Giải thưởng Pulitzer lần thứ 107 trao giải cho các hạng mục nghệ thuật: văn học, âm nhạc và kịch Lần đầu có hai tiểu thuyết cùng chiến thắng giải Pulitzer Năm nay, hai cuốn tiểu thuyết Demon Copperhead và Trust (tạm dịch: Niềm tin) của Hernan Diaz đã được vinh danh cho các chiến thắng cao nhất ở hạng mục hư cấu. Trong đó tác phẩm của Barbara Kingsolver đã tái hiện lại tác phẩm kinh điển David Copperfield của Charles Dickens đặt trong những ngày hiện tại, còn Trust xoay quanh câu chuyện về sự giàu có và những lọc lừa, lấy bối cảnh ở New York những năm 1920. Trước khi chạm tay đến Pulitzer, thì những cuốn này cũng từng năm trong danh sách đề cử của nhiều giải thưởng danh giá. Theo đó Trust từng vào đến vòng đề cử dài của giải Booker cũng như được các tạp chí The New York Times và The Washington Post vinh danh là một trong những cuốn sách hay nhất năm qua. Cũng tương tự thế, cuốn tiểu thuyết của Kingsolver cũng được Ophrah Winfrey chọn vào câu lạc bộ đọc sách thường niên của mình, và mới đây nhất nó cũng lọt vào danh sách rút gọn của giải Women’s Prize for Fiction. Demon Copperhead là một câu chuyện nói về sự đấu tranh và lòng kiên trì của một cậu bé lớn lên ở miền nam Appalachia. Tác giả của nó, nữ nhà văn Kingsolver, 68 tuổi, từ lâu đã thường lồng ghép các vấn đề xã hội vào trong tiểu thuyết của mình xuyên suốt văn nghiệp, với các tác phẩm có thể kể đến như The Bean Trees (tạm dịch: Những cây đậu thần), The Poisonwood Bible (tạm dịch: Kinh Thánh độc mộc)… Những cuốn sách này cũng từng đoạt giải PEN/Bellwether dành cho tiểu thuyết hay nhất có nói đến việc gắn kết xã hội. Trao đổi thông qua điện thoại, Kingsolver nói rằng bà coi giải Pulitzer như là một sự khẳng định không chỉ cho cuốn tiểu thuyết, mà còn cho một bộ phận vốn bị bị hiểu lầm và thường là bị bỏ qua của nước Mĩ hiện đại. Bà chia sẻ thêm: “Tôi viết cuốn tiểu thuyết này cho người dân nơi mà tôi sống vì họ dường như vô hình với phần còn lại của thế giới này, và cũng vì thế họ rất thường xuyên bị xuyên tạc và bỏ qua. Tôi không thể hạnh phúc hơn [với giải Pulitzer] vì lí do này”. Nhìn nhận về tác phẩm này, các nhà phê bình cho rằng Kingsolver không chỉ đơn thuần là “khoác chiếc áo hiện đại” cho tác phẩm cũ của đại văn hào Charles Dicken, mà còn là “tái định cư bối cảnh ở miền nam Appalchia”, từ đó tiến hành một cuộc khảo sát li kì và đầy khốc liệt về hệ thống chăm sóc cũng nhưng cung cách ứng xử với những cá nhân cũng như cuộc đời không được may mắn. Trong khi đó Diaz, tác giả của Trust thì tiết lộ rằng ông thấy cuốn sách của mình và của Kingsolver đã cùng tiếp cận chung một chủ đề, nhưng là từ những góc nhìn có phần khác nhau. Theo đó nếu Demon Copperhead kịch tính hóa cuộc sống ở tầng lớp dưới cùng với sự phân chia giữa giàu và nghèo một cách cực đoan, thì Trust là một cuốn sách với nghệ thuật truyện lồng trong truyện về một ông trùm tài chính và con gái ông ta, từ đó khám phá cách mà thế giới tư bản thường được tạo ra. “Tôi muốn nói về quá trình tích lũy của cải, cũng như vạch trần một cách rõ ràng các vấn đề có liên quan đến đẳng cấp và tiền bạc”. Diaz, 49 tuổi, trước đó cũng từng lọt vào vòng cuối của giải Pulitzer với cuốn tiểu thuyết đầu tay In the Distance. Tuy nhiên lúc đó ông chia sẻ rằng mình chưa sẵn sàng để có chiến thắng. Diaz đã tiết lộ rằng mình nhận được tin chiến thắng khi đang dùng bữa ở Greenville, trong khuôn khổ một chuyến booktour để quảng bá cho Trust. Ông chia sẻ rằng: “Tôi phải rời khỏi nhà hàng khi biết tin ấy, và tôi bắt đầu nấc trên ngay trên lề đường. Thật là xấu hổ. Ba người phụ nữ rất tốt bụng sau đó đã đi ngang qua và ân cần hỏi: ‘Này cậu, có chuyện gì thế?’ Sau đó tôi đã giải thích và tất cả chúng tôi đã ôm lấy nhau. Thật là ngọt ngào.” Ông cũng chia sẽ mình đã viết văn từ khi còn là đứa trẻ, và có những cuốn từng bị từ chối bởi đã “nhiệt tình một cách thái quá”. Nhưng việc được chia sẻ giải thưởng với Kingsolver cũng khiến ông rất hạnh phúc.“Bà ấy là một tiểu thuyết gia xuất sắc cũng như tuyệt vời. Tất cả điều này thật là quá sức chịu đựng”. Ngoài hai tác phẩm trên, thì cuốn The Immortal King Rao (tạm dịch: Vương triều thượng lưu bất tử) của nhà báo và tiểu thuyết gia Vauhini Vara cũng lọt vào trong danh sách đề cử. Cuốn tiểu thuyết đầu tay này kết hợp câu chuyện về người nhập cư và mạch truyện khác thuộc thể loại khoa học viễn tưởng, từ đó kể những câu chuyện về sự trỗi dậy của một doanh nhân công nghệ và sự nổi loạn của con gái ông ta. Những hạng mục khác Bên cạnh chiến thắng ngoạn mục của 2 tiểu thuyết, thì một số tác phẩm với chủ điểm xoáy vào chủng tộc cũng được vinh danh. Theo đó G-Man của Beverly Gage, về vị lãnh đạo tổ chức FBI lâu năm - J. Edgar Hoover, đã được trao giải cho hạng mục tiểu sử. Trước đó nó cũng nhận giải Bancroft, Giải Sách của tờ Los Angeles Times và Giải thưởng từ Hiệp hội lịch sử New York. Đây là một cuốn tiểu sử quan trọng về Hoover, và được giám khảo của giải Pulitzer ca ngợi vì “cái nhìn sâu sắc về những thành tựu to lớn và những sai sót không thể che phủ”, khi nó gồm những chi tiết tương đối đau đớn trong vụ ám sát nhà vận động hòa bình Martin Luther King Jr. His Name Is George Floyd: One Man's Life and the Struggle for Racial Justice (tạm dịch: Anh ấy là George Floyd: Cuộc đời của người đàn ông và cuộc đấu tranh cho công bằng chủng tộc) của Robert Samuels và Toluse Olorunnipa cũng được vinh ở hạng mục phi hư cấu, trong khi Freedom's Dominion: A Saga of White Resistance to Federal Power (tạm dịch: Sự thống trị của Tự do: Câu chuyện về sự phản kháng của người da trắng đối với quyền lực liên bang) của Jefferson Cowie thì được gọi tên ở hạng mục lịch sử. Giải Pulitzer về âm nhạc được trao cho nữ ca sĩ và người viết nhạc Rhiannon Giddens và Michael Abels cho vở opera Omar, kể về một học giả Hồi giáo bị bắt và bán làm nô lệ. Vở kịch English (tạm dịch: Tiếng Anh) của Sanaz Toossi cũng giành chiến thắng cao nhất ở hạng mục kịch. Ban giám khảo của giải Pulitzer ca ngợi tác phẩm này là “một vở kịch có sức mạnh thầm lặng, kể về bốn người Iran đang chuẩn bị cho kì thi tiếng Anh tại một trường học gần Tehran, nơi mà sự chia cắt gia đình và những hạn chế của việc đi lại đã buộc họ phải học một ngôn ngữ mới có thể thay đổi danh tính và đại diện cho một cuộc sống mới.” Ở mảng hồi kí, giải thưởng cũng được trao cho tác phẩm đầu tay Stay True (tạm dịch: Luôn là sự thật) của Hua Hsu, nói về tình bạn được đặt trong những bối cảnh vô cùng phức tạp. Ban giám khảo ca ngợi đây là “cuốn sách nhẹ nhàng nhưng cũng sâu sắc về tuổi mới lớn, từ đó có những cái nhìn trẻ trung, mãnh liệt nhưng đầy bạo lực”. Ở hạng mục Thơ, một trong những nhà thơ được đánh giá cao của Mĩ là Carl Phillips cũng đã chiến thắng với tác phẩm Then the War: And Selected Poems, 2007 – 2020 (tạm dịch: Và rồi chiến tranh: Và những bài thơ được chọn, 2007-2020). |