“Là câu chuyện về những tháng ngày sống hết mình cho thanh xuân của hai người trẻ tuổi…”. Và cũng là câu chuyện tình yêu giữa những tháng năm Chiến tranh thế giới thứ Hai khốc liệt nhất, tiểu thuyết Kỷ niệm xanh, đứng trên góc độ của những người lính trẻ không quân Phát xít Nhật, mà cất lên tiếng nói phản chiến đầy đớn đau về những linh hồn vụn vỡ trong khủng hoảng ý thức hệ nhưng vẫn rất mực ngọt ngào và chứa chan hi vọng.
Vào năm 1943, giữa lúc chính phủ Nhật Bản dần thêm sa lầy vào Thế chiến thứ Hai, nhị đẳng binh tào (tương đương hạ sĩ) Atsutani Rokuro được điều động tới hạm đội Rabaul, một căn cứ không quân án ngữ trên vùng biển phía Nam. Tại đây, Rokuro gặp gỡ chàng phi công 19 tuổi kiên nghị, tài năng và đang bị chính tài năng đấy khiến cậu bị cô lập, Kotohira Wataru. Hai người được chỉ định cùng nhau ngồi trên chiếc máy bay tiêm kích đêm Gekko.
Giữa chiến trường thiếu thốn, khi sự sống - cái chết chỉ là ranh giới mong manh, giữa tháng năm đen tối nước Nhật thất thế trên mọi mặt trận, giữa lúc con người bắt đầu hoài nghi những gì họ vẫn tin tưởng, đã có một khoảng xanh trong trẻo, kiên định Wataru mở ra trước mắt Rokuro. Cũng như đã có một khoảng hi vọng mãnh liệt, rực rỡ Rokuro khao khát cùng Wataru nắm giữ.
Chiến tranh là những khốc liệt, đau thương, mất mát
Trước hết cần phải khẳng định một điều rằng, tác giả Yoichi Ogami đã đứng trên góc độ những sĩ quan không quân Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, giai đoạn lịch sử nước Nhật đứng ở phe Trục, phe phát xít, kẻ thù của nhân loại, để xây dựng lên tiểu thuyết Kỷ niệm xanh. Tuy nhiên, không phải vì thế, cuốn tiểu thuyết này mang theo tư tưởng xét lại lịch sử nhằm bênh vực và tẩy trắng cho một phần quá khứ đã qua. Mà từ khía cạnh một đất nước thuộc phía kẻ thù nhân loại, một kẻ chiến bại sau Thế chiến, tác giả đã không né tránh thực tại để khắc họa trên trang viết hiện thực chiến tranh ác liệt nhất, đau thương và mất mát nhất.
Ở đó, đằng sau tựa truyện gợi lên thứ xúc cảm đầy tươi mát và yên bình, đằng sau bầu trời đầy sao Wataru đã cho Rokuro xem khi hai người ngồi chung trên chiếc Gekko, đằng sau vùng biển phương Nam nắng ấm chan hòa tới nỗi trong khoảnh khắc, người ta như quên đi những năm 1943-1945, chiến sự leo thang khốc liệt như thế nào. Nhưng chiến tranh vẫn còn đấy, thiếu thốn trăm bề và nhất là cái chết luôn treo trên đầu những anh lính phi công Đế quốc Nhật.
Cuốn sách của Yoichi Ogami.
Người mới hôm trước ở ngay bên cạnh, hôm sau đã tan biến trên bầu trời, trong làn khói bốc cháy rồi chìm sâu xuống biển xanh mênh mông vô tận. Cái chết, chiến sự kéo dài dần bào mòn con người, bào mòn sức lực, cảm xúc. Chiến tranh, đã biến người ta dần thành cỗ máy chỉ còn biết chiến đấu, làm theo hiệu lệnh, làm theo thứ bản năng, phản xạ không điều kiện. “Chính Rokuro cũng dần không phân rõ ranh giới giữa sự sống và cái chết. Lúc Gekko bị bắn rơi, anh mới biết lằn ranh ấy mỏng manh đến nhường nào. Rokuro sắp trở nên chai sạn, thờ ơ vì người ta chết quá nhiều.”
Và chiến tranh, cướp đi mạng sống, cướp đi cả ước mơ mỗi người. Người ta vẫn ấp ủ một ngày mai chiến sự kết thúc có thể quay về đời sống thường nhật với những gì còn dở dang. Nhưng chiến tranh khi nào mới kết thúc đây? Hạm đội Rabaul vốn đã, đang “hoạt động rất hiệu quả” trong nhiệm vụ chiếm giữ, bảo vệ không phận vùng biển phía Nam. Song sự sa lầy, lòng tham vô đáy của con người, dần đẩy Rabaul tới bờ diệt vong. Còn mơ ước con người, lại càng trở nên vô vọng xa xôi. “Thật ra, lý do lớn nhất là anh không muốn dùng nguyên liệu làm pháo hoa để giết người.”
Chiến tranh, dẫu đứng trên phương diện nào, thì tận cùng, vẫn là cái chết và thương đau. Không né tránh hiện thực chiến trận, càng không tránh né cái chết lẩn quất, tác giả Yoichi Ogami đã viết lên một cuốn tiểu thuyết Kỷ niệm xanh trần trụi tới đắng cay, nghiệt ngã. Từ đó, cô cất tiếng nói phê phán thứ chiến tranh phá hủy cuộc sống, hủy hoại con người cả về mặt thể xác lẫn tinh thần. Mà bất kể đứng trên vị thế nào, cũng chỉ có những người trực tiếp cuốn vào vòng chiến trận, là chịu đớn đau, mất mát nhiều nhất mà thôi.
Khi linh hồn người ta vỡ vụn trong khủng hoảng ý thức hệ
Chiến tranh là khốc liệt với những mất mát, cái chết cận kề không báo trước. Nhưng sự thật, bất kể địch hay ta, chính nghĩa hay phi nghĩa, người ta còn bám trụ, đứng vững trên chiến trường ngoài việc đã chai sạn mất cảm giác trong chiến đấu, hơn cả, còn xuất phát từ khía cạnh, tự họ ý thức rằng, việc họ đang làm là có nghĩa. Vì bảo vệ đất nước, bảo vệ gia đình đang ở phía sau hay đơn giản chiến đấu là để tồn tại hoặc xuất phát từ niềm kiêu hãnh của một người Nhật thì đó cũng là lí do cho phi công Nhật nói riêng, những người trong quân đội Nhật Bản nói chung, đã chiến đấu, thậm chí là tự sát ngay trên chiến trường để bảo toàn lí tưởng, danh dự.
Và chiến tranh nghiệt ngã nhất, là khi cướp đi mạng sống con người đồng thời đập vỡ bao ảo tưởng con người về chính nghĩa, lí tưởng họ vẫn luôn tôn thờ như một thứ tín ngưỡng chưa một lần nghi ngờ. Ngày lại ngày đối diện sinh tử, đối diện với tương lai mờ mịt về một cuộc chiến mãi không thấy điểm dừng hay đứng trước sự vô nghĩa của những hi sinh họ cùng đồng đội họ đã đổ xuống quá nhiều, rằng cuối cùng, họ đã chẳng thể bảo vệ được bất cứ điều gì.
Chiến tranh vẫn sẽ kết thúc có kẻ thắng người thua còn họ, đã đánh đổi tất cả niềm tin, tuổi trẻ để trả về chỉ là sự hoài nghi, ngờ vực, vỡ vụn linh hồn không sao níu giữ được. Rằng, quãng thời gian đã qua, rốt cuộc họ đã làm gì đây? Họ bảo vệ được gì? Niềm kiêu hãnh của họ có là gì đây khi “Rabaul là vùng đất nhiều phi công mơ ước” mỗi lúc chìm sâu dưới đáy biển.
Người ta chới với, lao lên bầu trời trong sự trống rỗng vô tận về một cuộc chiến, họ sớm biết đã vô nghĩa lí và vô vọng tới thế nào. Chỉ là, nếu không tiếp tục hành động như một cỗ máy chiến tranh, người ta sẽ hoàn toàn sụp đổ không sao gượng dậy được trước tín ngưỡng, vỡ nát. “Nhưng lúc này, họ đang chấp chới giữa biển, lạc lối giữa trời. Họ chẳng thể oán trách ai, chỉ đành ra đi trong sắc xanh bất tận.”
Thật sự, người ta chẳng thể oán trách ai. Tất cả, đều là lựa chọn của con người.
Nhưng có lẽ, họ cũng có thể oán trách thời cuộc đã đẩy họ tới bước đường hủy diệt thân xác, tận diệt tinh thần chăng?
Chỉ rằng, qua trang viết Kỷ niệm xanh, tác giả Yoichi Ogami, từ sự khủng hoảng nội tâm của những người lính Nhật Bản trong hai năm cuối Thế chiến thứ Hai, cô đã như hướng người đọc, tới sự sụp đổ của cả ý thức hệ con người thời hậu chiến. “Cơn mưa ấy mang tên chiến tranh. Cơn mưa buồn, lạnh lẽo trút xuống tất cả. Đến bây giờ, nó vẫn tiếp tục khiến người người ướt sũng, tước đoạt hơi ấm trên thân thể, cướp đi những người họ yêu thương.”
Khoảng xanh kỉ niệm còn đọng lại
Tuy nhiên, tới tận cùng, tiểu thuyết Kỷ niệm xanh không phải một tác phẩm chỉ tràn ngập cái chết hay thứ hiện thực nghiệt ngã bóp nghẹt linh hồn con người. Tư tưởng phản chiến được tác giả Yoichi Ogami gửi gắm vào câu chuyện của cô, bên cạnh sự lên án chiến tranh đẩy người ta tới bờ vực diệt vong; hơn cả, vẫn là thứ tình yêu sẵn sàng hi sinh vì người mình yêu giữa hai chàng trai Rokuro và Wataru.
Thứ tình yêu nảy sinh trong những tháng năm chiến tranh leo thang, của hai con người vừa là đồng đội, vừa là bè bạn. Thứ tình yêu không phân biệt giới tính. Thứ tình yêu mà người ta sẵn sàng trả giá cái gọi là lòng kiêu hãnh của quân nhân Nhật Bản vì họ hiểu, sau hết mọi chiến thắng hay thất bại, đó là điều quan trọng họ cần bảo vệ trong cuộc chiến vô vọng, vô nghĩa này.
Kỷ niệm xanh, tựa đề tác phẩm chính như gợi về màu xanh rộng mở của trời và đất vùng biển phía Nam nơi Rokuro và Wataru gặp nhau. Về màu áo xanh quân nhân họ vẫn mặc. Về tán lá xanh Wataru vẫn nằm nghỉ. Hay là biểu tượng cho thứ hi vọng ấp ủ phía sau đôi mắt lấp lánh ánh sao của Wataru. Về giấc mơ quả pháo đường kính vỏ 90 phân rực rỡ của Rokuro. Hoặc, chính là một bầu trời yên bình, vắng bóng chiến tranh, giết chóc. “Rokuro nheo mắt nhìn bầu trời xanh biếc. Xanh như thể chiến tranh là thứ gì xa lạ lắm.”
Với câu chuyện được xây dựng theo dòng chảy thời gian tuyến tính, lấy bối cảnh từ năm Thế chiến 1943 đến năm 1945, bằng giọng văn dịu dàng tới day dứt, ám ảnh; tác giả Yoichi Ogami qua sự khắc sâu nỗi cay nghiệt của chiến tranh mà khẳng định tình yêu giữa con người với con người. Để rồi, từ tình yêu vượt qua nỗi nghiệt ngã những tháng năm khói lửa, cô nói lên tiếng nói phản chiến mạnh mẽ. Rằng chiến tranh vô tình đến nhường nào, còn con người, bé nhỏ, yếu đuối biết bao. Và rằng, chiến tranh có lùi xa, thì vết sẹo nó để lại trong tâm hồn mỗi cá nhân thời hậu chiến vẫn nhức nhối biết chừng nào. Khi ấy, chỉ còn tình yêu, mới có thể níu giữ người ta tồn tại, đồng thời cứu rỗi những tâm hồn đã vỡ vụn sau hết thảy mất mát đã qua.
MỌT MỌT
VNQD