Kenzaburo Oe, nhà văn Nhật Bản đoạt giải Nobel văn chương 1994 đã qua đời vào ngày 3/3/2023, hưởng thọ 88 tuổi. Nhà xuất bản Kodansha đã đưa ra thông cáo về cái chết vào đầu tuần trước nhưng không nói rõ nguyên nhân. Ông được trao giải “vì đã tạo ra thế giới tưởng tượng nơi mà thực tế cùng với huyền thoại giao nhau, từ đó tạo nên một bức tranh vô cùng khắc nghiệt về con người ngày nay.”
Mặc dù vẫn thường hay nói mỗi khi viết lách mình chỉ hướng đến độc giả Nhật Bản, thế nhưng Oe vẫn thu hút được đông đảo độc giả quốc tế vào những năm 1960 với 3 tác phẩm: Hiroshima Notes (tạm dịch: Ghi chép về vụ Hiroshima) - tuyển tập các bài tiểu luận về hậu quả lâu dài của các vụ tấn công bằng bom nguyên tử, hai cuốn tiểu thuyết A Personal Matter (tựa Việt: Một nỗi đau riêng) và The Silent Cry (tựa Việt sắp ra mắt: Trận bóng năm Vạn Diên thứ nhất) xoay quanh một cuộc khủng hoảng trong đời sống gia đình và sự ra đời của cậu con trai với một khối u trong hộp sọ.
TIẾNG NÓI DÂN CHỦ
Kenzaburo Oe sinh ngày 31 tháng 1 năm 1935 tại một ngôi làng ở tỉnh Ehime, Shikoku. Cha ông là một địa chủ vô cùng nổi tiếng và đã chết đuối trong chiến tranh Thái Bình Dương. Vào buổi sáng ngày 6 tháng 8 năm 1945, mẹ ông đang hái thảo mộc thì nhìn thấy một tia sáng lớn chớp trên bầu trời, và cũng khi đó quả bom nguyên tử ở Hiroshima cách đó 100 dặm bắt đầu phát nổ.
Kí ức của Oe về Thế chiến thứ hai là kí ức của một học sinh kinh hoàng, vỡ mộng. Giáo viên của ông vẫn thường hay hỏi họ sẽ làm gì nếu như Nhật hoàng ra lệnh tự sát. Họ phải trả lời: “Chúng em sẽ chết. Chúng em tự nguyện mổ bụng và rồi hi sinh cho đất nước này.” Tuy vậy vào ngày 15 tháng 8 năm 1945 khi Nhật Hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, thì cho đến đó cậu bé Kenzaburo 10 tuổi vẫn còn tưởng tượng Người đứng đầu là một loài chim trắng huyền bí nào đó.
Kenzaburo Oe.
Tại Đại học Tokyo, Oe học ngành văn học Pháp hiện đại, nhưng suốt đời mình, ông lại chịu nhiều ảnh hưởng của văn học Mĩ cũng như châu Âu với sự tôn kính đặc biệt dành cho W.B. Yeats. Trong khi ông tìm cảm hứng trong rất nhiều sách, từ Huckleberry Finn cho đến lí thuyết về hình ảnh hiện thực kì lạ của nhà phê bình người Nga Mikhail Bakhtin, thì có rất ít những sự “uyên bác” trong tiểu thuyết của ông. Ông cũng không hề thỏa hiệp khuynh hướng thuyết giáo trong các tác phẩm, do đó ông đã sử dụng nhiều bài tiểu luận cũng như bài giảng để kiên quyết phản đối năng lượng hạt nhân và nỗ lực sửa đổi Hiến pháp hòa bình của riêng Nhật Bản.
Oe mâu thuẫn một cách khắc nghiệt đối với xã hội Nhật Bản. Ông lập luận rằng sau 25 năm dân chủ và tinh thần phục hưng thời hậu chiến tranh, đất nước hiện nay đã rơi vào trong đáy sâu của sự bạc nhược. Ông cho rằng đó là một thời kì được đánh dấu bởi sự cai trị độc đảng và thái độ “đóng cửa” ngăn cản các mối quan hệ mang tính xây dựng với các nước châu Á khác, ít có vai trò có ý nghĩa trong các vấn đề thế giới.
Về mặt chính trị, ông là tiếng nói nổi bật của một thế hệ những người bất đồng chính kiến và phản đối việc trang bị vũ khí cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Ông cũng ủng hộ chính sách bồi thường chiến tranh cho Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước láng giềng châu Á khác. Ông thường xuyên bị các phần tử cực hữu phỉ báng, đôi khi còn đe dọa giết như khi ông từ chối nhận Huân chương Văn hóa Nhật Bản vào năm 1994 vì được Hoàng đế ban tặng. Ông nói: “Tôi không công nhận bất kì quyền lực nào, bất kì giá trị nào cao hơn nền dân chủ”.
Vào năm 2005, ông đã bị kiện vì một bài luận mà mình đã viết vào năm 1970 khi khẳng định rằng các sĩ quan Nhật Bản đã ép hàng trăm người dân vùng Okinawa tự sát bằng cách nói rằng họ sẽ bị hãm hiếp, tra tấn và sát hại khi quân đội Mĩ tiến vào trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh. Nguyên đơn trong vụ kiện này là một cựu binh 91 tuổi và những người thân của một cựu binh khác, nhưng nó đã bị thẩm phán bác bỏ. Cho đến cuối cùng Tòa án đã ra phán quyết có lợi cho ông và công nhận rằng "Quân đội đã tham gia sâu vào các vụ tự sát hàng loạt".
SÁNG TẠO TRÊN NỀN MÓNG CŨ
Oe là nhà văn Nhật Bản đoạt giải Nobel văn chương thứ hai, sau tiểu thuyết gia Yasunari Kawabata vào năm 1968. Về phong cách và nội dung, cả hai vô cùng khác biệt. Trong khi Kawabata chủ yếu viết những “truyện ngắn trong lòng bàn tay” có phần tao nhã về các chủ đề truyền thống, thì Oe lại có khả năng mở rộng ngôn ngữ Nhật Bản cho đến giới hạn bằng những đề tài hướng trực tiếp đến tình dục, trầm cảm, bất ổn và đấu tranh cho phẩm giá con người. Nhà văn Hoa Kì, Henry Miller cũng đã ví ông như Dostoyevsky trong “hai thái cực hi vọng và tuyệt vọng”.
Khi còn là một sinh viên đại học tại Đại học Tokyo, ông đã giành được một giải thưởng văn học lớn dành cho truyện ngắn. Năm 1958, ông cho xuất bản tiểu thuyết đầu tay rất đáng chú ý mang tên Nip the Buds, Shoot the Kids kể về một nhóm nam sinh di tản trong thời chiến đến ngôi làng ở vùng nông thôn, nơi họ được lệnh chôn xác động vật thối rữa bị giết bởi bệnh dịch.
Các tác phẩm đã được chuyển ngữ của Kenzaburo Oe.
Nhưng đến giữa năm của tuổi 20 thì ông rơi vào tuyệt vọng, thậm chí cũng từng có lúc cân nhắc đến việc tự tử, vì không nhìn thấy con đường tương lai nào cho việc viết lách. Sau đó, tháng 6 của 1963, một loạt sự kiện đã làm thay đổi cuộc đời ông một cách mãi mãi. Vào thời điểm đó, đứa con đầu lòng của ông chào đời với một khối u từ trong hộp sọ. Các bác sĩ đã chẩn đoán rằng nếu không phẫu thuật, đứa bé sẽ chết. Nhưng nếu lựa chọn xử lí hướng đó, thì cậu con trai sẽ phải sống trong trạng thái thiểu năng trí tuệ nghiêm trọng.
Lúc đầu, Oe chỉ muốn chạy trốn, và ông thật sự cũng đã làm thế. Trong khi đứa trẻ sơ sinh vài tuần tuổi nằm trong bệnh viện, ông đã nhận lấy nhiệm vụ đưa tin về một hội nghị quốc tế về chống hạt nhân ở Hiroshima. “Tôi đang chạy trốn khỏi đứa bé ấy,” ông nói trong cuộc phỏng vấn sau này vào năm 1995. “Đó là những ngày vô cùng xấu hổ. Tôi muốn chạy trốn đến chân trời khác”.
Oe bắt đầu phỏng vấn những người sống sót sau vụ nổ 18 năm trước và bắt đầu lấy lại dũng khí từ chính những tấm gương này. Họ không muốn trở thành “một tập hợp dữ liệu các nạn nhân,” như ông đã viết trong phần giới thiệu. Họ muốn sống một cuộc sống như một cá nhân tự do. Ông đã gặp được những người phụ nữ lựa chọn sinh con bất chấp nguy cơ đứa bé có thể mắc bệnh bạch cầu và rồi chết đi. Ông cũng gặp được “người hùng thầm lặng”, những người mà ông đã tả là “không tự sát bất chấp mọi thứ.”
Từ chính điều đó mà ông có đủ dũng khí để quay trở lại Tokyo và chọn phẫu thuật cho con của mình. Đứa trẻ lúc ấy được đặt tên là Hikari - nghĩa là “ánh sáng” trong tiếng Nhật. Hikari vẫn sống, mặc dù cậu bé cần được chăm sóc một cách liên tục và sẽ ngưng phát triển ở ngưỡng của một đứa trẻ lên 3. Nhưng cậu bé cũng dần bộc lộ năng khiếu âm nhạc khi Oe nhận ra có thể dùng nhạc Mozart cũng như Chopin để xoa dịu cậu. Theo thời gian, cậu bé đã có thể thể hiện những cảm xúc sâu sắc nhất trong âm nhạc và rồi trở thành một nhà soạn nhạc nổi tiếng cho các bản sáo và piano.
Trong thời gian này, Oe đã viết Một nỗi đau riêng - cuốn tiểu thuyết trưởng thành đầu tiên của ông. Trong cuốn sách ấy, có một chàng trai phá hỏng cơ hội có được sự nghiệp học hành vững chắc bằng cách uống rượu say sưa, và giờ cậu ta có một đứa con được chẩn đoán mắc bệnh về não. Cậu ta trốn thoát nhưng không phải đến một hội nghị chống lại hạt nhân, mà là đến với người bạn gái cũ, người đã cùng anh “thám hiểm tình dục”. Sau những khoái lạc mà họ đã có, họ lên kế hoạch giao đứa trẻ ấy cho một bác sĩ, còn họ thì sẽ quăng mình mãi tận Phi Châu. Nhưng cậu đã không làm được điều đó. Y đưa đứa trẻ sơ sinh trở lại bệnh viện, tiến hành phẫu thuật, củng cố cuộc hôn nhân và thậm chí còn giành được sự tôn trọng của người mẹ vợ.
Sau đó ông tiếp tục với Trận bóng năm Vạn Diên thứ nhất, một tác phẩm tham vọng hơn nhiều với cường độ tâm lí thấm đẫm mối quan tâm của ông về lịch sử Nhật Bản, tính toàn vẹn văn hóa và chủ nghĩa tiêu dùng lạnh lùng. Ở đây, “đứa trẻ suy vi” chính là nguồn gốc của cuộc hôn nhân lao đến vô vọng.
Hai cuốn tiểu thuyết ban đầu này, với motif về cậu con trai bị thiểu năng trí tuệ và cuộc tìm kiếm ý nghĩa của Nhật Bản sau vụ đánh bom nguyên tử, cũng là nguồn gốc cho nhiều trong số hơn 40 tiểu thuyết và tuyển tập truyện ngắn tiếp theo của ông, bao gồm Aghwee the Sky Monster (tạm dịch: Quái vật bầu trời Aghwee, 1964), Rouse Up O Young Men of the New Age (tạm dịch: Hãy vực dậy hỡi những chàng trai trẻ của thời đại mới, 1986), A Quiet Life (tạm dịch: Cuộc sống trầm lặng, 1990) và Somersault (tạm dịch: Lật nhào, 1999)...
Ông cũng cho biết một trong những phương pháp viết của mình là “sự lặp lại với các khác biệt”. Ông chia sẻ rằng “Tôi bắt đầu một tác phẩm mới bằng cách thử một cách tiếp cận mới đối với tác phẩm mà tôi đã viết trước đó. Sau đó, tôi lấy bản thảo và tiếp tục trau chuốt nó, và khi tôi làm vậy, dấu vết của tác phẩm cũ biến mất, và tác phẩm mới sẽ được hiện ra.”
NGÔ MINH lược dịch từ bài viết của Daniel Lewis trên The New York Times
VNQD