Ghi chép về khoái lạc

Thứ Sáu, 02/12/2022 00:22

Là một trong những tác gia lừng lẫy nhất Đan Mạch, mối tình giữa tiểu thuyết gia – triết gia Soren Kierkegaard và thiếu nữ Regine Olsen đã cho đời sau những áng văn trác tuyệt. Một trong số đó là Nhật ký kẻ mị tình, trích từ tuyển tập Hoặc là/ hoặc là. Trong cuốn Lặp lại, Kierkegaard đã từng nói rằng: “Tình yêu của lặp lại là thứ tình yêu duy nhất có hạnh phúc”, nên tiểu thuyết này là góc nhìn khác về mối tình trên, cũng là lặp lại nhưng đã được sống lại dưới phương diện khác.

Theo đó Kierkegaard đã từng đính ước với nàng Regine thua mình nhiều tuổi, thế nhưng sau đó ông lại hủy bỏ hôn ước vì cảm thấy được một sự hoang mang cũng như một nỗi hoang hoải nếu tiến xa hơn. Tuy thế lí do thật sự không được tiết lộ cho đến ngày nay, chỉ biết trong cuốn Lặp lại, ông đã viết rằng tình yêu ấy là nguồn cảm hứng thơ ca, và người phụ nữ chỉ là nàng thơ hiện diện trong việc sáng tác, cần đứng độc lập trong sự cộng sinh, nếu ép vào lồng hôn nhân thì không phải lẽ.

Nhật ký kẻ mị tình vừa mới trở lại với bạn đọc Việt Nam, qua bản dịch được nhuận sắc bởi dịch giả Quế Sơn.

Một Don Juan hào hoa

Và trong Nhật ký kẻ mị tình ông một lần nữa “hư cấu” lại những điều đó, để tác phẩm này như những áng văn tự thú về những sự kiện đã ảnh hưởng mình. Khác với Lặp lại, trong tiểu thuyết này, ông đã dựng lại một vở Don Giovanni của Mozart trong việc kết hợp giữa văn chương, triết lí và các nhận định thẩm mĩ lộng lẫy. Chàng trai Johannes, người như đại diện cho Don Giovanni với “niềm đam mê nổi trội là chinh phục các cô gái mới biết yêu”, đã bày tỏ hết trong tác phẩm này là một kẻ bại hoại, từ đó câu chuyện cá nhân mở ra góc nhìn khác lạ về nhiều vấn đề, trong đó bao gồm tình yêu cũng như hôn nhân.

Trong tác phẩm này, Kierkegaard đã xây dựng thành công một nhân vật có cá tính và những diễn biến tâm lí khác biệt. Trong vẻ sở khanh, Johannes chính là đại diện bằng xương bằng thịt của Don Giovanni, hay nói xa hơn là Don Juan. Người thanh niên ấy với sự tự tin ngút ngàn, đã bày mưu tính kế bằng những ngón nghề xảo trá, với lòng ham thích lạc thú, từ đó tìm ra thẩm mĩ hôn nhân từ những người khác để viết thành tập nghiên cứu nhân học, và rồi tin rằng chính bản thân mình đơn thương bất bại.

Johannes sống trong tinh cầu của riêng chính mình, để cả cuộc đời anh ta là một nỗ lực sống sao cho thật nên thơ. Ở y có vẻ thư sinh và đầy học thức, trưởng giả. Khác với nhân vật của Cervantes, Johannes có thể hình dung như chàng thư sinh khoác lên bộ lông cừu vàng, nhưng ẩn đằng sau là bộ lốt sói vẫn nhỏ giọt máu. Hắn ta mang đủ những sự biến thái, với các thử nghiệm về mặt tinh thần, mà nói như Kierkegaard là đang mắc chứng exacerbation cerebri - khiến con người không hài lòng hay thỏa mãn.

Từng bước từng bước hắn tìm ra cách quyến rũ nàng Elvira - hay Cornelia trong tác phẩm này. Bày mưu tính kế từ việc theo dõi, bám sát cho đến sử dụng “bù nhìn”… hắn luôn tuân theo chủ trương thống nhất “trước khi tấn công phải biết rõ toàn bộ trạng thái tinh thần” của chính con mồi. Hắn bám theo nàng ta, làm quen với bà cô đang nuôi nấng nàng, sử dụng Edward yếu đuối, từ đó làm nàng căm ghét và dần chuyển thành một sự ngưỡng mộ đến vô bờ bến.

Con mồi thuần khiết

Một điểm đáng nói là Kierkegaard không coi Cornelia trong tác phẩm này là một tiểu thư ngu ngốc. Khác với Stendhal khi cho phu nhân De Rênal chếnh choáng vì tình, Johannes luôn luôn tâm niệm tính nữ là thứ quan trọng, và nó hẳn còn mạnh mẽ hơn chính những người đàn ông. Không phải vô nghĩa khi nói những gì hắn có là được học từ những người phụ nữ hắn đã bỏ rơi. Do đó canh bạc của hắn là cuộc chinh phục một cách thuần khiết, khó nhằn nhưng lại đáng thử.

Kierkegaard khắc họa lại quá trình đó đầy tính suy tư và những mâu thuẫn. Và cũng từ nơi là đòn bẩy này, những triết lý phản Hegel, những suy nghĩ sâu về hôn nhân, tình yêu và sự gắn kết đã được thể hiện. Kierkegaard có cách viết hài hòa giữa nhiều thể loại, để trên nền của một cốt truyện bi kịch, xây dựng nhân vật… ông tìm ra cách đưa vào những điều mà mình tin tưởng, từ đó chứng minh và khảo sát nó dưới góc nhìn khác - góc nhìn của sự hư cấu.

Ở đây tính nam cũng như tính nữ đã được khai thác một cách trọn vẹn. Johannes gần như coi khinh bản tính rụt rè của những người nam, bởi nhẽ nó làm mất đi nam tính, và đó là phương tiện tốt để cân bằng lại đối trọng về giới. Trong cả Lặp lại cũng như tác phẩm này, ta đều sẽ thấy xuất hiện một người nam yếu đuối, đang chạy trốn và rồi vạ vật đau khổ vì tình. Những cá tính ấy phá hủy đi sự thống trị, từ đó chuyển ngôi trở thành thứ yếu.

Triết gia, nhà viết tiểu thuyết người Đan Mạch Soren Kierkegaard.

Do đó tính nữ nghiễm nhiên trở thành vị vua không ngai ban đầu. Với Cornelia, Johannes hiểu được suy tư và sự độc lập của nàng, để tự do chứ không phải tình yêu mới là thứ mà hắn nhắm tới. Rằng “Nàng không được là phụ vật theo nghĩa vật chất mà cũng không là nghĩa vụ theo nghĩa tinh thần. Chỉ có trò chơi riêng của tự do chiếm ưu thế giữa hai chúng tôi”. Tình yêu thoát xác ra khỏi cảm giác về mặt tinh thần, từ đó trở thành đối tượng nghiên cứu về tự do, về ràng buộc đối với con người.

Vậy thì khi nào một người đàn ông có thể đánh bại một người đàn bà? Và khác với người đàn ông, phụ nữ sẽ ra làm sao khi cuộc hôn nhân, khi những gì cô đã tin tưởng bỗng nhiên sụp đổ? Soren Kierkegaard đã khảo sát những điều này bằng cách đẩy mối quan hệ đi đến tận cùng của ranh giới hôn nhân, khi không chiếm hữu theo nghĩa pháp lí hay trưởng giả, mà là đính hôn và không bàng tới việc yêu thật lòng và rồi kết hôn.

Do đó “cuộc tình chỉ nên kéo dài nửa năm là nhiều nhất và bất cứ quan hệ yêu đương nào sẽ chấm dứt ngay một khi ta đã hưởng thụ lạc thú cuối cùng”. Những tưởng là đây là quan niệm của Don Juan, thế nhưng đó là thực tại của xác thịt, của lạc thú và của tình yêu. Rốt cuộc con người gắn kết với nhau là bởi cảm giác, hay những dư âm còn lại của hôn nhân xiềng xích? Kierkegaard khảo sát điều này, từ đó cho thấy lạc thú không dễ thỏa mãn hay là hài lòng. Nó là chất thơ và không có trong chính thời gian thực.

Do đó Cornelia từ một phụ nữ kiêu hãnh, bí ẩn như cây sồi không tán, u sầu như tiếng gù của chim bồ câu, giờ đây trở thành nô lệ của sự xiềng xích và những tách biệt. Cô từng là người cô độc nhưng cũng là một đối tượng lý tưởng với sự phát triển nữ tính một cách chân thật. Nhưng giờ đây, cô sẽ mãi luôn tuyệt vọng trong những dòng thư quỵ lụy không thể thoát ra “Em là đứa con gái tội nghiệp đó, cả tài sản có được thì không gì khác ngoài tình yêu của em thôi. Anh đã nắm lấy tình yêu đó, đã vui hưởng nó. Rồi dục vọng vẫy gọi anh, và anh liền hy sinh ngay cả chút ít tài sản mà em có đó”.

Như vậy qua tác phẩm này, lí do hủy bỏ hôn ước giữa Kierkegaard với nàng Regine Olsen phần nào đã được hé lộ. Phức tạp và luôn tìm đến một sự tinh khôi, Kierkegaard không dung túng cho sự giả tạm của những nhục cảm thuần túy. Với sự lạc lối trong nội tâm cùng tính nhạy cảm thẩm mĩ, Nhật ký kẻ mị tình là áng văn cho thấy những triết lí, suy ngẫm về hôn nhân, tự do và khoái lạc. Con người duy trì được đến bao lâu thứ khoái lạc ấy, và tự do hay hôn nhân mới là bản năng của chính chúng ta, từ thuở nguyên thủy cho đến sơ khai men theo ngoại vi của sự hiện hữu?

Chính trong lớp vỏ của một tiểu thuyết hư cấu, Kierkegaard đã có một cuộc khảo sát vô tiền khoáng hậu, từ đó đưa người đọc đến với một sự phức tạp không những về mặt nội tâm và các suy ngẫm liên tục phản bác, mà nghệ thuật viết cũng rất ấn tượng. Với nhiều ngôi kể cùng các góc nhìn giữa mộng và thực, nội tại và ngoại hàm trộn lẫn nhau, Nhật ký kẻ mị tình là một tác phẩm độc đáo, ấn tượng trong “nền văn chương bao la của tình yêu”, như John Updike đã từng ca ngợi.

NGÔ MINH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)