Trong suốt sự nghiệp văn chương kéo dài hơn 4 thập kỉ, nhà văn người Guadeloupe đã khám phá tầm nhìn toàn cầu về cộng đồng người da đen và đặt cuộc sống ở Caribe làm trọng tâm cho văn nghiệp mình.
Cuộc đời và sự nghiệp lâu dài của Maryse Condé, nhà văn người Guadeloupe 86 tuổi đã xuất bản hơn 20 cuốn sách, được định hình bởi một số biến động chính trị và văn hóa lớn nhất thế giới. Sinh tại Guadeloupe, thế nhưng bà đã trải qua những năm sinh sống tại châu Phi, châu Âu và Bắc Mĩ.
Trong vài năm qua, Condé đã nhận được rất nhiều danh hiệu và giải thưởng toàn cầu. Và ngay cả khi bà thường coi nhẹ nó: “Các con và cháu của tôi có thể tự hào, nhưng tôi thì không nghĩ nhiều về điều đó”, thì vẫn tồn tại một điều gì đó thôi thúc bà suy ngẫm về hành trình thay đổi “chóng mặt” và cuộc sống phi thường của mình.
“Thế giới đổi thay và nhà văn cũng thay đổi theo. Đó không phải là vấn đề tuổi tác, mà là sự nhạy cảm với chuyển động và mong muốn viết về nó.” Nhà văn Haiti nổi tiếng - Edwidge Danticat, cũng coi Condé là “người khổng lồ văn chương”, người có nhiều tác phẩm kết nối các châu lục và các thế hệ, nói: “Chúng ta có thể theo dõi không chỉ lịch sử của vùng Caribe, mà cả cộng đồng người châu Phi hải ngoại trong tác phẩm của Condé. Tôi luôn mong chờ các tác phẩm mới của bà để xem cách bà giải quyết những điều tưởng như quen thuộc một lần nữa, để đưa chúng ta vào những hành trình bất ngờ xuyên qua quá khứ, hiện tại và tương lai.”
Maryse_Condé.
Dù vậy vẫn có một điều chắc chắn rằng là Condé cuối cùng cũng nhận được sự hoan nghênh xứng đáng với khối lượng công việc mà mình đã xây dựng nên từ những nền móng đầu tiên. Tuy nhiên, sự chú ý ấy lại buồn vui lẫn lộn khi đến quá muộn trong cuộc đời và sự nghiệp của bà.
Theo đó vào năm 2018, bà đã nhận được giải thưởng New Academy Prize (tạm dịch: Giải thưởng Viện hàn lâm Mới hay giải Nobel Thay thế) khi vào năm đó, do các bê bối mà giải Nobel Văn học không diễn ra. Kể từ đó bà đã được chào đón từ khắp nơi ở trên thế giới, từ việc được đưa vào trong chương trình Nhà văn Quốc tế của Hiệp hội Văn học Hoàng gia năm 2022 cùng với các tác giả nổi bật như nhà văn người Zimbabwe Tsitsi Dangarembga hay tiểu thuyết gia Colombia Juan Gabriel Vásquez; cho đến việc đặt một trường trung học ở ngay thủ đô Paris theo tên của bà vào tháng 1 năm ngoái…
Tại sao sự công nhận này lại đến lâu như thế? Louise Yelin, giáo sư Văn chương, người đã biết Condé từ cuối những năm 1980, cho biết: “Giải Nobel thay thế đã mang lại cho Condé nhiều sự công nhận. Nhưng tại sao không phải là giải Nobel Văn học thực sự?”
Trong tháng 3 này, Condé sẽ cho xuất bản tiểu thuyết mới nhất The Gospel According to the New World (tạm dịch: Phúc Âm Cho Thế Giới Mới). Theo đó đây là cuốn sách thứ ba của bà được phát hành tại Hoa Kì kể từ những vào những năm 1980 và được dịch bởi chồng bà, dịch giả lâu năm Richard Philcox. Mới đây nhất, nó cũng lọt vào danh sách đề cử của giải Booker Quốc tế, và làm nên kỉ lục khi bà là người lớn tuổi nhất từng được đề cử ở giải thưởng này.
Cuốn tiểu thuyết kể về một nhân vật đa chủng tộc đi khắp thế giới để tìm ý nghĩa của sự thuộc về. Trên hành trình đó, anh đã gặp được những nhà cách mạng, những tên bạo chúa, nhà tiên tri giả và cả Judas – tên bội phản... Bên cạnh những nhân vật đó, cũng có rất những chuỗi chuyện kể về những người tình nhân yêu nhau say đắm.
Condé từ lâu đã dự định viết về Kinh thánh và Tân Ước, chủ đề mà bà tin rằng sẽ là một loạt câu chuyện xa hoa mà không thực sự là một văn bản tôn giáo. Bà chia sẻ rằng: “Tôi bị giằng xé giữa sự nhạo báng và tâm linh. Rất thường xuyên, tôi tưởng tượng Chúa như một người Guadeloupe bình thường, người thực hiện các hoạt động hàng ngày của mình như chơi bài, uống rượu rum hoặc đi đến chuồng gà”.
Các tác phẩm nổi bật của Maryse Condé.
The Gospel According to the New World theo đó nối tiếp các bản tiếng Anh của những cuốn khác như The Wondrous and Tragic Life of Ivan and Ivana (tạm dịch: Cuộc đời kì diệu và bi thảm của Ivan và Ivana, 2020), Waiting for the Waters to Rise (tạm dịch: Chờ ngọn triều dâng, 2021)… khi khám phá những khía cạnh quan trọng của thế giới hiện tại, bao gồm chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo ở châu Âu và các cuộc di cư trên khắp vùng Caribe và xa hơn nữa.
Các cuốn sách của Condé — bao gồm thiên anh hùng ca lịch sử đầu tiên của bà, Segu đã đưa bà lên bản đồ văn học thế giới và liền sau đó Windward Heights (tạm dịch: Ngọn đồi về phía đón gió) được lấy cảm hứng từ Đồi gió hú, đã làm nổi bật tầm nhìn sống động và đầy bất biến khi lấy bối cảnh ở Cuba và Guadeloupe vào đầu thế kỷ 20, với vùng Caribe làm trung tâm. Và cũng có một thực tế là Condé đã gần 40 tuổi khi cuốn tiểu thuyết đầu tiên Hérémakhonon của mình. Bà gọi đây là một “sức mạnh không thể cưỡng lại”.
Tác phẩm của bà là một “hằng số” gần như bất biên trong cuộc du mục luôn không ngừng nghỉ của cuộc đời bà. Sinh ra ở Pointe-à-Pitre, Guadeloupe, bà đến Paris năm 1953, cuối cùng lấy bằng Tiến sĩ văn học so sánh tại Đại học Sorbonne. Học bổng Fulbright đã đưa bà đến Hoa Kì, nơi bà giảng dạy tại một số trường đại học (bao gồm cả Columbia trong suốt nhiều năm). Vào những năm 1960, khi còn là người theo chủ nghĩa Marx, bà chuyển đến Guinea Xích Đạo và Ghana độc lập ở Tây Phi, nơi bà sánh vai với những nhân vật như Malcolm X và Che Guevara, khi xung quanh bà là các nhà làm phim, nhà hoạt động và những người Caribe lưu vong.
Đó là giai đoạn nhiệt thành và đầy non trẻ, ngay cả khi nó kết thúc bằng một chuỗi sự kiện cay đắng, khi chính phủ của Kwame Nkrumah - tổng thống Ghana đương thời, sụp đổ khiến bà bị trục xuất ra khỏi đất nước sau những nghi ngờ về hoạt động lật đổ. “Tôi đã chứng kiến nhiều sự kiện mâu thuẫn,” bà nhớ lại, bao gồm cái chết của Nkrumah và Ahmed Sékou Touré, nhà lãnh đạo của Guinea Xích Đạo. Tất cả điều đó “biểu thị sự kết thúc của một chủ nghĩa cấp tiến nhất định và khởi đầu cho quá trình liên kết giữa các xã hội châu Phi.”
Trong tập tiểu luận The Journey of a Caribbean Writer (tạm dịch: Hành trình của một nhà văn Caribe) bà cũng mô tả tác động sâu sắc của riêng châu Phi với bản thân bà. “Chính châu Phi đã bộc lộ tôi với chính mình. Nó mang cho tôi cơ hội để nhìn tận mắt thế giới mà tôi đang sống và nhìn mọi thứ xung quanh theo cách của mình”.
Những cuộc chuyển dịch mang tính sâu rộng trên khắp thế giới làm phong phú thêm chủ đề trong các tác phẩm của bà, mang đến một góc nhìn khác về cộng đồng người da đen. Nhà văn người Pháp gốc Guadeloupe, Sarah-Estelle Bulle cũng coi cuộc đời và những cuốn sách của Condé là cầu nối lịch sử và văn hóa. Bulle nói: “Những trải nghiệm của bà ở Caribe, châu Phi và châu Âu, cũng như Hoa Kì rộng lớn đến mức chúng cho phép ta nghĩ về mối liên hệ phức tạp giữa những thế giới. Bà có một nền văn hóa cởi mở và gắn bó sâu sắc với khái niệm về một thế giới toàn cầu. Điều này không quá phổ biến trong văn học Pháp hiện nay.”
Trong khi quan điểm của Condé có thể hơi hiếm trong văn học Pháp, thì ngược lại, độc giả nói tiếng Pháp rất coi trọng tầm quan trọng trong văn chương của bà. Bà có lượng độc giả nhỏ ở Hoa Kì, mà Malaika Adero, biên tập viên của bà tại Atria Books vào những năm 2000, nói rằng: “Đáng buồn thay, người Mĩ thường không quan tâm đến thứ mà họ coi là xa lạ. Tôi đã thất vọng — và thậm chí xấu hổ — bởi các đại diện bán hàng của công ti chúng tôi, những người đã tuyên bố trong các báo cáo rằng các đầu sách không bán chạy vì 'mọi người không quan tâm đến những cuốn tiểu thuyết Jamaica'.”
Tuy nhiên, Condé vẫn kiên định, tiếp tục khám phá những khoảng thời gian “rắc rối và đau thương” của chúng ta bằng cả sự hài hước và sâu sắc. Kaiama Glover, một nhà nghiên cứu tiểu sử của bà, nhận định như sau: “Miễn là bà ấy còn điều gì muốn nói thì bà ấy vẫn chưa kể xong chuyện đâu”.
ĐOÀN ANH TUẤN dịch theo bài viết của Anderson Tepper trên The New York Times
VNQD