Sợi dây nhỏ

Thứ Bảy, 25/02/2023 00:10

Guy de Maupassant sinh năm 1850 tại Tourville sur Arques (Pháp), mất năm 1893 tại Paris, khi mới 43 tuổi.

Sau khi bố mẹ ông li hôn, Maupassant sống với mẹ. Ông từng tham gia chiến tranh Pháp - Phổ (1870 - 1871); từng là viên chức nhỏ ở Paris, là bạn thân của Gustave Flaubert, bị bệnh tật... Do đó, xuất hiện nhiều trong văn chương ông các nhân vật bà mẹ, chiến tranh, phản chiến, các nhân vật bé mọn, các yếu tố y học, tiếng cười chua chát...

Guy de Maupassant có bút lực dồi dào, chỉ trong hơn 10 năm (1880 - 1891) đã viết khoảng 300 truyện ngắn, trở thành nhà văn lớn của văn học thế giới ở thể loại này.

*********

Trên khắp các ngả đường quanh Goderville, nông dân và các bà vợ của họ đang đổ xô vào thị trấn, vì hôm nay có chợ phiên. Những người đàn ông bước đi bằng những bước chân lặng lẽ. Lưng họ còng xuống theo từng bước dài. Họ còng lưng do phải làm những việc nặng nhọc, do sức nặng của những chiếc cày luôn được vác trên vai trái, do phải vác lúa mì và vì thế phải dang hai chân ra để gồng lấy sức và do nhiều công việc đồng áng vất vả khác. Họ mặc áo choàng xanh, sáng lấp lánh, như được đánh vecni. Cổ áo và các ống tay áo có viền là những hình vẽ các sợi dây trắng nhỏ. Áo choàng của họ phồng lên như một quả bóng sắp bay đi khỏi các bộ phận trên cơ thể họ là đầu, hai tay và bàn chân.

Những người đàn ông cầm dây xỏ mũi bò đi trước. Các bà vợ của họ đi theo sau các con vật, đánh chúng bằng các nhành cây còn dính lá để giục chúng đi nhanh. Họ cắp các chiếc giỏ to trên cánh tay. Vài chú gà hoặc vịt thò đầu ra khỏi giỏ. Những người phụ nữ bước đi bằng những bước ngắn nhưng nhanh hơn các ông chồng của họ. Dáng họ cao gầy, vai quàng chặt bằng khăn quàng lớn, phần áo trước ngực được gài bằng kim băng; họ còn đội mũ không vành và trùm khăn trắng trên đầu.

Một chiếc xe ngựa có ghế băng dài, do một con ngựa nhỏ kéo, trúc trắc chạy qua, làm ngả nghiêng hai người đàn ông đang ngồi cạnh nhau trên ghế và một người phụ nữ ngồi ở cuối xe. Bà này bám tay chặt vào thành xe để giảm xốc.

Có đám đông người và súc vật đang tập trung ở Goderville. Sừng bò, lông trên mũ có chóp của nông dân khá giả và mũ của những người nông dân khác nhấp nhô trong đám đông. Âm thanh the thé, chói tai ầm ì lưu chuyển. Thi thoảng, có tiếng thét to của một người nông dân lực lưỡng, đang vui và tiếng rống dài của một con bò đang bị cột vào tường. Mùi sữa, mùi phân, mùi cỏ, mùi mồ hôi chua lòm của người và súc vật bốc ra.

Ông Hauchecorne, người vùng Bréauté đang trên đường đi đến Goderville thì ông thấy trên đường có một sợi dây ngắn. Là một người khá bủn xỉn, ông nghĩ rằng nên nhặt sợi dây để có khi còn dùng đến. Ông nhăn mặt cúi xuống nhặt, vì ông bị thấp khớp. Khi ông cầm sợi dây lên ngắm nghía thì ông thấy Malandain là người sản xuất yên ngựa đang đứng ở cửa nhà ông ấy. Họ có mối thù dai dẳng với nhau lâu nay do xung khắc trong việc buôn bán gia súc. Ông Hauchecorne thấy xấu hổ vì bị kẻ thù bắt gặp mình đang nhặt một sợi dây nhỏ nằm trong bùn. Ông nhanh tay giấu sợi dây vào trong áo choàng, sau đó nhét nó vào túi quần rồi vờ tìm kiếm gì đó trên đường. Sau đó, ông đi về hướng chợ phiên, đầu ngẩng cao nhưng lưng hơi còng xuống vì bẽ mặt.

Ông mất hút trong đám đông đang ồn ào mặc cả. Những người nông dân sờ nắn các con bò, đi qua đi lại, không dám mua vì sợ bị lố giá. Họ trộm liếc người bán và gia súc để cố tìm ra nhược điểm của con vật và mưu mẹo của người bán.

Các bà vợ ngồi xuống và đặt những chiếc giỏ lớn cạnh chân rồi kéo các con gia cầm đã bị cột chân, mắt ngơ ngác, mào đỏ tươi ra. Họ thản nhiên với những lời mặc cả thế nhưng sau đó lại đột ngột với kêu khách mua vừa bỏ đi lại, đồng ý giảm giá:

- Tôi bán với giá đó, chị Anthine. Gà đây chị!

Dần dà, khu chợ phiên trở nên đông đúc. Vào giữa trưa, có tiếng chuông nhà thờ xa xa vang vọng vào các quán ăn.

Quán ăn của ông Jourdain đầy ắp thực khách. Trên sân trước quán cũng đầy các loại xe ngựa. Xe độc mã, xe chở hàng, xe cỡ nhỏ, xe có băng ghế dài. Có chiếc rất xấu, có chiếc dính đầy bùn màu vàng, có chiếc bị biến dạng, bị vá víu, chúng chổng các càng lên trời, chúng như những cái mũi mọc trên mặt đất, như những cái mông đang ngổng lên.

Sát bên các thực khách đã ngồi vào bàn là một cái ống khói lớn đang rực lửa, hắt sức nóng vào dãy lưng thẳng hàng của họ. Có ba que xiên lớn đang xiên gà, bồ câu và thịt lợn. Mùi thịt quay, mùi nước mỡ đầm đìa của các món chiên bốc lên từ lò nấu kích thích dạ dày, khẩu vị của khách.

Các nhà qúy tộc nông dân ăn ở đó. Chủ quán là ông Jourdain, một tay lái ngựa ma mãnh. Mọi người ăn và uống cạn các chai rượu táo màu vàng. Người ta nói chuyện mua bán, chuyện mùa màng. Theo họ, thời tiết rất tốt cho cây cối nhưng có phần bất lợi cho lúa mì.

Bỗng có tiếng trống vang lên trên sân trước quán ăn. Mọi người đều đứng dậy, trừ vài kẻ bàng quan. Họ ùa ra cửa, đến các cửa sổ, miệng còn đầy thức ăn và trên tay là khăn ăn.

Sau hồi trống, ông mõ nhấn giọng the thé nói to:

- Xin thông báo cho cư dân ở Goderville và tất cả mọi người đi chợ biết là sáng nay, trên đường Benzeville, vào khoảng chín, mười giờ, có người đánh rơi một chiếc ví da màu đen, trong đó có năm trăm franc và giấy tờ. Ai nhặt được xin trao cho ông thị trưởng hoặc ông Fortuné Houlbrèque ở Manneville và sẽ được hậu tạ hai mươi franc.

Nghe xong, mọi người về lại vị trí cũ nhưng vẫn còn nghe xa xa tiếng trống và tiếng ông mõ yếu dần. Người ta bàn tán về sự kiện, xem liệu ông Houlbrèque có thể tìm lại được chiếc ví hay không.

Bữa ăn kết thúc.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Khi mọi người đang uống cà phê thì ông đội trưởng hiến binh xuất hiện ở ngưỡng cửa. Ông ta hỏi:

- Ông Hauchecorne, người vùng Bréauté có đây không?

Ông Hauchecorne đang ngồi ở đầu bàn bên kia đáp:

- Tôi đây!

Ông đội trưởng nói:

- Ông Hauchecorne, vui lòng đi theo tôi đến gặp ông thị trưởng. Ông ấy muốn hỏi chuyện ông.

Người nông dân ngạc nhiên và im lặng, cầm cốc rượu lên và uống cạn, rồi lom khom đứng dậy bước đi. Ông lom khom vì thấy khó khăn trong những bước chân đầu tiên sau mỗi lần nghỉ ngơi. Ông đi ra đường theo ông đội trưởng và lặp lại:

- Tôi đây, tôi đây!

Ông thị trưởng ngồi trên một chiếc ghế bành chờ ông. Viên chưởng khế ngồi bên phải ông ta. Ông này to lớn, vẻ trịnh trọng. Ông thị trưởng nói:

- Ông Hauchecorne, sáng nay người ta thấy ông nhặt được trên đường Beuzeville chiếc ví của ông Houlbrèque, người vùng Manneville.

Người nông dân nín lặng nhìn ông thị trưởng, nặng trĩu người vì bị nghi ngờ một cách vô cớ.

- Tôi nhặt được chiếc ví à?

- Đúng vậy!

- Nói danh dự, tôi không biết có chuyện này!

- Người ta thấy ông nhặt được.

- Người ta thấy tôi à? Ai thấy?

- Ông Malandain, người sản xuất yên ngựa.

Thế là người nông dân già sực nhớ ra, hiểu sự việc và đỏ mặt vì giận dữ.

- Hà! Lại là gã thô lậu đó! Tôi có nhặt một sợi dây, thưa ông thị trưởng.

Nói rồi ông lấy trong túi ra một sợi dây nhỏ.

Nhưng ông thị trưởng lắc đầu không tin.

- Đừng làm cho tôi thêm bực bội, ông Hauchecorne. Ông Malandain là người đáng trọng. Ông ấy đã thấy ông nhặt được chiếc ví.

Người nông dân giận dữ, đưa hai bàn tay ra và vỗ vào ngực để nói rằng mình vô tội, sau đó ông nói:

- Có Chúa, có các thánh xác nhận, thưa ông thị trưởng, tôi lấy hết linh hồn tôi để nói là tôi không có nhặt được chiếc ví nào cả.

Ông thị trưởng nói:

- Sau khi nhặt được chiếc ví, ông còn tìm kiếm trong bùn để xem còn có xu nào sót lại không.

Người đàn ông tử tế ngạt thở vì giận dữ. Ông hét lên:

- Nói vậy mà cũng nói! Nói vậy mà cũng nói...! Ông lấy sự giả dối để xuyên tạc kẻ trung thực! Nói vậy mà cũng nói!

Ông càng bảo vệ mình thì người ta càng không tin ông.

Ông đối mặt với ông Malandain. Ông này khẳng định lại lời của mình. Họ cãi vã nhau trong một giờ đồng hồ. Ông Hauchecorne cho phép người ta truy vấn mình nhưng họ không phát hiện ra điều gì.

Cuối cùng, ông thị trưởng thấy lúng túng nên cho phép họ về nhà, với lời cảnh báo là sẽ tham vấn tòa án và yêu cầu tòa ra lệnh bắt.

Tin tức về vụ việc lan rộng. Khi vừa ra khỏi tòa thị chính, người nông dân già bị người ta vây quanh và hỏi bằng những câu soi mói và mỉa mai. Nhưng ông không giận dữ. Ông kể cho thiên hạ nghe câu chuyện. Họ cười và không tin.

Ông bước đi, chặn những người ông quen biết và tất cả những kẻ khác lại kể cho họ nghe sự việc cùng thái độ của ông. Ông lộn túi ra để chứng minh cho người ta biết là ông vô tội.

Người ta nói:

- Hà hà, ông già ranh ma!

Ông thấy phật lòng, bực tức, giận dữ vì người ta không tin ông và vì ông không biết làm gì, ngoài việc kể lại sự việc.

Đêm xuống, ông đi về nhà. Ông gặp trên đường ba người hàng xóm. Ông chỉ cho họ biết vị trí ông đã nhặt sợi dây. Trên suốt quãng đường dài, ông kể cho họ nghe vụ việc.

Cả đêm dài, ông thấy mệt mỏi.

Ngày hôm sau, vào khoảng một giờ chiều, đày tớ của ông Breton, điền chủ ở Ymauville, cầm chiếc ví và những gì có trong đó đem trả lại cho ông Houlbrèque.

Người đày tớ này nhặt được chiếc ví trên đường và không biết làm sao nên đã đem về nhà giao lại cho ông chủ.

Tin tức về việc này lan rộng. Ông Hauchecorne cũng biết. Ông đi ra khỏi nhà và kể lại kết cục của sự việc. Ông thấy nhẹ nhõm.

- Đó, sao lại bắt tôi chịu? Đó là điều giả dối. Dè bỉu tôi là điều giả dối!

Ông kể lại sự việc cả ngày. Ông kể với những ai qua đường, với người đang uống nước ở các quán, với người vừa ra khỏi nhà thờ sau lễ chủ nhật. Ông còn chặn cả những ai không quen lại để kể. Giờ ông thấy thanh thản vì những gì làm ông lúng túng đã được vạch trần. Thiên hạ cười cợt khi nghe câu chuyện. Họ có vẻ không tin. Họ bàn tán sau lưng ông.

Vào thứ ba, tuần sau đó, ông đến chợ phiên, chỉ để kể lại câu chuyện.

Ông Malandain đứng ở cửa và cười khi thấy ông đi qua. Vì sao vậy?

Ông Hauchecorne gặp một ông tá điền vùng Criquetot và ông này không chờ ông nói hết câu, vỗ vào ngực ông và cười nói: “Ông là kẻ ma lanh thứ thiệt đó nhé!” Nói rồi, ông ta quay gót.

Ông Hauchecorne đứng chết lặng. Tại sao ông ấy lại gọi ông là “kẻ ma lanh thứ thiệt”?

Khi đã ngồi xuống bàn trong quán ăn của ông Jourdain, ông suy nghĩ đến việc nên giải thích vụ việc như thế nào.

Một gã lái ngựa người vùng Montiville cười nói:

- Hà, hà, ông bạn già lão luyện! Tôi biết mà! Đó chỉ là sợi dây!

Ông Hauchecorne ấp úng nói:

- Người ta đã tìm ra chiếc ví rồi kìa!

Nhưng ông lái ngựa nói:

- Có kẻ nhặt và có kẻ đem bỏ lại chỗ cũ. Tôi rối trí, không nghe, không biết gì!

Người nông dân thấy nghẹt thở. Ông hiểu. Thiên hạ buộc tội ông cùng với kẻ đồng lõa đã đem chiếc ví đặt lại chỗ cũ.

Ông muốn phản bác. Cả bàn cười ông. Ông đứng dậy tuy ăn chưa hết bữa tối, giữa những tiếng cười mỉa mai.

Ông trở về nhà, thấy xấu hổ và giận dữ, thấy nghẹt thở vì bực dọc, vì ngượng ngùng. Ông bàng hoàng vì bị buộc tội là kẻ ranh ma, là kẻ có khả năng đã làm điều xấu xa nhưng lại khoác lác biện hộ mình vô tội. Ông không thể chứng minh là mình vô tội. Người ta ai cũng nghĩ ông ranh ma. Ông thấy tức ngực vì bị ngờ vực một cách vô lí.

Vậy là ông lại kể lại sự vụ, kể mỗi ngày, mỗi lần đều thêm lí do mới và càng lúc ông càng phản đối mạnh mẽ những lời buộc tội. Ông thề một cách trịnh trọng nhất có thể. Khi còn một mình, ông nghĩ về các lí lẽ nên nói. Tâm trí ông bị câu chuyện sợi dây ám ảnh. Người ta cho rằng, ông đang làm cho vấn đề thêm rắc rối và sự biện hộ của ông đã đi quá xa.

- Đó, đó là lí lẽ của kẻ nói dối - người ta nói sau lưng ông.

Ông hiểu được những gì thiên hạ nói, máu ông sôi lên, mọi cố gắng của ông là vô ích.

Ông trở nên héo hon trông thấy.

Thiên hạ lấy chuyện “sợi dây”, giống như lấy chuyện lính tráng cãi vã nhau khi đi chiến dịch để mua vui. Tinh thần ông suy sụp.

Vào cuối tháng mười hai, ông ốm nằm liệt giường. Ông chết vào đầu tháng giêng và trong cơn đau vì mê sảng, ông tái khẳng định:

- Tôi chỉ nhặt có một sợi dây... Một sợi dây thôi, ông thị trưởng ơi!

TRẦN NGỌC HỒ TRƯỜNG dịch từ nguyên bản tiếng Pháp

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)