Giải Booker Quốc tế 2023 công bố danh sách đề cử

Thứ Ba, 28/03/2023 12:19

Từ 134 tác phẩm hư cấu được xuất bản từ ngày 1 tháng 5 năm 2022 đến ngày 30 tháng 4 năm 2023, ban giám khảo của giải Booker Quốc tế 2023 đã tìm ra 13 cái tên vào được danh sách năm nay. Chủ tịch ban giám khảo, tiểu thuyết gia người Pháp gốc Marocco Leïla Slimani cho biết danh sách đề cử năm nay là "sự tôn vinh sức mạnh của ngôn ngữ và nỗ lực của các tác giả muốn thúc đẩy các cuộc phản tư càng xa càng tốt".

8 nhà văn châu Âu góp mặt vào danh sách.

Theo đó, giải thưởng trị giá 50.000 bảng Anh sẽ được trao hàng năm cho một tập truyện ngắn hoặc tiểu thuyết được viết bằng bất kì ngôn ngữ nào, được dịch sang tiếng Anh và xuất bản ở Anh hoặc Ireland. Số tiền thưởng được chia đều cho tác giả và dịch giả. Ban giám khảo năm nay gồm có dịch giả tiếng Ukraine - Uilleam Blacker, tiểu thuyết gia người Malaysia từng lọt vào danh sách rút gọn giải Booker - Tan Twan Eng, nhà văn và nhà phê bình của The New Yorker - Parul Sehgal và biên tập viên hạng mục văn học của The Financial Times - Frederick Studemann.

13 tác phẩm lọt vào danh sách vô cùng đa dạng, từ tác phẩm của nhà văn người Ukraine - Andrey Kurkov cho đến tác phẩm của người từng tuyên bố mình “đã qua đời” - tiểu thuyết gia người Ấn Độ Perumal Murugan. Ngoài ra mùa giải năm nay cũng có khá nhiều những điều lí thú. Sau đây là những độc đáo vô cùng khác biệt:

1. Tổng cộng có 11 ngôn ngữ trong danh sách dài và được bắt nguồn từ 12 quốc gia khác nhau. Bên cạnh những ngôn ngữ có phần phổ biến như tiếng Pháp và tiếng Đức, thì cũng có 3 ngôn ngữ chưa từng xuất hiện trong các mùa giải trước đó. Đó là tiếng Bulgari (Time Shelter, tạm dịch: Trạm trú ẩn thời gian của Georgi Gospodinov, do Angela Rodel dịch), tiếng Catalan (Boulder, tạm dịch: Đá cuội của Eva Baltasar, do Julia Sanches dịch) và tiếng Tamil (Pyre, tạm dịch: Giàn thiêu của Perumal Murugan, do Aniruddhan Vasudevan dịch). Theo đó chỉ có khoảng 20 cuốn sách mỗi năm được dịch từ tiếng Catalan sang tiếng Anh.

2. 54 năm là khoảng cách lớn nhất giữa đề cử lớn tuổi nhất và trẻ tuổi nhất trong danh sách năm nay. Maryse Condé, nhà văn nhiều lần từng được dự đoán sẽ đoạt Nobel Văn chương, được đề cử cho cuốn The Gospel According to the New World (tạm dịch: Phúc âm của Thế giới Mới do Richard Philcox dịch). Bà cũng là người lớn tuổi nhất từng lọt vào danh sách bình chọn của Giải Booker Quốc tế ở tuổi 89. Sinh tại Guadeloupe, một nhóm đảo thuộc Caribean, Condé được đánh giá là “tiếng nói vĩ đại của vùng Caribean”. Trong khi đó tác giả trẻ nhất trong danh sách năm nay là Amanda Svensson, 35 tuổi, được đề cử cho cuốn A System So Magnificent it is Blinding (tạm dịch: Hệ thống tuyệt hảo vì nó đui mù, do Nichola Smalley dịch). Dịch giả trẻ nhất là Reuben Woolley, 24 tuổi, người đã chuyển ngữ tác phẩm của nhà văn người Ukraine Andrey Kurkov, Jimi Hendrix Live ở Lviv (tạm dịch: Jemi Hendrix trình diễn ở Lviv).

3. Maryse Condé cùng với Richard Philcox cũng chính là cặp vợ chồng đầu tiên từng được đề cử cho giải thưởng này. Condé, người mắc phải chứng rối loạn thoái hóa thần kinh khiến mắt khó nhìn, đã đọc cuốn tiểu thuyết mới cho Philcox chép, và sau đó ông đã dịch nó sang tiếng Anh.

8 tác phẩm đến từ châu Âu.

4. Có 2 tác giả đã được đề cử những năm trước đó. Một là Maryse Condé, người đã lọt vào danh sách rút gọn của Giải Booker Quốc tế 2015. Người thứ hai là tác giả Đức - Clemens Meyer vào năm 2017 cho cuốn Bricks and Mortar (tạm dịch: Gạch và Vữa). Năm nay ông được đề cử cho cuốn tiểu thuyết đầu tay While We Were Dreaming (tạm dịch: Khi chúng ta mơ), được xuất bản bằng tiếng Đức năm 2006 nhưng chỉ mới được dịch sang tiếng Anh bởi Katy Derbyshire, người cũng đã dịch cuốn sách đề cử trước đó. Ngoài Derbyshire, thì 3 dịch giả khác trong danh sách là Nichola Smalley, Jeremy Tiang và Frank Wynne cũng được đề cử các năm trước đó. Tiang và Wynne cũng là giám khảo cho mùa giải 2022.

5. Tác phẩm While We Were Dreaming của Clemens Meyer không phải là cuốn tiểu thuyết duy nhất có khoảng cách dài giữa việc được xuất bản bằng ngôn ngữ gốc và khi được dịch sang tiếng Anh. Tác phẩm The Whale (tạm dịch: Cá voi) của tác giả Hàn Quốc Cheon Myeong-kwan, do Chi-Young Kim dịch, đã được xuất bản lần đầu tại Hàn vào năm 2003.

6. Các tác giả trong danh sách năm nay đại diện cho Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latin, thế nhưng lục địa có nhiều đại diện nhất lại là Châu Âu, với 8 đề cử cho các tác giả, bao gồm Bulgaria (Gospodinov), Na Uy (Vigdis Hjorth cho cuốn Is Mother Dead, tạm dịch: Mẹ mất rồi ư?, dịch bởi Charlotte Barslund), Pháp (Condé và Laurent Mauvignier cho cuốn The Birthday Party, tạm dịch Bữa tiệc sinh nhật, được dịch bởi Daniel Levin Becker), Đức (Meyer), Tây Ban Nha (Baltasar), Ukraine (Andrey Kurkov) và Thụy Điển (Svensson).

7. Tiếng Pháp là ngôn ngữ được dịch nhiều nhất trong giải năm nay với 3 tiểu thuyết. Tuy nhiên cả ba tác giả – Condé, Mauvignier và GauZ'– lại đều mang đến những sự khác biệt. Trong khi Condé sinh ra ở Guadeloupe và cũng là giáo sư danh dự khoa tiếng Pháp tại Đại học Columbia ở New York, Mauvignier sinh ra và lớn lên ở Pháp thì GauZ' lại lớn lên ở Bờ Biển Ngà.

8. Hai trong số các tác giả có chung nghề nghiệp: cả Clemens Meyer và GauZ' (tên thật là Patrick Armand-Gbaka Brede) đều làm nhân viên bảo vệ. Meyer trong khi đó lại là một người điều khiển xe nâng.

8 tác phẩm đến từ châu Âu.

9. Ngoài cương vị là một tác giả, thì các nhà văn đã được đề cử cũng có những công việc khác. Theo đó, GauZ' là nhiếp ảnh gia và là tổng biên tập của tờ kinh tế châm biếm News & Co của Bờ Biển Ngà. Bản thân Svensson cũng là dịch giả sang tiếng Thụy Điển. Cô từng dịch sách của Ali Smith, người được đề cử nhiều lần tại giải Booker. Myeong-kwan cũng là một đạo diễn phim. Gospodinov, Wynne và Baltasar cạnh đó cũng là nhà thơ.

10. Svensson và GauZ' là hai trong số ba tác giả xuất hiện với những tác phẩm đầu tiên được dịch sang tiếng Anh. Người thứ ba là nhà viết kịch Trung Quốc Zou Jingzhi, được đề cử cho cuốn Ninth Building (tạm dịch: Tòa nhà thứ chín, do Jeremy Tiang dịch).

11. Nhà văn Ukraine - Andrey Kurkov đã dành cả sự nghiệp của mình để viết tiểu thuyết bằng tiếng Nga (ông viết truyện phi hư cấu bằng tiếng Ukraine cũng như tiếng Nga), ngôn ngữ của cha mẹ ông và của khoảng một phần ba người Ukraine. Tuy vậy gần đây nhà văn được cho là còn sống nổi tiếng nhất Ukraine, đã nói rằng mình sẽ không viết bất kì cuốn sách nào bằng tiếng Nga nữa, sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Cuốn sách gần đây nhất của ông là một tác phẩm phi hư cấu tên Diary of an Invasion (tạm dịch: Nhật ký của kẻ xâm chiếm) vào năm 2022, gồm các bài viết cũng như phóng sự từ Kyiv bị chiếm đóng.

12. Perumal Murugan cũng là một trường hợp lạ trong danh sách này khi từng tuyên bố tự “khai tử” mình dưới tư cách nhà văn. Murugan theo đó trong quá khứ đã phải đối mặt với những cuộc phản đối gay gắt chống lại cuốn tiểu thuyết One Part Woman (tạm dịch: Một phần Phụ nữ) của người theo đạo Hindu. Vào năm 2015, ông tuyên bố rằng mình sẽ ngừng viết, cũng như yêu cầu các nhà xuất bản rút tất cả các tác phẩm hư cấu của mình ra khỏi kệ sách. Tuy vậy ông đã trở lại sau sự im lặng tự áp đặt vào năm 2017 với cuốn tiểu thuyết có tên Poonachi: Or The Story of a Black Goat (tạm dịch: Poonachi: Hay câu chuyện về một con dê đen).

ĐOÀN ANH TUẤN dịch từ website chính thức của giải Booker và The Guardian.

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)