Khúc ca tự do của Michael Chabon

Thứ Tư, 24/05/2023 00:16

Chiến thắng giải Pulitzer vào năm 2000, Những cuộc đào tẩu ngoạn mục của Kavalier và Clay từ tiểu thuyết gia Michael Chabon là một tác phẩm lấp lánh, to lớn và đầy chi tiết như bức tranh khảm. Ta thấy ở đây rất nhiều câu chuyện được khâu trên nền hai yếu tố chính: ma thuật và truyện tranh. Như các bậc thầy mà một trong hai nhân vật chính tôn thờ: Tesla, Pasteur, London và Houdini; tác phẩm là nỗi khao khát và sự bất an gắn với tuổi trẻ, thời đoạn và các kì vọng tan vỡ.

Tiểu thuyết xoay quanh hai nhân vật chính – Sammuel Clay và Josef Kavalier, cũng như hành trình “đào tẩu” khỏi những áp bức của hai người họ. Một người sinh ra vốn đã dị dạng và rồi mất cha, và người còn lại là gốc Do Thái vô cùng gian truân. Liệu họ có đánh bại đời những năm 40 và rồi trở thành những con người tốt, hay mãi đắm chìm trong một hố đen và rồi gục ngã chính tại nơi đó?

Tự do ở đâu?

Tiểu thuyết gia Michael Chabon.

Cũng như phần lớn các tác phẩm khác thắng Pulitzer, tiểu thuyết của Michael Chabon kéo dài cuốn sách của mình qua nhiều thế hệ, cũng như phản ánh nước Mĩ của thời biến động. Cùng chung nội dung với cuốn Bình yên nước Mĩ đã được vinh danh 2 năm trước đó của Philip Roth, ta có thể thấy cả hai đều viết về những vết thương, về lai lịch Do Thái cũng như những sự vỡ mộng của nỗi kì vọng. Cả Roth cũng như Chabon có cách tiếp cận khá tương đồng nhau, khi cho cả hai nhân vật cùng làm những nghề như đang đại diện cho vấn đề của mình.

Với Bình yên nước Mĩ, Roth đã đi sâu vào sự sụp đổ của những kì vọng, khi ông cho cặp vợ chồng trong sách của mình có những vị thế không ai sánh bằng. Một người giàu có trong ngành thuộc da, một người là hoa hậu hạt. Cả hai đều khoác lên mình là nhiều danh xưng, thế nhưng thực tâm trong họ trống rỗng. Và khi “quả bom” là cô con gái họ dần dần phát nổ, họ đã suy sụp và rồi gục ngã, bởi lẽ kì vọng cho đến cuối cùng chỉ là một lớp da ngoài.

Đương đại hơn thế, Chabon gán cho Kavalier cùng người bạn Clay trong tiểu thuyết này ngành viết truyện tranh. Qua đó ta thấy được gì? Tác phẩm “không tưởng”? Dành cho trẻ con? Hay là món hàng thu nhiều lợi nhuận? Quan trọng hơn thế, Chabon đi giữa lằn ranh của một phương thức biểu đạt thời đại và những khoảng trời nó có thể có. Binh đoàn siêu nhân, những kẻ hủy diệt, những người thoát thân… giờ còn là một tiếng kêu vang lên bất lực, giữa một cá nhân hoàn toàn bé nhỏ, và phía bên kia là những nanh vuốt của Đệ tam đế chế bắt đầu thức dậy.

Qua những khung vẽ, cả Sam cùng Kavalier dựng lên cho mình những lớp vỏ ngoài. Nếu những bộ đồ bó sát, những thớ cơ dày, các phép thuật lạ… mang đến được sự hấp dẫn cho giới độc giả, thì đối với Sam đó là ước vọng của sự giải thoát. Giải thoát cho cậu khỏi những khuyết tật, buông tha cho cậu người bố mình không thể có, cũng như tự hào về những tác phẩm như việc thừa nhận bản thân là ai, và sống vì nó.

Kavalier rõ ràng hơn thế, phản đối Hitler thông qua truyện tranh. Những nhân vật chính trải qua biết bao thử thách: những bầy thiết giáp, kị binh bão tố, cá mập lúc nhúc, những vòng khí gas, các khẩu đại bác… cho đến cuối cùng chỉ để vung một nắm đấm vào mặt Hitler, kẻ đã giam giữ cả nhà của cậu ở nơi Praha như một địa ngục đau thấu trời xanh. Cuộc chiến cũng như lí tưởng không thể gục ngã của hai người trẻ chính là tiếng vọng của sự tự do, của việc thoát ra khỏi mọi định kiến, và rồi tiến bước thực hiện ước mơ.

Kavalier cũng như là Clay như “nhân vật sống” đang bước ra từ những phố nghèo từ nước Anh xa xôi của Charles Dickens, chịu nhiều thử thách để rồi cuối cùng vươn đến thành công. Nhưng với sức ép của thời đại đó, liệu họ có thể vươn mình thoát khỏi số phận mà vẫn không bị đè nén bởi những áp lực. Sâu trong cả hai nhân vật là cuộc truy tìm căn tính cá nhân, từ chối bỏ nó đến chấp nhận nó, từ thật kiên quyết để rồi buông xuôi… Thế nhưng cũng như chủ nghĩa nhân đạo mà chính Dickens là dòng chủ lưu, ta thấy càng về cuối sách họ đã tìm ra lối thoát cho bản thân mình, khi đó không phải một điều gì quá xa xôi, mà là nhìn thấu và biết chia sẻ với người cạnh bên.

Chabon nổi bật với cách sử dụng hình tượng vô cùng khác biệt và đa ý nghĩa. Nó không đứng riêng và được xây dựng đi theo nhiều điều cùng bổ trợ nhau dẫu cùng một lúc. Chẳng hạn hành trình đến với nước Mĩ trong cỗ quan tài cùng với Golem có nào khác chi danh tính Do Thái cũng như mùi hương thối rữa cách xa khỏi đó hơn nửa bán cầu? Tòa nhà Empire và sự gieo mình là lời hồi đáp chủ nghĩa tư bản, cũng như ảo thuật dùng trong truyện tranh đó là phản chiến một cách chân thật và đầy tế nhị, đúng theo kiểu Mĩ của những người Mĩ…. Qua những điều đó có thể khẳng định Chabon có tài năng lớn trong việc đánh thức những sự liên hệ, từ đó khuếch đại những ảo ảnh này lên mức cao nhất và nổi bật.

Nước Mĩ hiện thực

Cho Sam thích Jack London, Chabon đã vẽ nên một “phòng khách” vô cùng hào hoa và cũng hỗn loạn trong bối cảnh đó. Xuất thân nghèo nàn từ tầng lớp dưới, buổi tiệc thượng lưu ở nhà Deasey cũng chính là thứ Martin Eden đã từng trải qua. Trong căn phòng ấy, họ gặp đủ thứ loại người, từ các nghệ sĩ đi theo chủ nghĩa hình tượng, chủ nghĩa thuần túy, chủ nghĩa sức sống… cho đến chuyên gia của tục hiến người sống ở Yuggogheny, những người thờ chim ở cao nguyên Đông Dương, cũng như là người đại diện cho thuốc nhuận tràng… Trong cõi ô hợp thượng vàng và hạ cám đó, thứ chờ đón họ là lũ xu nịnh cũng như bộ đồ ngớ ngẩn của Salvador Dalí.

Những cuộc phiêu lưu của Kavalier và Clay.

Nhưng cũng từ nơi đông nhung nhúc ấy, cả một tình yêu cũng kịp thành hình. Chabon không những là nhà nhân văn có tính nhân văn, mà ông còn có khả năng tạo nên khung cảnh hoàn toàn say đắm. Căn phòng tối mù cùng với chiến giường hẹp của loài bướm đêm với nàng Rosa như tái hiện cảnh một đàn bướm trắng trong cuốn Cuốn sổ vàng của Doris Lessing. Trong khi những cảnh dạo bước đi vào tinh cầu của một thành phố trong mơ đến từ đấu xảo của riêng chàng Clay thì lại thoát tục như chốn thiên thai. Từ mạch hiện thực đến mạch kì ảo, từ mạch tiểu thuyết đến mạch truyện tranh… Cả hai đã được Chabon xử lí hoàn hảo, và rồi tạo ra tác phẩm có phần trác tuyệt.

Nhiều người gán cho cuốn tiểu thuyết này một chủ đề chung là “giấc mơ Mĩ”, nhưng liệu nó có đúng không? Rõ ràng là Sam cùng Joe không hề tự mình đặt chân đến Mĩ. Một người đã sinh tại nơi chốn ấy, một người đến đó nhờ thuật thoát thân… và không mơ điều gì hướng về vật chất. Cả hai người họ là suy tư riêng, một người muốn được trả thù, và người còn lại muốn được công nhận. Sự nghiệp truyện tranh ngày càng thăng hoa có lúc hơn 200 trang chỉ trong 1 tuần nó như tương đồng với tòa nhà cứ cao cao mãi trong cuốn cùng tên của Steven Millhauser (và cũng thắng Pulitzer 1997), tuy không cho thấy bản chất tương đồng, như nó bộc lộ được sự tàn nhẫn chính của tư bản.

Truyện tranh với hai người họ “không chỉ nói về bạo lực và sự trả thù. Nó còn gắn kết một chuỗi những niềm hân hoan bình dị có được chỉ từ những cử động tự do của một cơ thể hoàn thiện, theo một cách không chỉ lắp đầy niềm khát khao của đứa em họ tật nguyền, mà còn của cả thế hệ yếu đuối, vụng về và ham chơi”. Thế nhưng những gì mà ông chủ Mĩ có thể nhìn thấy chỉ là món hời mà họ tranh đấu để có lợi nhuận (mà tòa Empire States vào lúc đó cũng gần giống Millhauser) và những phiên tòa kết tội kệch cỡm, cũng từ một người có thể xuất hiện chính trong bữa tiệc Dali suýt chết.

Cuối cùng cuộc đào tẩu ngoạn mục nhất của hai người họ chính là thoát khỏi tâm lí dằn vặt của chính những điều không thể thay đổi. Như sự kháng cự khi bị đẩy đến những ngưỡng xa nhất của sắp mất mạng, thuật thoát thân dù qua ảo thuật, truyện tranh hay nhận ra được con người của mình… đã dạy cho họ bài học quan trọng, là phải “quen được với cảm giác trói buộc”. Như thầy của Joe đã từng chỉ bảo “dây trói giờ trở thành bộ pijama bằng lụa của con, là cánh tay yêu thương của con”. Nói được điều ấy, bởi lẽ “tự do là một món nợ mà ta chỉ có thể hoàn lại bằng cách mua nó từ người khác”, do đó hành trình đào tẩu mãi không dừng, và cách duy nhất để thay đổi nó là tự chấp nhận, cứ thế sống thôi và neo vào đó.

Là một tiểu thuyết mang theo dáng dấp đậm tính sử thi, bằng các hình tượng hoàn toàn mới lạ, Những cuộc đào tẩu ngoạn mục của Kavalier và Clay đã đưa người đọc đến với kì vọng cũng như hành trình sống bên trong nó. Dữ dội mà sắc sảo, hài hước mà chua cay, Michael Chabon đã tạo nên một cuốn sách vô cùng ấn tượng và nhiều xung động, đánh thức trong ta bài học tự do cũng như trân trọng những gì mà ta đang có.

NGÔ THUẬN PHÁT 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)