cùng, trên má anh ấy cũng thoáng hiện nụ cười. Tôi nhớ, Sekiguchi trước đây là người có nụ cười rất giá trị.

“Câu chuyện hết sức nghiêm túc.” - Sekiguchi nói.

“Tóm lại là theo tôi, người đàn ông tên Kurose ấy, như là đại diện cho vô số những nhân viên văn phòng như tôi, những người chồng sống trong chung cư, những anh lính đồ chơi. Như là đại diện cho vô số những “tôi” khác ấy!”

Có lẽ cậu cũng tưởng tượng ra, từ sau cái đêm đầy sương đó, tôi thậm chí không muốn nói chuyện với anh ta. Thật khó chịu khi trông quá giống nhau, cái anh chàng lúc nào cũng ôm túi xách trước ngực ấy cũng có vẻ như tránh ánh mắt của tôi. Bước đi như lén lút trốn chạy.

Dĩ nhiên, chúng tôi thậm chí không chào nhau lấy một lời luôn ấy!

Chắc hẳn, thông qua anh ta, tôi đâm ra ghét tất cả bọn người đã bị khuôn mẫu hóa như chúng tôi, mỗi người là một anh lính đồ chơi không hơn. Tôi cố chối bỏ là một sản phẩm khuôn mẫu trong vô số những “tôi” ấy.

Tôi ghét anh ta. Tôi không phải là anh ta. Tôi không phải là một “nhân viên văn phòng rất giống tôi”. Không phải là vô số “tôi”. Tôi là tôi, chắc chắn không phải là anh ta… Tuy nhiên, khác nhau ở đâu nhỉ? Có bằng chứng gì chỉ rõ được khác nhau ở đâu không?

Tôi không phải là một mảnh bất kì. Tôi là tôi, là Sekiguchi Jiro với đặc điểm riêng, là một con người tuyệt đối không thể thay thế cho bất kì ai. Nhắc lại, tôi đã nghĩ như vậy đó.

Tuy nhiên, có căn cứ gì để phân biệt tôi với bọn họ? Điều khác nhau không phải chỉ là cái tên thôi sao? Có thể nói, cái tên chỉ là dấu hiệu. Ngoài điều đó, có bằng chứng gì cho thấy tôi không phải là bất cứ ai trong khu chung cư này?

Tôi phải tạo ra điều đó. Điều đó là “tất yếu” của tôi. Tôi nghĩ, làm thế nào cũng phải có được cái khác biệt, cái cá tính của mình… Có nghĩa là những gì để phân biệt rõ giữa bản thân với vô số những Kurose Jiro trong chung cư này.

Phải giữ chắc lấy cái tôi riêng chứ không phải là ai khác, hay nói cách khác, điều đó có lẽ sẽ giúp bản thân lấy lại được bình yên cho tâm hồn mình.

Sau đó, chừng mười ngày trước, cuối cùng tôi cũng có được một cái bùa hộ mạng. Dĩ nhiên là không để cho vợ biết. Vì điều này, nói cho cùng, là một vấn đề của tôi.

“…Bùa hộ mạng đó là cái này.”

Sekiguchi kéo chiếc túi bằng da dày từ phía sau lại, lấy từ bên trong ra một vật được bọc giấy dầu, quấn cẩn thận bằng sợi dây mảnh to chừng có thể nắm bằng một tay

“Thuốc nổ. Hàng thật đấy!”

Khéo léo mở sợi dây đó ra bằng những ngón tay, lần đầu tiên tôi trông thấy thuốc nổ thật. Bốn ống thép hình trụ dài chừng 20cm được buộc chặt với nhau bằng dây thép. Khi cầm bằng tay thì nó nặng trịch.

“Đây là bùa hộ mạng” - Sekiguchi nói.

“Mọi người, có nói gì đi nữa, cũng không thể thoát ra cuộc sống khuôn mẫu được. Nhưng tôi thì không muốn vậy. Có thể làm thổi bay tung cả tôi và những người khuôn mẫu mãi này… Cái sức mạnh bí mật mà bản thân lén cất giữ này, sau khi suy nghĩ nát óc, là chỗ dựa cuối cùng mà tôi đã tìm thấy. Tóm lại, đây chính là đặc thù của tôi.”

“Hả!”

Đáp lại, Sekiguchi với ánh mắt như ve vuốt nhìn chằm chằm vào những trụ tròn đen bóng bên trong ấy.

“Tôi, không cần đâu.” - Tôi bảo.

“Vậy à. Thật đáng tiếc. Tôi cũng không cần nữa. Phải tìm một cái bùa hộ mạng khác thôi!”

“Đúng rồi, cứ cho là câu chuyện nghiêm túc đi nữa, vật nguy hiểm như thế này thì…”

Sekiguchi đưa tay ra hiệu ngăn tôi lại lúc đang nói.

“Đừng hiểu sai ý tôi. Cậu hoàn toàn là một chàng trai hạnh phúc.”

Sekiguchi bật cười.

“Tôi nói không cần nó nữa là vì có lẽ nó không còn có thể gọi là nét độc đáo của tôi nữa.”

Ngừng một chút rồi Sekiguchi nói tiếp.

“Này, cậu không nghe radio tối nay à?”

“Không.”

Tôi trả lời. Trên mặt Sekiguchi thoáng hiện nụ cười chua chát.

“Tối nay, một quả bom đã phát nổ trên xe bus. Ba người trên xe chết ngay tại chỗ. Những người khác bị bỏng và trọng thương có vẻ đã được đưa đi cấp cứu nhưng… hiện trường là gần ngay cạnh khu chung cư của tôi.”

“Vì sao lại vậy?”

Tôi thấy mình tỉnh rượu hẳn.

Sekiguchi chậm rãi cho gói bọc giấy dầu vào túi xách, chẳng nhìn tôi, nói.

“À, đúng là anh chàng lúc nào cũng ôm cái túi xách như thể rất quan trọng khi đi ấy đấy. Và chạy trốn tôi ấy. Chắc chắn anh ta cũng rất ghét tôi. Anh ta cũng cần bùa hộ mạng đấy.”

“Là chuyện gì?” Tôi nói

Sekiguchi nằm vật ra chiếu, nói với giọng như thở dài.

“Thật đáng ghét! Radio nói rằng, quả bom ấy, sau khi điều tra, nằm trong túi xách của một kĩ sư xây dựng, người đã chết ngay tại chỗ, tên là Kurose Jiro.”

NGUYỄN THỐNG NHẤT dịch từ nguyên bản tiếng Nhật

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)