Tuổi trẻ, huyễn hoặc và khuôn mặt kẻ khác

Thứ Ba, 27/12/2022 12:27

Nếu ở Nhật Bản Màu xanh trong suốt của Ryu Murakami từng được cho là tác phẩm đã làm thay đổi xã hội một cách triệt để những năm 1960, thì ba thập kỉ sau, ở một địa thế vẫn bị “bủa vây” như là Đài Loan, lại xuất hiện một nhà văn mới – Khâu Diệu Tân, và Nhật ký cá sấu cũng đã làm được những điều tương tự, với những tuổi trẻ hư hao, không mục đích sống và mãi quẩn quanh trong những mảnh vỡ của bản thân mình.

Kể về một cô thiếu nữ mang theo thẳm sâu là một tình yêu dành cho phụ nữ, 4 năm đại học trong cuộc đời cô liên tục là những hiện sinh cũng như chạy trốn những nhận thức ấy. Thông qua hình thức nhật ký, Khâu Diệu Tân ít nhiều kể lại di sản của mình, và cũng là của một thế hệ thanh niên quanh quẩn giữa những bản dạng, với xã hội kìm nén và sự nhận thức không được trải đường như tấm màng nhung.

Tuổi trẻ hỗn loạn

Bìa cuốn sách.

Nhật ký cá sấu là một tiểu thuyết bàn sâu vào đồng tính nữ, nhưng ở một mặt nào đó, nó cũng chính là cuốn sách của những căn tính và cuộc truy tìm cho đến tận cùng của câu trả lời rằng ta là ai. Trong cuộc sống tưởng như tiến triển theo những “tham chiếu” tồn tại muôn đời, trở nên khác biệt như chú “cá sấu” hay yêu ai đó cùng giới có là khả thể? Khâu Diệu Tân trong những trang viết đầy đớn đau, tuyệt vọng cũng như đau thương đã họa nên bức tranh ấy, của những tranh đấu, buông xuôi và rồi bỏ cuộc.

Đài Loan những năm 1990 quay cuồng trong các vấn đề dân chủ, khi một năm trước đó sự kiện Thiên An Môn đã làm nảy nở nhận thức của những người trẻ một cách toàn diện. Trong giai đoạn này, Khâu Diệu Tân họa lại thế hệ bị kìm kẹp giữa những xưa cũ và các tiên tiến của thời đại chưa được chứng minh. Đó là nền giáo dục “đồ hộp”, nơi chỉ toàn thi cử, quanh đi quẩn lại các câu lạc bộ… trước khi ra đời kiếm tiền, và rồi trở thành một đống thịt thối bùng nhùng theo đúng nghĩa đen.

Nhân vật của Khâu Diệu Tân đứng riêng cho mình cả một khoảng trời. Là một cá thể có phần biệt lập, cô đại diện cho những “nổi loạn” của giai đoạn đó. Là người sống ở “nhà trọ người câm”, nơi không có sự giao tiếp từ phía gia đình cũng như bạn bè, hàng xóm… cô thiếu nữ ấy ngày ở đêm đi, sống toàn về đêm, tập trung đọc sách của những linh hồn rên xiết lầm than, tự mình sắm những vai diễn và ép thân thể khước từ linh hồn.

Chiếc lồng của sự giam hãm nhanh nhảu biến những thanh niên của thời đại ấy ra vẻ ứng biến và muốn trốn chạy. Ở năm đầu của thời đại học, người thiếu nữ ấy đã va phải vào “bức tường hoang đường” với Thủy Linh – một đàn chị lớp trên, người cùng theo học Văn học khái luận với sức quyến rũ đến độ mĩ miều, là con đầm bích chiếm giữ ngai vàng có thể ngã giá cả cuộc đời cô.

Tình cảm e ấp cũng như giằng giai của hai thiếu nữ gặp phải những điều giam hãm trong tư duy cũ. Khi hai người họ triệt để “nương nhờ” và “phụ thuộc” nhau, thì ngay lập tức tình yêu trở thành đóa hồng đến viếng người chết. Nấm mồ cô độc của người còn lại không ít lần có sự trở dậy của những tử thi, để sau một lần, hai lần, ba lần… là những giằng dai, họ đi đến được một khái niệm mới – tình yêu tinh thần, yêu trong quá khứ, yêu nhau như những bụi gai để tổn thương nhau và đâm vào nhau để biết mình còn tồn tại.

Truy tìm căn tính

Tình cảm của hai người họ là những chuyển biến tất yếu của người truy tìm căn cước. Họ đến được với đáy sâu của bản thân mình, nhưng ý thức rằng cuộc sống sẽ khước từ nó, luân thường đạo lí sẽ chà đạp nó… và thế là họ chọn cách xa nhau. Và đó là đường duy nhất, là hướng vô tận mà dù cho có muôn hình vạn trạng thì mọi truy tìm vẫn sẽ quay về với chốn “đồ ăn có độc” và chỉ có ba giải pháp: (1) thay đổi đồ ăn, (2) phát minh ra thuốc giải độc và (3) tìm sách lược mang tính thay thế.

Khâu Diệu Tân bên lề 4 năm đại học của nhân vật chính, cũng lồng ghép vào đó câu chuyện của những người khác – của những phương án khả thể trong một thế giới “detox” hết những đớn đau. (1) thay đổi đồ ăn để mà chuyển sang một mối tình “đúng chuẩn”. Đó là quan hệ của hai cô bé Thôn Thôn và Chí Nhu, là thứ dục vọng biến thành tự nhiên của Mộng Sinh và Sở Cường…

Tuy thế ẩn sâu trong những lớp băng tưởng đã đông cứng hạt mầm yêu đương, chúng vẫn còn đó, xoáy sâu vào họ trong những đêm dài, để cả những mối nguy chết, những bài thiền tập… cũng không thể đưa họ khỏi vũng lầy. Họ có thể giả vờ như mình đã thoát khỏi đó, thế nhưng rốt cuộc mọi thứ sẽ lại chỉ dẫn về con người cũ, về mối tình cũ… mà họ một lần đã từng nhận thấy, cảm thấy và sống đúng như con người của bản thân mình.

(2) Phát minh ra thuốc giải độc lại là con đường cách xa nhau mãi. Cũng giống như (1), họ chọn phương cách đau đớn như những cái chết liên tục tái sinh, nhưng kết quả là không ai có thể đạt đến bến cùng của sự thay đổi. Sở Cường dù có níu kéo Mộng Sinh bằng việc dọa chết vào ngày sinh nhật thì cũng nhận ra chính mình không thể thay đổi tất cả mọi thứ.

Và (3) tưởng triệt để nhất, thế nhưng đến cùng mọi thứ sẽ vẫn như cũ. Tiểu Phàm và nhân vật chính ở một cảnh đời tưởng như đã thấu hiểu nhau, không còn sắc dục cũng như dục vọng, thế nhưng trở thành lựa chọn thứ cấp, món đồ thứ hai… không khiến bản thân trở nên độc đáo hay là riêng biệt. Suy cho đến cùng họ đã quẩn quanh, lật nhào và rồi liên tục chuyển hóa chính mình, nhưng đó không hề là họ, mà chỉ là một lớp vỏ như loài cá sấu khoác lên hình hài con người, để ẩn sâu đó là những vết thương.

Nhà văn Khâu Diệu Tân.

Cá sấu – người hay người – cá sấu?

Không dưới một lần trong tác phẩm này Khâu Diệu Tân đã nhắc đến Kobo Abe như một “phương án” khả dĩ cho một cộng đồng những người như cô. Ẩn sau những lớp mặt nạ của người trong hộp, của người hủy dung… là một cõi lòng đã tan nát đi hết một vài phần, và họ ẩn sau một nhân dáng chung, một bình thường chung… để có được xem là một con người, trong cái đa sắc của những tiêu chuẩn cái đẹp đương đại luôn luôn chuyển hóa và rồi giả danh không thể lường trước.

Liệu cái thô tục và đầy chếnh choáng của một nam chính nhìn giống thạch sùng trong Maurais Song sẽ gây buồn nôn ít hay nhiều hơn hành động rẻ tiền, được khoác trong cái đạo mạo của Betty u sầu, với tang lễ cùng chiếc cà vạt in hình khỏa thân? Khâu Diệu Tân một cách gián tiếp thể hiện “chế độ đào thải” có phần bề mặt và không đi đến tận cùng của một xã hội “thắng mỡ” người này để “chiên” người khác. Của những cá thể sẽ luôn chực chờ trong sự phá hủy và rồi còn lại nỗi sợ đã bê tông hóa.

Khâu Diệu Tân hình tượng bản thân như loài cá sấu, nơi mà đảo quốc như là Đài Loan không biết những con vật ấy hình dáng ra sao, sống chết thế nào, khi ai cũng có mặt nạ như Khuôn mặt kẻ khác của Kobo Abe? Cô đầy giễu nhại để thể hiện mình với chú cá sấu thích ăn đồ hộp, với tính cánh lạ như thích bánh xu kem, vẫn hay đỏ mặt cũng như dẫu môi, và quan trọng hơn là có “cả xe” những người yêu cũ… Loài động vật ấy giống cá hay là giống người? Chúng có phô dâm và thích thứ áo lông chồn? Không ai biết được. Chỉ biết chúng đang trộn lẫn và rồi đẻ trứng trong tuyến mồ hôi và tuyến bã nhờn… những tuyến bài tiết cũng như chúng được người ta nhìn thấy.

Nỗi sợ ở trong máu thịt trở thành sắt đồng đặc quánh, khiến cho “cá sấu” và những con người như nó bỗng chốc trở thành quái thú và rồi sợ hãi cả việc sống tiếp. Chúng ru rú dưới một căn gác ở trong tầng hầm, vì bị cự tuyệt bởi rất nhiều thứ trong cuộc đời này. Chúng không tin ai vì máu của chúng chính là nỗi sợ, vì chúng là Theseus không biết Minotaur hay lối nào khác sẽ dành cho mình. Và lông cừu vàng có xứng đáng không cho trò may rủi, để rất có thể chờ đợi bọn chúng là những chuồng nhốt ở nơi công viên mà những người thường nhật có thể đến xem và rồi chỉ trỏ và giết chết chúng.

Như một quan tài làm bằng pha lê nơi loài cá sấu giam hãm gia sản của mình, Nhật ký cá sấu là một tác phẩm quan trọng, như điểm tham chiếu của những con người lệch chuẩn, của những cá thể bị lọt khỏi thứ đường thẳng hướng đến bình thường. Như ánh sáng xanh là một góc nhìn mà chàng Gatsby của Fitzgerald đã từng nhìn thấy, cuốn sách này của Khâu Diệu Tân là cuộc giải phẫu cái “tôi thật sự” mà rất nhiều người không tin bản thân sẽ được thấu hiểu cũng như được yêu, trong một đời sống tràn ngập nỗi sợ.

ĐOÀN TUẤN ANH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)