“Ngày và đêm”: Xã hội siêu thực của Bae Suah

Chủ Nhật, 07/05/2023 12:57

Cùng Han Kang và Bora Chung, Bae Suah là một trong ba tiểu thuyết gia Hàn Quốc đương đại gây được tiếng vang không chỉ trong nước, mà còn là ở quốc tế. Ngày và đêm ra mắt vào năm 2013 nhanh chóng thu hút được sự chú ý, đưa Bae Suah từ lãnh địa văn chương ít người biết đến, trở thành một trong những cá tính táo bạo, độc đáo, ngang hàng với những cây bút lớn của văn chương siêu thực.

Tác phẩm xoay quanh Ayami – một người phụ nữ cuối tuổi 20, làm việc tại một rạp hát thường diễn những vở kịch nghệ chỉ có lời thoại cho người khiếm thị và các trường học địa phương. Tại đó cô đã có những cảm nhận khác thường, và rồi bước chân vào trong thế giới phi thực của một ngày đêm, với những thế giới song song và các cá nhân như được nhân bội bỗng dưng xuất hiện. Trong khoảnh khắc đó, thời gian đã hội tụ lại và rồi phân mảnh đến độ không ngờ, tạo ra ảo tưởng và sự tương hội vô cùng độc đáo.

Bức tranh siêu thực

Là nhà văn với cá tính độc đáo, Bae Suah đã viết nên thứ văn chương nhiều tính ẩn dụ, nặng hình tượng và phi tuyến tính. Ngày và đêm gồm 3 chương sách về 3 con người và 3 sự kiện, nhưng nó cũng có những điểm hội tụ, từ đó hình thành mạng lưới liên hệ, bắt cầu. Đầu tiên là Ayami và các sự kiện có liên quan đến Yeoni – cô giáo dạy tiếng Đức của mình, sau đó là Buha – người đàn ông vô danh, cũng như Wolfi – nhà thơ người Đức đến Hàn du lịch và rồi viết văn. Trong những tổ hợp của các sợi dây liên hệ, Bae Suah sử dụng khái niệm thế giới song song để nhân một người thành những doppelganger (kẻ song trùng) tương đồng, từ đó hình dung lại họ ở chiều không gian hoàn toàn khác biệt.

Bên cạnh là một tác giả, Bae Suah cũng là dịch giả tiếng Hàn cho các tác phẩm của nhà văn Đức W.G.Sebald. Và chính sự ảnh hưởng đó cũng xuất hiện trong tác phẩm này, khi ta thấy thời gian – đối tượng quan trọng trong các tác phẩm của bậc thầy người Đức – đã được Suah hiệu chỉnh, bẻ cong và rồi tạo thành phương tiện lưu giữ kí ức, như những tấm palimpsest chứa đầy những lần viết xuống chồng lấp lên nhau, từ đó tạo ra truyện lồng trong truyện chạy đến vô hạn, mà đúc kết lại bằng sự ngẫu nhiên.

Nhà văn Bae Suah.

Ở đây ta có thể thấy Bae Suah đã rất tinh ý để chọn được ra nhiều cặp sự kiện vô cùng lí thú, mà chúng chỉ có thể giải đáp lẫn nhau khi ta dần dần tiếng sâu vào thế giới đó. Những thứ hữu hình mà nữ tác giả thể hiện một cách minh bạch chính là con voi trong tranh của Dalí hay Max Ernst, để rồi những thứ vô hình chính là cái chân dài ngoẵng như muỗi (của Dalí) hay là một cặp ngà khác (trong tranh của Ernst).

Không gian mà nữ tác giả lựa chọn luôn mang tính chất tạm bợ, cũng tương tự với dòng chảy thời gian mà các sự kiện đang dần chảy qua. Ở đó ung thư, bệnh phong, ăn mòn, cái nóng và sự ngẫu nhiên chiếm thế thượng phong, bịt kín hết mọi lối thoát của con người ta. Trong các mô tả của Suah, ta thấy cô đến rất gần với chất huyền ảo của vùng Latin (trong cuốn sách này cô cũng nhắc đến Jorge Amando và một mảnh đất nằm ở Chile), nhưng thật ra, ta có thể thấy sự khuếch đại đó nằm trong các đối tượng chính, là các hồn ma, bóng tối, những người đã chết, các khu phố nghèo và những “tổ chức” không thể giải mã… một điều quen thuộc trong các cuốn sách như của Isabelle Allende hay Carlos Fuentes.

Ayami là trọng tâm chính, cũng là “trạm nối” của câu chuyện này. Ở cá nhân đặc biệt ấy, ta thấy một sự lùi ngược thời gian (khi là bé gái khiếm thị trong bộ hanbok trắng) hoặc là đẩy nhanh (trở thành người phụ nữ già với bộ trang phục toát ra mùi cá). Cô là nhân vật tiểu thuyết, từ đó thúc đẩy cho sự hình thành của những con người khác quay xung quanh mình. Quy chung về một mặt phẳng, Bae Suah biến các nhân vật trở thành “sản phẩm trong trí tưởng tượng của nhau”, và rồi đối với độc giả, họ cũng trở thành “tác phẩm thứ cấp trong sự tiếp nhận” của hành động đọc.

Thế nhưng khi ta dựng cho cá tính thêm những bối cảnh, thì các nhân vật bỗng dưng sống động và vượt trội hơn. Tuy vậy sự mất kết nối hầu như mờ nhạt thì vẫn còn đó. Ta thấy ở họ có sự liên kết, thế nhưng như bị chắn ngang bởi bức tường kính. Bae Suah triệt tiêu hết sự giao tiếp về mặt cơ thể, và đó cũng rất có thể là một gợi ý để ta xem họ là những con người đứng riêng độc lập bên trong tổ ong lục giác. Ngay cả Yeoni, người sếp cấp trên, Buha, Wolfi… là những cá nhân từng có liên hệ một cách trực tiếp với Ayami, nhưng bản thân họ chỉ có tương tác về mặt tinh thần, không một cái chạm hay tác động nào lên cơ thể nhau.

Vẩn vơ như những tinh vân trôi dạt trên nền vũ trụ, Bae Suah liên kết chúng lại bằng những chi tiết lặp đi lặp lại những tưởng ngẫu nhiên, nhưng lại hoàn toàn là có chủ ý. Như Revenge của Yoko Ogawa, Bae Suah tạo ra cốt truyện thú vị một cách không ngờ, bằng việc mở rộng và rồi ghép nối trình tự những nucleotide thành DNA cho Ngày và đêm. Liệu Ayami là ai? Cuốn Con cú mù của nhà văn Iran Sadegh Hedayat mà Yeoni đọc cho Ayami nghe, có liên quan gì đến Buha – người từng tham gia vào dòng thời gian của chính nhà văn, cũng như nơi chốn làm việc cho những người mù và không cần nhìn?

Từ nghệ thuật viết, Bae Suah cũng càng nhấn mạnh nỗi sợ trở nên vô hình, nên những chi tiết, nhân vật và cả thế giới tiểu thuyết trong tác phẩm này đều tồn tại đâu đó một sự khớp nối, kêu gọi đi cùng, để không biến mình thành người vô hình, mang theo cảm giác tan rã, hao mòn trong từng dữ kiện. Như sự thu gọn cho đến vô cùng, mỗi một cá nhân đều chứa trong mình một câu chuyện khác, một con người khác, một kiếp sống khác… Từ đó làm đầy đủ thêm bản năng của một cá thể, để họ giữ vững chỗ đứng và tồn tại thật trong cõi đời này.

Phía sau đá tảng

Nỗ lực giải mã Ngày và đêm cũng như Bae Suah có thể nói rằng là điều bất khả, bởi nó có đến hàng nghìn, hàng vạn những cách xem xét. Đặt về nguồn gốc của những chia sẻ mang tính cá nhân trong một cuộc phỏng vấn, mà như cô nói, mình chưa từng nghĩ nó sẽ xuất hiện ở một ngôn ngữ nào khác riêng ngoài tiếng Hàn, thì Ngày và đêm cũng là nỗ lực để khái quát hóa xã hội Hàn Quốc và những con người mà nó ôm ấp.

Nhân vật trong tiểu thuyết này, từ Ayami, Yeoni cho đến Buha hay vị giám đốc… đều là những người lạc lõng cũng như thất bại trong cuộc đời mình. Nếu Ayami là người diễn viên đã từ bỏ nghề, làm việc trong một nơi chốn mà cô hầu như luôn luôn vắng mặt, thì Buha lại gặp thất bại trong nghiệp viết văn, khi muốn trở thành nhà thơ nhưng rồi rẽ hướng làm những việc khác. Họ là cá thể được đặt trong một tình thế bất khả kháng cự, như một con mèo nằm trong lồng chim, từ đó vẩn vơ và sống qua ngày.

Tiểu thuyết Ngày và đêm.

Do đó Ngày và đêm nếu đơn giản hóa là một liên tưởng mang tính siêu thực về sự lạc lõng, của con người, của thành phố và cả những gì cấu thành nên nó. Ở thành phố ấy, ta thấy khá nhiều “bí mật” cũng đã diễn ra. Là người phụ nữ áo xanh với đời sống tình dục phóng túng, là người truyền giáo với lời “sấm truyền”, cũng như những người mất tích và rồi phát hiện là đã qua đời ở trên gác mái… Họ xuất hiện và rồi biến đi không một chỉ dấu, để chỉ còn lại là những dư ảnh lướt qua mống mắt, từ đó tạo ra một linh tính khác cho sự liên hệ.

Seoul trong tiểu thuyết này cũng được hiện lên có phần sống động. Bae Suah dùng một chi tiết có nhiều sức gợi, đó là chàng trai chết dưới mũi xe của một đoàn người, gồm những nhà sư và người đàn bà ngồi yên đọc sách. Chàng trai hay Buha đó là sự lạc lõng không biết về đâu, trong khi nhà sư là những khía cạnh văn hóa phương Đông, còn người phụ nữ lặng yên đọc sách như việc bói bài hay bói lá trà, phía trên những bàn cầu cơ của văn hóa Tây phương. Càng dần về cuối, Bae Suah cũng thêm vào sự xuất hiện của một người Đức, với Burger King và những xung đột về mặt thời tiết, văn hóa… càng làm rõ hơn Hàn Quốc đang nằm chênh vênh giữ những bến bờ.

Và một điều khác, là những cách ngăn về mặt giai tầng cũng như kinh tế đã được họa lại. Mang theo màu sắc có phần sẫm đen, Bae Suah đi theo trường phái của Max Ernst, để khoác lên cuốn tiểu thuyết toàn những cảnh trí có phần khác lạ, là những căn nhà nằm cuối ngõ hẻm, nắng không chiếu đến, khu phố nghèo nàn và những con người chìm xuống tận đáy... Đây cũng là một bí mật ẩn sâu dưới sự xa hoa của chốn thành thị, nơi chó sủa trăng và tiếng nói của những con người có phận thấp bé trở nên chìm khuất, không thể nghe thấy.

Ngoài ra nó còn ẩn chứa tình hình chính trị, về sự chia cắt giữa hai bán đảo hai bên đất nước. Những đợt sóng nhiệt tàn phá Seoul và rồi để lại những cơ thể người, với hơi nóng như các vết đạn chậm rãi, đang cháy âm ỉ trong miệng núi lửa… có đang khác gì những cảnh chiến tranh mà ta đang biết trong căng thẳng thực của hai chế độ? Bae Suah càng làm rõ hơn khi vào phần cuối, cô viết về những ấn tượng của nhà thơ già, nơi những đám mây súng máy, nơi những ánh chớp cảnh báo mang sắc đỏ đậm… dần dần xuất hiện, để từ giả tưởng bước ra hiện thực là một thực tế không thể xóa nhòa.

*

Từ những điều trên có thể thấy rằng bằng tài năng hư cấu cũng như xây dựng được tính ẩn dụ ở trong văn chương, Bae Suah đã viết nên một tác phẩm hoàn toàn đa nghĩa, nằm lặng giữa những thế giới và các cách diễn giải, từ đó mời gọi người đọc đi sâu vào những giấc mơ của bản thân mình. Bae Suah chính là một nhà văn lớn, không riêng chỉ của Hàn Quốc, mà còn là một trường hợp vô cùng độc đáo trên văn đàn thế giới, mời gọi xem xét, liên tục giải mã.

 ĐOÀN ANH TUẤN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)