Salman Rushdie: Trốn tránh nghĩa là đầu hàng

Thứ Ba, 21/02/2023 16:11

Sau một vụ đâm suýt chết và hàng chục năm bị đe dọa, thế nhưng Salman Rushdie giờ đây vẫn đang nói về việc viết lách như một hành động bất chấp tử thần.

Salman Rushdie và cuốn tiểu thuyết là nguồn cơn cho bi kịch của ông.

Khi Salman Rushdie bước sang tuổi 75 vào mùa hè năm ngoái, ông có lí do để mà tin rằng mình đã sống sót qua mối đe dọa bị ám sát. Cách đây rất lâu, vào Ngày lễ tình nhân năm 1989, Lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ruhollah Khomeini đã tuyên bố cuốn tiểu thuyết Những vần thơ của quỷ Satan của Rushdie là báng bổ và ban hành đạo luật hành quyết tác giả và “tất cả những người liên quan đến việc xuất bản cuốn sách đó”. Rushdie, một cư dân của London, đã trải qua một thập kỉ tiếp theo trong trốn chạy dưới sự bảo vệ liên tục của cảnh sát. Nhưng sau khi định cư ở New York vào năm 2000, ông sống tự do, vô lo vô nghĩ. Ông từ chối tin rằng mình đang bị khủng bố.

Tuy nhiên đã có lúc mối đe dọa kéo dài trở nên rõ ràng không chỉ trên phạm vi tiếp cận điên cuồng của Internet. Vào năm 2012, trong cuộc họp mùa thu thường niên của các nhà lãnh đạo thế giới tại Liên Hợp Quốc, tôi đã tham gia một cuộc họp nhỏ giữa các phóng viên với Tổng thống Iran đương thời Mahmoud Ahmadinejad. Tôi đã hỏi rằng liệu khoản tiền thưởng trị giá hàng triệu USD mà một tổ chức của Iran dành cho án tử đối với Rushdie đã bị hủy bỏ hay chưa. Ahmadinejad mỉm cười nhìn tôi với một tia nhìn có phần ác ý. “Salman Rushdie ư, bây giờ ông ta ở đâu?” Ngài ấy nói. “Không có tin tức gì về ông ấy nhỉ. Ở Hoa Kì ư? Nếu vậy thì anh đừng nên hỏi gì vì sự an toàn của chính ông ta.”

Trong vòng một năm sau đó, Ahmadinejad đã bị phế truất do không được lòng các giáo sĩ Hồi giáo. Rushdie tiếp tục sống như một người tự do. Năm tháng trôi qua, ông viết hết cuốn sách này đến cuốn sách khác, giảng dạy, thuyết trình, đi du lịch, gặp gỡ độc giả, kết hôn, li hôn và trở thành một nhân vật cố định trong lòng thành phố từng là quê hương của mình.

Nhớ lại những tháng đầu tiên ở New York, Rushdie nói với tôi: “Mọi người rất sợ khi ở gần tôi. Cách duy nhất có thể ngăn chặn điều đó là cư xử như thể tôi không sợ hãi. Tôi phải cho họ thấy không có điều gì mà phải sợ cả”. Một đêm nọ, ông đi ăn tối với Andrew Wylie, người đại diện và cũng là bạn của mình tại một nhà hàng cực kì nổi tiếng ở East Hampton. Khi đó họa sĩ Eric Fischl dừng lại bên bàn và đã nói rằng: “Tất cả chúng tôi không nên sợ hãi và rời khỏi đây sao?” - “Chà, riêng tôi thì đang ăn tối,” Rushdie trả lời. “Anh có thể làm những gì mình thích.”

Fischl không có ý xúc phạm, nhưng đôi khi có một giọng điệu chế giễu trong các bài tường thuật trên báo chí về “sự hiện diện không biết mệt mỏi của Rushdie trong cuộc sống về đêm ở New York,” như Laura M. Holson đã viết trên tờ The Times. Một số người nghĩ rằng ông ấy nên sống một đời khắc khổ hơn với tình trạng của mình.

Đối với Rushdie, việc cứ trốn tránh nghĩa là đầu hàng. Ông ấy là một sinh vật xã hội và sẽ sống theo ý mình. Ông ấy thậm chí còn cố gắng làm cho fatwa trở nên lố bịch. 6 năm trước đó, ông đã thủ vai chính mình trong một tập phim Curb Your Enthusiasm, trong đó nhân vật Larry David đã kích động các mối đe dọa từ phía Iran bằng cách chế nhạo Ayatollah trong khi quảng bá cho sản phẩm sắp tới của mình. David sợ hãi, nhưng nhân vật của Rushdie đảm bảo cuộc sống dưới một sắc lệnh hành quyết (dù có đáng sợ đến như thế nào) thì nó cũng có tác dụng tuyệt vời là khiến một người đàn ông trở nên… quyến rũ đối với phụ nữ.

Có vẻ bằng mọi hành động công khai, Rushdie quyết tâm chứng tỏ bản thân không chỉ tồn tại mà còn có bước phát triển trong văn nghiệp và cả đời sống xã hội. “Không có thứ gì gọi là an toàn tuyệt đối,” ông viết như thế trong cuốn hồi kí ở ngôi thứ ba Joseph Anton xuất bản vào năm 2012 của mình. “Chỉ có những mức độ bất an khác nhau. Và hắn sẽ phải học cách chung sống với điều đó.” Ông hiểu rõ rằng cái chết của mình sẽ không cần đến những nỗ lực phối hợp của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo hay Hezbollah - một kẻ cô độc có thể dễ dàng thực hiện công việc ám sát. “Nhưng tôi đã cảm thấy fatwa đã xa khỏi đây một thế kỉ trước và giờ đây thế giới vẫn đang tiếp tục xoay chuyển,” ông ấy nói thêm.

Vào tháng 9 năm 2021, Rushdie kết hôn với nhà thơ kiêm tiểu thuyết gia Rachel Eliza Griffiths, người mà ông đã gặp 6 năm trước đó, tại một sự kiện của PEN. Họ đã cùng nhau vượt qua đại dịch một cách hạnh phúc. Vào tháng 7 năm ngoái, Rushdie đã thực hiện những chỉnh sửa cuối cùng cho cuốn tiểu thuyết mới nhất có tựa đề Thành phố Chiến thắng.

Trong những năm qua, bạn bè của Rushdie đã rất ngạc nhiên trước khả năng viết lách của ông trong khi cái chết luôn treo trên đầu. Martin Amis đã nói rằng, nếu ở trong hoàn cảnh của ông, “tôi sẽ là người nặng ba trăm pound chứa đầy nước mắt và sự lo sợ mà không có cả lông mi hay là lông mũi.” Tuy thế Thành phố Chiến thắng đã là cuốn sách thứ 16 của Rushdie từ khi fatwa được ban hành.

Ông hài lòng với việc bản thảo đã được hoàn thành cũng như nhận những đánh giá tích cực từ những người bạn đã đọc qua nó. Trong thời đại dịch, Rushdie cũng đã hoàn thành một vở kịch về nàng Helen của thành Troy, và ông cũng đã nảy ra ý tưởng cho một cuốn tiểu thuyết khác. Ông đã đọc lại Núi thần của Thomas Mann và Lâu đài của Franz Kafka - những cuốn tiểu thuyết có ngôn ngữ tự nhiên để gợi lên những thế giới kì lạ, kín đáo như một viện điều dưỡng trên núi cao hay một bộ máy hành chính c