Kỉ nguyên Siêu tân tinh: Thế giới phi thực của Lưu Từ Hân

Thứ Sáu, 14/04/2023 12:19

9 lần giành giải Galaxy của Trung Quốc và cũng là nhà văn gốc Á đầu tiên thắng giải Hugo 2015 cho bộ tiểu thuyết Tam Thể, Lưu Từ Hân tính cho đến nay có thể nói là tên tuổi nổi bật của dòng sci-fi (khoa học viễn tưởng) không chỉ của riêng châu Á mà còn là của thế giới.

Tuy thế ít người biết rằng tác phẩm được ông thừa nhận là quan trọng nhất và hài lòng nhất lại không phải bộ trilogy Tam Thể nổi tiếng toàn cầu, mà là Kỷ nguyên Siêu tân tinh được viết vào năm 1991, để hơn một thập kỉ sau mới được phát hành chính thức vào năm 2003. Nói quan trọng nhất là bởi “điềm báo” trong tác phẩm này hoàn toàn mang tính tiên tri cũng như dự đoán, khi nội dung chính không chỉ còn là “sân khấu tưởng tượng” như 3 mặt trời của bộ Tam thể.

Tác phẩm theo đó xoay quanh một sự kiện lớn, khi một ngôi sao phát nổ ở cự li gần đã giải phóng những tia bức xạ có năng lượng cao, khiến cho những người hơn 13 tuổi có nhiễm sắc thể bị phá hủy hoàn toàn, và chỉ sống được một thời gian ngắn. Do đó họ đã nỗ lực chuyển giao hết những trải nghiệm cũng như kinh nghiệm cho thế hệ trẻ, để tương lai mới có thể phục dựng từ nền móng này. Nhưng liệu những đứa trẻ chỉ mới học hết tiểu học có thể đảm đương được nhiệm vụ ấy? Và liệu thế giới mà chúng tạo ra có thật trong sáng như chúng vẫn thường được miêu tả?

Nhà văn Trung Quốc Lưu Từ Hân.

Thế giới tưởng tượng siêu việt

Lưu Từ Hân vốn rất nổi tiếng với những tưởng tượng về một thế giới “siêu việt” của bản thân mình, và Kỷ nguyên Siêu tân tinh cũng tương tự như thế. Được viết trong những năm đầu của thập kỉ cuối trong thế kỉ trước, thế nhưng những yếu tố về Đại lượng tử, Nhà nước số với các phân tích, qui nạp… đã được “tiên tri” tương đối chính xác ở giai đoạn này. Trong cuốn sách này, Lưu Từ Hân cũng nhắc đến mạng xã hội, công nghệ thực tế ảo VA-VR hay lối phân tích học máy… khiến cho độc giả không thôi bất ngờ về tầm nhìn xa của vị tác giả.

Xuất thân là một kĩ sư máy tính tại một nhà máy điện ở tỉnh Sơn Tây, nên những “điềm báo” như được nói trên có thể không quá bất ngờ với một tác giả có nền móng khoa học như ông. Nhưng điều quan trọng làm nên được tính hứng thú cho tác phẩm này là bởi Lưu Từ Hân đã kết hợp được những khái niệm đa lĩnh vực, từ vũ trụ, chiến tranh – quân sự cho đến tâm lí trẻ em… để tạo nên một thế giới tuy phi thực nhưng không hoàn toàn xa rời thực tế.

Cũng như một cuốn sách khác là Sét hòn, Kỷ nguyên Siêu tân tinh cũng được mở đầu bằng một không gian có phần vĩ mô ở tầm vũ trụ, khi các ngôi sao đã tắt và các tiến trình hóa - lí diễn ra trong nội bộ nó. Bằng một xác suất tưởng như bất khả, thế mà thời kì cùa loài khủng long hoàn toàn có thể trở lại thêm một lần nữa, khiến cho kỉ công nguyên bị xóa sổ, và từ đó bông hoa trên vết thương mới đã kịp nở rộ.

Trong những mô tả về một thời kì chuyển giao gần như điên loạn, Lưu Tử Hân đã rất thành công khi tái hiện được trạng thái hoang mang của thời điểm đó, như buổi bình minh của thời Trung Cổ sắp tận của các chủ nghĩa ngoại giáo. Bằng đồng hồ đếm ngược tận thế, việc chọn đứa trẻ nào cho vai trò nào (gợi nhắc đến Người truyền ký ức của Lewis Lowry) hay việc mang thai càng nhiều càng tốt (như xứ Gilead của Margaret Atwood)… mà một cõi đời của sáng thế mới đã được tái hiện đầy khắc khoải và cũng hoang mang.

Từ nền móng đó, ông đã xây dựng một thế giới mới của riêng trẻ em với các giai đoạn đi đến hủy diệt một cách từ từ. Khi cuộc “tắm gội chết chóc” và chiếc “đồng hồ tử thần” đã lên dây cót, thì cũng là khi cuộc “đại học tập” được lên kế hoạch. Trong tác phẩm này ở những thời điểm tưởng như cuối cùng của thế giới người lớn, trẻ em đã gấp rút học những kĩ năng sinh tồn cần thiết chỉ trong vài tháng ngắn ngủi để hiểu được thế giới này.

Và liệu thế giới của những đứa trẻ sẽ văn minh hơn hay nghiệt ngã hơn thế giới người lớn? Theo từng quá trình của “thời kì lơ lửng”, “thời kì kẹo ngọt”, “thời kì ngủ sâu”… Lưu Tử Hân đã mang đến những tưởng tượng riêng về lực lượng này, dựa trên tâm lí cũng như hành vi của riêng bọn trẻ. Thế giới hậu tận thế có thể xuất hiện trong nhiều tác phẩm sci-fi trước đó, thế nhưng “kỉ nguyên không có khuôn mặt người lớn” của ông lại hấp dẫn hơn và cuốn hút hơn khi những tưởng tượng lần đầu đã được bộc phát. Nhưng quan trọng hơn là sự vượt ngoài khuôn khổ của những điều này đều bắt nguồn từ hiện thực thực tế, do đó nó có logic và mang theo tính cảnh báo một cách rõ ràng.

Tác phẩm Kỷ nguyên siêu tân tinh.

Gắn với hiện thực

Được cho là viết ngay sau sự kiện Thiên An Môn rúng động vào năm 1989, những tưởng tượng về thế giới mới của Lưu Từ Hân là hoàn toàn có cơ sở và được bắt nguồn từ những bóng ma thuộc về quá khứ. Có thể nói những tia năng lượng chỉ như một “biểu hiện” khác của tình trạng bất ổn, khi tương lai không thể đoán định còn phía hiện tại đang có quá nhiều nhân tố để chi phối nên một thực tế chung còn đang hiện diện. Trong một thời kì mà thế hệ thanh niên mất dần niềm tin, người lớn vừa mới trải qua cuộc Đại cách mạng văn hóa… không ít thì nhiều, chính những đứa trẻ là người chịu sự ảnh hưởng cũng như đứng ra nhận lãnh những sự tổn thương về mặt tâm lí.

Do đó ta có thể thấy vai trò của Nhà nước trong tác phẩm này của Lưu Tử Hân có phần huyền bí cũng như ẩn dật. Đó là cuộc thử nghiệm “thế giới thung lũng” để chọn được ra học sinh ưu tú, từ đó đứng ra lãnh đạo đất nước ở kỉ nguyên mới. Những người lớn này không hề xuất hiện một cách trực tiếp, mà chỉ được ghi lại qua những di chỉ để lại của sách, nhật kí cũng như chia sẻ còn lại từ thời quá vãng. Chính những điều này có thể phản ánh cho một hiện thực là Lưu Từ Hân cũng là “chứng nhân” cho cuộc biến động của dòng lịch sử, khi cha mẹ ông cũng là tri thức và cũng “biến mất” trong thời đại này.

Do đó ta có thể thấy tưởng tượng siêu việt của những đứa trẻ như nhà 3 triệu tầng, đường sắt thẳng đứng… tất cả đều đang bắt nguồn từ sự cô độc chính trong cõi lòng của những đứa trẻ. Không còn giá thể để mà bám vào, chúng phung phí trí tưởng tượng trong những trò chơi đến độ siêu thực để chữa lành mình. Cũng như hàng vạn đứa trẻ chịu chung chìm nổi trong dòng lịch sử, cả trong thực tế cũng như thời Siêu tân tinh, chúng đều đánh mất đi mối quan hệ và cả những thứ giúp chúng trở nên thật sự bình thường như một con người.

Không chỉ dừng lại từ các trải nghiệm mang tính phản tư, Lưu Từ Hân còn bước một bước lớn hơn vào tình hình địa chính trị và ý nghĩa muôn đời của từ “chiến tranh”. Như ông đã nói, dù cho lịch sử thế giới kéo dài đến hơn mấy nghìn năm, thế nhưng tổng cộng thời kì hòa bình tương đối chỉ hơn trăm năm. Do đó với lòng bá chủ quyền lực luôn có ở trong mỗi người, Lưu Từ Hân đã tưởng tượng nên một cuộc cạnh tranh quyền lực ở châu Nam Cực, từ đó các quốc gia lớn có thể phô trương sức mạnh của mình, và định hình lại bản đồ thế giới…

Tuy thế cái kết của cuốn tiểu thuyết của Lưu Từ Hân lại khiến cho chính chúng ta phải tự suy ngẫm về sự mong manh của nền văn hóa. Ông đã đặt ra câu hỏi quan trọng, suy cho cùng, loài Homo sapiens tiến bộ là một sinh vật gắn liền với chính căn tính của bản thân mình, hay là một “hòn đá lăn”, có thể thích nghi ở khắp mọi nơi? Trò chơi cuối cùng về đổi lãnh thổ trong Kỷ nguyên Siêu tân tinh mang nhiều hàm ý về sự trốn chạy của một thời kỳ biến động, với câu hỏi liệu nên ở lại hay là bỏ đi của thế hệ mới, từ đó suy tôn cho mối gắn kết tưởng như vô hình giữa mỗi một người với nơi mà họ sinh ra, dù ít dù nhiều thì cũng phảng phất cho từng ngọn cây cũng như nhành cỏ.

Như vậy có thể thấy rằng khác với phần lớn tác phẩm của Lưu Từ Hân, Kỷ nguyên Siêu tân tinh chứa nhiều hàm ý xuất phát từ cuộc biến động trong dòng lịch sử mà ông phải chịu. Bằng sức tưởng tượng lên đến siêu việt cùng sự kết hợp đa ngành các khối kiến thức về vũ trụ, khoa học, tâm lí, quân sự… đây là tác phẩm ấn tượng “phi thực” của Lưu Từ Hân, và cũng mở ra những suy tư mới, về cách phản ứng của mỗi một người đối với bản lai diện mục, cũng như cung cách phô bày quyền lực xét về bản chất, khi có hay không bị chi phối bởi tác nhân bên lề.

ĐOÀN ANH TUẤN dịch

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)