Nhà văn Ý Italo Calvino.
. Truyện ngắn của Italo Calvino, Ý
Marcovaldo hay Seasons in the City của Italo Calvino là một loạt truyện ngụ ngôn và châm biếm về cuộc sống thành thị, tập trung vào một nhân vật có phần ưu buồn sống trong nước Ý hiện đại. Mặc dù các nhân vật của Calvino (cũng như tác giả) sống ở Ý, nhưng ngôn ngữ lẫn bối cảnh đều không bị hạn chế bởi tính địa phương.
Không phải là một nhà văn chính trị và cũng không là người đi theo chủ nghĩa hiện thực, Calvino trình bày trải nghiệm của mình thông qua những mảnh ghép hư cấu. Cái lạ là văn chương ông vừa thơ mộng lại vừa ám ảnh. Tại Việt Nam, rất nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển ngữ và giới thiệu, như Nếu một đêm đông có người lữ khách, Tử tước chẻ đôi, Palomar… và gần đây nhất là Lâu đài của những số phận giao thoa.
____
Với giới thương gia thì không có khoảng thời gian nào trong năm nhẹ nhàng và tốt đẹp hơn là lễ Giáng sinh cùng với mùa Vọng. Trên các đường phố, âm thanh rộn ràng từ chiếc kèn túi của người du mục vang lên lảnh lót. Trong các công ty thì nếu mới hôm qua thôi vẫn chỉ quan tâm đến bảng số liệu cùng với cổ tức, thì giờ đây mọi người đã mở lòng ra đón nhận tình cảm và nụ cười của nhau. Suy nghĩ duy nhất của Hội đồng quản trị lúc này là làm thế nào để mang niềm vui đến cho đối tác, bằng cách gửi những món quà cùng với thông điệp chứa nhiều thiện chí cho các công ty cùng những cá nhân quan trọng cho việc làm ăn của mình. Hãng nào cũng theo quy trình đi mua một lượng hàng lớn từ hãng thứ hai và rồi làm quà tặng cho hãng thứ ba; và những hãng đó, về phần mình, cũng sẽ tiếp tục mua hàng từ hãng thứ tư để tặng cho hãng thứ năm… Cửa sổ văn phòng vào thời gian này vẫn còn sáng choang cho đến tận khuya, đặc biệt là ở bộ phận vận chuyển, nơi các nhân viên vẫn đang miệt mài làm việc ngoài giờ để gói các các hộp quà tặng. Bên ngoài tấm kính mờ sương, vỉa hè giờ đây được phủ lên lớp băng mỏng. Ở đó những người thổi kèn túi đi dọc con phố dài sau khi dời xuống từ những ngọn núi xa xôi. Họ sẽ tản ra và đứng ở các ngã tư trung tâm, có hơi chói mắt bởi các ánh đèn hắt ra từ những ô cửa của các cửa hàng giàu có quá sáng. Họ cúi đầu và lặng lẽ thổi nhạc cụ của mình. Cùng một lúc đó, xung đột lợi ích nặng nề giữa giới thương nghiệp sẽ được xoa dịu và nhường chỗ cho cuộc cạnh tranh mới: xem ai trưng bày các món quà tặng độc đáo và dễ thấy nhất theo cách hấp dẫn nhất.
Năm đó tại Sbav & Co., Phòng Chăm sóc khách hàng đã gợi ý rằng các món quà lễ dành cho những người quan trọng nên được nhân viên hóa trang thành ông già Noel giao đến tận nhà.
Cái ý tưởng này đã nhận được sự nhất trí từ các giám đốc điều hành. Một bộ trang phục hoàn chỉnh của ông già Noel đã được đặt mua, với râu trắng, mũ đỏ cũng như áo khoác viền dải lông trắng và đôi ủng lớn. Họ đã cho nhiều nhân viên giao hàng thử bộ đồ đó để xem ai vừa vặn nhất, nhưng người thì quá thấp đến nỗi bộ râu thòng xuống chạm đất; người thì quá mập không mặc vừa áo, người thì quá trẻ, người thì quá già và thật vô vọng để trang điểm cho giống một lão già béo…
Trong khi trưởng Phòng Nhân sự bận rộn tập hợp nhân viên từ các bộ phận khác nhau, thì các Giám đốc điều hành cũng đã họp lại để tìm ra cách làm nổi bật hơn cái ý tưởng này. Theo đó Phòng Chăm sóc khách hàng muốn các gói quà của nhân viên công ty cũng được ông già Noel phân phát tại một buổi lễ tập trung; trong khi Phòng Bán hàng thì muốn ông ta đi phát xung quanh các chi nhánh nhỏ vẫn đang mở cửa. Không chịu lép vế, Phòng Marketing cũng đang lo lắng về sự nổi bật của tên công ty, và gợi ý rằng có lẽ nên thêm vào bộ trang phục ông già bốn quả bóng bay có chữ S.B.A.V…
Trong không khí đó, tất cả như bị cuốn vào một bầu nhiệt huyết cũng như thân tình giờ đã thấm đầy màu sắc lễ hội cùng sự bận rộn lan khắp thành phố. Không gì đẹp hơn cảm giác mà hết thảy mọi thứ của cải vật chất đều chảy tràn về tất cả mọi phía và cùng với nó là những hữu cảm người ta nhận thấy ở nhau. Và chính vế sau cũng như âm thanh rộn ràng của chiếc kèn túi đã nhắc nhở chúng ta điều gì mới là quan trọng.
Trong Phòng vận chuyển, hàng hóa theo nghĩa vật chất cũng như tinh thần đang được gấp rút chuyền đến Marcovaldo vì nó cần phải bốc dỡ. Trong đầu anh ấy giờ không chỉ nghĩ mỗi việc lao động, mà đó còn là hi vọng ở cuối “mê cung” hàng nghìn gói quà, khi sẽ có một gói thuộc về riêng mình đã được chuẩn bị bởi Phòng Nhân sự. Và thậm chí là cả nhà anh sẽ có nhiều hơn, bằng cách anh đang tính xem bản thân được trả bao nhiêu vào cuối tháng này, cộng với tiền thưởng cho dịp lễ hội và số giờ dài mình đã dành ra để mà tăng ca. Với “gia tài” đó, anh sẽ lao đến các cửa hàng khác để mua, gom, góp rồi dùng để làm quà tặng, lộc vui cũng như những lời chúc phúc, bởi vì tình cảm chân thành cũng là một sự “có qua có lại” của ngành công thương.
Bất chợt Trưởng phòng Nhân sự bước vào văn phòng vận chuyển với bộ râu giả đang cầm trên tay. "Này anh kia!" gã nói với Marcovaldo. “Hãy dán nó vào để xem anh trông thế nào... Quá hoàn hảo! Từ giờ anh là ông-già-Noel-được-chọn. Đi lên lầu nào. Nhanh chân lên nhé. Anh sẽ được hưởng chế độ đặc biệt nếu thực hiện đủ năm mươi lần giao mỗi ngày.”
Giờ đã hóa thân thành ông già Noel, Marcovaldo đi khắp thành phố bằng chiếc bán tải chất đầy những gói hàng đẹp được bọc trong giấy nhiều màu, có buộc những dải ruy băng và được trang trí với cành nhựa ruồi hay là tầm gửi. Bộ râu bông trắng khiến anh cảm thấy hơi nhột, nhưng nó cũng có ích lợi là bảo vệ được cổ họng anh khỏi không khí lạnh.
Chuyến đi trước nhất là về nhà mình, vì anh không cưỡng lại được cái cám dỗ chính là muốn tạo cho những đứa con một sự bất ngờ. Anh nghĩ rằng chúng không nhận ra mình, và rồi sẽ có một tràng cười muộn bởi sự bối rối.
Nhưng những đứa trẻ đang chơi trên phía trên cầu thang còn chẳng thèm ngước nhìn lên. “Chào, Papa.”
Marcovaldo khá là thất vọng. “Hừm… Tụi con không thấy bố ăn mặc thế nào à?”
“Có gì lạ đâu?” Pietruccio nói. “Bố mặc giống như ông già Noel chứ gì?”
“Con biết là bố dẫu chỉ nhìn lướt qua ư?”
“Dễ ẹc chứ gì! Bọn con cũng nhận ra bác Sigismondo. Bác ấy còn giấu mình tốt hơn bố nhiều!”
“Anh rể của người gác cổng nữa!”
“Cha của cặp song sinh phía bên kia đường cũng thế!”
“Và chú của Ernestina - con bé tóc bím, cũng làm khá tốt!”
“Tất cả bọn họ đều mặc trang phục ông già Noel à?” Marcovaldo hỏi, và sự thất vọng vỡ ra trong anh không chỉ bởi vì thất bại trong việc gây ra ngạc nhiên, mà còn là bởi anh thấy uy tín của công ty mình giảm sút phần nào.
“Tất nhiên rồi ạ. Y hệt như bố,” những đứa trẻ trả lời. “Trang phục ông già Noel với bộ râu giả không thể giả hơn”. Rồi chúng quay lại với cuộc chơi dở, mải mê với nó.
Tình cờ là Phòng Chăm sóc khách hàng của nhiều công ty cũng nảy ra chung cái ý tưởng này, và họ đã tuyển một lượng lớn người mà đa phần là thất nghiệp, về hưu, bán hàng rong… để mặc những áo khoác đỏ và dán bộ râu bông gòn trắng. Những đứa trẻ trong vài lần đầu đã rất thích thú khi nhận ra được những người quen thuộc dưới lớp ngụy trang, nhưng sau một lúc chúng đã chán ngấy và không còn chút hứng thú nào nữa.
Trò chơi mà chúng đang chơi dường như đã thu hút chúng một cách hoàn toàn. Chúng tập trung trên chiếu nghỉ và ngồi thành một vòng tròn. “Bố có thể hỏi là bọn con đang âm mưu gì không?”, Marcovaldo hỏi.
“Hãy để cho tụi con yên, Papa; chúng con đang phải chuẩn bị những món quà này.”
“Quà cho ai chứ?”
“Cho một đứa trẻ tội nghiệp nào đó. Chúng con phải tìm ra nó và rồi đem tặng cho nó.”
“Ai bảo tụi con làm thế?”
“Sách vở ở trường ạ.”
Marcovaldo đã định buông lời: “Tụi con mới chính là những đứa trẻ tội nghiệp!” Nhưng trong mấy tuần vừa rồi, anh đã tin chắc là mình vừa lọt vào trong danh sách cư dân của “Vùng sung túc”, nơi mọi người đều mua sắm, hưởng thụ và tặng quà nhau, đến nỗi giờ đây có vẻ phạm húy khi nói đến từ nghèo đói, vì anh thích tuyên bố rằng: “Những đứa trẻ tội nghiệp không còn tồn tại ở chỗ này nữa!”
Michelino đứng dậy và hỏi: “Đó có phải là lí do tại sao bố không mang quà về cho chúng con không?” Marcovaldo cảm thấy một sự đau nhói châm chích trong tim. “Bây giờ bố phải kiếm thêm một chút đỉnh nữa,” anh vội vàng nói, “và sau đó sẽ mang về đây vài thứ tuyệt vời.”
“Nhưng làm thế nào bố kiếm được chúng?”
“Đi chuyển quà thôi,” Marcovaldo nói.
“Cho bọn con á?”
“Không, cho những người khác.”
“Sao bố không chuyển cho bọn con nè? Chẳng phải sẽ nhanh hơn sao?”
Marcovaldo cố gắng giải thích. “Vì bố có phải Ông già Noel Của Phòng Nhân sự đâu. Bố là Ông già Noel của Phòng Chăm sóc khách hàng mà, tụi con hiểu không?”
“Không ạ.”
“Thôi đừng bận tâm.” Nhưng vì muốn được bằng cách nào đó nói lời xin lỗi vì đã về nhà với hai tay không, nên anh nghĩ mình sẽ mang theo Michelino trong chuyến giao hàng lần này. "Nếu con ngoan, con có thể đến xem Papa tặng quà cho những người khác," anh nói, giờ đã ngồi vào chiếc ghế của xe chở hàng.
“Vậy cho con đi với. Có lẽ con sẽ tìm được một đứa tội nghiệp,” Michelino nói và nhảy lên xe, bám vào vai cha mình.
Khung cảnh Giáng sinh. Tranh của Thomas Kinkade.
Trên các con đường thành phố, Marcovaldo chỉ toàn bắt gặp những ông già Noel đỏ và trắng khác giống hệt như anh, cũng đang lái đi những chiếc xe tải hoặc xe giao hàng, hoặc là mở cửa ở các cửa hàng cho những vị khách chất đầy xe mua hoặc là giúp mang hàng hóa vào trong xe riêng cho người giàu sụ. Mỗi một ông già Noel dường như đều đang tập trung và rất bận rộn, như thể họ chịu trách nhiệm cho việc vận hành cỗ máy khổng lồ của Mùa lễ vậy.
Và cũng nhảy vào cái guồng quay đó, Marcovaldo đã chạy từ địa chỉ này sang địa chỉ khác, lần lượt đi theo danh sách, xuống khỏi chỗ ngồi, sắp xếp gói quà, chọn ra một gói, đưa quà cho người mở cửa, phát âm những từ giống y xì đúc dù là ở đâu: “Sbav & Co. kính chúc đến ông/bà một mùa Giáng sinh vui vẻ và một năm mới hạnh phúc”, sau đó mới được bỏ túi tiền boa.
Cái quy trình này vô cùng quan trọng và Marcovaldo có thể được coi là đang hài lòng với việc mình làm, nhưng vẫn còn thiếu một cái gì đó. Mỗi lần trước khi bấm chuông với Michelino bám đuôi theo sau, anh luôn mong thấy một sự ngạc nhiên hay là phấn khích cũng như ồn ào và lòng biết ơn nào đó của người mở cửa khi thấy ông già Noel đứng trước mặt mình. Thế nhưng trăm lần như một, lần nào anh cũng được đón như một người đưa thư bình thường, ngày này qua đến ngày khác chỉ mang những tờ báo đến.
Giờ anh bấm chuông một nhà giàu nọ. Người nữ gia sư đi ra mở cửa. “Ồ, một gói quà khác. Cái này là của ai vậy?”
“Sbav & Co. kính chúc quý khách...”
“Chà, mang nó vào đi,” cô nói và dẫn ông già Noel đi dọc hành lang đầy những thảm treo, thảm sàn và những chiếc bình đất sét to lớn. Còn với Michelino thì mọi ánh mắt đều dõi theo bước cha mình.
Cô gia sư mở một cánh cửa. Họ bước vào căn phòng có trần nhà cao, nó cao đến mức mà một cây linh sam to có thể vừa vặn ở yên bên dưới. Đó là một cây thông Noel được thắp sáng bởi những quả châu lung linh đủ màu, và ở những nhánh đâm ra là những mô hình món quà và đủ loại kẹo đang treo trên đó. Trần nhà lung linh những đèn chùm pha lê nặng trịch, với những cành lá linh sam phản chiếu vài giọt ánh sáng. Trên chiếc bàn lớn là những chiếc li pha lê, hộp kẹo trái cây và những chai lọ làm bằng đồ bạc. Đồ chơi thì nằm rải rác trên tấm thảm lớn và nhiều như trong cửa hàng, chủ yếu là đồ điện tử và những mô hình tàu vũ trụ. Trên tấm thảm ấy, ở một góc vắng, có một chú bé chừng đâu chín tuổi, đang nằm sấp bụng vẻ mặt ủ rũ tỏ rõ chán nản. Chú bé đang nằm lật giở cuốn sách minh họa như thể mọi thứ xung quanh không phải là mối bận tâm.
“Gianfranco, nhìn này. Gianfranco,” cô gia sư nói. “Con có thấy không? Ông già Noel đã quay trở lại với món quà khác.”
“Ba trăm mười hai,” đứa trẻ thở dài, không rời mắt khỏi cuốn sách. “Và lại đặt nó xuống ở đó.”
“Ừ. Món quà thứ ba trăm mười hai đã đến,” cô gia sư nói. “Gianfranco thật là thông minh. Thằng bé đã đếm, và nó đã không bỏ lỡ bất kì lần nào. Đếm chính là niềm đam mê của nó”.
Marcovaldo và Michelino rón rén rời khỏi căn nhà.
“Bố ơi, cậu bé đó có phải là một đứa trẻ nghèo không?” Michelino hỏi.
Marcovaldo đang bận sắp xếp đống quà ở trong xe tải nên không trả lời ngay. Nhưng một lúc sau, anh đã phân bua: “Nghèo á? Con nói gì vậy? Con có biết bố nó là ai không? Là Chủ tịch của Hiệp hội Tiêu dùng Giáng sinh…”
Anh bỗng ngưng nói vì không nhìn thấy Michelino ở chỗ nào cả. “Michelino! Michelino! Con đang ở đâu thế?” Thằng bé đã biến mất.
Và rồi anh nghĩ là nó đã nhìn thấy một ông già Noel khác đi ngang qua, đón ông ấy, và đã đi theo … Marcovaldo tiếp tục vòng lặp giao hàng, nhưng hơi lo lắng cũng như nóng lòng muốn được về nhà.
Bước về đến nhà, anh thấy Michelino đang chơi với em trai mình. Mọi thứ vậy là ổn rồi.
“Nói đi, con đã đi đâu?”
“Con đi về nhà để lấy gói quà… Quà con đã nói cho đứa trẻ tội nghiệp ấy…”
“Gì? Cho ai chứ?”
“Thằng bé buồn bã… Trong ngôi biệt thự ấy ạ, cái nhà có cây Noel thật lớn…”
“Nó á? Thế con cho nó món quà gì thế?”
“Ồ, tụi con đã gói rất đẹp… ba món cả thảy, tất cả đều được bọc trong những tấm giấy bạc.”
Mấy đứa em lên tiếng: “Tụi con đều cùng nhau đi! Bố nên thấy anh ấy hạnh phúc đến như thế nào!
“Bố hiểu được điều đó!” Marcovaldo nói. “Đó chính là thứ mà thằng bé cần để hạnh phúc: những món quà của tụi con!”
“Vâng, của tụi con! … Anh ấy đã chạy ngay đến để xé tờ giấy và xem chúng là những gì…”
“Vậy chúng là gì?”
“Đầu tiên là một cái búa: cái búa lớn đó, loại bằng gỗ ấy…”
“Sau đó nó đã làm gì?”
“Anh ấy nhảy lên vì quá sung sướng! Ảnh chộp lấy nó và sử dụng nó!”
“Để làm gì?”
“Để đập tất cả mọi thứ đồ chơi! Có cả mấy món thủy tinh nữa! Rồi ảnh lấy ra món quà thứ hai…”
“Là cái gì thế?”
“Một cái súng cao su ạ. Bố nên nhìn thấy anh ấy. Vô cùng hạnh phúc luôn! Ảnh nhắm bắn trúng tất cả ‘trái banh’ treo trên cây thông. Tiếp tục với chiếc đèn chùm…”
“Thế là đủ rồi. Bố không muốn nghe nữa! Còn… còn món thứ ba?”
“Tụi con không còn có gì để cho, vì vậy đã lấy một ít giấy bạc và bọc bên ngoài hộp diêm lấy từ trong bếp. Đó là món quà mà ảnh thích nhất nhất. Ảnh nói rằng: Họ không bao giờ cho mình chạm vào que diêm! Rồi ảnh quẹt nó, và…”
“Và?”
“... và ảnh đốt cháy tất cả mọi thứ!”
Marcovaldo nắm lấy tóc mình. “Thôi xong rồi!”
Vào ngày hôm sau khi trên con đường đến nơi làm việc, anh đã cảm thấy có một cơn bão sắp sửa ập đến. Anh vẫn còn đang hóa trang thành ông già Noel, gấp rút chất gói quà mới lên trên xe tải, và rất ngạc nhiên vì không một ai nói gì với mình, và rồi lập tức anh thấy tiến về phía mình là ba trưởng phòng: một người từ Phòng Chăm sóc khách hàng, một từ Phòng Marketing và một từ Phòng Kinh doanh.
“Dừng lại ngay đi!” họ nói với anh. “Dỡ bỏ mọi thứ. Tất cả một lúc!”
Thế là xong, Marcovaldo tự nhủ, và tưởng tượng ra cảnh mình bị sa thải.
“Nhanh lên! Chúng ta phải thay đổi tất cả gói quà!” ba trưởng bộ phận thay phiên nhau nói. “Hiệp hội Tiêu dùng Giáng sinh mới vừa phát động một chiến dịch mới, thúc đẩy Quà tặng hủy diệt!”
“Vào lúc gấp gáp như thế này ư,” một trong những ông già Noel lầm bầm. “Họ nên nghĩ về nó sớm hơn…”
“Đó là nguồn cảm hứng bất ngờ mà Chủ tịch có,” một trưởng phòng khác giải thích. “Có vẻ như cậu bé con ông ấy đã được tặng một số món quà cực kì hiện đại, chắc là đến từ Nhật Bản, tôi tin là thế, và đó là lần đầu tiên mà thằng bé ấy tỏ ra thích thú…”
“Điều quan trọng hơn,” người thứ ba nói thêm, “là Quà tặng hủy diệt không chỉ dùng để tiêu hủy những vật thể khác, mà nó còn đẩy rất nhanh tốc độ tiêu thụ, thúc đẩy thị trường… qua việc mua mới sản phẩm thay vào. Tất cả đều được thực hiện chỉ trong thời gian tối thiểu và dễ tạo ra chỉ trong khả năng của một đứa trẻ … Chủ tịch của Hiệp hội nhìn thấy một chân trời mới đang dần mở ra. Ông ta vui sướng và rất hài lòng…”
“Nhưng thằng bé đó…” Marcovaldo hỏi bằng một giọng yếu ớt: “có phá hủy nhiều thứ không?”
“Thật khó để mà ước tính, nó thậm chí còn mơ hồ nữa, bởi vì ngôi nhà đã bị thiêu rụi…”
Marcovaldo trở lại đường phố, giờ đã sáng rực dù là ban đêm, đông đúc với các bà mẹ, trẻ em, chú bác, bà ngoại, gói quà, bóng bay, ngựa bập bênh, cây thông Noel, ông già Noel, gà tây, bánh trái cây, chai lọ, người thổi kèn túi, người quét ống khói và cả người bán hạt dẻ đang xốc những chảo đầy hạt trên chiếc bếp tròn, sáng rực ánh lửa…
NGÔ THUẬN PHÁT dịch theo bản tiếng Anh của Secker & Warburg
VNQD