Martin Eden: Bánh răng thời đại nghiến nát nghệ sĩ

Thứ Ba, 02/05/2023 13:33

Trong cuốn tiểu thuyết Pnin nổi tiếng của mình, nhà văn Vladimir Nabokov đã cho nhân vật chính vào một hiệu sách tìm cuốn Martin Eden của Jack London. Khi được hỏi có cuốn đó không, nhân viên đã trả lời rằng ấn phẩm duy nhất mà họ đang có là Con trai của Sói, và lần đầu nghe thì họ còn nhầm nó với một chính trị gia. Đáp lại lời ấy, Nabokov thông qua Victor chỉ đáp lại rằng: “Danh vọng phù du!”

Tuy là tác phẩm viết sau gần 40 năm, thế nhưng Nabokov đã nắm bắt được các ý đồ chính khi Jack London viết tác phẩm này. Sáng tác đương lúc khi ông đã có thành công nhất định với Tiếng gọi nơi hoang dã, Nanh trắng… Thế nhưng ở tuổi 33, Martin Eden còn đại diện cho trạng thái vỡ mộng, khi ông nhận ra những việc tranh luận cũng như bộ máy báo chí, văn chương, phê bình nghệ thuật… thời mình đang sống là vô nghĩa lí, thiên về hình thức, cũng như không hề phản ánh giá trị thật nào.

Mang theo dáng dấp của một tác phẩm bán tự truyện, cuốn tiểu thuyết này xoay quanh nhân vật Martin Eden – một cựu thủy thủ, người thuộc tầng lớp lao động, và nhờ những sự sắp đặt khéo léo của số phận mà y đã gặp Ruth Morse – tiểu thư của một ông chủ nhà băng nổi tiếng, từ đó rơi vào lưới tình. Từ xuất thân thấp kém với một tình yêu như là linh ảnh, Eden đã gắng học tập để rồi bước vào làng viết với một quá trình không hề ngừng nghỉ. Liệu y có thể thành công? Và sau suốt nhiều năm tháng nỗ lực phấn đấu, thì khi đứng trước thành công, liệu y có thấy hài lòng?

 

Tiểu thuyết gia Jack London.

 

Phản ánh hiện thực

Sống ở Oakland vào đầu thế kỉ XX, Jack London tạo ra Martin Eden như là điển hình của phần lớn những người “dân đen” xuất thân thời đó. Được mô tả là thô lỗ, ít học… anh chính là phía đối nghịch với người giàu có. Ở anh có sự khát khao vươn đến tầng trên, có thể không bằng động lực của những vật chất, mà là thông qua tình yêu, với Ruth Morse – một vị nữ thần đã hớp hồn anh.

Ở đây không dưới một lần London “thi vị hóa” tình yêu, qua các vần thơ của Swiburne cũng như sử dụng từ ngữ có phần lãng mạn, dựng lên cảnh trí trên đồi nơi đôi trai gái ngã vào lòng nhau … để thông qua đó ta có thể thấy chính tình yêu và những cảm xúc không thể thốt ra mới là khả thể để đưa con người lên đến giàu sang, và là bất khả với những danh vọng và vật chất khác.

Và cũng từ phía ngược lại, London cũng đi sâu vào phân tích tâm lí của chính nàng Ruth. Được mệnh danh là một trong những bậc thầy mổ xẻ cảm xúc, ở cuốn sách này, London đã dẫn người đọc đi vào mê lộ của những cuộc tình “lệch chuẩn”. Liệu Ruth thích Marin Eden vì động cơ nào? Vì sự mới lạ khi được tiếp xúc với người thuộc giai cấp dưới? Vì một tình yêu như sự ban ơn, hay liệu cô ta thấy rằng Eden mới là thực sống, còn bản thân mình suốt bao năm qua chỉ là sinh vật kí sinh trên những giá thể chính là nhóm người thượng lưu và giàu có?

London bằng tình cảm đó đã phân định ra những nỗi cách ngăn không thể xóa nhòa. Và trên con đường để đến với tình cảm ấy, dù được ghi nhận với những kết quả tương đối khả quan, thì hố sâu ấy không thể lấp đầy. Không chỉ mang tính “bản năng” có thể di truyền, mà chính Martin khi bỗng nhận ra bản thân có thể trở thành bản thể khác, thì cũng quay lại khinh khi quá khứ của mình.

Y ghê sợ cái hôn từ người chị gái, so sánh bàn tay mềm mượt của vị hôn phu, giọng nói lanh lảnh như bạc của nàng… với những bàn tay của gái quán bar và những cô nàng làm ở công xưởng. Y thay đổi mình, từ cai rượu, biết là quần áo… cho đến tập đeo cổ cồn để phù hợp hơn với chốn giàu sang. Đây là động lực của sự thay đổi, cũng như bản chất của những bước nhảy từ các giai tầng, mà bằng những mô tả tinh tế, London đã phác nên được một bức tranh chung vì sự tiến lên.

Nhưng liệu những nỗ lực ấy có mang đến được kết quả? Khi đang lâng lâng nhìn thấy giấc mơ của mình đã len ra khỏi thế giới kì ảo để thành hiện thực, thì cũng là lúc Eden nhận ra đối diện với mình là đỉnh núi khác, những thách thức mới đòi hỏi người đối diện nó phải có can đảm và sự phản kháng lên đến cao nhất. Con đường trước mắt Eden những tưởng đã được vạch ra với sự giúp đỡ cũng như giáo dục từ Ruth, nhưng rồi y sớm nhận ra nó có vấn đề.

Trong việc tiếp thu những nền học thức, y bỗng thấy mình đang đến gần hơn với những câu hỏi gần như bất khả có thể phản hồi về mặt triết học, về nguồn gốc con người và sự vận động của loài giống ấy. Liệu y sẽ đi con đường tiếp thu kiến thức một cách đại cương như Ruth đã từng, hay sẽ đi tắt đón đầu, học hỏi từ chính thực tế mà mình trải qua? Những tưởng là những lựa chọn rồi sẽ cùng nhau dẫn về La Mã, thế nhưng ít nhiều nó cũng đại diện cho những lớp người, giữa trống rỗng, giàu sang… với sâu sắc nhưng đầy nghèo khó.

Trong phòng khách nơi nhà của Ruth, Eden đã có những trận hỗn chiến kinh hoàng ở thời điểm đó, với các Thẩm phán, luật sư, nhân viên nhà băng… những người đang đại diện cho thể chế chính quyền, cho một giai tầng không thể chạm vào. Eden nhận ra tất cả bọn họ đều không hiểu được chỉ một ý tưởng triết lí mà y suy nghĩ, để rồi cười cợt những người vĩ đại cũng bằng ngu ý của bản thân mình. Từ đó Eden nhận ra cả một cỗ máy, nơi các giá trị, tài năng… bị dìm xuống bùn, chỉ còn xã giao, không thật và sự bày vẽ kết bè kéo cánh.

Đối với Eden, cả cuộc đời này là một cỗ máy mà y cũng dự phần vào. Bất cứ bánh răng của phù hoa nào cũng được thúc đẩy, hỗ trợ và nhận động lực từ bánh răng khác, làm hoàn hảo chúng bằng cách tra “dầu giả hiệu”. Không còn khoảng trống cho những tài năng, cho những con người thật sự nghiêm túc và không thực sống. Đi suốt tác phẩm, cuối cùng Eden cũng đã nhận ra cảnh huống của mình, và chấp nhận nó.

Cái kết của tác phẩm này đậm tính tượng trưng, bởi nước và sự vô hạn của bản thân nó cũng tương đồng với mọi sự bất công vẫn đang diễn ra. Tuy không còn những linh ảnh sau khi bộ máy bắt đầu, thế nhưng suy nghĩ cuối cùng từ chính Eden cũng là một lời đáp trả, một sự thừa nhận rằng bản thân mình không thể chống chọi, và cũng không thể chấp nhận bị nó đồng hóa.

London khép lại tác phẩm ở giây phút đó, không mở rộng hơn vào những hậu cảnh, như đó là điều hiển nhiên của đời xoay vòng, và rồi bánh răng sẽ tiếp tục quay, liên hồi giã nát những người chống đối, và sẽ muôn đời làm chệch đi chính cuộc đời mà nó đương mang, với hỗn loạn, giả dối, trống rỗng và đạo đức giả.

 

Cuốn Martin Eden.

 

Những điểm đồng quy

Được đánh giá là tác phẩm hay nhất của Jack London, Martin Eden theo đó ít nhiều cũng là một bán tự truyện của chính tác giả trong nhiều chi tiết. Để từ nơi đó, London cũng đã thể hiện được những quan điểm của mình về văn chương, nghệ thuật, chủ nghĩa cá nhân… cũng như đời sống bát nháo của một xã hội gần như cuồng loạn.

Theo đó có cùng xuất thân, Eden như phiên bản khác của chính London, khi cũng trải qua rất nhiều cay đắng để vươn mình đến thành công. Nếu nhân vật chính là một thủy thủ trên những con thuyền đi khắp thế giới, và bị ảnh hưởng bởi sự bỗ bả cùng những tác động mang tính tiêu cực… thì London ngay từ xuất thân cũng là con trai của một thợ xây không có gia sản, và được truyền lại tình yêu đối với văn chương nhờ mẹ của mình.

Trong nghệ thuật đó, Eden đã đi từng bước lên đến đỉnh cao, dẫu cho phải chịu bầm dập qua những tuyệt vọng. Khởi phát từ một người viết duy ý chí, y sớm nhận ra đối mặt với mình ở những tòa soạn, nơi giấc mơ gửi gắm, không hề có những con người, mà “chỉ có những bánh răng đã được tra dầu và chạy rất mượt trong một chiếc máy”. Bởi đó là những bản thảo được gửi trả gần như hoàn toàn, với lời từ chối một cách tinh tế đã được soạn sẵn, mà không để lại một chút cảm xúc hay góp ý nào.

Thế nhưng Eden là một “chiến binh ngoan cường”, người dốc lòng mình cố nhét bản thảo vào hệ thống đó, dù cho bản thân thì đang rỉ máu, bởi cái đói, cái nghèo và sự tuyệt vọng. Bởi y nhận thức được sự thần thánh của việc viết lách, khi những cảm giác và các xúc cảm được nói hết ra và được chuyển thể thành lời. Chính sự chuyển hóa giữa các định dạng chính là hành động mang tính phép màu, cho y được đến gần hơn với thế giới chung.

Eden ở đó chính như đại diện cho sự thất vọng giữa các nhà văn với giới xuất bản, trong mức thù lao gần như không đủ, cũng như những lần bị quỵt luôn cả giá trị sáng tạo. Giới báo chí đó chính là thế giới của những bánh răng được thu nhỏ lại, nơi đạo đức của những cá nhân đang sống quanh y là mớ hỗn độn của tiền tài, sự siêu hình, tình cảm ủy mị và thói bắt chước lẫn nhau.

Eden ngày càng “tăng tốc” chính khác biệt ấy bằng cách xây dựng Brissenden – tác giả vĩ đại, và cũng là người sáng tác ra bài thơ hay nhất mọi thời đại mang tên Phù du. Là người khoái lạc và không màng đến những chuyện sống chết, Brissenden chính là một phiên bản khác của chính Eden, là người nhận ra được bộ mặt thật, và là linh ảnh của những nữ thần báo tử, nơi rồi chính y cũng sẽ đi đến, hành động và rồi nhận ra chân lí muôn đời, rằng mình không thể đánh bại được nó.

Và cũng bởi nút giao ấy, mà rồi Eden sẽ gặp London ở một nơi khác. Được viết trên chuyến tàu với hải trình qua Thái Bình Dương, London sáng tác Martin Eden với sự mệt mỏi vì bệnh đường ruột, cũng như những sự vỡ mộng với giới văn chương. Nhiều năm sau đó đời ông cũng sẽ kết thúc một cách bi thảm. Dù cho nguyên nhân đã được tiết lộ là dùng quá nhiều morphine, thế nhưng người ta cũng đã tự hỏi liệu động cơ ấy có là cố ý hay chỉ vô tình? Khó mà biết được, thế nhưng qua tiểu thuyết này, dường như London cũng đã để lại một tiếng vọng riêng cho thế hệ sau, về di sản cũng như nỗi đau mà ông đã phải chịu đựng.

Là cuốn tiểu thuyết có dung lượng dài và cũng phần nào mang tính tự truyện của chính London, Martin Eden là cuộc khảo sát lại bối cảnh thời đó, cũng như cho thấy mệnh đề vẫn luôn mâu thuẫn muôn đời, giữa nghệ thuật và tình yêu, giữa văn chương và cuộc sống… cũng như ý nghĩa của nghệ thuật đối với nghệ sĩ. Tác phẩm tham vọng và đầy ẩn dụ của London, từ góc nhìn của người thành công nhìn lại quãng đời đã qua của bản thân mình.

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)