Borges và cuộc hành trình vào những mê lộ

Chủ Nhật, 23/04/2023 13:32

Được xem là một trong những nhà văn hiện thực kì ảo đầu tiên của Mỹ Latin, Truyện hư cấu (Ficciones) ra đời vào năm 1944 đã đưa tên tuổi J.L.Borges tỏa sáng toàn cầu. Qua tác phẩm này, một “thế giới quan Borges” đã được xác lập, với các thử nghiệm, cải tiến cũng như tái định hình thời gian – không gian… làm nên những chủ thể văn chương độc đáo.

Bao gồm các truyện được viết riêng lẻ và được đăng tải trên nhiều tạp chí, Truyện hư cấu gồm 2 phần nhỏ, là Khu vườn những lối đi rẽ đôi (1941) và Tác tạo (1944). Với một cá tính độc đáo mà như dịch giả Nguyễn Trung Đức từng nhận định “Borges đã để lại một công trình văn học căn bản trong đó ông chỉ chơi hai khái niệm then chốt: thời gian và không gian”, ta có thể đọc tập truyện ngắn này theo nhiều phương cách: một thử nghiệm về mặt hình thức, một tưởng tượng về thế giới khác, và cũng có thể là những tuyên ngôn hướng về văn chương mang tính bán tự truyện.

Một thế giới mới

J.L.Borges - gương mặt lớn của văn chương Mĩ Latin.

Là người chủ trương tạo ra các hình thức mới, Borges trong văn nghiệp của mình đã tạo ra những kết hợp độc đáo và đầy ấn tượng. Yếu tố không gian cũng như thời gian trong tập truyện này không được quan sát từ một tọa độ vốn dĩ quen thuộc. Theo đó, Borges đã khảo sát lại tính chất chảy dài của thời gian cũng như sự giới hạn không gian, để tự tạo ra thế giới thứ 3 mà xét về bản chất, là rất bất định nếu so với những quan niệm ta vẫn thường quen.

Mở đầu tập truyện bằng Tlön, Uqbar, Orbis Tertius; Borges đã bắn phát pháo đầu tiên cho việc truy tìm về một hành tinh mà ta chưa từng biết đến, một “brave new world” chỉ xuất hiện trong 40 bản sách và liên tục trồi sụt trong thế giới này. Theo đó Orbis Tertius trong tiếng Latin nghĩa là “thế giới thứ 3”, và nó cũng mang một ý đồ riêng, khi Borges muốn dựng lên một hành tinh song song, với mọi kết cấu từ ngôn ngữ, tôn giáo, hệ động – thực vật… cũng như hết mọi quy tắc và điểm tham chiếu sẽ lật ngược lại so với những gì Trái đất hiện có.

Rằng ở Uqbar tôn giáo không hề tồn tại, nên thông qua các câu chuyện về Al-Mu’tasim, Xổ số thành Babylon, Phép màu bí mật hay Ba phiên bản Judas… Borges dường như đang muốn chối từ thủ lĩnh tối cao về mặt tâm linh của con người Trái Đất. Trong tác phẩm phúng dụ dựa theo bài thơ của một thi sĩ Ba Tư, Borges đã cho thấy rằng việc biến các nhân vật trở thành quy ước, một hệ tư tưởng, một đấng tối cao… có thể giảm đi hiệu suất của một tác phẩm đến mức độ nào. Cũng tương tự thế với phiên bản về Judas, Borges đã lật ngược lại rất nhiều nhan đề đã có từ trước, như một cái cây với các cành nhánh, để xem xét lại Judas là ai, và việc bán đứng Jesus tối cao có phải là một bệ phóng cũng như công việc đã được định sẵn? Và y rốt cuộc là đáng lên án hay nên được xem là một yếu nhân quan trọng?

Borges cũng khảo sát lại ý tưởng của William Hazlitt, về một thế giới đồng nhất, nơi một người cũng là mọi người, và cùng sỡ hữu một “mặt trời chung” bao gồm mọi thứ: vật chất, tri thức, hiểu biết, quan hệ… Ở nơi xứ ấy, mọi người theo thuyết duy tâm, nên những khả thể sẽ được tiếp nối cũng như di truyền về mặt vật chất. Điều đó thể hiện rõ nhất trong Pierre Menard, tác giả Don Quijote; nơi Borges cho một tác giả viết lại kiệt tác Don Quijote mà không phải là sao chép, hoặc là giả trang.

Như nhân vật Menard nói, ông muốn làm một công việc như Alphonse Daudet, đưa vào chàng Tartarin hết mọi tính cách của người anh hùng thế kỉ 17. Và bởi trong xứ Uqbar có một suối nguồn kiến thức được chia sẻ chung, nên kiệt tác của Menard cũng chính là tấm palimpsest đa lớp song song, nơi ta thấy những trang văn đã từng được viết 300 năm trước về một gaucho sẽ lại hiện về y hệt như với tác giả da trắng thế kỉ XX, nhưng mọi cách nhìn giờ đã thay đổi. Từ đó việc đọc là một kĩ thuật lạc thời, và cũng thật sai khi gán cho nó bất cứ một cái tên nào.

Do đó những chuỗi Khu vườn những lối đi rẽ đôiTác tạo chính là rẽ nhánh chi tiết của thế giới ấy, nơi qua mỗi kết cấu truyện ngắn, Borges tiến hành khảo sát lại những định đề xét về thời gian cũng như không gian tưởng như chân lí. Cũng như nghịch lí về mũi tên bay đã rất nổi tiếng của Zeno, rằng nếu ta coi thời gian là những “khoảnh khắc” có thể “cắt” ra và rồi “nối” lại, thì việc mũi tên bay được về đích sẽ là bất khả. Vậy thì thời gian ở xứ Uqbar thực chất ra sao?

Những con đường rẽ nhánh

Tác phẩm Truyện hư cấu.

Trong tập truyện này, Borges nhìn thấy thời gian như là cơ hội của những gặp gỡ, nơi những số phận hoặc là giao nhau, hoặc là gặp nhau, và mỗi trường hợp thì sẽ tạo ra một định mệnh khác. Điều đó thể hiện rõ ở 4 truyện ngắn gần như có chung cốt truyện, là Hình của kiếm, Cái chết và la bàn, Phương Nam cũng như Đoạn kết. Ở đó các nhân vật chính đều tự tưởng tượng con đường định mệnh rất khác, nơi họ sẽ không tuân theo cái duy ý chí nhà văn áp đặt, mà còn là déjà vu, một số kiếp khác… họ tự mình đứng lên, giành lại chiến thắng.

Cũng vì sở thích đa bội cũng như nhân lên khi nhìn thấy mình trong những tấm gương, mà các truyện ngắn như Đường đến với Al-Mu’tasim, Phế tích vòng tròn, Chủ đề kẻ phản bội và vị anh hùng… đều có chứa đựng yếu tố luân hồi (Ibbûr – như từ mà Borges dùng) cũng như trở đi trở lại mang tính kế thừa. Đó là sự tương đồng giữa tác phẩm của Mir Bahadur Ali và bài thơ phúng dụ Ba Tư, là số phận của Kilpatrick hòa vào Julian Caesar, cũng như của một người mơ này lại là tạo tác của người mơ khác… Borges cho thấy những nút giao điểm của số phận, nơi cùng bắt nguồn từ một điểm chung, từ đó mọi thứ rẽ nhánh và rồi trở lại đặc điểm của mình.

Trong một bài luận, Borges đã thừa nhận rằng chính bản thân mình không tin vào sự luân hồi, nhưng với tính thích châm biếm cũng như giễu nhại (mà ông ít nhiều cũng đã thể hiện trong một chi tiết về Valéry, khi Mernad coi y như vừa lắm tài hoa cũng lại bất tài); ta có thể thấy Borges cũng đang nhân hai để tạo ra được lí do hợp lí cho việc nhân đôi vật thể, và là nguyên mẫu chính cho ý tưởng về sự phân nhánh. Trong truyện về xứ Uqbar, ông gọi đó là hrönir – những vật đã được nhân hai, và thường là những phản đề của thứ còn lại, như chính đề và phản đề, chứng minh và phản chứng, sách và phản sách, hi vọng và lòng tham…

Tính rẽ nhánh đó thể hiện rõ nhất ở Lược khảo tác phẩm Herbert Quain, nơi thời gian là những lát cắt được xếp ngược lại, cũng như định mệnh chính là tổ hợp của những lựa chọn. Đi theo kiểu này ta sẽ gặp nhau, nhưng trong một vũ trụ khác, trong một mê lộ, thì ta lại là kẻ thù. Borges sắp xếp tác phẩm như kính vạn hoa, mà một tổ hợp, chỉnh hợp có thể thay đổi cả một định mệnh, cũng như số phận của cả một người.

Điều đó cũng sẽ xuất hiện ở nhân vật Fenus ngã ngựa, người sẽ không tin vào sự phổ quát, mà đời sống này không có gì hơn là những chi tiết cũng như trực tiếp. Khi đó con chó đối với anh ta không chỉ ám chỉ về một đàn chó, mà con chó vào lúc 3 giờ cũng như 4 giờ sẽ được tri nhận một cách khác nhau, và là thực thể hoàn toàn riêng biệt. Do đó cuốn sách đời người là có thể được biết trước, nhưng nó vô tận, bất khả vãn hồi, và mỗi cành nhánh sẽ ngày càng chia nhau ra, lan đến vô tận…

Không những thời gian mà không gian cũng là một chủ đề chính được Borges tiến hành khảo sát trong tác phẩm này. Thư viện Babel dựa trên cốt truyện ở trong Kinh Thánh, kết hợp cùng với ý tưởng phân nhánh, đã tạo ra một không gian gần như 4 chiều (như trong Interstellar của Christopher Nolan) bởi các tổ hợp cũng như chỉnh hợp, tạo thành từ 22 kí tự và 3 dấu câu, từ đó tạo ra ý nghĩa của nhiều thứ tiếng. Thư viện Babel cũng là một ý đồ khác về sự phân nhánh đi theo chiều dọc, khi các kết cấu vươn đến tận trời, cũng như mang theo tính chất vòng tròn của “rắn cắn đuôi” – nơi mọi thứ sẽ tiếp diễn và rồi về lại nơi nó bắt đầu.

Và cũng như những nhà văn sử dụng yếu tố tự truyện trong các tác phẩm, ta thấy Borges gài cắm rất nhiều dấu hiệu thuộc về riêng mình. Từ nỗi sợ bị nhân đôi, niềm đam mê với các tuyển tập từ điển (thể hiện trong truyện đầu tiên), kí ức về chú hổ lớn trong vườn bách thú… cho đến chủ nghĩa anh hùng (Khu rườn những lối đi rẽ đôi), việc tiên đoán rằng bản thân mình sẽ bị mù lòa (Funes toàn kí)… Điều này cũng có thể coi là một thử nghiệm mang tính hài hước của riêng Borges, khi không còn là Menard viết lại Cervantes, mà là một Borges trẻ tiên đoán cho Borges già, từ đó ý thức về những lát cắt thời gian lại càng sáng rõ, hiện lên rõ ràng.

Như vậy, Truyện hư cấu có thể nói là một tác phẩm vô cùng thách thức về mặt đổi mới cấu trúc cũng như chứa đựng rất nhiều quan niệm của riêng Borges, về thời gian, không gian cũng như số phận. Trong truyện về xứ Tlön, ta có thể thấy thế giới tưởng tượng đang dần từng bước hòa vào đời thực. Ý tưởng của nó có thể không phản ánh đúng niềm tin của Borges (mà tên tuyển tập phần nào khẳng định điều đó), nhưng qua tác phẩm này, Borges đã tạo ra một trò chơi vô tiền khoáng hậu, đưa các độc giả vào một hành trình song song và cũng lý thú chính như cuộc đời mà họ thực sống. Một cuốn sách đa thanh và rất lý thú để khám phá lại.

ĐOÀN ANH TUẤN dịch

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)