Những phát hiện mới về Toni Morrison

Thứ Sáu, 17/03/2023 11:07

Thông thường, độc giả chỉ nhìn thấy được văn bản đã qua chỉnh sửa từ nhà văn và các biên tập viên. Thế nhưng mới đây, một cuộc triển lãm dành riêng cho nhà văn đoạt giải Nobel 1993 - Toni Morrison (1931–2019), đã tiết lộ nhiều điều mà các nhà văn luôn muốn giấu kín: cảm giác viết một cuốn sách khó khăn và không tự nhiên đến mức độ nào.

Thủ bút của Morrison.

Tại Thư viện Firestone của Đại học Princeton, triển lãm Toni Morrison: Sites of Memory (tạm dịch: Toni Morrison – Di chỉ của kí ức) hiện đang diễn ra, sẽ vẽ nên bức chân dung đầy mê hoặc của một tác giả làm việc mọi lúc mọi nơi, thu thập các ghi chú và lên kế hoạch để viết hàng ngày bằng các đoạn hội thoại, những hình phả hệ được vẽ cẩn thận cho các nhân vật trong Yêu dấuTar Baby – một tập kịch bản mà trước đó Morrison đã quyết định sẽ kể lại nó dưới dạng tiểu thuyết.

Cho đến giờ đây, tất cả những thứ này “chỉ tồn tại dưới dạng cơ sở hạ tầng vô hình trong công việc của [Morrison],” Autumn Womack, trợ lý giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc Phi tại Princeton, cho biết. Thế nhưng nó đã mở ra cánh cổng với những kho báu vô cùng quý giá cho các độc giả từng yêu mến bà.

Womack bắt đầu quản lý Sites of Memory vào mùa hè năm 2020. “Ở đâu đó và vào một ngày nào đó trên đường đi, chúng tôi bỗng nhận ra rằng mình đang thực hiện cuộc khai quật khảo cổ riêng biệt.” Cô nói. “Chúng tôi đã làm việc để tái tạo lại các quy trình lớn trong quá trình sáng tạo của Toni Morrison, như một nghiên cứu và sự nghiêm ngặt khi tạo ra các cuốn sách.”

Có rất nhiều thứ để có thể tham quan trong thư viện này. Theo đó họ đã sở hữu rất nhiều giấy tờ của Toni Morrison, bao gồm gần 400 hộp tài liệu được nữ nhà văn lưu giữ và thu thập trong suốt cuộc đời của mình. Có những bức thư gửi qua gửi lại với Nina Simone – huyền thoại nhạc Jazz, các cuộc trao đổi với các biên tập viên về những điểm mạnh và điểm yếu của bản thảo, cũng như những mảnh giấy pháp lí giờ đã ngả vàng theo vết thời gian…

Sơ đồ được Morrison vẽ ra khi viết cuốn Paradise.

“Đối với tôi, dường như Toni là người có thói quen giữ lại mọi thứ,” Womack nhận định. “Bà ấy đã lưu lại từng bản nháp một. [Đó] thực sự là một phần trong quá trình viết, và giờ đây, Thư viện Princeton trở thành người quản lí xứng đáng cho di sản của Morrison. Bởi vì sao ư? Vì bà đã giảng dạy ở đó suốt 17 năm và vào năm 2017, chính ngôi trường này cũng đã đổi tên một tòa nhà thành Morrison Hall - hiện là trụ sở của khoa Nghiên cứu người Mĩ gốc Phi - để vinh danh bà.”

Cuộc triển lãm này sẽ được chia ra thành 6 phần phi tuyến tính (như đúng phong cách mà Morrison vẫn hay viết nên các cuốn tiểu thuyết của mình. Chúng bao gồm “Khởi đầu”, “Thời gian viết lách”, “Sự hiện hữu”, “Tự chất vấn mình và đi lẩn thẩn”, “Di sản của chủ nghĩa nữ quyền da đen” và “Suy đoán tương lai.”

Trang bản thảo đánh máy của Jazz với các chỉnh sửa viết tay của Morrison.

Riêng phần đầu tiên - “Khởi đầu”, đã cho ta thấy rất nhiều bằng chứng về một nhà văn đang trong hành trình phát triển với những tham vọng lớn lao. Lấy ví dụ như trong ấn bản đầu tiên của cuốn tiểu thuyết đầu tay Mắt nào xanh nhất (1971), Morrison đã có một quyết định táo bạo là bỏ hình minh họa hoặc mọi hình ảnh có trên trang bìa, và thay vào đó in đoạn đầu tiên đáng nhớ của cuốn sách ở đó. “Vì được giữ kín im lìm, mùa thu năm 1941 không có cúc vạn thọ. Lúc đó chúng tôi nghĩ là vì Pecola đang mang bầu đứa con của cha nó mà cúc vạn thọ không mọc”[i].

Ở một nơi khác, có một bức ảnh đen trắng do Đại học Howard cho mượn chụp Morrison mặc trang phục thời Elizabeth ấn tượng cho một vai diễn trong vở kịch Vua Lear của Shakespeare. Sở dĩ có tấm ảnh này là bởi ít ai biết Morrison cũng từng là một thành viên của nhóm Howard Players tại Historically Black Colleges and Universities vô cùng nổi tiếng từ năm 1949–1953. Đây là các cơ sở giáo dục đại học ở Hoa Kỳ được thành lập trước Đạo luật Dân quyền năm 1964 với mục đích chủ yếu là phục vụ người Mĩ gốc Phi.“Phần này mở ra những khía cạnh khác và đa dạng hơn trong cuộc sống riêng của Morrison,” Womack giải thích.

Đi từ phần này sang phần khác, người ta cũng nhận thấy một số tờ giấy bị cháy xém ở mép, với những vệt tro đôi khi làm mờ nhòe đi các dòng văn bản. Điều này xảy ra là do một trận hỏa hoạn vào ngày Giáng sinh năm 1993 đã thiêu rụi ngôi nhà ở Thung lũng Hudson, nơi Morrison sống cùng hai con trai và bà đã cất giữ những giấy tờ này tít dưới tầng hầm. “Tất cả các tài liệu nghiên cứu và bản thảo cho Song of Solomon, cuốn tiểu thuyết thứ ba của bà, được cho là đã bị phá hủy,” Womack chia sẻ. “Trong quá trình nghiên cứu, giám tuyển của chúng tôi đã phát hiện ra những bản nháp duy nhất còn sót lại của cuốn sách ấy giờ đây đang được trưng bày.”

Ngoài việc đánh thức thị giác, thì giọng nói của Morrison cũng được nghe thấy suốt buổi tham quan. Một màn hình lớn sẽ phát đoạn phim dài 2 giờ mà Womack chọn lọc từ cuộc phỏng vấn kéo dài 8 tiếng mà Morrison từng tham gia tại Đại học Boston vào năm 1987. Hai phần cuối cùng: “Di sản của chủ nghĩa nữ quyền da đen” và “Suy đoán tương lai” cho thấy bà ấy là một nhà tư tưởng nữ quyền Da đen cấp tiến và giàu trí tưởng tượng đến như thế nào. Nó cũng minh họa cho cách mà giới tính, chủng tộc và việc phân biệt giai cấp có thể “cọ xát” đau đớn đến như thế nào trong cả một đời và còn vang vọng đến muôn đời sau.

Một bài báo khác trong cuộc triển lãm này cũng đã trình bày chi tiết về ý định của Morrison là viết Yêu dấu ra thành nhiều tập, trong đó có một nhân vật trùng tên với cuốn tiểu thuyết giờ đã thành hình, ám vào một gia đình nọ vào những năm 1980.

--------------------------

NGÔ THUẬN PHÁT

[i] Trích từ bản dịch Mắt nào xanh nhất của Thiên Nga, San Hô Books và NXB Phụ nữ liên kết ấn hành.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)