Ngoài cảm giác “đột nhập” vào một “câu lạc bộ đàn ông” và sức nặng cộng đồng đi kèm với việc vinh danh, thì dường như có rất ít mối liên hệ giữa các nhà văn nữ với giải Nobel. Vì vậy, việc giành được giải Nobel với tư cách là một phụ nữ có ý nghĩa gì với bản thân họ? Và chúng ta, với tư cách là những độc giả ở thời điểm này, có thể học gì từ những người phụ nữ tài hoa ấy?
Những chiến thắng bất ngờ
Annie Ernaux, Olga Tokarczuk, Doris Lessing và Selma Lagerlof.
Vào tháng 10 năm ngoái, tiểu thuyết gia Annie Ernaux trở thành người phụ nữ thứ 17 đoạt giải Nobel Văn chương. Bà là người phụ nữ Pháp đầu tiên, công dân Pháp thứ 16, người châu Âu thứ 96 và là người thứ 119 đã được xướng tên ở giải Nobel. Phản ứng trước thông tin này, Ernaux nói: “Với tôi, việc nhận giải Nobel là trách nhiệm phải tiếp tục… nói từ thân phận phụ nữ, rằng đối với tôi, dường như chúng ta - những người phụ nữ, không được bình đẳng về tự do và quyền lực”.
Nhiều tháng sau đó, trong diễn từ nhận giải Nobel, Ernaux cũng đã nói rằng: “Tôi không coi giải Nobel này là một chiến thắng cá nhân. Theo một nghĩa nào đó, không phải vì tự hào hay khiêm tốn mà tôi coi đó là một chiến thắng tập thể.” Tuyên bố của Ernaux về quyền sở hữu tập thể đối với một giải thưởng mang tính cá nhân cao khiến bà giống với 16 người phụ nữ khác đã từng giành được giải thưởng kể từ khi nó được thành lập vào năm 1901, cũng như việc bà nhấn mạnh đến sự căng thẳng từ các nền tảng gia trưởng mà giải Nobel bắt nguồn từ đó.
Khi được hỏi liệu mình có đoán trước được giải thưởng hay không, người đoạt giải năm 2013 - Alice Munro đã trả lời rằng: “Ồ, không, không! Tôi là một phụ nữ! Tôi trân trọng danh dự mà nó mang lại, tôi yêu nó, nhưng tôi không nghĩ là mình có thể.” Cũng tương tự thế, khi biết về chiến thắng của mình từ một nhóm phóng viên khi trở về nhà sau chuyến đi đến bệnh viện, Doris Lessing, 87 tuổi, đã rất bối rối: “Từ lâu họ nói với tôi rằng họ không thích tôi và tôi không bao giờ hiểu được việc vinh danh đó… Dù vậy họ đã cử một quan chức đặc biệt đến để nói với tôi điều này… Giờ tôi sẽ đi lên lầu để tìm vài đoạn thích hợp mà tôi sẽ sử dụng cho bài diễn văn.”
Dù Selma Lägerlof đã giành chiến thắng vào năm 1909, nhưng gần một nửa số giải thưởng dành cho phụ nữ chỉ tập trung trong vòng 18 năm qua. Hầu hết những người đoạt giải là những phụ nữ đến từ châu Âu. Tác giả nữ Mĩ Latinh đầu tiên được trao giải thưởng và cũng duy nhất tính cho đến nay là nhà thơ người Chile - Gabriela Mistral (được trao giải năm 1945). Trong khi đó, tiểu thuyết gia người Mĩ Toni Morrison vẫn là người phụ nữ Da đen duy nhất từng được công nhận. Do đó những người chiến thắng áp đảo vẫn là người da trắng. Về kinh nghiệm sống, người chiến thắng đã phải đối mặt với các nạn đói, chiến tranh, di dân bất hợp pháp, phân biệt chủng tộc… có phần khó khăn và cũng phức tạp.
Chiến thắng không chỉ tôn vinh
Một lần nữa, việc một phụ nữ đoạt giải Nobel Văn học có ý nghĩa gì đối với cuộc đời và tác phẩm của họ? Đối với một số người như Svetlana Alexievich - người Belarus đã phát minh ra “tiểu thuyết tài liệu” và nhà thơ kiêm tiểu thuyết gia người Áo Herta Müller, thì điều đó có nghĩa là được biết đến một cách đột ngột. Họ được đưa tin trên báo chí, sách của họ được tái bản và chuyển ngữ mới. Đối với những người khác (Lessing, Morrison và tiểu thuyết gia Nam Phi Nadine Gordimer), thì đó cũng là đỉnh cao trong sự nghiệp vĩ đại mà mọi người đã dự đoán trong suốt nhiều năm.
Đối với tất cả họ, điều đó có nghĩa là khoảng một triệu đô la tiền thưởng và ít nhất là doanh số bán sách tăng tạm thời. Và đó có lẽ là một trải nghiệm đa dạng cho những cá nhân có cơ hội chiến thắng. Bạn bè của nhà thơ Ba Lan Wisława Szymborska đã gọi chiến thắng của bà là “thảm kịch Nobel” bởi chính bà vốn sống rất riêng tư, và trong nhiều năm đã không thể viết vì sự “tấn công dữ dội của sự chú ý”.
Trong khi đó, Toni Morrison đã tụ tập bạn bè để ăn mừng cùng tại Stockholm. “Tôi thích giải thưởng Nobel,” bà nói. “Bởi vì họ biết cách tổ chức một bữa tiệc.” Giành giải Nobel vào năm 2015 cũng đã không bảo vệ Alexievich khỏi việc phải sống lưu vong lần thứ hai vào năm 2020. Đối mặt với những nguy cơ bị bắt cóc cũng như bắt giữ, bà đã bỏ trốn và để lại bản thảo, ngôi nhà và một phần thế giới mà các câu chuyện bà đã sáng tạo ra… ở nơi chốn cũ.
Bất kể sự công nhận này có ý nghĩa gì đối với cá nhân những người phụ nữ, thì tên tuổi họ sẽ luôn được ghép với cụm “người đoạt giải Nobel” bất cứ khi nào họ xuất hiện trên báo đài. Bất kể độc giả tương lai hiểu gì về lịch sử, quy trình và số liệu thống kê của Giải thưởng Nobel, thì biệt danh này có thể sẽ gợi ý cho họ điều gì đó quan trọng về tác phẩm của các nhà văn. Và bất kể nhà văn đến từ đâu, bất kể họ viết về cái gì và viết về ai, thì khi nhận giải, họ đều nhận một nhiệm vụ to lớn, là tìm “những câu thích hợp” để trình bày một diễn từ (hoặc, trong trường hợp của Munro, là một cuộc trò chuyện) để nói lên tầm quan trọng của văn học và ý nghĩa của việc viết lách.
Toni Morrison, Alice Munro, Herta Muller và Svetlana Alexievich.
Do đó, việc cùng nhau đọc những suy tư của những phụ nữ đoạt giải Nobel cho thấy nhiều ý kiến khác nhau về những gì văn học có thể làm được và ý thức về trách nhiệm của người viết đối với những ý tưởng này. Mặc dù các diễn từ có nội dung rất khác nhau – từ những bài học chính trị cụ thể của Lessing và Gordimer, đến những suy nghĩ trừu tượng lớn hơn của Szymborska, những câu chuyện ngụ ngôn cá nhân (Müller) và phổ quát (Morrison) – thì mỗi bài viết đều chứa đựng những quan sát vừa hoàn toàn phức tạp và rất đúng đắn.
Văn chương và ngôn từ
Với tính bộc trực đặc trưng, “bậc thầy truyện ngắn đương đại” Munro đã khẳng định rằng bà biết mình có thể viết về cuộc sống ở thị trấn nhỏ Canada bởi vì: “Cuộc sống nào cũng có thể thú vị, môi trường xung quanh nào cũng có thể lí thú.” Trong khi đó Toni Morrison, người khám phá ra rất nhiều khía cạnh của cuộc sống của người Mĩ da màu bằng ngôn ngữ chính xác cũng như thơ mộng, đã lập luận rằng “ngôn ngữ không bao giờ và cũng không nên chỉ sống một lần và mãi mãi… Sức mạnh của nó, hạnh phúc của nó, nằm trong khả năng phác họa những điều không thể diễn tả.”
Lessing, người thường đặt giọng điệu gai góc (đôi khi hoài nghi) trong các tiểu thuyết về chính trị tiêu cực, chủ nghĩa thực dân và tương lai tưởng tượng, cũng chia sẻ rằng: “Chính những câu chuyện của chúng ta sẽ tái tạo lại chúng ta, dẫu khi chúng ta bị giằng xé, tổn thương, thậm chí là bị hủy diệt. Đó là người kể chuyện, người tạo ra giấc mơ, người tạo ra huyền thoại, đó là ‘con phượng hoàng’ tái sinh từ đống tro tàn, đại diện cho chúng ta ở mức tốt nhất và sáng tạo nhất.”
Trong khi đó, tác phẩm của Müller vẽ nên những khung cảnh nội tâm, ấn tượng về cuộc sống ngột ngạt dưới chế độ độc tài của Nicolae Ceaușescu ở Romania. Bà từng nói rằng: “Xét cho cùng, càng được phép nói nhiều thì chúng ta càng được tự do”. Cũng chung tổn thương trong thời kì Đệ nhị thế chiến, Szymborska, nhà thơ Ba Lan đoạt giải Nobel 1996 vừa dịu dàng và vừa kiên quyết đã từng viết rằng: “Sau mỗi cuộc chiến/ Ai đó sẽ phải dọn dẹp,” Bà cũng tuyên bố trong diễn từ rằng:“Trong ngôn ngữ thơ, mỗi chữ đều được cân nhắc, không có chữ nào là thông thường, là vô nghĩa… cũng như không có một sự tồn tại nào, của bất kì ai trên thế giới này là vô nghĩa lí.”
Gordimer, người có tiểu thuyết mổ xẻ đống đổ nát của con người do chủ nghĩa phân biệt chủng tộc được thể chế hóa và các chu kì bạo lực, cũng xác nhận rằng “việc viết lách luôn luôn và ngay lập tức là một cuộc khám phá bản thân và thế giới của mỗi cá nhân và những tập thể”.
Mỗi nhà văn đều có khả năng, theo cách riêng của mình (phản ánh phong cách, thời gian, địa điểm và quan điểm chính trị), để cho thấy rằng việc công nhận tác phẩm của họ là một phần nhỏ của câu chuyện dài mang tên riêng mình. Nhưng nếu bất kì bài diễn từ nào có nội dung gì đó giống với khẩu hiệu, thì đó phải là của Alexievich. Khi nhận giải, bà nhắn nhủ độc giả cũng như các nhà văn: “Tôi không đứng một mình trên chiếc bục này… Có những tiếng nói xung quanh tôi. Thật sự là có hàng trăm giọng nói.”
ĐOÀN ANH TUẤN lược dịch từ cuốn Những tiếng nói quanh tôi: Những diễn từ Nobel của Jessi Haley
VNQD